Cách mạng 4.0 trong giáo dục

16:55, 13/05/2021

BHG - Với mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo những công dân số trong tương lai, những năm qua, ngành Giáo dục đã tập trung ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin [CNTT], khai thác tối đa lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại trong công tác quản lý và giảng dạy.

Học sinh lớp 6 trường THCS Minh Khai [thành phố Hà Giang] trong giờ Tin học.

Toàn tỉnh hiện có 820 cơ sở giáo dục với tổng số 256.290 trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên bổ túc văn hóa; 18.505 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên. Để CNTT thực sự là công cụ hỗ trợ công tác quản lý và gảng dạy, Sở GD&ĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả: Chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục tăng cường sử dụng sổ điện tử thay hình thức giấy để tiết kiệm chi phí, giảm tải thời gian cho cán bộ quản lý, giáo viên. Sử dụng đồng bộ các phần mềm quản lý, dạy – học; triển khai hệ thống Wedsite trong toàn ngành phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền; ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học hàng năm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện, toàn tỉnh có trên 220 phòng tin học với trên 6.330 máy tính hoạt động tại các trường học, cơ sở giáo dục; tất cả máy tính có kết nối internet. 100% trường học và cơ sở giáo dục triển khai phần mềm quản lý văn bản VNPT-ioffice đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt; 100% cán bộ văn phòng Sở, các phòng GD&ĐT, lãnh đạo các trường học được cấp email nội bộ; có 407 trường học, trên 8.600 giáo viên và trên 42.660 học sinh có tài khoản trên trang mạng “Trường học kết nối” của Bộ GD&ĐT và đã có hàng chục nghìn bài học được chia sẻ để đồng nghiệp và học sinh cả nước tham khảo. Các phần mềm về quản lý thi THPT, xét tốt nghiệp, quản lý công chức, viên chức, phổ cập mù chữ… được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT đã thí điểm xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm thi trực tuyến, đánh giá xếp loại học sinh tự động, triển khai thi thử tốt nghiệp THPT năm 2020 đối với học sinh lóp 12 trên phần mềm cho 8 môn thi trắc nghiệm với 5.016 học sinh tham gia.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giúp giáo viên sử dụng thành thạo CNTT để thiết kế bài giảng điện tử, tìm kiếm, chọn lọc tài liệu trên mạng phục vụ công tác giảng dạy; cập nhật kho bài giảng E-learning. Tăng cường sử dụng các mô hình học tập kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến, khuyến khích giáo viên hỗ trợ việc học tập của học sinh trên nền tảng CNTT có sẵn; sử dụng hiệu quả sổ điểm điện tử, học bạ điện tử đảm bảo sự liên hệ chặt chẽ, nhanh chóng giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh. Dịch Covid-19 bùng phát, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, ngành Giáo dục liên tục cho học sinh nghỉ học và phải điều chỉnh thời gian học. Các nhà trường đã tích cực sử dụng các phần mềm, hòm thư điện tử, mạng xã hội để giao bài tập cho học sinh; dạy học trực tuyến trên hệ thống Zoom meeting giúp các em ôn tập kiến thức. Nhiều cuộc thi kiến thức được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. 

Bên cạnh kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Hạ tầng CNTT tuy đã được đầu tư, trang bị theo các chương trình, đề án giáo dục nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; nhiều máy tính được trang bị từ lâu đến nay cấu hình yếu và xuống cấp; kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy học hạn chế; Đặc biệt thiếu nguồn nhân lực CNTT, hiện nay, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, toàn tỉnh thiếu 205 giáo viên tin học và công nghệ cấp tiểu học và 177 giáo viên tin học cấp THCS, điều này đặt ra áp lực lớn đối với gành Giáo dục.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT: Ngành Giáo dục đã chủ động và ứng dụng khá hiệu quả những lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong thời gian tới, toàn ngành nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy, trong đó tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào cơ sở dữ liệu ngành; triển khai các phần mềm quản lý, kêt nối liên thông dữ liệu; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, thiết bị CNTT; hướng đến xây dựng đội ngũ nhà giáo và học sinh làm chủ công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. 

