Hậu quả của việc sinh viên lười học

Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo bài viết nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh hiện nay dưới đây.

Ngữ văn 9 - Nghị luận vấn đề lười học của học sinh

  • Dàn ý Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh
  • Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu 1
  • Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu 2
  • Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu 3
  • Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu 4
  • Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu5
  • Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu 6

Dàn ý Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hiện tượng lười học.

2. Thân bài

a. Thực trạng

  • Học sinh lơ là trong học tập mà chỉ tập trung vào những thú vui ở bên ngoài như chơi điện tử, lên mạng xã hội,
  • Tỉ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học sớm vẫn còn cao.
  • Tỉ lệ và thời gian học sinh sử dụng thiết bị di động rất cao.

b. Nguyên nhân

  • Chủ quan: do bản tính hiếu thắng của các em, tò mò, muốn biết nhiều thứ trên mạng xã hội. Đôi lúc là do việc có quá nhiều bài tập dẫn đến tình trạng chán nản không muốn làm. Do sự ham chơi ở tuổi ăn tuổi lớn,
  • Khách quan: do sự thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường tạo nhiều áp lực, các em không được dạy dỗ đến nơi đến chốn

c. Hậu quả

  • Chất lượng giáo dục đi xuống, tạo lỗ hổng kiến thức cho các em.
  • Các em có những hiểu biết sai lệch về các vấn đề trong cuộc sống.
  • Việc lười biếng không chịu trau dồi kiến thức của thế hệ học sinh dẫn đến hệ lụy nước nhà ngày càng thiếu đi nhân tài.

d. Giải pháp

  • Mỗi bạn học sinh cần có ý thức tự rèn luyện bản thân và tích cực học tập.
  • Gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình, đốc thúc con em học tập, hạn chế tối đa việc sử dụng mạng xã hội nhất có thể.
  • Nhà trường cần giao bài tập vừa đủ và hợp lí để các em rèn luyện, ôn tập [không quá ít cũng không quá nhiều].

3. Kết bài

Phê phán việc lười học, nêu cao tầm quan trọng của việc học và liên hệ bản thân.

Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu 1

Một trong những hiện tượng nóng bỏng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận đó chính là việc học sinh ngày nay ngày càng lười học.

Thật không khó để nhận thấy các em học sinh hiện nay lơ là trong học tập mà chỉ tập trung vào những thú vui tiêu khiển ở bên ngoài như chơi điện tử, lên mạng xã hội. Hầu như bạn học sinh nào cũng có một mạng xã hội là Instagram, Facebook, và thời gian sử dụng mạng xã hội rất nhiều. Kèm theo đó là tỉ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học sớm vẫn còn cao.

Nguyên nhân của thực trạng này không thể không nhắc đến đó là sự chủ quan; do bản tính hiếu thắng, tò mò của các em muốn biết nhiều thứ trên mạng xã hội. Đôi lúc là do việc có quá nhiều bài tập dẫn đến tình trạng chán nản không muốn làm. Ngoài ra nguyên nhân còn là do sự ham chơi ở tuổi ăn tuổi lớn. Một trong những nguyên nhân không thể không nhắc đến đó là sự thiếu quan tâm của gia đình khi bố mẹ bận rộn kiếm tiền; nhà trường tạo nhiều áp lực về học tập khiến các em chán nản

Hậu quả của việc lười học của học sinh đó là chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống, tạo lỗ hổng kiến thức cho các em. Các em sẽ có những hiểu biết sai lầm, lệch lạc về các vấn đề trong cuộc sống từ đó dẫn đến hành động sai trái. Việc lười biếng không chịu trau dồi kiến thức của thế hệ học sinh dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng là nước nhà ngày càng thiếu đi nhân tài.

Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi mỗi bạn học sinh cần có ý thức tự rèn luyện bản thân và tích cực học tập. Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình, đốc thúc con em học tập, hạn chế tối đa việc sử dụng mạng xã hội nhất có thể. Nhà trường cần giao bài tập vừa đủ và hợp lí không quá ít cũng không quá nhiều để các em rèn luyện, ôn tập và tạo cảm hứng để các em yêu thích việc học.

