Chủ nghĩa tư bản ngày nay là gì

Phải thừa nhận rằng, với sự thay đổi, điều chỉnh cả trong lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cả trong cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng đã làm cho chủ nghĩa tư bản hiện nay có sự phát triển vượt bậc, đóng góp đối với sự phát triển của thế giới ngày càng to lớn. Nhưng có thể khẳng định rằng những điều chỉnh, thay đổi vẫn chưa phá vỡ được khuôn khổ, nền tảng của chế độ tư bản chủ nghĩa, vẫn chỉ là những điều chỉnh, những sự chuyển biến trong khuôn khổ của chế độ tư bản. Trong lòng xã hội chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn tồn tại đầy rẫy những mâu thuẫn, bất cập…, xét đến cùng thì bản chất chế độ bộc lột vẫn đang hiện hữu.

1. Theo đuổi lợi nhuận đã, đang và sẽ là mục tiêu cao nhất và cuối cùng của các nhà tư bản; sự giàu có của các nhà tư bản là từ nguồn lợi nhuận này. Nguồn gốc của lợi nhuận là giá trị thặng dư do công nhân tạo ra trong quá trình sản xuất. Do vậy, bóc lột vẫn là bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Quan điểm cho rằng máy móc cũng tạo ra giá trị, tạo ra sự giàu có của nhà tư bản không phải là mới, đã từng bị phê phán. Sai lầm của quan điểm này là ở chỗ không hiểu bản chất của “của cải”, của “tài sản” trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, trong xã hội tư bản. Đối với con người và xã hội nói chung, ở mọi giai đoạn phát triển, “của cải”, “tài sản” là tất cả những sản phẩm vật chất có ích, cần thiết cho cuộc sống, cho sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người, là đất, nước, lúa, gạo, các công cụ, tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt... Song, đối với nhà tư bản, để thực hiện mục đích làm giàu, sản xuất hay kinh doanh cái gì, hàng hóa gì không quan trọng, đấy chỉ là phương tiện để khi bán đi có được nhiều tiền hơn. Tiền, một hình thái của giá trị, mới thật sự là tài sản, của cải trong xã hội tư bản. Máy móc cũng là sản phẩm của lao động, nó có giá trị, khi sử dụng máy móc vào sản xuất, giá trị của máy móc được chuyển dần vào sản phẩm. Máy móc có năng suất rất cao, sản xuất ra được rất nhiều sản phẩm nên giá trị chuyển từ máy móc sang mỗi sản phẩm rất nhỏ. Nhưng giá trị của một hàng hóa không phải do chi phí sản xuất riêng, cá biệt của một người sản xuất ra hàng hóa đó quyết định mà là mức chi phí trung bình của xã hội [của nhiều người cùng sản xuất hàng hóa đó] cần thiết để sản xuất ra hàng hóa đó. Vì vậy, nhà tư bản bán hàng hóa do sử dụng máy móc tạo ra theo giá trị [giá cả] chung, hơn nữa còn theo giá cả độc quyền do mình tự định ra [vì công ty có vị trí độc quyền], sẽ thu được giá trị lớn hơn nhiều giá trị đã bỏ ra. Đây là nguồn gốc đem lại sự giàu có của nhà tư bản. Giá trị tăng thêm này không phải do máy móc tạo ra mà do lao động xã hội tạo ra, nhưng bị nhà tư bản chiếm đoạt.

2. Chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng không xóa bỏ được tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội, mà sự phân hóa còn tiếp tục gia tăng, vẫn là chế độ bất công. Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, một bộ phận công nhân có cổ phiếu, cổ phần ở các công ty tư bản. Số lượng công nhân có cổ phiếu có thể đông, nhưng số lượng cổ phiếu mỗi người có đều rất nhỏ, nên thực tế tổng số cổ phiếu mà người công nhân có chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số cổ phiếu của các công ty tư bản [chỉ khoảng 1 -2%]. Số lượng ít, phân tán, người lao động hoàn toàn không có tiếng nói gì ảnh hưởng tới hoạt động của các công ty.

