Để xây dựng thành công Chính phủ điện tử cần giải quyết những vấn đề gì

Mới hoàn thành một số nhiệm vụ?

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ đã có Nghị quyết 36a do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14-10-2015. Việc thực hiện Nghị quyết này được hoạch định từng bước rõ ràng, buộc các bộ, ngành, địa phương phải có báo cáo về Văn phòng Chính phủ theo từng quý trong năm. Văn phòng Chính phủ cho biết, việc ban hành Nghị quyết 36a về xây dựng Chính phủ điện tử đã có tác động tích cực về mặt nhận thức để các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tăng cường chỉ đạo công tác ứng dụng CNTT trong công tác quản lý.

Tính đến quý II năm 2017, việc thực hiện những nhiệm vụ chung của Nghị quyết 36a đã được các bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thành. Cụ thể, có 29/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập kế hoạch hành động xây dựng chính quyền điện tử. Nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành được một số nhiệm vụ cụ thể được giao và tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ còn lại về xây dựng chính quyền điện tử. Duy nhất chỉ còn vài đơn vị chưa hoàn thành bất cứ nhiệm vụ được giao nào. Theo đó các tỉnh, thành phố đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Ngoài ra, một số cơ quan, ngành cũng như một số bộ, ngành có tính đặc thù riêng là chưa công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đã kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất thông suốt từ trung ương tới các địa phương cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan. Riêng với TP Hồ Chí Minh đã hoàn thiện liên thông có sử dụng chữ ký số. Nhiều dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 đã được Chính phủ quy định phải thực hiện trong năm 2017. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nguyên tắc của Chính phủ điện tử là lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ và phải bảo đảm sự hài lòng của người dân. Các thủ tục hành chính phải nhanh chóng, giá dịch vụ thấp nhất và thái độ phục vụ tốt nhất. Đó chính là cơ sở đánh giá hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính [TTHC], xây dựng chính phủ điện tử cho các ngành, địa phương.

Hiện nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử tại trung ương và các địa phương, đã đạt được một số thành quả như đã nêu nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức. Đó là tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 [4.0] vào quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Cách mạng 4.0 đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan Nhà nước nghĩa là phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp cũng như tăng cường an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng. Việc ứng dụng CNTT tại nhiều địa phương hiện vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức của một số đơn vị, cán bộ công chức về việc triển khai ứng dụng CNTT chưa cao, nhân lực CNTT còn thiếu và yếu. Theo nhiều chuyên gia thì cái khó hiện nay trong việc xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam là chưa đáp ứng được về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Thêm vào đó việc tích hợp, trao đổi thông tin giữa hệ thống dịch vụ công [DVC] trực tuyến của địa phương với các bộ, ngành cũng chưa theo một chuẩn thống nhất. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước đang ở quy mô nhỏ, chưa kết nối, chia sẻ thông tin trên diện rộng. Việc điều hành xử lý công việc qua mạng chưa thường xuyên liên tục. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao [mức 3, 4] cung cấp cho người dân và doanh nghiệp chưa nhiều. Ngoài ra, các vấn đề cơ chế, kinh phí, nguồn lực cho Chính phủ điện tử cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Cần nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC.

Cần gắn kết với cải cách thủ tục hành chính

Theo nhận xét của các địa phương thì việc triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng chính quyền điện tử đang đi đúng hướng và phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, đây là việc làm nòng cốt để xây dựng thành phố thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần được cải thiện như: môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn…

Còn ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc xây dựng và duy trì các ứng dụng công nghệ thông tin tại địa phương đã cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường năng lực của cơ quan hành chính, thực hiện công khai minh bạch trong hoạch định chính sách; phòng, chống tham nhũng và nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng phục vụ cải cách hành chính.

Hiện nay, nhiều địa phương cũng đã dành những khoản kinh phí lớn để đầu tư xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, như Thanh Hóa với dự toán kinh phí khoảng 2.280 tỷ đồng. Để xây dựng thành công Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử đang rất cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ từ cấp trung ương tới các địa phương. Đó là phải gắn kết chặt chẽ với việc cải cách TTHC, nó được thể hiện qua Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Ban hành và triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, các phần mềm dùng chung, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong quá trình xử lý công việc; tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước.

Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm xử lý các bất cập đã được chỉ ra như việc các bộ khi triển khai các cơ sở dữ liệu, thí dụ như đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, hộ tịch, dân cư nhưng không tính đến hệ thống đang có của các địa phương. Do vậy dẫn đến tình trạng cơ sở dữ liệu đó không liên thông được giữa bộ và địa phương. Phải cung cấp trực tuyến dịch vụ công mức độ 3, 4 và tích hợp các dịch vụ công này với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân.

Về mặt pháp lý, trong quý III - 2017, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về cơ chế một cửa để liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước các cấp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa kiểm soát TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử; thiết lập hệ thống thông tin điện tử một cửa kết nối giữa các cấp chính quyền nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.

Để giải quyết bài toán khó về tài chính, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng: Chính phủ cần tập trung vào các dự án nhỏ có thể bảo đảm khả năng tự trang trải về mặt tài chính, hoặc những dự án có thể lấy từ nguồn bên ngoài vì các dịch vụ càng phức tạp, tinh vi thì chi phí càng lớn. Đồng thời, phải xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Công tác này phải được quán triệt, chỉ đạo quyết liệt, triển khai tới từng cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo chuyển biến mới.

LÝ HÀ

Từ những năm 2000, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng chính phủ điện tử. Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam là một trong số không nhiều những quốc gia trên thế giới được Liên hợp quốc đánh giá cao về những kết quả tích cực trong xây dựng và phát triển chính phủ điện tử.

1. Đánh giá của quốc tế về xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đã có sự tăng hạng về chính phủ điện tử liên tục trong 06 năm qua [từ vị trí thứ 99 năm 2014 lên vị trí thứ 86 trong năm 2020]. Cụ thể, Liên hợp quốc đánh giá chỉ số về chính phủ điện tử theo bốn mức: rất cao [trên 0,75 điểm]; cao [từ 0,5 đến 0,75 điểm]; trung bình [từ 0,25 đến 0,5 điểm], thấp [dưới 0,25 điểm]. Năm 2020, chỉ số dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam là 0,6529 điểm; chỉ số về cơ sở hạ tầng viễn thông là 0,6694 điểm [đều ở mức cao theo chỉ số đánh giá của Liên hợp quốc]. Bên cạnh đó, chỉ số nguồn nhân lực của Việt Nam tăng không đáng kể với 0,6779 điểm[1].

Chính phủ Việt Nam đang từng bước hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số bằng cách nắm bắt những cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Tuy nhiên, đánh giá trong năm 2020 của Liên hợp quốc cũng chỉ ra những thách thức và rủi ro đang tồn tại ở các nước đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam như: an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nguồn lực hạn chế để thực hiện chính sách về chính phủ số.

1.1. Đánh giá về dịch vụ công trực tuyến

Về chỉ số dịch vụ công trực tuyến, năm 2014 Việt Nam chỉ đạt mức trung bình là 0,4173 điểm[2]. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tăng cả về số lượng và chất lượng của các bộ, ngành cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên năm 2020 Việt Nam đã đạt chỉ số dịch vụ công trực tuyến ở mức cao với 0,6529 điểm.

Theo số liệu thống kê năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 127.270 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và mức độ 2, có 26.734 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 [chiếm 16,73%] và 5.792 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 [chiếm 3,62%][3]. So với 06 năm trước đó, cũng theo số liệu thống kê từ Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông thì Việt Nam chỉ có 2.366 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 [xấp xỉ 2,27%] và 30 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 [xấp xỉ 0,03%][4].

Từ ngày 09/12/2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã được đưa vào vận hành tại địa chỉ www.dichvucong.gov.vn, được kết nối, tích hợp với cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử tại các bộ, ngành, địa phương. Đây là nơi cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.

Theo kế hoạch, trong năm 2020 sẽ tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, sau năm 2020 Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tiếp tục tăng dần, mỗi năm tích hợp 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các bộ, ngành, địa phương. Tính đến tháng 9/2020, số thủ tục hành chính cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 1.955 thủ tục và số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 507.171 hồ sơ.

