Giá trị văn hóa của lễ hội Lam Kinh

Lễ hội Lam Kinh – nét đẹp văn hóa xứ Thanh [Ảnh: Internet]

[Cinet] - Sáng 4/10, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2015, kỷ niệm 597 năm khởi nghĩa Lam Sơn và 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Đây là sự kiện văn hóa nằm trong chuỗi các hoạt động gắn kết với Năm Du lịch quốc gia 2015-Thanh Hóa. Lễ hội được tổ chức trang trọng với phần lễ và phần hội. Phần lễ năm nay tiếp tục thực hiện nghi thức tế lễ truyền thống tại Sân Rồng, Khu di tích lịch sử Lam Kinh với các màn trống hội, rước kiệu lên kỳ đài, lễ tế, cáo tổ tiên theo nghi thức cổ truyền với sự tham gia của đội tế, dàn trống đồng, cồng chiêng, đội rồng. Ở phần hội, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc của xứ Thanh, bao gồm chương trình nghệ thuật do Đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa chủ trì; các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch với trò chơi dân gian; thi đấu các môn thể thao truyền thống như Khua Luống, cờ Người, Sanh Ngô… Thông qua những hoạt động của lễ hội nhằm giáo dục tinh thần yêu quê hương đất nước, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa của mảnh đất và con người xứ Thanh. Lễ hội Lam Kinh 2015 kỷ niệm 597 năm Khởi nghĩa Lam Sơn và 582 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi được tổ chức với qui mô cấp tỉnh do Sở VH,TT&DL chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức lễ hội với phương châm: Đảm bảo tính trang trọng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội, đảm bảo trật tự an ninh, vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa. Lễ hội Lam Kinh 2015 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 3 - 5/10 [tức ngày 21 - 23/8 năm Ất Mùi] với các hoạt động chính tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh; đền thờ Lê Thái tổ, khu lăng mộ Lê Thái Tổ, các tòa miếu di tích lịch sử Lam Kinh [huyện Thọ Xuân]; đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, xã Kiên Thọ [huyện Ngọc Lặc]; thái miếu Nhà Lê, tượng đài Lê Lợi [TP Thanh Hóa]...

CN


 

Bà Nguyễn Thị Huệ, đến từ TP Hồ Chí Minh bộc bạch: “Năm nay tôi đã 80 tuổi nên càng quyết tâm cùng con cháu về Thanh Hóa tham quan quần thể di tích Lam Kinh. Xa quê, tôi luôn nhớ về đất tổ, khắc ghi công lao của các thế hệ hiền nhân đã gây dựng nên non sông, gấm vóc nước nhà”.

Từ mảnh đất của các anh hùng hào kiệt

Từ đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa, sau khi dâng hương tưởng niệm các hoàng thân, quốc thích triều Hậu Lê tại đền nhà Lê ở phường Đông Vệ, hay thắp hương tưởng niệm người Anh hùng dân tộc tại tượng đài Lê Lợi ở trung tâm TP Thanh Hóa, du khách có thể theo quốc lộ 47, hướng về vùng thượng du Thanh Hóa, nơi có núi Mục, núi Dầu, những địa danh gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Mới đây, tại hội thảo khoa học tổ chức tại huyện Thường Xuân, nhiều nhà khoa học cho rằng Lũng Mi, thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai của các anh hùng hào kiệt, nguyện một lòng đánh giặc cứu nước vào năm 1416.

Theo giáo sư Vũ Ngọc Khánh, động cơ của cuộc khởi nghĩa không phải vì “có chí làm vua”, mà chủ yếu vì tình hình đất nước, vì cuộc sống thảm khốc của nhân dân bấy giờ. Chính vì vậy những người tham gia hội thề “tự nhận lấy nhiệm vụ giải phóng quê hương, làm cho xóm làng được ăn ở yên lành”. Theo đó, Lê Lợi đã quy tụ được hào kiệt bốn phương, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân nhằm hoàn thành mục tiêu giải phóng dân tộc.

