Cách têm trầu cau

“Tách riêng, thì đắng, thì cay.

Hòa chung, thì ngọt, thì say lòng người.

Tách riêng, xanh lá, bạc vôi.

Hòa chung, đỏ thắm máu người, lạ chưa?…

Chuyện tình ngày xửa, ngày xưa!…”.

[Sự tích Trầu cau – Hồng Quang]

Từ lời thơ văn của một cô gái nổi tiếng đang yêu cuồng nhiệt – Thị Mầu, miếng trầu tượng trưng cho tình yêu, tình chung thuỷ lứa đôi.

Nó cũng là một dạng bùa mê, là cái cầu đến với tình yêu: Đã ăn trầu của người ta, làm thân con gái chớ ăn trầu người; ba đồng một mớ trầu cay; vì trầu thắm quá làm lòng em say; miếng trầu là đầu câu chuyện; có phải duyên nhau thì thắm lại; quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,…

Và Thị Mầu lại nài nàng tiểu Kính Tâm: “Chú tiểu ơi, lại đây ăn với em miếng trầu”. Ở đây miếng trầu đã trở thành cái mối, cái bẫy. Chỉ cần Kính Tâm đáp ứng một chút thôi là sẽ bị Thị Mầu nuốt chửng ngay

Tục ăn trầu và trầu têm cánh phượng

Theo phong tục Việt Nam, miếng trầu rất quen thuộc, dễ kiếm. Trầu tuy rẻ tiền nhưng chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa. Giàu nghèo ai cũng có thể có, vùng nào cũng có, từ Bắc chí Nam.

Ăn trầu là một phong tục truyền thống, nhưng cách têm trầu thì lại mang rõ dấu ấn văn hóa của vùng miền.
Nói đến trầu têm cánh phượng là nói đến miếng trầu vùng Kinh Bắc. Cũng vẫn nguyên liệu ấy, nhưng cách têm đẹp, kiểu cách, đã thể hiện sự khéo léo của những liền chị-người gái quê Kinh Bắc.

Vì thế, miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai, dù chỉ một lần được mời.
Trong giao tiếp ứng xử, “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu thường đi đôi với lời chào và một thái độ của người mời khách.

Người lịch sự không “ăn trầu cách mặt”, nghĩa là đã tiếp, thì tiếp cho khắp – “Tiện đây ăn một miếng trầu. Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là?”.
Việc mời trầu cũng thể hiện sắc thái tình cảm tinh vi, tế nhị. Quý nhau mời trầu, ghét nhau theo phép lịch sự, cũng mời trầu.

Ca dao có câu: “yêu nhau cau sáu bổ ba; ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”. Còn không có trầu mà tiếp khách vẫn mời trầu như Nguyễn Khuyến, là một trường hợp lạ – “Đầu trò tiếp khách, trầu không có. Bác đến chơi nhà, ta với ta”.
Trước hết, miếng trầu gợi về những sự tích, những câu chuyện cổ được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, mang đậm bản sắc dân tộc. Truyện Trầu cau, qua truyền miệng thêm bớt của nhiều thế hệ, những tình tiết “nguyên thủy” đã được khoác cái áo của lễ giáo cho phù hợp với đạo Khổng – Mạnh.

Đến nay, chủ đề của Trầu cau lại trở thành câu chuyện luân lý, đạo đức, khuyên con người xích lại gần nhau hơn, vị tha hơn để sống chan hòa, nhân ái trong cuộc sống hội nhập.

Câu chuyện Trầu cau khép lại bằng tục ăn trầu – một phong tục truyền thống của nhân dân ta để tô đậm tình cảm sắt son, thủy chung đẹp đẽ. Miếng trầu bao giờ cũng là “đầu câu chuyện” để bắt mối lương duyên và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, ma chay… đều không thể thiếu miếng trầu. Vì thế mà truyện Trầu cau đã bất chấp thời gian mà sống mãi với nhân gian.

Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám cũng có từ rất xưa. Truyện được nảy sinh từ vùng đất Kinh Bắc. Vì thế, cô Tấm có dáng dấp của Chị Hai quan họ. Rất hiếu thảo, duyên dáng, tình tứ và khéo léo.