Như vậy, Việt Nam đã có sự thay đổi lớn về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến mức độ cao [mức độ 3 và mức độ 4] với số lượng tăng vượt trội so với những năm trước đây. Đây là kết quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là nỗ lực tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

1.2. Đánh giá về cơ sở hạ tầng viễn thông

Theo thống kê của Liên hợp quốc, trong năm 2020 tỷ lệ người Việt Nam dùng internet  là 70,37%, tăng khá cao so với năm 2018 là 46,5%. Số liệu thống kê năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy tỷ lệ dân số được phủ sóng di động là 99,7%, trong đó tỷ lệ người dân được phủ sóng di động 4G là 95,3%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet là 47%[5]; thuê bao điện thoại di động với 136,74 thuê bao/100 dân[6]; thuê bao internet băng thông rộng [có dây] là 13,63%; thuê bao internet [di động] băng thông rộng chiếm 55,39%[7].

Số lượng người dùng internet tại Việt Nam năm 2019 đã đạt 70%[8], tương ứng với hơn 67 triệu người. Năm 2020, thông qua ba chỉ số quan trọng khi đánh giá về cơ sở hạ tầng viễn thông như: thuê bao điện thoại di động với 120 thuê bao/100 dân; thuê bao internet băng thông rộng [có dây] là 13,6% và thuê bao internet [di động] băng thông rộng đạt 71,89%, chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông [TII] của Việt Nam đạt mức cao là 0,6694 điểm, cao hơn mức trung bình thế giới là 0,5964 điểm[9] và so với năm 2018 [đạt 0,3890 điểm][10] thì chỉ số này đã cao gấp 1,7 lần. Các đánh giá trước đây của Liên hợp quốc về cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam đều đạt điểm ở mức trung bình.

Như vậy, với sự đầu tư cho cơ sở hạ tầng truyền thông - viễn thông, đặc biệt là việc đưa mạng di động 4G vào khai thác dịch vụ từ năm 2017, Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông. Năm 2020, chỉ số này đã vượt lên mức cao theo đánh giá của Liên hợp quốc.

1.3. Đánh giá về nguồn nhân lực

Bên cạnh chỉ số dịch vụ công trực tuyến và chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông, Việt Nam cũng chú trọng gia tăng chỉ số nguồn nhân lực [HCI]. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số HCI được tính từ 04 chỉ số thành phần là: tỷ lệ biết chữ của người lớn từ 15 tuổi trở lên; tỷ lệ người đang theo học; số năm đi học dự kiến; số năm đi học trung bình của người từ 25 tuổi trở lên.

Theo số liệu thống kê trong Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ số người trên 15 tuổi biết đọc, biết viết chiếm 95,8% tổng số dân. Tỷ lệ số người học đại học, cao đẳng trên tổng số người trong độ tuổi đại học, cao đẳng [từ 18 đến 22 tuổi, tương đương 5 năm tiếp theo sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông] là 21,1%[11].

Để xây dựng chính phủ điện tử, cần có công dân điện tử và công chức điện tử. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng và rất quan tâm đến vấn đề này. Theo số liệu thống kê, tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử, viễn thông là 973.692[12] người. Riêng nhân lực làm việc trong lĩnh vực viễn thông và internet năm 2018 là 77.205 người [năm 2016 chỉ có 71.298 người][13]. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tăng rõ rệt: tỷ lệ trung bình số đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có công chức chuyên trách về công nghệ thông tin năm 2018 là 81,39% [năm 2016 là 71,29%]. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 là 93,45% [năm 2016 là 91,67%][14].

Tuy nhiên, theo đánh giá chỉ số nguồn nhân lực của Liên hợp quốc năm 2020, Việt Nam chỉ đạt 0,6779 điểm, tuy có cao hơn những năm trước nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới [0,688 điểm]. So với năm 2014 là 0,6025[15] điểm, chỉ số này tăng không đáng kể. Chỉ số HCI của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Singapore - quốc gia có chỉ số nguồn nhân lực cao nhất trong khu vực ASEAN [0,8904 điểm][16].

Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 đã đề ra mục tiêu cụ thể: “Hoàn thiện nền tảng chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng”. Trong đó, mục tiêu Việt Nam phải đạt được vào năm 2025 là “thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN”.

Triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, ngày 31/12/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. So với Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0 ban hành năm 2015, lần này có một số nội dung nổi bật như: 05 mô hình tham chiếu [mô hình tham chiếu nghiệp vụ; mô hình tham chiếu dữ liệu; mô hình tham chiếu ứng dụng; mô hình tham chiếu công nghệ;  mô hình tham chiếu an toàn thông tin], các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tạo nền tảng xây dựng chính phủ điện tử Việt Nam[17].