Việc học không chỉ là việc của một cá nhân mà nó còn ảnh hưởng đến tương lai, sự phát triển của cả một quốc gia. Mỗi học sinh chúng ta hãy cố gắng học tập và rèn luyện bản thân để trở thành người có ích cho đất nước, cho xã hội.

Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu 2

Từng có câu: "Ngọc không mài không sáng, người không học không hiểu lí lẽ", việc học có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của mỗi người. Một con người nếu không được học tập thì khó mà đứng vững trên đường đời.

Bởi thế mà, từ xưa ông cha ta luôn nhắc nhở con cháu phải cố gắng học hành, phấn đấu rèn luyện thật tốt. Ấy vậy mà, trong thời đại phát triển như hiện nay, một thực trạng đáng buồn là có nhiều học sinh lơ là, chán nản việc học. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến cá nhân học sinh mà còn tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững và ổn định của đất nước, của xã hội. Cá nhân học sinh: lười nhác, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của tri thức, lơ đãng, chỉ lo đua đòi theo chúng bạn mà quên mất nhiệm vụ chính của mình, bị bạn bè lôi kéo, không xác định rõ con đường tiếp theo mà mình bước đến, chưa có lí tưởng và tư tưởng vững chắc, không có ước mơ để làm mục tiêu phấn đấu

Gia đình, cha mẹ quá nuông chiều con cái, chưa có sự quan tâm cần thiết với quá trình học tập của học sinh, tạo áp lực quá nhiều cho con trong việc học hành mà không quan tâm đến cảm giác và suy nghĩ của con mình Nhà trường: thầy cô giáo chưa tạo được sự thu hút học sinh vào học tập, chưa đánh trúng tâm lí học sinh, còn nhiều cách dạy bảo thủ. Mặt khác, chương trình học quá nặng với học sinh, áp lực từ nhiều phía, theo tâm lý: không học thêm thì học không giỏi khiến học sinh chỉ biết cắm đầu học mà không biết mình học vì cái gì và tiếp thu được gì.

Xã hội: cùng hòa vào nhịp độ phát triển của thời đại, xã hội nước ta có nhiều biến đổi vừa tích cực vừa tiêu cực. Trong đó việc tiếp thu thiếu chọn lọc các nền văn hoá của nước ngoài cũng ảnh hưởng đến tâm lý học hành của học sinh. Sự xuất hiện của các trò chơi điện tử thu hút sự chú ý của học sinh, các kiểu ăn diện, phim ảnh làm thế giới học trò lúc nào cũng xao động mà lơ đãng đến nhiệm vụ chính của mình. Nhiều học sinh bỏ tiết, trốn học đi chơi, chui đầu vào các quán nét để giết thời gian thay vì lên lớp. Thành tích học tập đã xuống dốc nhiều. Có nhiều học sinh bỏ bê học hành và lao vào các tệ nạn xã hội. Cá nhân học sinh: tương lai mờ mịt, không có định hướng cho phía trước, khi trưởng thành sẽ khó có nghề nghiệp ổn định, từ đó làm gánh nặng của xã hội [một số trường hợp hiếm hoi thì có chiều hướng tích cực hơn], có sự tha hoá và xuống dốc về đạo đức, không nhận ra giá trị của cuộc sống và không biết cách trân trọng, lỡ mất tuổi trẻ