Từ buổi ban đầu “nếm mật nằm gai”, nhưng “chiến sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, thực phương châm “dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, nghĩa quân Lam Sơn hoạt động khắp vùng miền núi Thanh Hóa rồi chuyển hướng chiến lược, mở rộng địa bàn vào Nghệ An, phát triển vùng giải phóng đến tận đèo Hải Vân. Nhận thấy tương quan lực lượng, cục diện chiến tranh chuyển biến mau lẹ, năm 1426, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định mở cuộc tiến công chiến lược ra Bắc.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên thực tế đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Với chiến thắng Tốt Động - Chúc Động vang dội, thừa thắng tiến tới vây thành Đông Quan và các thành lũy khác, thực hiện kế sách “đánh vào lòng người”, chặn đánh tan các đạo quân Minh tăng viện tại Chi Lăng, đánh chiếm thành Xương Giang; tiếp tục thực thi đồng bộ các mũi giáp công, nhất là quán triệt phương châm “lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ lấy chí nhân thay cường bạo”, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã “mở đường hiếu sinh” cho Vương Thông cùng tàn binh rút về nước.

Vậy là, “Xã tắc từ đây vững bền, giang sơn từ đây đổi mới”.

Cùng với việc thực thi các chính sách khôi phục, phát triển kinh tế, tiến hành khai hoang lấn biển, xây dựng quân đội, quốc phòng, ban hành “Lê triều hình luật”, triều Hậu Lê còn đạt những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, giáo dục khoa cử và Nho giáo trở thành quốc giáo. Triều đại phong kiến thịnh trị được vinh danh trong chính sử, lưu truyền trong dòng chảy văn hóa dân gian và hàng loạt tác phẩm văn học, trong đó có “Đại cáo bình Ngô”, áng anh hùng ca tổng kết tài tình cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc của thế kỷ XV.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên năm thứ nhất [1428]; đặt quốc đô tại Thăng Long, gọi là Đông Kinh; đồng thời chủ trương xây dựng ở quê hương Lam Sơn một khu kinh thành thứ hai gọi là Lam Kinh.

Theo cổ sử, tháng 11-1429, vua Lê Thái Tổ về Tây Đô bái yết sơn lăng và ngày 10-6-1430 triều đình ban luật lệ đổi “Đông Đô” làm “Đông Kinh”, “Tây Đô” thành “Tây Kinh”.

Tới công cuộc tôn tạo, tái thiết


Các tòa thái miếu được phục dựng ở Lam Kinh.

Gần sáu trăm năm trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, chịu tác động sâu sắc bởi hoàn cảnh chiến tranh, Lam Kinh chỉ còn lưu giữ được những giá trị nguyên gốc dưới lòng đất, phần lớn những công trình kiến trúc thời Hậu Lê được xây dựng ở “Tây Kinh” không còn tồn tại trên mặt đất. Ngay nhà bia che bia Vĩnh Lăng, nội dung bia khắc ghi về quê hương, gia tộc, thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ cũng mới được xây dựng vào năm 1961.

Ngày 22-10-1994, Thủ tướng Chính phủ có quyết định 609/QĐ-TTg phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể về tu bổ, phục hồi và tôn tạo khu di tích lịch sử Lam Kinh. Từ đây, nhiều nhóm giải pháp được thực thi nhằm bảo lưu tính nguyên gốc, từng bước phục hồi, tôn tạo, phát huy giá trị của quần thể di tích này. Di tích lịch sử Lam Kinh được khoanh vùng quản lý, bảo vệ 250 héc-ta, trong đó có 100 héc-ta thuộc khu vực I được phải bảo vệ nghiêm ngặt và 150 héc-ta khu vực II.

Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã thực hiện bảy lần khai quật khảo cổ học khu vực này phát lộ các tầng văn hóa cùng các di vật hiện tồn trong lòng đất, nhất là phát lộ toàn bộ nền móng, quy mô kiến trúc, cấu trúc các đơn nguyên và sưu tầm được hàng chục nghìn hiện vật có niên đại thời Lê sơ như nhóm vật liệu kiến trúc, xây dựng, đồ thờ, đồ gia dụng. Các hiện vật được phát hiện, góp phần bổ sung những luận cứ khoa học, được tư vấn, thiết kế, chủ đầu tư ứng dụng trong phục chế, sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ hoạt động phục dựng, tôn tạo các hạng mục công trình thuộc quần thể di tích lịch sử Lam Kinh.

Trưởng Ban quản lý di tích Lam Kinh Trịnh Đình Dương khẳng định, gần 20 năm tổ chức các hoạt động nghiên cứu; kiện toàn bộ máy quản lý, bảo vệ, khai thác; thực hiện phục dựng, trùng tu, tôn tạo các hạng mục công trình thuộc quần thể di tích này, Lam Kinh dần thoát khỏi tình trạng “ẩn tích”.


Khuya luống, một loại hình văn hóa truyền thống còn bảo lưu trong cộng đồng người Thái ở huyện Thường Xuân.

Ngoài chính điện Lam Kinh đang trong giai đoạn phục dựng, hàng chục hạng mục công trình như năm tòa thái miếu, sân rồng, sông Ngọc, cầu Bạch, giếng vua, hệ thống các lăng mộ, nhà bia, đường tham quan, rồi đền thời Trung Túc Vương Lê Lai ở làng Như Áng, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, đền thờ vua Lê Thái Tổ ở xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân được phục dựng, trùng tu, tôn tạo; xây dựng thêm nhóm công trình tôn vinh đáp ứng mong mỏi của nhân dân, gắn bảo lưu giá trị nguyên gốc đi đôi phát huy, khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch tâm linh của quần thể di tích, di sản này.

Và những thành công

Năm 2012, khu di tích đón được 60.000 lượt khách, tăng 20% so với năm trước, trong đó có 700 lượt khách đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…

Tám tháng đầu năm nay, khu di tích đã đón, phục vụ 50.000 lượt khách tham quan. Tỉnh Thanh Hóa đã công bố quy hoạch khu phát triển du lịch rộng 300 héc-ta, ban hành chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, tổ chức các loại hình dịch vụ nhằm có thêm nhiều sản phẩm du lịch thỏa mãn nhu cầu của du khách.

Lam Kinh mùa thu này, đã hiện hữu những công trình kiến trúc thâm nghiêm giữa quần thể thực vật xanh tươi đặc trưng bởi các loài cây bản địa như lim, lát, sến, táu, de, dổi, đa, rưới… trong đó có 18 cây mới, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây di sản.

Thành điện Lam Kinh, tọa lạc trên dải đất cao, mặt chính nam nhìn ra sông Chu và núi Chúa. Bên tả là núi rừng Phú Lâm, núi Ngọc Giăng Đèn thành hình cánh cung; bên hữu là núi Hướng, núi Hàm Rồng che chắn phía tây.

Từ nhà trưng bày, nơi lưu giữ, giới thiệu 20.000 cổ vật, trong đó có những viên gạch vồ, ngói nóc kích thước lớn, ngói mũi hài, trang trí hình rồng, đầu kìm nóc tinh sảo, các đồ sứ gia dụng men ngà, xương mỏng như vỏ trứng; du khách vượt qua cầu Bạch, ghé thăm giếng vua phía đông, cây đa cổ thụ mới được công nhận cây di sản, đi về phía tây tham quan bia Vĩnh Lăng làm bằng đá trầm tích biền nguyên khối, cao 2,79 mét, rộng 1,94 mét, dày 27 cm, đặt trên lưng một con rùa lớn tạc cùng loại đá còn lưu dấu vết vỏ áo các loài nhuyễn thể sống trong nước biển như trai, sò, hến…

