Cách luyện tập thân thể trong bệnh crohn

Bệnh Crohn là bệnh mãn tính. Để chung sống hòa thuận với bệnh, bạn không chỉ cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ mà chính bản thân bạn cũng cần được trang bị “vũ khí” để đương đầu với căn bệnh khó chịu này. Sau đây, mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh Crohn qua bài viết sau đây nhé.

Nội dung bài viết

  • Bệnh Crohn là gì?
  • Triệu chứng của bệnh Crohn
  • Nguyên nhân của bệnh Crohn là gì?
  • Cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh Crohn?
  • Bệnh Crohn điều trị như thế nào?
  • Khi nào thì người bị bệnh Crohn phải phẫu thuật?
  • Những biến chứng có thể xảy ra của bệnh Crohn?
  • Người bị bệnh Crohn nên tránh ăn gì?
  • Sống thế nào với bệnh Crohn?
  • Phụ nữ mắc bệnh Crohn có mang thai được không?
  • Tầm soát ung thư ở người bệnh Crohn

Bệnh Crohn là gì?

Được đặt theo tên của Burrill Bernard Crohn – một bác sĩ người Mỹ, bệnh Crohn là một bệnh lý tổn thương đường ruột do viêm. Nó ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn, nhưng hay gặp nhất ở phần cuối của ruột non [hồi tràng]. Không chỉ vậy, bệnh còn ảnh hưởng đến các cơ quan ngoài ruột như: mắt, da, khớp.

Triệu chứng của bệnh Crohn

Các triệu chứng của bệnh Crohn có thể thay đổi mức độ từ nhẹ đến nặng. Chúng biến đổi theo thời gian, khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc vào phần nào của ruột bị viêm. Thông thường các triệu chứng phát triển dần dần, nhưng đôi khi xuất hiện đột ngột, không báo trước. Cũng có lúc các triệu chứng thuyên giảm hoặc biến mất và quay lại ở một thời điểm nào đó.

Các triệu chứng của bệnh Crohn, bao gồm:

  • Thường xuyên đi tiêu chảy tái đi tái lại.
  • Sốt.
  • Mệt mỏi, cảm thấy không có năng lượng.
  • Đau quặn bụng.
  • Có máu trong phân.
  • Loét miệng.
  • Ăn không ngon và sụt cân.

Bác sĩ có thể cần làm một số xét nghiệm cần thiết với mục đích: xác định chính xác xem bạn có bị bệnh Crohn hay không [vì triệu chứng có thể nhầm lẫn với bệnh khác]; đánh giá tiến triển và biến chứng của bệnh.

Nguyên nhân của bệnh Crohn là gì?

Nguyên nhân chính xác của bệnh Crohn vẫn chưa được biết. Trước đây, chế độ ăn và stress từng bị nghi ngờ. Nhưng hiện tại, các yếu tố này có thể làm nặng thêm nhưng không phải là nguyên nhân gây ra bệnh Crohn. Một số yếu tố, chẳng hạn như di truyền và hệ thống miễn dịch bất thường có thể có vai trò trong sự phát triển bệnh

Hệ thống miễn dịch bình thường của cơ thể được bảo vệ bởi hệ thống miễn dịch. Khi có tác nhân lạ xâm nhập, hệ thống này sẽ tiêu diệt và loại bỏ “những kẻ lạ mặt”. Nhưng vì một lí do nào đó, hệ thống này bị lỗi, chúng đánh luôn cả quân mình, làm tổn thương các mô trong cơ thể. Và trong trường hợp này là mô ruột, ngoài ra có mắt, khớp, da…

Hiện tượng di truyền Crohn phổ biến hơn ở những người có thành viên gia đình mắc bệnh. Vì vậy gen có thể đóng một vai trò trong việc làm cho mọi người dễ mắc bệnh hơn.

Yếu tố môi trường: Vi sinh vật như vi khuẩn, vi-rút, khói thuốc lá, có thể khởi phát đợt bệnh hoặc làm nặng hơn các triệu chứng hiện có.

Cần làm xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh Crohn?

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu máu hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân.
  • Nội soi đại tràng. Cho phép nhìn thấy toàn bộ hoặc một phần đại tràng. Nếu thấy có tổn thương, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ đem đi xét nghiệm để biết chính xác loại thương tổn.
Nội soi đại tràng
  • Chụp cắt lớp vi tính [CT]. Xem xét toàn bộ ruột cũng như các mô bên ngoài ruột.
  • Chụp cộng hưởng từ [MRI]. Nó đặc biệt hữu ích để đánh giá lỗ rò quanh vùng hậu môn [MRI vùng chậu] hoặc ruột non.