Gia đình sẽ mất đi niềm tin nơi con cái, khi thấy thành tích của con không như mình mong đợi thì có những thái độ gắt gỏng, không vui, gia đình không hòa hợp. Xã hội: về lâu dài sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, học sinh là thế hệ trẻ của xã hội nhưng đội ngũ này không có chất lượng thì không đảm bảo phát triển bền vững, nguồn nhân lực kém Cá nhân học sinh: cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình và có ý thức hơn, xác định cho mình một ước mơ, động lực học tập, biết cách kết hợp hài hoà giữa chơi và học, có lập trường vững chắc Nhà trường: thay đổi phương pháp dạy và học, nắm bắt tâm lý học sinh, tạo sự hứng thú trong học tập, phát huy tính năng động của học sinh, chương trình học phải phù hợp với học sinh, không nên quá nặng và tạo quá nhiều áp lực. Gia đình nên có cái nhìn thoáng hơn, không nên làm học sinh quá căng thẳng, không quá nuông chiều, quan tâm nhiều hơn đến con mình Xã hội cần tuyên truyền rộng rãi để làm tăng nhận thức của mọi người, có nhiều chương trình khuyến học hơn, có ý thức trong tiếp thu văn hoá nước ngoài Hiện tượng này có sự tác động từ nhiều phía, nhưng nhìn một cách khách quan thì chủ yếu là từ các yếu tố bên ngoài bởi thế mà học sinh mới có sự chán nản và lười học, có thể nói ngay đến cả những học sinh chăm chỉ nhất cũng chưa chắc đã thực sự muốn kéo dài tình trạng này, chương trình nặng, áp lực quá cao

Điều quan trọng là ý thức của mỗi người, cần có cái nhìn về nhiều phương diện để có thể đánh giá và có cái nhìn đúng nhất. Học tập là chuyện của mỗi người nhưng cũng là vấn đề rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của cả xã hội. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội, bởi thế mà nếu mùa xuân ấy chưa đến mà đã vội lụi tàn thì xã hội sẽ như nhà mà không có cột vậy.

Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu 3

Ngọc không giũa không thành ngọc sáng  Người không học không biết lẽ phải. Việc học có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của mỗi người.

Một người nếu không được học tập thì khó mà đứng vững được trên con đường đời. Bởi thế mà từ xa xưa ông cha ta luôn nhắc nhở con cháu cố gắng học tập rèn luyện phấn đấu nhưng hiện nay hiện tượng lười học xảy ra rất phổ biến trong giới học sinh.

Hiện tượng lười học là vấn đề bức thiết mà không học sinh nào có thể tránh khỏi nếu không biết rèn luyện, phấn đấu. Những học sinh lười học thường là những học sinh thích ham chơi, không chịu làm bài tập, học thuộc bài trước khi đến lớp. Những học sinh ấy thường trốn học, bỏ tiết, rúc đầu vào quán điện tử cày ngày cày đêm.

Biển hiện của hiện tượng lười học là ngồi trên lớp không chú ý nghe giảng, không chép bài, tâm hồn treo ngược cành cây. Cá nhân học sinh lười nhác chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của tri thức, chỉ lơ đáng, lo đua đòi theo chúng bạn mà quên mất nhiệm vụ của chính mình.

Các bạn học sinh lười học thì thường vác cặp sách giả vờ đi học nhưng thực ra là đi chơi, không đến trường để học. Có những bạn xin tiền bố mẹ nói dối là tiền học nhưng thực ra là tiền để đi chơi điện tử.

Hiện tượng lười học xảy ra do rất nhiều nguyên nhân: bản thân học sinh còn lười biếng không chịu học hỏi mở mang tri thức. Một số học sinh do bạn bè rủ rê lôi kéo, không xác định rõ con đường tiếp theo mà mình bước đến, không có ước mơ làm mục tiêu phấn đấu. Một phần nguyên nhân cũng là do gia đình các bậc cha mẹ quá nuông chiều con cái, chưa có sự quan tâm cần thiết đối với quá trình học tập của con em mình.

Một số phụ huynh đặt áp lực quá lớn cho con trong công việc học hành mà không quan tâm đến cảm giác và suy nghĩ của con cái.

Ví dụ như gia đình bạn H là một gia đình khá giả, bố mẹ đều làm công nhân viên chức, bạn H cũng học hành chăm chỉ. Sắp đến kì thi học sinh giỏi mà bố mẹ bạn ấy đặt áp lực quá cao vào bạn khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi, sinh ra chán nản, buồn bực. Hiện tượng lười học còn do phía xã hội tác động không nhỏ, cùng hòa nhịp phát triển của thời đại xã hội nước ta có nhiều biến đổi vừa tích cực vừa tiêu cực.