Những người vô gia cư ở TP Honolulu - Mỹ hôm 4-12. Ảnh: STAR ADVERTISER

Ở các nước tư bản phát triển, những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cấp cao, nhờ có trình độ chuyên môn cao [công nhân cổ trắng], cùng với đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, tạo thành tầng lớp trung lưu của xã hội chỉ là một bộ phận nhỏ. Còn lại số lượng những người có mức sống thấp, dưới mức nghèo khổ, những người thất nghiệp, người vô gia cư, người nhập cư ở những nước này còn rất lớn. Hơn nữa, để đánh giá chủ nghĩa tư bản hiện đại, không thể chỉ thấy khu vực “trung tâm” là các nước kinh tế phát triển, mà cần phải thấy cả khu vực “ngoại vi” của nó là những nước đang phát triển, nước nghèo, kém phát triển, nơi có tỷ lệ người nghèo, đói còn rất cao.

Chênh lệch về thu nhập, mức sống, tài sản giữa người giàu và người nghèo trong thế giới tư bản rất lớn, xu hướng ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Liên hợp quốc, tài sản của 225 người giàu nhất thế giới lớn hơn thu nhập, tài sản của hơn 2,5 tỷ người nghèo trên thế giới. Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 hiện nay đang làm bộc lộ rõ nét về sự phân hóa xã hội ở các nước tư bản phát triển. Chủ nghĩa tư bản hiện đại chưa phải là chủ nghĩa tư bản nhân đạo, nhân văn như một số quan điểm đề cao nó.

3. Chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn không ngăn chặn, tránh được các cuộc khủng hoảng kinh tế gắn liền với bản chất của chủ nghĩa tư bản, với mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ các năm 1973, 1979 đã đẩy các nước tư bản phát triển và kinh tế thế giới vào tình trạng vừa lạm phát vừa đình đốn [Stagflation], suy thoái đến đầu những năm 1980. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á những năm 1997-1998 làm sụp đổ thị trường chứng khoán, giảm giá trị đồng tiền, phá sản hàng loạt doanh nghiệp ở các nước Châu Á, ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính, tiền tệ và kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 làm sụp đổ hàng loạt ngân hàng lớn ở các nước tư bản phát triển, dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Sau khủng hoảng tài chính 2008-2009, một loạt nước tư bản phát triển như: Ailen, Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha lại rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, đứng trước nguy cơ vỡ nợ, phải yêu cầu sự trợ giúp của Liên minh Châu Âu [EU], của ngân hàng thế giới [WB], Quỹ tiền tệ quốc tế [IMF]...

Khủng hoảng kinh tế diễn ra liên tiếp đã đẩy nền kinh tế vào suy thoái, làm tăng nạn thất nghiệp, sự căng thẳng xã hội. Đồng thời, chạy theo mục tiêu lợi nhuận tối đa, chủ nghĩa tư bản hiện đại còn là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu toàn cầu, đe dọa sự sống của con người trên trái đất. Chủ nghĩa tư bản hiện đại chưa phải là chế độ xã hội tạo được sự phát triển ổn định, hài hòa, bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường.

4. Trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, những mâu thuẫn gắn liền với bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn hiện diện, dù có những hình thức biểu hiện mới. Đó là mâu thuẫn giữa tư bản và lao động làm thuê, giữa tư bản với tư bản, giữa các cường quốc tư bản với các nước nghèo, kém phát triển, đang phát triển.

Để có lợi nhuận tối đa, thì đối với nhà tư bản, thời gian lao động của công nhân càng dài càng tốt, cường độ lao động càng cao càng tốt, chi phí tiền lương, tiền công, trang bị bảo hộ lao động, phúc lợi cho người lao động càng ít càng tốt, do đó, luôn tìm mọi cách, kể cả “lách luật” để làm điều này một cách tinh vi nhất. Sự hình thành đội ngũ công nhân “cổ trắng” trong thời đại cách mạng công nghệ và các chính sách điều tiết của nhà nước có góp phần cải thiện đời sống cho một bộ phận công nhân ở các “trung tâm” phát triển, nhưng tư bản lại chuyển đầu tư sang các vùng “ngoại vi” kém phát triển để tận dụng lao động giá rẻ, tạo nên tình trạng thất nghiệp ở khu vực trung tâm.

