Khung chương trình phổ thông mới 2022 môn Tin học

Chương trình môn Tin học góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung đã được xác định trong Chương trình tổng thể, đồng thời góp phần chủ yếu hình thành, phát triển năng lực tin học cho học sinh. Môn Tin học trang bị cho học sinh hệ thống kiến thức tin học phổ thông gồm ba mạch kiến thức hoà quyện:

– Học vấn số hoá phổ thông nhằm giúp học sinh hoà nhập với xã hội hiện đại, sử dụng được các thiết bị số và phần mềm cơ bản thông dụng một cách có đạo đức, văn hoá và tuân thủ pháp luật.

– Công nghệ thông tin và truyền thông nhằm giúp học sinh sử dụng và áp dụng hệ thống máy tính giải quyết vấn đề thực tế một cách hiệu quả và sáng tạo.

– Khoa học máy tính nhằm giúp học sinh hiểu biết các nguyên tắc cơ bản và thực tiễn của tư duy máy tính, tạo cơ sở cho việc thiết kế và phát triển các hệ thống máy tính.

2. Mục tiêu cấp tiểu học

Chương trình môn Tin học ở cấp tiểu học giúp học sinh bước đầu làm quen với công nghệ kĩ thuật số, bắt đầu hình thành năng lực tin học và chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học môn Tin học ở cấp trung học cơ sở, cụ thể là:

– Bước đầu hình thành cho học sinh tư duy giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính: Hình thành nhu cầu thu thập, sử dụng thông tin, ý tưởng điều khiển máy tính thông qua việc tạo chương trình đơn giản bằng ngôn ngữ lập trình trực quan.

– Giúp học sinh sử dụng phần mềm tạo ra được những sản phẩm số đơn giản như một văn bản ngắn, thiệp chúc mừng, đoạn hoạt hình vui,…

– Giúp học sinh bước đầu quen với công nghệ kĩ thuật số thông qua việc sử dụng máy tính để vui chơi, học tập, xem và tìm kiếm thông tin trên Internet; rèn luyện cho học sinh một số kĩ năng cơ bản trong sử dụng máy tính; biết bảo vệ sức khoẻ khi sử dụng máy tính, bước đầu có ý thức phòng tránh những tác hại khi sử dụng Internet và ý thức tôn trọng bản quyền.

3. Mục tiêu cấp trung học cơ sở

Chương trình môn Tin học ở cấp trung học cơ sở giúp học sinh tiếp tục phát triển năng lực tin học đã hình thành ở cấp tiểu học và hoàn thiện năng lực đó ở mức cơ bản, cụ thể là:

– Giúp học sinh phát triển tư duy và khả năng giải quyết vấn đề; biết chọn dữ liệu và thông tin phù hợp, hữu ích; biết chia một vấn đề lớn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn; bước đầu có tư duy mô hình hoá một bài toán qua việc hiểu và sử dụng khái niệm thuật toán và lập trình trực quan; biết sử dụng mẫu trong quá trình thiết kế và tạo ra các sản phẩm số; biết đánh giá kết quả sản phẩm số cũng như biết điều chỉnh, sửa lỗi các sản phẩm đó.

– Giúp học sinh có khả năng sử dụng các phương tiện, thiết bị và phần mềm; biết tổ chức lưu trữ, khai thác nguồn tài nguyên đa phương tiện; tạo ra và chia sẻ sản phẩm số đơn giản phục vụ học tập, cuộc sống; có ý thức và khả năng ứng dụng ICT phục vụ cá nhân và cộng đồng.

– Giúp học sinh quen thuộc với dịch vụ số và phần mềm thông dụng để phục vụ cuộc sống, học và tự học, giao tiếp và hợp tác trong cộng đồng; có hiểu biết cơ bản về pháp luật, đạo đức và văn hoá liên quan đến sử dụng tài nguyên thông tin và

giao tiếp trên mạng; bước đầu nhận biết được một số ngành nghề chính thuộc lĩnh vực tin học.

4. Mục tiêu cấp trung học phổ thông

Chương trình môn Tin học ở cấp trung học phổ thông giúp học sinh củng cố và nâng cao năng lực tin học đã được hình thành, phát triển ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời cung cấp cho học sinh tri thức mang tính định hướng nghề nghiệp thuộc lĩnh vực tin học hoặc ứng dụng tin học, cụ thể là:

– Giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về hệ thống máy tính, một số kĩ thuật thiết kế thuật toán, tổ chức dữ liệu và lập trình; củng cố và phát triển hơn nữa cho học sinh tư duy giải quyết vấn đề, khả năng đưa ra ý tưởng và chuyển giao nhiệm vụ cho máy tính thực hiện.

– Giúp học sinh có khả năng ứng dụng tin học, tạo ra sản phẩm số phục vụ cộng đồng và nâng cao hiệu quả công việc; có khả năng lựa chọn, sử dụng, kết nối các thiết bị số, dịch vụ mạng và truyền thông, phần mềm và các tài nguyên số khác.