Hình tượng trầu têm cánh phượng của cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám cũng có từ rất xưa. Truyện được nảy sinh từ vùng đất Kinh Bắc. Vì thế, cô Tấm có dáng dấp của Chị Hai quan họ. Rất hiếu thảo, duyên dáng, tình tứ và khéo léo.

Miếng trầu của cô Tấm đã trở thành một hình tượng đẹp, có sức quyến rũ độc đáo và mang đậm sắc thái văn hóa vùng, rất đáng trân trọng. Miếng trầu têm cánh phượng còn mang nét đẹp biểu trưng, đầy tự hào của người Kinh Bắc. Có thể nói, mỗi câu chuyện đều thắm đượm tình người, có giá trị nhân bản và nhân văn sâu sắc.

Trầu là món ăn không giải quyết việc đói, no. Người ta ăn trầu là để thưởng thức vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi… tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm. Nhiều người ăn trầu đã thành thói quen, rồi thành nghiện-nghiện trầu.

Nhưng điều kì diệu của thói nghiện trầu phải chăng là ở chỗ, người ăn thấy nó gắn bó với số phận con người; bởi tách riêng, thì cay đắng, éo le, nhưng khi đã hòa chung thì tình cảm của họ lại thắm tươi, đẹp đẽ:

“Tách riêng, thì đắng, thì cay.
Hòa chung, thì ngọt, thì say lòng người.
Tách riêng, xanh lá, bạc vôi.
Hòa chung, đỏ thắm máu người, lạ chưa?
… Chuyện tình ngày xửa, ngày xưa!…”.
[Sự tích Trầu cau – Hồng Quang]

Đặc biệt nữa là miếng trầu hôi đãi khách của Hồ Xuân Hương. Miếng trầu có cái gì thật khác thường, chất chứa đầy sự thách thức và một bản lĩnh của người mời:
-“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi.
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại.
Đừng xanh như lá bạc như vôi”.
[Mời trầu – Hồ Xuân Hương]

Một miếng cau, một lá trầu quệt ít vôi, cuốn lại và miếng vỏ [rễ] cây màu đỏ nhạt được hợp lại làm một mà nhai tức là ăn trầu. Vậy miếng trầu là sự quện lấy nhau của ba yếu tố kể trên. Nó tạo thành một vị chát, hơi đắng nhưng dễ chịu và có cung bậc, có sự tươi ngọt từ phần mềm của cau, vị bùi của vỏ rễ, vị nồng nàn của vôi…

Nghĩa là cũng gần đủ mùi đời rồi. Các động tác nhai cộng với dịch vị được tiết ra tạo thành một chất kích thích, gõ cửa các ô cảm xúc hệ thần kinh làm cho có sự trào dâng bừng bừng gần giống như say rượu, say nước chè tươi, say thuốc lào. Lúc này, trạng thái tâm hồn mạnh mẽ, hưng phấn hơn.

Do đó, đã tiêu diệt được một phần nào sự cô đơn. Ăn trầu có mùi thơm, trừ được vi khuẩn trong miệng, môi đỏ lên như thoa son, bóng loáng lên, gợi tới cái nguồn gốc xa xưa của việc tô môi son là bắt chước tự nhiên.

Khi nam nữ quá quấn quýt lấy nhau, môi người con gái đỏ và bóng hẳn lên. Người ta phát minh ra sự thoa son và ăn trầu là từ cái nguồn gốc thầm kín đó.
Cách têm Trầu cánh Phượng

Trong các cuộc gặp gỡ mùa xuân, trong lễ hội, những ngày vui mừng, người con gái mở chiếc khăn trầu ra, đặt lên bàn tay người con trai một lá trầu không sẻ dọc, cuộn lại ở chỗ giữa toả ta một cánh trên một cánh dưới của con phượng.

Nơi giữa của hai cánh là miếng cau có đủ cả bộ phận mỡ trắng và cả hạt cau màu đỏ tím, là thân con phượng. Phía cạnh trên miếng cau được đặt một miếng vỏ [rễ] được tỉa răng cưa để tạo nên mỏ con phượng.