Bệnh Crohn điều trị như thế nào?

Hiện tại, chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh Crohn. Cũng không có phương pháp điều trị nào phù hợp cho tất cả mọi người. Mục tiêu của việc điều trị là giảm viêm, từ đó giảm bớt các triệu chứng. Đồng thời, điều trị giúp hạn chế các biến chứng xa hơn của bệnh.

Có nhiều thuốc có thể được kê đơn để kiểm soát tình trạng viêm. Tùy thuộc mức độ bệnh, các tác dụng phụ, tình trạng sức khỏe hiện tại mà bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc cho phù hợp.

Thuốc chống viêm thường là bước đầu tiên trong điều trị bệnh viêm ruột, bao gồm: Aminosalicylates [5-ASA], Corticosteroid, ức chế hệ thống miễn dịch, liệu pháp sinh học, kháng sinh.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng của bạn. Ví dụ như: thuốc chống tiêu chảy, thuốc giảm đau, thuốc bổ sung vitamin B12, sắt, vitamin D… Chú ý, các loại thuốc này thường chỉ là bổ sung chứ không phải là điều trị thay thế [thuốc kháng viêm]. Vì các thuốc bổ sung có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc chính, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Khi nào thì người bị bệnh Crohn phải phẫu thuật?

Nếu điều trị bằng thuốc và không thuốc không làm giảm các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Gần một nửa số người mắc bệnh Crohn sẽ cần ít nhất một lần phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng phẫu thuật không chữa khỏi bệnh Crohn, các triệu chứng có thể tái lại. Vì thế, bạn vẫn nên theo dõi sau phẫu thuật.

Ngoài mục đích giảm triệu chứng, phẫu thuật còn là cách để giải quyết biến chứng của bệnh. Dẫn lưu áp xe, đóng lỗ rò, tái lập lưu thông ruột khi bị tắc ruột, giải quyết ung thư… là những trường hợp cần phải phẫu thuật. Khi phẫu thuật, bác sĩ có thể cần loại bỏ đoạn ruột bị hỏng và nối hai đầu ruột khỏe mạnh lại với nhau.

Đa số các trường hợp mắc bệnh Crohn đều cần phẫu thuật

Những biến chứng có thể xảy ra của bệnh Crohn?

Cùng với các triệu chứng đau, bệnh Crohn có thể dẫn đến một hoặc nhiều biến chứng sau:

1. Tắc ruột

Do quá trình viêm, làm dày thành ruột hoặc quá trình lành sau viêm tạo các sẹo, kết dính các thành ruột với nhau. Khiến cho lòng ruột bị bít lại, ngăn cản sự lưu thông các thành phần trong ruột, gây tắc ruột. Trong nhiều trường hợp, cần phải can thiệp bằng phẫu thuật để loại bỏ đoạn ruột bị tắc.

2. Tạo lỗ rò

Rò là đường thông nối bất thường giữa hai cấu trúc của cơ thể. Khi bị viêm lâu ngày, tạo thành vết loét, ăn mòn hết thành ruột và qua cả các cấu trúc lân cận, tạo thành đường rò. Ví dụ như rò qua da [thường gặp ở các vết loét hậu môn], bàng quang, âm đạo, hoặc giữa các quai ruột với nhau. Khi đó, các chất trong đường ruột có thể qua đường rò đến các cơ quan này gây ra triệu chứng phân trong nước tiểu hoặc phân trong dịch âm đạo. Trong một số trường hợp, lỗ rò có thể bị nhiễm trùng và hình thành áp xe, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.

3. Rò hậu môn

Rò hậu môn là một vết rách nhỏ ở dọc hậu môn hoặc ở vùng da xung quanh hậu môn nơi nhiễm trùng có thể xảy ra. Nó gây ra đau khi đi cầu và có thể dẫn đến lỗ rò quanh hậu môn.

4. Suy dinh dưỡng

Viêm cũng ảnh hưởng đến các cấu trúc ruột khiến nó không thể thực hiện tốt chức năng của mình là hấp thu các chất. Bên cạnh đó, đau bụng, tiêu chảy có thể khiến bạn không muốn ăn hoặc kém hấp thu. Do đó, thiếu máu thiếu sắt, thiếu vitamin B12, vitamin D… là những hậu quả thường gặp.

5. Ung thư đại tràng

Mắc bệnh Crohn làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Do đó, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn thời gian, cách thức tầm soát cho phù hợp.