Trong đó việc tiếp thu nhiều chọn lọc các nền văn hóa của nước ngoài cũng ảnh hưởng đến tâm lí học hành của học sinh. Sự xuất hiện của các trò chơi điện tử thu hút sự chú ý của học sinh, các kiểu ăn diện phim ảnh làm thế giới học trò lúc nào cũng lơ đãng, không tập trung vào việc học.

Lười học sẽ gây nên những hậu quả khôn lường, đặc biệt là đối với cá nhân học sinh sau đó đến gia đình và xã hội. Trước hết, đối với cá nhân học sinh khiến cho tương lai mờ mịt không có định hướng cho tương lai phía trước, khi trưởng thành sẽ khó có nghề nghiệp ổn định, từ đó làm gánh nặng cho xã hội. Nếu chỉ là những con người thừa của xã hội, không có chỗ đứng.

Nếu không chịu học tập thì không nhận ra giá trị của cuộc sống, lỡ mất tuổi trẻ. Còn với gia đình mất đi niềm tin vào con cái, khi thấy thành tích học tập của con mình không như mong muốn thì tỏ thái độ gắt gỏng, không vui. Như chúng ta đã biết, học sinh là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước nếu lười học cứ tiếp diễn thì đội ngũ này không có chất lượng thì không đảm bảo phát triển đất nước bền vững, nguồn nhân lực kém chất lượng.

Qua những hậu quả nêu trên vì thế cần có biện pháp khắc phục hiện tượng lười học. Cá nhân học sinh cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình bây giờ là chỉ có học, biết xác định rõ cho mình ước mơ, động lực để phấn đấu. Gia đình cần có cái nhìn thoáng hơn, không nên tạo áp lực căng thẳng, không quá nuông chiều mà luôn động viên, giúp đỡ con em mình tiến bộ trong học tập. Bố mẹ nào mà chả hạnh phúc, vui sướng khi thấy con mình học hành giỏi giang, tiến bộ cơ chứ!

Vì thế là thế hệ tương lai của đất nước, bây giờ chúng ta phải cố gắng phấn đấu rèn luyện, học tập chăm chỉ để xứng đáng là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ các bạn nhé.

Học tập là chuyện cả mỗi người nhưng chúng ta phải học làm sao cho hiệu quả đúng đắn, để không còn tình trạng lười học xảy ra nữa.

Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu 4

Cha ông ta có câu Dao có mài mới sắc, người có học mới nên dùng để khuyên con cháu chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của việc học. Dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống hiếu học, từ xa xưa ông cha ta đã rất coi trọng việc học điều này được thể hiện qua kho tàng cao dao dân ca tục ngữ với nhiều câu ca dao hay, ý nghĩa của việc học. Tuy nhiên, đáng buồn thay một bộ phận không nhỏ học sinh đang ngày càng lười học, mải mê vui chơi mà xao nhãng nhiệm vụ chính của mình.

Đứng trước đại công nghệ số tri thức là điều vô cùng cần thiết để các em bước vào đời. Vậy nguyên nhân do đâu mà một bộ phận học sinh lơ là lười học? Nguyên nhân đầu tiên chúng ta cần nói đến chính là do lười nhác nhưng chưa thật sự hiểu rõ được tầm quan trọng của việc học, và tương lai của mình khiến cho các em bước tiếp lên con đường của mình trong tương lai. Chính nguyên nhân mông lung này khiến cho các em dễ bị sa ngã vào những trò vô bổ, không có ước mơ để phấn đấu.

Đừng trước guồng xoay của cuộc sống nhiều gia đình quá coi trọng đồng tiền mà lơ là con cái. Đề bù đắp con cái sự thiệt thòi các cha mẹ thường nuông chiều con quá mức. Hoặc có trường hợp ngược lại thì cha mẹ lại ép con học quá nhiều để theo đuổi kỳ vọng của riêng mình khiến cho các em trở nên mệt mỏi và chán nản trong cuộc sống. Áp lực học tập từ khối kiến thức khổng lồ do chương trình học, cùng lối giảng dạy chưa có sức hấp dẫn với học sinh thế hệ mới khiến cho nhiều em chán nản và lơ là việc học.