Bài, ảnh: Biện Luân

6 thay đổi trong giáo dục thời đại 4.0

Ngày cập nhật : 25/08/2020

Học tập suốt đời, học tại bất cứ đâu, vai trò của giảng viên từ chuyên gia thành người điều phối... là những khác biệt trong nền giáo dục.

Giáo dục thay đổi trong nhiều thế kỷ, từ phạm vi kiến thức tới mô hình và không gian học tập. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, nhiều quan niệm học tập truyền thống đã thay đổi so với quá khứ, mở ra một viễn cảnh giáo dục rộng mở và linh hoạt hơn.

Mục tiêu học tập mở rộng

Trong cách mạng công nghệ lần thứ nhất, mục tiêu học tập là để làm chủ những kiến thức và kỹ năng cơ bản. Ví dụ: tại trường, người học học kiến thức về các môn toán, ngôn ngữ, nghệ thuật...; trong đào tạo kỹ năng có thể đào tạo về kỹ năng cơ bản như đọc sách, tranh biện...

Với thời đại 4.0, giáo dục hướng tới phát triển cá nhân một cách tổng thể. Nếu trước kia chỉ có một trí thông minh duy nhất được công nhận là logic, thì xã hội hiện đại công nhận đa trí thông minh như cảm xúc, vận động, ngôn ngữ... Từ đó, mục tiêu giáo dục đang hướng tới giúp mỗi người phát triển tối đa các trí thông minh tiềm ẩn của mình.

Giáo dục truyền thống và trong thời đại cách mạng 4.0 có nhiều thay đổi, khác biệt.

Giáo viên là người kết nối

Học sinh trong thế giới 4.0 đã đủ năng lực và phương tiện để tiếp nhận thông tin. Trong bối cảnh đó, giáo viên không phải là người duy nhất có được kiến thức và thông tin giá trị. Thay vào đó, họ là người giúp học trò có khả năng hiểu ý nghĩa của thông tin, phân biệt sự khác biệt giữa những gì quan trọng và không quan trọng. Trên hết, đó là khả năng kết hợp thông tin thành một bức tranh rộng lớn về thế giới.

Anh Lê Hoàng Việt - mentor của Đại học trực tuyến FUNiX nhận định kiến thức ngày nay có thể tự học, tự nghiên cứu và tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ Internet. "Phương pháp đào tạo truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm, tất cả kiến thức được truyền đạt thông qua thầy cô giáo và thông thường, họ là người quyết định kiến thức đó có đúng hay không. Ngày nay, giáo dục lấy người học làm trung tâm, người thầy dựa trên nhu cầu học hỏi của sinh viên để gợi mở và định hướng nhiều hơn là truyền đạt kiến thức", anh Việt chia sẻ.

Tự học là yêu cầu bắt buộc

Vai trò của giáo viên thay đổi, người học cũng thay đổi theo. Học tập trong quá khứ thường mang tính thụ động. Người học chủ yếu tham gia các chương trình giáo dục đã được xây dựng sẵn, có khuôn mẫu chung cho số đông và tiếp cận kiến thức một chiều. Ngày nay, theo đòi hỏi của giáo dục hiện đại, người học buộc phải tăng tính chủ động, khả năng tự định hướng các kiến thức mình cần và xây dựng lộ trình học tập riêng theo đòi hỏi của từng cá nhân.

Anant Agarwal - CEO của edX dự báo bằng cấp đại học trong tương lai sẽ được cá nhân hóa dựa trên nhu cầu của từng người. "Thay vì dành bốn năm theo đuổi bằng đại học giống nhau, sinh viên có thể tự tạo bằng cấp phù hợp với thế mạnh riêng", Agarwal nói.

Điều này tương tự với việc bạn đang tự tay xây dựng một lâu đài Lego theo từng khối, thay vì mua một mô hình có sẵn. Bạn chọn những viên gạch mình cần để xây dựng nền tảng vững chắc cho sự nghiệp. Trường học trên nền tảng số góp phần làm cho việc tự học trở nên dễ dàng hơn.