6. Các vấn đề sức khỏe khác 

Loãng xương, các bệnh lý về da, thận, gan, mật… cũng có thể gặp. Mọi thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, các bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm.

Người bị bệnh Crohn nên tránh ăn gì?

Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm nặng thêm các triệu chứng, đặc biệt là trong lúc bệnh đang ở tình trạng họat động. Vì vậy, người bị bệnh Crohn cần lưu ý kiêng cữ, hạn chế một số thức ăn sau.

Sản phẩm từ sữa

Nhiều người mắc bệnh viêm ruột bị tiêu chảy, đau bụng. Khi ngưng các chế phẩm có sữa thì triệu chứng được cải thiện. Điều này có thể là do cơ thể bạn không dung nạp sữa [cơ thể không thể tiêu hóa được sữa]. Sử dụng một sản phẩm bổ sung men lactase có thể giúp ích.

Thực phẩm có chất béo

Viêm ruột khiến ruột giảm chức năng, khó tiêu hóa và hấp thụ chất béo. Khi đó, chất béo không được hấp thu sẽ khiến bạn bị tiêu chảy nhiều hơn. Vì thế, bạn nên tránh đồ chiên rán, sốt bơ, kể cả bơ thực vật.

Thực phẩm nhiều chất xơ

Giải pháp là không ăn rau quả sống. Thay vào đó, thực phẩm hấp, nướng hoặc hầm có lợi cho bạn hơn.

Thực phẩm cay, rượu và thức uống có caffein

Nếu bạn có hút thuốc lá cũng bỏ ngay đi nhé. Những người mắc bệnh Crohn hút thuốc lá bị triệu chứng nặng hơn, dễ tái phát và kháng thuốc hơn. Bỏ hút thuốc có thể cải thiện sức khỏe không chỉ với đường tiêu hóa mà còn nhiều cơ quan khác.

Sống thế nào với bệnh Crohn?

Vì là bệnh mãn tính và cho đến bây giờ chưa có thuốc điều trị dứt điểm, việc hiểu biết một số vấn đề dưới đây có thể giúp bạn đương đầu với căn bệnh này.

Có vẻ như người bệnh Crohn có một chế độ ăn khá nghiêm ngặt khiến bạn không thoải mái. Một số tips nho nhỏ sau đây có thể giúp bạn:

  • Thực phẩm nào khiến triệu chứng của bạn tệ đi hãy tránh thật xa nó.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ. Ăn 5, 6 bữa nhỏ thay vì 2 hoặc 3 bữa lớn có thể khiến bạn dễ chịu hơn.
  • Uống nhiều nước lọc mỗi ngày.

Nếu quá khó chịu với chế độ ăn hiện tại, bạn nên thử gặp bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn.

Bạn nên tăng cường uống nước
  • Tránh căng thẳng, áp lực. Mặc dù căng thẳng không gây ra bệnh Crohn, nhưng nó làm cho triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn và  kích hoạt một đợt bệnh mới. 
  • Tập thể dục. Ngay cả việc tập thể dục nhẹ cũng có thể giúp giảm căng thẳng, trầm cảm và bình thường hóa chức năng ruột.
  • Thường xuyên thư giãn và tập thở sâu, chậm để bình tĩnh. Bạn có thể tham gia các lớp học yoga và thiền hay sử dụng sách, đĩa CD hoặc DVD tại nhà.
Bệnh nhân nên tránh căng thẳng, tập luyện thể dục thường xuyên

Phụ nữ mắc bệnh Crohn có mang thai được không?

Hầu hết phụ nữ mắc bệnh Crohn có thể mang thai bình thường và em bé khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số loại thuốc trị bệnh Crohn có thể gây hại cho thai nhi. Vì vậy, bạn nên nói với bác sĩ điều trị nếu vô tình có thai, không nên tự ý ngừng thuốc.

Phụ nữ có thể khó mang thai hơn trong thời gian bệnh hoạt động, nhưng khả năng sinh sản sẽ trở lại bình thường khi bệnh đã ổn. Một số loại thuốc điều trị bệnh Crohn có thể tạm thời làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.

Tầm soát ung thư ở người bệnh Crohn

Một trong các biến chứng của bệnh Crohn là ung thư ruột. Bệnh càng lâu nguy cơ mắc ung thư càng cao. Vì thế, bạn nên tầm soát sớm hơn và thường xuyên hơn so với người không mắc bệnh. Bác sĩ điều trị sẽ giúp bạn lên lịch và lựa chọn phương pháp tầm soát cho phù hợp.

Mọi thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo. Các bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm.

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Bài Viết Liên Quan

Toplist mới

Bài mới nhất

Chủ Đề