Chúng ta đã và đang sống trong sự thay đổi của toàn cầu vì vậy tri thức là điều cực kỳ quan trọng. Các em lười học mải chơi ngày hôm nay tương lai các em sẽ mất đi rất nhiều thứ. Không còn hứng thú học các em dễ sa ngã vào trò chơi điện tử,nghiêm trọng hơn là hút cần ma túy đá, bóng cười sẽ dễ dẫn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Từ đây đạo đức của các em sẽ đi xuống, hạnh phúc gia đình có thể vì thế mà bị ảnh hưởng.

Ông bà cũng đã từng nói Dốt đến đâu học lâu cũng biết có lẽ là câu nói tuy thô sơ nhưng thể hiện rằng bên cạnh sự thông minh, thì sự cần cù siêng năng vậy mà lớp học sinh hiện giờ đang rất thiếu. Vậy làm thế nào để học sinh xây dựng có ham mê học tập và định hướng được tương lai.

Việc đầu tiên chính là hãy tìm cho mình những ước mơ và dự định trong tương lai. Hãy nghĩ xem mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai. Minh yêu thích nghề gì, học gì và làm gì trong ngắn hạn và dài hạn. Hãy tập trung vào những môn học mình yêu thích trước để có được hứng thú học và từ đó sẽ tiếp tục chinh phục các môn khó hơn. Tiếp theo hãy xác định ước mơ, đam mê của mình để có thể học tập dần các kiến thức hữu ích cho mình trong tương lai.

Gia đình là một yếu tố quan trọng quyết định đến tương lai của các em. Vì vậy, thay vì nhồi nhét bắt các em học hãy cùng nhau các em học tập và định hướng ước mơ cho em. Các em cần hiểu vị trí của việc học và những ý nghĩa quan trọng của việc học đối với tương lai nếu chỉ gương em các em đi học sẽ chỉ phản tác dụng mà thôi.

Các thầy cô cần thường xuyên thay đổi cách dạy học để khơi gợi sự hứng thú trong các em. Những giờ học đi đôi với hành sẽ giúp các em dễ tiếp thu và gợi sự hấp dẫn với các em tiếp học đọc chép. Bộ giáo dục cần xem xét giảm tải chương trình học để phù hợp với các em. Cần xây dựng những chương trình hướng nghiệp để các em có những dự định trong tương lai từ đó trau dồi những kiến thức hữu ích trong tương lai.

Nhà bác học Le Nin từng nói học học nữa học mãi để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học là học cả đời. Nó không chỉ là việc của mỗi người mà còn ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của xã hội trong tương lai. Vì tuổi trẻ chẳng thắm lại hai lần hãy cố gắng chăm chỉ học tập để có nền móng vững chắc trong tương lai.

Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu5

Tiếp cận xu thế giáo dục thế kỷ XXI là nhiệm vụ cấp bách to lớn của nền giáo dục của mọi quốc gia. Tiểu học là cấp học nền tảng đặt cơ sở cho việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của con người. Vì vậy, việc giáo dục học sinh cá biệt học yếu, chưa ngoan là một điều tất yếu.

Thực trạng những mặt xấu của xã hội; sự thiếu quan tâm của gia đình; những éo le trong cuộc sống gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự hư đốn. Hay nói một cách khác là đạo đức học sinh yếu kém. Tình huống này, vai trò người thầy rất quan trọng trong việc rèn luyện giáo dục các em chưa ngoan trở thành học sinh ngoan. Tác động của thầy cộng hưởng với năng lực tự học, tự rèn luyện của trò tạo ra chất lượng hiệu quả cao. Ở tiểu học, điều đáng lo ngại cho giáo viên là tỉ lệ học sinh chưa tốt về mặt đạo đức tương đối cao, tỉ lệ này không giảm mà tăng hàng năm. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là ý thức và suy nghĩ của các em còn non nớt. Tôi cho rằng, các em làm việc gì đó nếu có sai trái xuất phát có thể do bản năng hoặc bệnh a dua hay bệnh lấy le nên khi làm không lường được hậu quả việc làm sai trái của mình. Thậm chí các em còn nghĩ làm như vậy là không sai!

