Đánh giá học tập phong cách làm việc của bác

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phong cách làm việc khoa học, hiệu quả. Phong cách làm việc khoa học, hiệu quả là cách làm việc trên cơ sở thực tiễn, vận dụng kiến thức, tri thức khoa học kết hợp với sự nghiên cứu, tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm, mang tính kế hoạch, bài bản, sáng tạo và hiệu quả.

 Phong cách làm việc khoa học, hiệu quả của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở các phương diện chủ yếu sau:

  Làm việc gì cũng luôn đi sâu đi sát, nghiên cứu, điều tra, khảo sát kỹ lưỡng để đem lại hiệu quả trong công việc. Trước khi quyết định bất cứ công việc gì, bao giờ  cũng tìm hiểu, thu thập thông tin đầy đủ, có cơ sở lý luận và thực tiễn, đề ra các phương án thực thi hiệu quả, không chủ quan duy ý chí. Với  những vấn đề mới, khó, phức tạp, Bác không chỉ dựa vào bộ máy giúp việc mà còn trực tiếp đi nghiên cứu, khảo sát, tiếp xúc với cơ sở, địa phương để tìm hiểu thực tế, nắm bắt tình hình, thu thập thông tin cụ thể. Muốn quyết định cho đúng, trước tiên phải điều tra, nghiên cứu rõ ràng. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên khi xử lý và giải quyết công việc cần phải tôn trọng hiện thực khách quan, không “tô hồng”, bóp méo sự thật, phải có tầm nhìn xa rộng, tránh rơi vào những việc sự vụ, thiển cận.

Làm việc có chương trình, kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Chương trình, kế hoạch công tác cần cụ thể, chi tiết hằng năm, quý, tháng, tuần, từ dài hạn, trung hạn, đến ngắn hạn. Đổng thời, việc xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc cần phải cụ thể, thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế và phải có quyết tâm thực hiện.

 Làm việc đúng giờ, tiết kiệm và phân bổ thời gian hợp lý để giải quyết công việc hiệu quả. Bác thường nhắc cán bộ, đảng viên phải luôn luôn biết quý trọng thời gian, phải làm việc đúng giờ và không nên lãng phí thời gian.

 Làm việc gắn với kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện có hiệu quả những công việc tiếp theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và của Nhà nước. Mục đích của kiểm tra là để xem các cấp thực hiện có đúng đường lối, chính sách không, để nắm được chất lượng, tiến độ công việc, tuân thủ quy trình, các bước tiến hành triển khai công việc…Bên cạnh đó, bác còn rất quan tâm đến việc tổng kết, rút kinh nghiệm. Theo Người, mỗi khi làm xong một việc gì, dù thành công hay thất bại, đều cần tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm những việc làm được, hoặc còn chưa làm được, phát hiện những khó khăn, vướng mắc làm cơ sở cho việc bổ sung, phát triển lý luận, đề ra chủ trương, biện pháp một cách sát hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn.

Làm việc phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả: Bác yêu cầu cán bộ khi giải quyết công việc phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, phải có trọng tâm, trọng điểm, làm đến nơi đến chốn và tránh bệnh chủ quan thì mới nhanh chóng đạt hiệu quả trong công việc.

Luôn suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, không cứng nhắc, bảo thủ, đóng khung, cố chấp, mà rất linh hoạt, mềm dẻo khi xử lý, giải quyết từng vấn đề, sự việc cụ thể, để đạt hiệu quả cao trong công việc.

Vận dụng phong cách làm việc khoa học, hiệu quả của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, để làm tốt điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần có quyết tâm cao, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” thực hiện tốt các giải pháp sau:

          1. Cán bộ, đảng viên cần nâng cao tính chủ động trong công việc, bám sát thực tế, vận dụng một cách cụ thể, phù hợp vào lĩnh vực công việc chuyên môn được phân công, phụ trách. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong từng công việc cụ thể khi được lãnh đạo phân công để thực hiện.

          2. Cán bộ, đảng viên phải xây dựng kế hoạch cụ thể cho công việc của mình, có lịch làm việc cụ thể cho tuần, tháng, quý một cách phù hợp để khi triển khai công việc sẽ đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch và đạt chất lượng cao. Giải quyết công việc một cách cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Khi có công việc được giao, phải tranh thủ thời gian, dồn tâm sức để thực hiện và giải quyết một cách dứt khoát, việc nào xong việc nấy, chủ động sắp xếp để triển khai, không để việc khác chi phối khi đã có kế hoạch làm việc theo phương châm “Việc hôm nay cần hoàn thành không để đến ngày hôm sau; việc của tuần này không để tuần sau; việc của tháng này không để tháng sau; việc của quý này không để quý sau; việc của năm nay không để năm sau”, từ đó giúp mỗi cá nhân đạt được mục tiêu, nâng cao chất lượng công việc, góp phần hoàn thành tốt và hiệu quả nhiệm chung của cơ quan, chi bộ.

          3. Cán bộ, đảng viên phải có tính chủ động nghiên cứu, đề xuất và sáng kiến trong triển khai thực hiện công việc chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao, tích cực thay đổi thói quen và tư duy cũ, tìm tòi, đổi mới phương pháp làm việc, không chấp nhận tư duy “lối mòn”, luôn cải tiến để ngày càng tốt hơn; tự giác nghiên cứu, cập nhật thông tin, nắm vững nội dung công việc chuyên môn trên lĩnh vực được giao, tham mưu cho lãnh đạo "đúng và trúng" vấn đề,  hình thành phong cách làm việc mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo.

          4. Khi làm xong mỗi công việc, cần tự mình so sánh, rút kinh nghiệm, rút ra những vấn đề được và chưa được, nguyên nhân của vấn đề, để rút kinh nghiệm vận dụng và làm những công việc khác tốt hơn.

          5. Nắm vững và thực hiện đúng nguyên tắc làm việc theo những định hướng của cấp trên. Khơi dậy và giữ gìn tinh thần, sức mạnh đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, tăng cường công tác phối hợp, phát huy trí tuệ tập thể, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, chi bộ. 

          6. Mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động, tích cực, tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nỗ lực, phấn đấu học tập phong cách làm việc của Bác bằng tinh thần tự giác, làm việc bằng trách nhiệm và tinh thần cầu thị, nghiêm khắc với bản thân, với mong muốn được cống hiến, đóng góp vào sự phát triển của cơ quan. Phải chuyển mạnh từ “học tập” sang “làm theo” theo tinh thần của Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW”, hiện thực hóa việc “làm theo” bằng những việc làm cụ thể của mỗi cá nhân.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh

Chủ Đề