Ngày nay, mâu thuẫn giữa các công ty, tập đoàn tư bản, các nước tư bản phát triển với nhau trong việc giành giật thị trường tiêu thụ, các nguồn nguyên liệu, năng lượng, các phát minh, sáng chế, thành tựu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao... vẫn diễn ra rất gay gắt. Quan hệ giữa các nước tư bản phát triển với các nước kém phát triển, đang phát triển thể hiện bên ngoài như những quan hệ bình đẳng, thỏa thuận từ cả hai phía, nhưng thực chất là quan hệ bất bình đẳng. Các nước tư bản phát triển giàu có, có nguồn lực tài chính lớn, trình độ khoa học công nghệ cao, nắm độc quyền các bí quyết công nghệ, thương hiệu sản phẩm... xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu tư bản vào các nước đang phát triển, kém phát triển không phải với mục tiêu hỗ trợ phát triển các nước này mà để mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác tài nguyên, nguồn lao động rẻ, chuyển giao những máy móc thiết bị, những công đoạn những ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường cho những nước này, với giá cả độc quyền do họ chi phối; đồng thời vẫn sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để cản trở xuất khẩu hàng hóa của nước đang phát triển, kém phát triển vào nước họ... Chủ nghĩa tư bản hiện đại chưa phải là xã hội công bằng, bình đẳng mà con người hướng tới.

Thành Lê

Tiếp thu những thành tựu văn minh của chủ nghĩa tư bản một cách khoa học, khách quan để phát triển

[ĐCSVN] - Đi lên xã hội xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất đúng, phù hợp với quy luật khách quan trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Quá trình này tất yếu đòi hỏi sự kiên định và phát huy thành tựu cũng như khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Cùng với đó, để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc phát triển đất nước, chúng ta cũng cần kế thừa một cách khoa học những tinh hoa mà lịch sử loài người đã đạt được trong chủ nghĩa tư bản. Tinh thần này được đồng chí Tổng bí thư của Đảng đề cập trong cuốn sách quan trọng của mình mới được công bố gần đây.

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

1. Chủ nghĩa tư bản không phải là điểm dừng cuối cùng của lịch sử nhân loại

Trong cuốn sách của mình đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá một cách khách quan, khoa học về tiềm năng, giới hạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Mặc dù chủ nghĩa tư bản ngày nay đang có nhiều thành tựu, tuy vậy, chủ nghĩa tư bản không phải là điểm dừng cuối cùng của lịch sử nhân loại. Loài người tất yếu tiến tới chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Tổng bí thư khẳng định: Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn trước. Từ giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XX và nhất là từ sau khi Liên Xô tan rã, để thích ứng với điều kiện mới, chủ nghĩa tư bản thế giới đã ra sức tự điều chỉnh, thúc đẩy các chính sách “tự do mới” trên quy mô toàn cầu, nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt, năm 2008-2009, chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa khác và tác động đến hầu hết các nước trên thế giới. Các nhà nước, các chính phủ tư sản phương Tây đã bơm những lượng tiền khổng lồ để cứu các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tổ hợp công nghiệp, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, nhưng không mấy thành công.

Và hôm nay, chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các “sắc tộc”. Những tình huống “phát triển xấu”, những nghịch lý “phản phát triển”, từ địa hạt kinh tế - tài chính đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội ở không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với các làn sóng biểu tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế. Sự thật cho thấy, bản thân thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không thể giúp giải quyết được những khó khăn, và trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu. Sự thật đó cũng làm phá sản những lý thuyết kinh tế hay mô hình phát triển vốn xưa nay được coi là thời thượng, được không ít các chính sách tư sản ca ngợi, được các chuyên gia của họ coi là tối ưu, hợp lý[1].

Đồng thời với việc phê phán một cách khách quan, khoa học về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản nêu trên, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,… đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó. Theo nhiều nhà khoa học phân tích, các cuộc khủng hoảng hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa.

Các phong trao phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân- yếu tố bản chất nhất của dân chủ.

Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bô phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới ¾ nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trao “99 chống lại 1” diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản. Sự rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ”, dù có thể thay đổi chính phủ, nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản[2].

Như vậy, tất yếu, với bản chất và những mâu thuẫn nội tại vốn có, hiện hữu, trong lòng chủ nghĩa tư bản đang ủ chứa những giới hạn mà tự bản thân phương thức sản xuất này không thể khắc phục được, việc nhân loại tiến lên trình độ phát triển mới, thay thế chủ nghĩa tư bản là tất yếu khách quan. Trong quá trình đó, sự phát triển của Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn phù hợp với tất yếu khách quan như vậy. Lẽ dĩ nhiên, việc phát triển của chúng ta, trên cơ sở nội lực là quyết định, việc kế thừa những thành tựu văn minh nhân loại đã đạt được là cần thiết.

2. Kế thừa một cách khoa học, chọn lọc, một số thành tựu văn minh nhân loại đã đạt được trong chủ nghĩa tư bản để phát triển đất nước là quan điểm hết sức đúng đắn

Trên cơ sở khẳng định một cách thuyết phục về tiềm năng, giới hạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, đồng chí Tổng Bí thư cũng thể hiện quan điểm rất biện chứng rằng, việc phát triển của chúng ta theo con đường xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng không có nghĩa là phủ định toàn bộ những thành tựu mà loài người đã đạt được trong chủ nghĩa tư bản. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua tất cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản[3]. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển.

Thực sự, công cuộc phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa từ một nước nông nghiệp lạc hậu, lực lượng sản xuất thấp, tất yếu chúng ta phải thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội to lớn, toàn diện. Trong đó, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức là một trong những nhiệm vụ to lớn như thế để nâng cao năng suất lao động xã hội, thúc đẩy dịch chuyển văn minh xã hội của đất nước, phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến từ đó tạo tiền đề vật chất cho xã hội mới. Quá trình này đòi hỏi sự huy động sức mạnh tổng hợp từ nội lực cũng như ngoại lực. Khai thác những cơ hội, thành tựu văn minh vật chất về khoa học công nghệ, về quản trị phát triển để thúc đẩy sự phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, dịch chuyển văn minh vật chất, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân là hết sức cần thiết.

Trong tư tưởng của mình, đồng chí Tổng Bí thư cũng hết sức thực tiễn, khoa học khi cho rằng: xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu chế độ xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội[4].

Với tinh thần đó, việc kết hợp động lực và nguồn lực phát triển đất nước, khơi dậy ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với kế thừa những thành tựu văn minh vật chất mà nhân loại đã đã được trong chủ nghĩa tư bản với tư cách như là nguồn ngoại lực để phát triển đất nước là hết sức cần thiết. Theo tư tưởng đó, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tố đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất[5]. Quan điểm này thể hiện sự khách quan trong quan điểm khoa học đúng đắn của đồng chí Tổng Bí thư.

Không chỉ về phương diện phát triển kinh tế, việc kế thừa và tiếp thu các giá trị tinh hoa, văn hóa nhân loại, trong đó có tinh hoa văn hóa của nhân loại đã đạt được trong chủ nghĩa tư bản cũng được đồng chí Tổng Bí thư nêu một cách đúng đắn trong quan điểm về phát triển văn hóa dân tộc trong bối cảnh phát triển mới. Đồng chí khẳng định: phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thười nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới[6].

Như vậy, với quan điểm biện chứng, khách quan, khoa học, tinh thần kiên định và tư duy cách mạng mới, quan điểm về kế thừa một cách chọn lọc những thành tựu văn minh nhân loại đã đạt được trong chủ nghĩa tư bản để phát triển đất nước trong bối cảnh mới của đồng chí Tổng Bí thư đã và đang là một trong những căn cứ lý luận sâu sắc để Đảng ta, nhân dân ta thực hiện sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng cơ đồ và vị thế dân tộc Việt Nam trong giai đoạn mới, hướng tới sự nghiệp chủ nghĩa xã hội vĩ đại, đầy sáng tạo của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng./.

[1]Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng [2022], Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, tr.18-20.

[2]Sđd, tr.20-21.

[3]Sđd, tr.25.

[4]Sđd, tr.36.

[5]Sđd, tr.52.

[6]Sđd, tr. 171.

PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa - Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị, Học viện CTQG Hồ Chí Minh

Video liên quan

Chủ Đề