Khi đạo đức yếu kém thì học lực cũng tỉ lệ thuận với nó. Điều này sẽ dẫn đến hệ quả, các em kiến thức bị hổng dẫn đến mất căn bản; điểm kiểm tra thấp so với các bạn cùng lớp làm các em mặc cảm đưa đến hiện tượng sợ bị kiểm tra, tiếp theo là chán học và cuối cùng nảy sinh bỏ học. Những em này phát sinh tính xấu là nói dối thường xuyên nhằm tìm cách che đậy hoặc chối tội. Chính từ hiện tượng đó đã cho tôi những suy nghĩ và phải tìm biện pháp giúp các em lấy lại kiến thức căn bản, tinh thần học tập và ngoan ngoãn hơn.

Nếu học sinh có thói hư tật xấu phạm lỗi trầm trọng cũng có thể tùy trường hợp hay tùy đối tượng mà xử lí, tôi không xử lí một cách cứng nhắc. Dù lỗi lầm lớn nhưng nếu em đó biết nhận lỗi và sửa lỗi thì tôi luôn tạo cho học sinh đó cơ hội tự làm chủ bản thân, có niềm tin nghị lực để vươn lên. Thế nhưng đối với những học sinh lỗi vi phạm không đáng kể nhưng lại vi phạm thường xuyên thì tôi không thể bỏ qua mà xử lí một cách linh động tùy theo từng đối tượng. Dù các em vi phạm ở mức độ lỗi lớn hay nhỏ tôi cũng xử lí trên cơ sở giáo dục các em, cụ thể cho em đó biết chuộc lỗi, làm một việc tốt, giao cho em đó thời gian thử thách.

Đối với một học sinh không thuộc bài, không làm bài do lười học đưa đến điểm học tập kém, tôi tổ chức đôi bạn học tốt, nhóm học tốt. Thông thường thì cách này đã có từ lâu, thực hiện ở các lớp nhưng đặc biệt hơn thay vì cho học sinh giỏi kèm và kiểm tra học sinh yếu thì tôi phân nhóm. Mỗi nhóm từ ba đến bốn học sinh, giao trách nhiệm cho chính em học sinh đó làm nhóm trưởng tạm thời. Vai trò này để em cảm thấy có được lòng tin ở người thầy và bản thân phải có trách nhiệm và gương mẫu. Các em kiểm tra lẫn nhau và em đó có nhiệm vụ ghi lại phần nhận xét kiểm tra các bạn trong nhóm. Căn cứ vào kết quả, tôi tuyên dương kịp thời nếu em đó có cố gắng dù nhỏ, tạo cho em có hứng thú trong học tập.

Đối với một học sinh có cố gắng nhưng mất căn bản về kiến thức cũng đưa đến điểm học tập yếu, tôi cho học sinh giỏi kèm, hướng dẫn, vạch ra thời gian biểu để học tập theo đôi bạn. Trường hợp có học sinh biểu hiện hành vi đạo đức không tốt, làm mất trật tự trong giờ học, đánh nhau, tôi thường khuyên dạy bằng những câu chuyện thực tế ở đời giúp các em thấy được những hành vi xấu, không tốt sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường ở tương lai.

Đối với học sinh ngỗ nghịch khó dạy, tôi đưa ra một tình huống thực tế điển hình phù hợp với khả năng học sinh nhằm giáo dục tư tưởng lối sống, buộc học sinh đó phải giải quyết vấn đề, biến sự suy nghĩ đó thành hành động cụ thể gắn liền với tình thương yêu gần gũi với lớp học. Việc hạ hạnh kiểm học sinh đối với tôi chỉ là thứ yếu, cốt lõi là phải làm được việc giáo dục học sinh biết nhận thức để khi bước vào môi trường THCS, các em cảm thấy mình tự tin hơn.