Mấy thành phần ấy được trân trọng đặt lên bàn tay nho nhã, chia phẳng vừa là xúc giác vừa là thị giác trong những giây phút xúc động. Rõ ràng là cô gái đã làm một công việc tạo hình.

Ngày ấy, nam nữ thụ thụ bất thân nhưng khi mời trầu thì được tháo khoán. Lại có miếng trầu têm bình thường hơn, hai bên cạnh được tách ra hai miếng dài, nhọn như hình hai chiếc sừng trâu.

Gọi là trầu têm cánh kiếm. Người chinh phụ trong chinh phụ ngâm tiễn chồng ra trận, mời chồng một khẩu trầu cánh kiếm chứ không mời trầu cánh phượng.“

Có trầu mà chẳng có cau – Làm sao cho đỏ môi nhau hỡi chàng?”

Nghĩa là còn thiếu một vài yếu tố gì đó nữa thì chúng ta mới có thể về với nhau được. “Dễ quạch, em chửa đi đào” … là em còn do dự đấy. Còn có trường hợp họ không ăn được với nhau một miếng trầu trong những giờ phút bi kịch như:

Chị mở khăn trầu anh khép lại!
Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi!

Miếng trầu còn chỉ định thời gian: “Chờ em chừng dập miếng trầu em sang”. Tức là khoảng 3-4 phút gì đó. Miếng trầu cũng gợi ý:

Nhà em có một vườn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Hoặc như:

Yêu nhau chẳng lấy được nhau
Con lợn để đói buồng cau để già…

Yêu, ghét cũng được thể hiện qua trầu, cau:

Yêu nhau, cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau đậu bổ ra làm mười.
[Cau đậu vốn nhỏ và phần mỡ mềm mát]

Yêu nhau em ném bã trầu: Để giữ cho kín đáo trong đám đông, cô gái ném cho chàng trài miếng bã trầu. Chàng hứng vạt áo rồi cho vào túi mang về chút phần thưởng, lời hứa mang cái hương thầm của cô gái. Đó cũng là một kỷ niệm độc đáo của tình yêu.

Sự kéo dài, sự phát triển hoặc ra đi của một tập tục lệ thuộc vào những yếu tố xã hội, kinh tế và văn hoá của một xã hội trong thời gian nhất định. Cứ biết đã có một thời gian rất dài, người ta trân trọng một hình ảnh cô gái Việt Nam sau: Khăn mỏ quạ màu đen, bộ tóc đen huyền, mắt đen trong, khuôn mặt trắng muốt, hàm răng đen nhưng nhức, môi trầu cắn chỉ…

Tất cả hợp thành một vẻ trong sự đối chọi của màu sắc mà cũng trong sự hài hoà ăn ý giữa màu sắc và tạo hình.

Trầu cau chỉ là một thứ nhai chơi, tuy đơn sơ nhưng lại có nhiều ý nghĩa trên lĩnh vực y học, tâm lý xã hội… dùng trầu cau còn là một truyền thống văn hoá của dân tộc. Ngày nay, không mấy ai ăn trầu nhưng nét đẹp đó vẫn được gìn giữ và áp dụng trong cuộc sống của người dân.

Bill Gates giao lưu miếng Trầu Cánh Phượng với làng Quan Họ Kinh Bắc

Người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung xưa kia coi việc têm trầu là một nghệ thuật. Qua cử chỉ têm trầu, ăn trầu để phán đoán phong cách, tính nết cũng như nếp sống của con người. Chính vì lẽ đó, khi đi xem mặt nàng dâu tương lai, nhà trai đòi bằng được cô gái ra têm trầu, trước là để xem mặt cô dâu, sau là để xem cử chỉ têm trầu của cô gái mà phán đoán tính nết.

Miếng trầu têm vụng về là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa… Đó là một nét riêng mang tính nghệ thuật của văn hoá ăn trầu người Việt.


* nguồn tổng hợp

Sưu tầm & Biên soạn

Hoài Niệm

TRỞ VỀ HẠNG MỤC

Rất mong, sẽ nhận được những góp ý của các Anh, Chị & Bạn lưu lại ở phần cuối của mỗi trang. – Chân thành cảm ơn

Lựu Lại Bình Luận ở CUỐI TRANG

Chủ Đề