Khó khăn vuong mac trong công tác xây dựng đảng

Phóng viên [PV]: Sau hơn 9 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng [khóa X] về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng [TCCSĐ] và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", TCCSĐ đã có những chuyển biến gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Mạnh Khởi: Thực hiện Nghị quyết 22, các TCCSĐ đã khẳng định được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn TCCSĐ, việc phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên được các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là đối với các TCCSĐ yếu kém, có nhiều khó khăn, những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Việc lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng [trên 2.500 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới]; chất lượng cấp ủy viên nhiệm kỳ 2015-2020 được nâng lên [trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm gần 80%]; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn ngày càng được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn [93% có trình độ trung cấp trở lên], lý luận chính trị [64% có trình độ trung cấp trở lên], năng lực từng bước được nâng lên; số thôn, ấp, bản, làng chưa có chi bộ độc lập giảm nhanh; xuất hiện nhiều mô hình tự quản, xã hội hóa ở cộng đồng dân cư trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

PV: Thưa đồng chí, thực tế vẫn còn những khó khăn, vướng mắc tác động đến phương thức lãnh đạo, nhất là hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng ở xã, phường, thị trấn?

Đồng chí Phạm Mạnh Khởi: Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, hoạt động của tổ chức đảng cấp xã, phường, thị trấn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có hiệu lực thi hành nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy định phân cấp, ủy quyền về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã.  Một số quy định về cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở thôn, tổ dân phố chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời nên tổ chức thực hiện kém hiệu quả; số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đông nhưng chất lượng còn hạn chế, mức phụ cấp thấp; một số chế độ, chính sách chưa hợp lý.

Bí thư Đảng ủy xã Vị Thắng [Vị Thủy, Hậu Giang] Đoàn Thị Thùy Hương [ngoài cùng, bên trái] trao đổi với nông dân về trồng cây ăn trái cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: ANH THẢO 

Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy cơ sở nhìn chung còn chậm; việc xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chưa nhiều; việc cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy cấp trên cho phù hợp với tình hình, đặc điểm địa phương còn yếu; công tác đối thoại, tuyên truyền, vận động, thuyết phục để nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và nhân dân còn hạn chế; việc nêu gương của nhiều cán bộ, đảng viên về lời nói và việc làm chưa thực sự thuyết phục; công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết chưa được quan tâm đúng mức.

PV: Vậy các cấp cần chú trọng quan tâm đến những vấn đề chủ yếu nào để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ?

Đồng chí Phạm Mạnh Khởi: Để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ xã, phường, thị trấn, cấp ủy các cấp phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt các nội dung về công tác xây dựng TCCSĐ được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cần tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, cần thực hiện phân cấp, ủy quyền cho chính quyền cấp xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương gắn với đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, theo hướng tinh giản về số lượng gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường kiêm nhiệm công việc để nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đẩy mạnh thực hiện các mô hình tự quản, xã hội hóa ở cộng đồng dân cư.

Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; cấp ủy viên thực hiện chất vấn tại các cuộc họp cấp ủy; kiểm điểm, đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên gắn với xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh.

Tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên và cấp mình để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn; chấn chỉnh, uốn nắn những TCCSĐ thực hiện chưa đúng, đầy đủ theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên và tích cực tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm hiệu quả.     

PV: Theo đồng chí, đối với cấp ủy xã, phường, thị trấn cần phải tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nào để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo ở cơ sở hiện nay?  

Đồng chí Phạm Mạnh Khởi: Trước hết, cần tổ chức sơ kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020 để bổ sung nhiệm vụ, giải pháp hoặc ban hành mới các nghị quyết, kế hoạch chuyên đề để lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của đảng bộ đề ra. Phân công cấp ủy viên theo dõi, chỉ đạo thực hiện nghị quyết, kế hoạch, gắn đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ với kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ ở cơ sở. Thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, đối thoại, tiếp xúc với nhân dân để sớm phát hiện, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của nhân dân. Chủ động rà soát để tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy, tinh gọn biên chế, tăng cường kiêm nhiệm công việc để giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với tổ chức đảng và chính quyền. 

Triển khai thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII: chú trọng gợi ý kiểm điểm, trực tiếp dự, chỉ đạo đối với các chi bộ, cấp ủy viên, đảng viên ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng kế hoạch khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Kết luận số 18-KL/TW ngày 22-9-2017 của Ban Bí thư; tổ chức tọa đàm, trao đổi các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; phân công cấp ủy viên, đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt các chi bộ trực thuộc; kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ, nguyên tắc sinh hoạt chi bộ; gắn kết quả nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ với đánh giá, phân loại chất lượng chi bộ, đảng viên hằng năm.  

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHÚC NỘI [thực hiện]

Chủ Đề