Năm học 2005-2006, trường hợp một học sinh có hoàn cảnh gia đình đáng thương, cha mẹ ly dị nhau, tình cảm của em đó bị tổn thương ảnh hưởng đến chất lượng học tập hậu quả là em học yếu các môn, dẫn đến tình trạng chán học, trốn học. Tôi liên hệ và kết hợp chặt chẽ với phụ huynh. Tôi thường dành nhiều thời gian để gần gũi với em như một người mẹ, giúp em thấy được ngoài tình cảm gia đình còn có tình cảm thầy cô và bạn bè ở trường, tạo cho em thấy được khi đến trường là một niềm vui.

Suy nghĩ và hành động giáo dục rèn luyện học sinh học yếu của tôi là giúp các em có ý thức tự học, biết cố gắng vươn lên. Trường hợp này hay ở trường hợp khác, điều mà tôi đặt lên trên hết là phải hướng các em gần gũi nhiều hơn với tập thể lớp, với tình thương của người thầy. Ngoài học tập nội khóa, tôi còn động viên các em tham gia các chương trình vui chơi ngoại khóa của nhà trường, tham gia với nhóm học tốt, giao lưu nhiều mặt tình cảm để các em có niềm tin hơn. Cái chính đứng vững trong cuộc sống đó là ý chí, bản lĩnh của bản thân mình.

Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh - Bài mẫu 6

Xã hội ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kéo theo đó là nhiều nỗi lo về sự gia tăng của những tệ nạn, vấn nạn ngày càng diễn biến phức tạp. Một trong những vấn đề nóng bỏng nhận được sự quan tâm của toàn dư luận hiện nay chính là hiện tượng lười học của học sinh hiện nay.

Thực trạng dễ dàng nhận thấy đó là tình trạng lười học của học sinh ngày nay càng ngày càng phổ biến và dễ dàng nhận ra. Nhiều học sinh có cách học đối phó, học cho có, học để qua mắt thầy cô, để thầy cô không khiển trách chứ trong suy nghĩ của các bạn chưa thực sự coi trọng việc học. Những bài tập được giao về nhà các bạn không giải mà chỉ đi chép hoặc làm qua loa, thậm chí là sẵn sàng gian lận trong thi cử

Nguyên nhân của hiện tượng này trước hết phải kể đến ý thức chủ quan của mỗi người: do ý thức học tập của một số bạn còn kém nhưng muốn thành tích cao. Đôi khi còn là do các bạn chưa nhận ra được tầm quan trọng của việc học, do bản tính còn ham chơi, Nguyên nhân khách quan phải nhắc đến là do thầy cô cho khối lượng bài tập rất nhiều và khó khiến các bạn không làm kịp nhưng vẫn phải nộp; do bố mẹ kì vọng cao, muốn con em mình học nhiều hơn nữa,

Hậu quả của việc lười học vô cùng nghiêm trọng. Đầu tiên phải kể đến chính là việc chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống, các em học sinh không tiếp thu được nhiều kiến thức quý báu. Bên cạnh đó, hiện tượng này còn gây ra những thói quen xấu cho học sinh: ỷ lại, chép bài, gian lận trong thi cử, Và một hậu quả chung mà ai cũng có thể nhìn thấy đó là việc nền giáo dục ngày càng đi xuống.

Để khắc phục hiện trạng này, trước hết, mỗi học sinh cần có tinh thần tự giác trong học tập, cố gắng tìm tòi học hỏi, không dựa dẫm vào người khác, hạn chế tối đa những hành vi không tốt trong học tập và thi cử. Bên cạnh đó, gia đình không nên bắt em con em mình học tập quá sức hoặc quá đặt nặng thành tích lên con mình. Ngoài ra, nhà trường và các thầy cô giáo cần ra lượng bài tập hợp lí, không quá nhiều đồng thời có những biện pháp nghiêm khắc đối với những trường hợp đối phó trong học tập của học sinh.

Hiện tượng lười học của học sinh hiện nay không còn quá xa lạ trong cuộc sống. Biết rằng chúng chỉ mang lại những tác hại, nên mỗi chúng ta hãy cùng chung tay, góp sức để hạn chế việc học đối phó vừa để khiến bản thân mình phát triển hơn, vừa góp sức giúp đất nước và xã hội phát triển bền vững.

---------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Nghị luận về hiện tượng lười học của học sinh cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Video liên quan

Chủ Đề