Học sinh trong thế giới 4.0 đã đủ năng lực và phương tiện để tiếp nhận thông tin.

Độ tuổi học tập kéo dài suốt đời

Giáo dục truyền thống trên thế giới tập trung vào nhóm K-12 - độ tuổi từ trẻ mầm non tới hết giai đoạn phổ thông. Sau giai đoạn K-12, người học trưởng thành lựa chọn con đường để phát triển nghề nghiệp đã được định hướng từ sớm.

Giáo dục thời đại 4.0 đã mở rộng độ tuổi học tập qua khái niệm "học tập suốt đời". Với sự phát triển của công nghệ và robot, nhiều chuyên gia giáo dục trên toàn cầu thừa nhận rằng chưa thể xác định các kỹ năng nghề nghiệp cho trẻ nhỏ trong giai đoạn hiện nay vì nhiều công việc trong tương lai gần thậm chí chưa xuất hiện.

Vì vậy, học tập không thể chỉ giới hạn trong độ tuổi đi học. Người học cần phải có năng lực học tập suốt đời, không ngừng cập nhật kiến thức và tri thức để theo kịp các đòi hỏi công việc liên tục thay đổi trong xã hội 4.0.

Ai cũng có thể dạy

Khái niệm "thầy" cũng có nhiều thay đổi trong thời hiện đại. Nếu như trước đây chỉ giáo viên mới có thể đứng lớp và giảng dạy, thì ngày nay, nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ, bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào chu trình giáo dục và trở thành thầy.

Trường đại học trực tuyến FUNiX với hơn 2.700 mentor môn - những chuyên gia đang làm việc tại nhiều công ty, tập đoàn công nghệ là một ví dụ. Khi sinh viên trực tuyến đặt câu hỏi qua hệ thống, các chuyên gia trong từng lĩnh vực sẽ kết nối trực tiếp với sinh viên để hướng dẫn học tập.

Hầu hết mentor đều không phải là giáo viên hay giảng viên chuyên nghiệp nhưng họ đang tham gia vào các công việc với vai trò của nhà giáo: phát triển chương trình, truyền đạt kiến thức, hướng dẫn học tập, đánh giá sinh viên... "Các mentor khi tham gia giảng dạy tại FUNiX, bên cạnh việc tận dụng thời gian rỗi để có thêm thu nhập, còn thỏa mãn đam mê làm thầy, chia sẻ kiến thức cho sinh viên", ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX cho biết.

Với internet, các lớp học trong thời 4.0 có thể diễn ra ở bất cứ đâu, thời điểm nào.

Lớp học ở mọi nơi, mọi lúc

Thay cho trường lớp mang tính vật lý với giảng đường, thư viện và thời khóa biểu cố định, các trường trực tuyến đang phát triển và trở thành làn sóng giáo dục mới. Trường trực tuyến như Coursera, Udemy, edX... hay tại Việt Nam là FUNiX sử dụng công nghệ điện toán đám mây để phát triển các không gian học tập trên mạng. Tài liệu học tập, sách tham khảo đều lưu trữ trên mạng. Thông qua các thiết bị kết nối internet như smartphone, laptop... người học trên toàn thế giới có thể tham gia vào các lớp học ảo bất cứ lúc nào.

Những sinh viên 4.0 vì thế không nhất thiết phải tập trung điểm danh tại các giảng đường. Họ có thể là một phụ xe khách 40 tuổi như anh Trần Văn Thanh  - sinh viên FUNiX, người tận dụng giờ nghỉ trên cung đường Nam - Bắc để học lập trình qua chiếc điện thoại của mình. Hay thầy giáo vùng cao Lò Văn Hưng, người đang cắm bản ở huyện xa nhất Điện Biên tranh thủ buổi đêm để học online với mentor. Với internet, các lớp học trong thời 4.0 có thể diễn ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào.

Theo Nguyên Chương [VnExpress]

Video liên quan

Chủ Đề