Bước vào sân Rồng, du khách sẽ được thưởng lãm quy mô kiến trúc rộng lớn của chính điện Lam Kinh gồm có điện Quang Đức, điện Sùng Hiếu và điện Diên Khánh đang phục dựng dở dang, nổi bật kiến trúc gỗ hai tầng mái, trong đó hàng cột cái có đường kính tới 62 cm. Phía sau là chín tòa thái miếu thờ Thái hoàng, Thái phi, trong đó có năm tòa thái miếu đã hoàn thành việc phục dựng.

Để tưởng niệm hoàng thân quốc thích triều Hậu Lê, du khách nhớ đến dâng hương tại các khu lăng mộ, tri ân các vị vua anh minh, tìm hiểu nét đặc trưng của tượng phỗng, mỗi con giống, một số loài thực vật khu vực này.

Một cảnh trong lễ hội Lam Kinh truyền thống.

Nhằm phát huy giá trị di sản, năm 2005, tỉnh Thanh Hóa từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trợ giúp, nghiên cứu, khôi phục lễ hội truyền thống Lam Kinh, nhất là các trò diễn cung đình, dân gian đặc trưng ở vùng đất Lam Sơn. Ban quản lý di tích cũng chủ động triển khai sưu tầm các tri thức dân gian, truyền thuyết về nghĩa quân Lam Sơn, các nghề thủ công truyền thống; đặc biệt quần chúng nhân dân vùng đất Lam Sơn đã sưu tầm, hiến tặng hàng nghìn hiện vật thời kỳ Lê Sơ, Lê Trung Hưng bổ sung, làm giàu có thêm kho tàng di sản vật thể trong không gian văn hóa Lam Sơn.

Năm nay, tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt, gắn với kỷ niệm 595 năm khởi nghĩa Lam Sơn và 580 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi vào các ngày 24 đến 26 tháng 9 [tức từ 20 đến 22 tháng 8 Âm lịch], chính lễ tổ chức vào sáng ngày 26-9 tại sân rồng, trước chính điện Lam Kinh.

Ngoài phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống, trọng tâm là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gian lao, anh dũng và thắng lợi vẻ vang; những thành tựu nổi bật thời Hậu Lê thịnh trị, nhất là các hoạt động văn hóa cung đình, trò chơi trò diễn dân gian đặc trưng của vùng đất xứ Thanh.

Cũng trong dịp này, tại các khu di tích vệ tinh như đền nhà Lê, tượng đài Lê Lợi ở TP Thanh Hóa, đền thờ Lê Lai ở Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc… diễn ra các hoạt động tri ân cùng những hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT đa dạng. Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tổ chức trình chiếu các phim tư liệu về Danh nhân đất Việt, phim truyện nhựa về đề tài lịch sử; các phóng sự tài liệu về Lễ hội Lam Kinh, giới thiệu về quần thể di tích Lam Kinh phục vụ đồng bào các dân tộc vùng thượng du Thanh Hóa.

Di tích Lam Kinh luôn gắn kết với các di sản, danh thắng trong không gian văn hóa xứ Thanh như di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ [Vĩnh Lộc]; suối cá Cẩm Lương [Cẩm Thủy], công trình Hồ thủy lợi-thủy điện, đền Cửa Đạt; khu bảo tồn Xuân Liên [Thường Xuân], Phủ Na, Am Tiên [Triệu Sơn]…

Theo đó, về với Lam Kinh ngoài giải tỏa nhu cầu về đời sống tâm linh, tìm hiểu lịch sử truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; từ đây du khách có thể tiếp tục hành trình đến các vùng văn hóa, di tích, danh thắng trong tỉnh để hiểu, biết nhiều hơn bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương “địa linh, nhân kiệt”.

MAI LUẬN

Video liên quan

Chủ Đề