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đề ra mục tiêu: đến năm 2025 có 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; phát triển kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm nội địa [GDP], nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Việt Nam thuộc nhóm 70 quốc gia trên thế giới dẫn đầu về chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Đồng thời, Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng chỉ ra tầm nhìn đến năm 2030: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”[18].

2. Một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam trong thời gian tới

Để xây dựng chính phủ điện tử, cần đánh giá đúng thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin cũng như hiểu rõ được các yếu tố nền tảng cho kinh tế số, từ đó thiết lập một chiến lược số phù hợp nhất với tình hình thực tế của đất nước. Vì vậy, cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần bố trí nhân sự thích hợp cho chức danh giám đốc công nghệ thông tin của Chính phủ; giải quyết tốt tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Hai là, sớm hoàn thành xây dựng và đưa vào triển khai áp dụng Khung kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ, Khung kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh, thành phố phù hợp với Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương theo hướng kết hợp giữa mô hình tập trung và mô hình phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây [cloud computing]. 

Ba là, sử dụng dữ liệu để hoạch định và thực thi chính sách, bởi chuyển đổi chính phủ số phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động sử dụng dữ liệu. Trong đó, khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ dữ liệu dựa trên ứng dụng công nghệ mới có ý nghĩa then chốt trong cải thiện cung ứng dịch vụ. Thiết lập hệ thống tiêu chuẩn liên quan đến các công nghệ mới. Dữ liệu sẵn có giúp tăng cường chất lượng quyết định chính sách, nâng cao hiệu quả và gia tăng lợi ích cho người dân; ưu tiên đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Bốn là, phải đảm bảo nguồn ngân sách nhà nước dành cho xây dựng chính phủ điện tử. Huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực và chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số. Chính phủ số tập trung vào nguyên tắc dịch vụ số phải là cách thức chủ yếu để cung cấp các dịch vụ. Để đạt được điều này, cần có kế hoạch chuyển đổi toàn bộ chuỗi cung cấp dịch vụ công thông qua việc thiết kế dịch vụ lấy người dùng làm trung tâm, để người dân và các doanh nghiệp được sử dụng các dịch vụ công số mà họ mong muốn; khai thác các công nghệ di động phổ biến; chuyển đổi toàn bộ các quy trình giao dịch sang kỹ thuật số; ra quyết định chính sách dựa trên dữ liệu hành chính thay vì văn bản hành chính; sử dụng nhất quán các dịch vụ dùng chung trong toàn bộ Chính phủ.

Năm là, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin số và bảo mật dữ liệu. Chính phủ số phải đi đôi với các nỗ lực tăng cường an ninh mạng và an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân để người dùng tin tưởng vào các dịch vụ công số và thông tin trực tuyến của Chính phủ. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan trong nước và quốc tế nhằm đối phó với các nguy cơ nhằm vào các hệ thống thông tin của khu vực công ngày càng tăng.

Xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phát triển bền vững là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, xây dựng và triển khai mô hình lãnh đạo và quản trị mới, nhằm tận dụng sức mạnh và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số./.

-------------------------------------------------

Ghi chú:

[1],[9],[16]. “United Nations E-Government Survey 2020”, Department of Economic and Social Affairs - United Nations New York, tr.272, tr.272, tr.292, tr.279.

[2],[15] “United Nations E-Government Survey 2014”, Department of Economic and Social Affairs - United Nations New York, // publicadministration.un.org/en/, tr.203, tr.235.

[3],[5],[6],[7],[8],[11],[12],[13],[14] Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2019, Nxb Thông tin - Truyền thông, H.2019, tr.29, tr.27, tr.21, tr.23, tr.26, tr.52, tr.39, tr.27, tr.30.

[4] Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2014, Nxb Thông tin - Truyền thông, H.2014, tr.32.

[10] “United Nations E-Government Survey 2018”, Department of Economic and Social Affairs - UNITED NATIONS New York, //publicadministration. un.org/en/, tr.255.

[17] Bộ Thông tin và Truyền thông, Quyết định số 2323/QĐ-TTTT ngày 31/12/2019 ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.

[18] Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 749/ QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

ThS Hoàng Thị Kim Chi - Học viện Hành chính Quốc gia

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề