Hướng dẫn 677 của bộ văn hóa

Làm việc trực tuyến với Tổ công tác của Đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” về lĩnh vực văn hóa, nhiều địa phương tiếp tục phản ánh sự thiếu thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản hướng dẫn; điển hình là tình trạng Hướng dẫn có trước Thông tư.

Tổ công tác - Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc trực tuyến với các địa phương sáng 18.5.2023. Ảnh: H.Ngọc

Theo phản ánh của Lai Châu, Hướng dẫn 677/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 3.3.2022, về dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” được ban hành trước khi Thông tư 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính, ngày 4.3.2022, quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025; điều này dẫn đến việc rà soát, lập và giao kế hoạch, nhiệm vụ trong Nghị quyết phân bổ vốn của HĐND tỉnh gặp khó khăn, do Hướng dẫn và Thông tư không thống nhất. Sau đó, ngày 15.5.2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải khắc phục bằng việc ban hành Hướng dẫn 1684/HD-BVHTTDL thay thế Hướng dẫn 677/HD-BVHTTDL. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm.

Cũng liên quan đến Hướng dẫn 1684/HD-BVHTTDL, dù mới được ban hành, nhưng thực tế không chỉ Lai Châu mà các tỉnh như Tuyên Quang, Hà Giang... cũng đang gặp khó khăn trong thực hiện Hướng dẫn này đối với nội dung xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân. Vấn đề đặt ra là rất cần có tiêu chí cụ thể để thực hiện hỗ trợ đối với nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Trong Hướng dẫn 1684/HD-BVHTTDL đưa ra quá nhiều nội dung phải thực hiện, trong khi căn cứ vào nguồn kinh phí được cấp thì địa phương phải ưu tiên lựa chọn để triển khai; vì nếu thực hiện tất cả các nội dung như Hướng dẫn, thì nguồn lực được cấp không bảo đảm.

Cũng theo phản ánh của các địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn "nợ" văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc và thông tin truyền thông nâng cao đời sống theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg, ngày 14.7.2021, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025.

Vì thế, để sớm triển khai được các Chương trình mục tiêu quốc gia, mong mỏi chung của các địa phương là Chính phủ và các bộ, ngành phải có hướng dẫn thống nhất để tránh chồng chéo và thuận lợi hơn cho địa phương trong quá trình thực hiện. Đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế nêu thực tế, “các bộ đều ban hành Hướng dẫn, Nghị định theo quan điểm, chuyên môn của từng bộ, nhưng cá biệt có văn bản khiến địa phương rất mơ hồ, không biết triển khai thực hiện thế nào. Điều này đặt ra yêu cầu phải có sự thống nhất chung, quy định chung để các địa phương có căn cứ triển khai”.

Không nên quy định quá chặt hoặc quá chi tiết

Là địa phương được đánh giá là "điểm sáng" trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế, đại diện tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã rất chủ động và kịp thời triển khai sớm từng nội dung theo từng Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là trong lĩnh vực văn hóa. Những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, Thái Nguyên đều chủ động báo cáo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trao đổi, xin ý kiến chỉ đạo.

Cũng là một trong những tỉnh có tỷ lệ giải ngân rất tốt, về cơ bản Thái Nguyên không gặp khó khăn trong thực hiện Hướng dẫn số 1684/HD-BVHTTDL. Với quan điểm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, Thái Nguyên triển khai theo hướng phù hợp với thực tế địa bàn và đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép thực hiện theo định hướng “mở”. Theo đó, Thái Nguyên có thể thực hiện kết hợp nguồn lực trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực riêng của địa phương để hỗ trợ thực hiện những tiêu chí về văn hóa. Riêng Dự án 6, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về "bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, Thái Nguyên hiện đã giải ngân được 105 tỷ đồng. Với Chương trình xây dựng nông thôn mới, để bảo đảm mục tiêu "về đích" nông thôn mới, Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND, ngày 10.5.2023, về chính sách hỗ trợ đầu tư Nhà văn hóa - Khu thể thao xóm, tổ dân phố. Việc này vừa để xây dựng nhà văn hóa phục vụ sinh hoạt cộng đồng, vừa thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để có thể triển khai được các nội dung nêu trên, một trong những kinh nghiệm được Thái Nguyên chia sẻ, đó là nên quy định theo hướng "mở" trong hướng dẫn các tiêu chí để địa phương có thể “rộng đường" hơn trong triển khai thực hiện trên thực tế. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan - Tổ trưởng Tổ công tác của Đoàn giám sát, thì đây là một nội dung quan trọng và Tổ công tác sẽ đề xuất đưa vào kiến nghị của Đoàn giám sát theo hướng phân cấp cho địa phương, thay vì quy định quá chặt hoặc quá chi tiết, gây cản trở, khó khăn cho địa phương.

Chủ Đề