Gạch 3 chấm có tốt không

HOANHAP.VN - Gạch đỏ, bò vàng - câu nói ấy đã từ lâu in đậm trong tiềm thức của đa số người dân Việt Nam và nó đã góp phần làm cho thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là gạch bằng đất nung vẫn còn chỗ đứng rất vững chắc trên thị trường. Ngày trước, gạch đa phần được làm bằng đất sét nung nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây khi nguồn nguyên liệu đất sét khan hiếm, những ông chủ lò đã phải tìm đủ các loại đất khác, kể cả đất thải để hàng ngày hàng giờ đưa đất, nước vào khuôn khổ. Chính vì vậy gạch đất nung bây giờ thượng vàng hạ cám làm cho người dùng còn nơm nớp lo sợ. Trường hợp nhãn hiệu gạch Văn Lâm của Công ty TNHH Đăng Hường [Văn Lâm, Hưng Yên] là một ví dụ.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp,đặc biệt là nhà thầu xây dựng công trình dân dụng, nhà ở cũng như nhiều khách hàng thì họ đã rất khốn khổ khi mua phải những lô gạch mang nhãn hiệu gạch Văn Lâm của Công ty TNHH Đăng Hường. Mua gạch Văn Lâm về có khi xây lên tường được một vài hôm thì thỉnh thoảng lại có những tiếng độp độp như ma làm không biết ở đâu ra. Nhìn vào tường vừa xây cứ thấy toác ra từng mảng, nhỏ thì bằng bàn tay, to thì cũng phải cả mảng. Nhiều khi chát chít xong đi vào hoàn thiện mới bị. Bình thường xây xong bị thì đến khi chát tường chỉ tốn thêm ít vôi ít vữa nhưng chát xong mới bị nổ thì không chỉ tốn vôi tốn vữa mà còn tốn cả công nữa mới xử lý được những sự cố này. Nguyên nhân chủ yếu  là do trong gạch có vôi. Khi xây lên tường hoặc chát vào thì viên gạch sẽ hút ẩm, những miếng vôi trong viên gạch vì thế sẽ nở ra và sức công phá của nó sẽ phá vỡ kết cấu thông thường của viên gạch, gạch đã lên tường rồi thì sẽ đi tong cả mảng tường. 


Gạch Văn Lâm của Công ty TNHH Đăng Hường bị lẫn vôi nứt toác

Sở dĩ có hiện tượng như vậy là bởi vì nguyên liệu đất đầu vào bị lẫn đá. Và quy trình sản xuất để ra một viên gạch tuynel là người ta phải cho đất và than đã qua nhiệt vào xay lẫn với nhau, sau đó cho vào máy đùn, đùn ra gạch mộc, rồi chuyển sang sấy khô và đưa vào nung hỗn hợp chứ không nung gạch riêng, than riêng như gạch thủ công truyền thống. Và cũng là vì trong đất nguyên liệu có lẫn đá không xử lý được tuyệt đối nên khi đưa vào nung, đá sẽ hoá thành vôi và việc ra lò những viên gạch lẫn vôi là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao gạch  Văn Lâm hay gặp tình trạng này, PV Hoanhap.vn đã tìm đến tận nhà máy tìm hiểu và được gặp ông Nguyễn Đăng Hường- Giám đốc Công ty TNHH Đăng Hường, nơi khai sinh ra những viên gạch đất nung mang  thương hiệu gạch Văn Lâm. Trao đổi với PV, ông Hường cho biết dự án nhà máy gạch Văn Lâm thuộc dạng hiện đại nhất địa bàn các tỉnh phía Bắc với tổng mức đầu tư lên đến 160 tỷ, mỗi một ngày nhà máy đều đều cho xuất xưởng ra thị trường khoảng 7  vạn viên gạch đất nung. Hiện tượng gạch lẫn vôi là chuyện khó tránh khỏi và “thi thoảng” Công ty vẫn gặp phải vì máy nghiền chỉ nghiền được loại đất đá có kích thước lớn hơn 3 mm. Còn nhỏ hơn thì không thể nghiền được và bắt buộc phải đùn sang gạch để nung ...vôi. Nhiều khi Công ty phải chấp nhận bán giá rẻ may ra mới tiêu thụ được những lô gạch này.


Ông Nguyễn Đăng Hường- Giám đốc Công ty TNHH Đăng Hường bên những viên gạch vôi chờ bán ra thị trường.

Thi thoảng mới gặp mà phải chấp nhận bán giá rẻ để tiêu thụ những lô hàng này? Nghe nó mới vô lý làm sao? Theo quan sát của PV Hoanhap.vn thì ngay tại sân của nhà máy còn nhiều dãy dài hàng trăm vạn viên chờ xuất ra thị trường chứ không hề có chuyện thi thoảng mới gặp phải như ông Nguyễn Đăng Hường than vãn. Theo điều tra riêng của Hoanhap.vn thì tất cả đều là do nguồn nguyên liệu đất đầu vào không rõ ràng, không được tuyển chọn cẩn thận nên mới dẫn đến tình trạng này. Vì địa điểm công ty đặt nhà máy nằm cách xa vùng nguyên liệu nên đầu mối cung cấp nguồn nguyên liệu đất cho Công ty Đăng Hường chủ yếu do một số cá nhân kinh doanh vận tải. Mà những cá nhân này lại chuyên ký hợp đồng vận chuyển đất thải, phế thải vật liệu xây dựng cho một số dự án nhà ở cao tầng trên địa bàn Hà Nội. Không có chỗ chôn lấp thì các cá nhân này lại tận dụng vận chuyển về bán cho các nhà máy gạch, trong đó có Công ty TNHH Đăng Hường. Gặp phải đất bề mặt móng còn đỡ nhưng đất này thì có đáng là bao. Phần nhiều là những đất từ những hố khoan cọc nhồi đẩy lên. Những ai am hiểu về lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là những dự án cao tầng thì đủ biết, thường thì những hố cọc khoan nhồi có đường kính đến hơn 1 mét và sâu hơn 100 m, có nơi sâu hơn, và phải qua vài tầng đálà chuyện bình thường. Như thế, đá già, đá non theo mũi khoan đẩy lên và đi theo các xe tải chở phế thải vật liệu xây dựng đến các nhà máy gạch, trong đó có gạch Văn Lâm là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Và đây chính là một quy trình để làm ra những viên gạch vôi mà khách hàng không may gặp phải thì chỉ có... nát nhà.


Phiếu giao nhận đất nguyên liệu giữa Công ty TNHH Đăng Hường với một số cá nhân cung cấp

Thâm nhập cung đường vận chuyển nguyên liệu đất đầu vào của Công ty TNHH Đăng Hường, PV Hoanhap.vn còn phát hiện thêm một sự thật động trời đó là những đầu mối cung cấp nguyên liệu đất cho nhà máy này hầu như chưa bao giờ có hoá đơn bán hàng. Bên mua và bên bán chỉ xác nhận việc mua hàng với nhau bằng một cái phiếu nhận hàng với một số thông tin: biển số xe, ngày giờ vận chuyển,khối lượng, người lái... còn việc hợp thức hoá chi phí đầu vào là do Công ty TNHH Đăng Hường tự lo. Vậy Công ty TNHH Đăng Hường sẽ hợp lý hoá hoá đơn đầu vào, khấu trừ thuế ra sao, hạch toán, quyết toán với cơ quan thuế vụ như thế nào, PV sẽ tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc trong những bài viết tiếp theo.

Chủ Đề