– Giúp học sinh có khả năng hoà nhập và thích ứng được với sự phát triển của xã hội số, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong học và tự học; tìm kiếm và trao đổi thông tin theo cách phù hợp, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, ứng xử văn hoá và có trách nhiệm; có hiểu biết thêm một số ngành nghề thuộc lĩnh vực tin học, chủ động và tự tin trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai của bản thân.

Cẩm nang dạy học : Trích từ Chương trình giáo dục phổ thông – Môn tin học

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Cẩm Hà, nhiều năm qua, chương trình môn Tin học gặp không ít bất cập trong quá trình triển khai do có một số quan niệm sai lầm như: Đồng nhất việc học Tin ở phổ thông với học sử dụng máy tính và phần mềm; chưa coi trọng mạch kiến thức Khoa học máy tính; tích hợp môn Tin học với môn Công nghệ.

Chương trình môn Tin học năm 2018 có những cách tiếp cận, định hướng phát triển mới, cùng nhiều nội dung cập nhật tri thức Công nghệ số - yếu tố nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, chương trình sẽ có 10 điểm mới so với chương trình hiện hành.

Biểu đồ Ba mạch kiến thức CS, DL và ICT hòa quyện trong chương trình môn tin học 2018.

1. Tin học là môn bắt buộc

Điểm mới đầu tiên có tính tiên quyết là môn tin học sẽ là môn học bắt buộc có phân hóa, dạy từ lớp 3 đến lớp 9 [trong chương trình hiện hành là môn tự chọn]. Ở bậc THPT, môn Tin học có vị trí bình đẳng với các môn khác như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý... và được phân hóa theo hai định hướng: Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính. Như vậy, vị trí mới này sẽ là tiền đề dẫn đến những thay đổi trong đầu tư cơ sở vật chất, biên chế giáo viên và cách nhìn nhận của xã hội và các cấp quản lý về môn tin học.

2. Tiếp cận theo năng lực và có tính mở

Chương trình môn Tin học được xác định là môn cốt lõi giúp hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tin học. Chương trình sẽ không đưa ra ràng buộc về chủng loại thiết bị hay phần mềm, không phân biệt phần mềm nguồn mở hay phần mềm thương mại, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo vận dụng linh hoạt. Thời lượng phân phối cho các lớp là cố định nhưng các tác giả sách giáo khoa và cơ sở giáo dục tùy điều kiện thực tế của địa phương để điều chỉnh linh hoạt thời lượng dành cho các chủ đề trong chương trình trên cơ sở đáp ứng yêu cầu cần đạt, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, chủ biên chương trình môn Tin học năm 2018 cho biết.

PPGS.TS Hồ Sĩ Đàm, chủ biên chương trình môn Tin học năm 2018.

3. Ba mạch kiến thức hòa quyện

Môn Tin học cung cấp cho học sinh 3 mạch kiến thức: Học vấn số hóa phổ thông [DL], Công nghệ thông tin và truyền thông [ICT] và Khoa học máy tính [CS]. Mạch kiến thức này giúp học sinh bước đầu hiểu các nguyên tắc cơ bản và thực hành của tư duy máy tính, tư duy tự động hóa, có khả năng thích ứng với những tiến bộ và thiết bị công nghệ số mới sẽ xuất hiện trong tương lai và tạo nền tảng cơ bản cho việc thiết kế, phát triển các hệ thống máy tính.

4. Cách tiếp cận mới về thuật toán và lập trình

Trong chương trình hiện hành, nội dung lập trình và thuật toán dạy tập trung ở lớp 8 và lớp 11 theo cách tiếp cận nội dung mang tính hàn lâm. Theo PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, nội dung thuật toán, cấu trúc dữ liệu và lập trình là thành phần cơ bản của Khoa học máy tính giúp hình thành và phát triển tư duy máy tính. Chương trình năm 2018 đưa nội dung đó trải rộng trong cả 3 cấp học, chú trọng phương pháp dạy học tích cực, ở giai đoạn giáo dục cơ bản sử dụng các ngôn ngữ lập trình trực quan, hiện đại, phù hợp với lứa tuổi, giúp học sinh tự làm ra được sản phẩm số, gây hứng thú học tập và sáng tạo.

5. Chú trọng thực hành trải nghiệm sáng tạo và làm ra sản phẩm số

Việc dạy học thông qua các dự án, bài tập giải quyết vấn đề cụ thể, thiết thực, nhằm khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng các môn học áp dụng công nghệ số để hiểu và giải quyết vấn đề thực tế trong môi trường số, sáng tạo ra các sản phẩm của cá nhân, của nhóm.

PGS.TS Hồ Cẩm Hà, thuộc Ban phát triển chương trình môn Tin học năm 2018.

6. Văn hóa ứng xử trong thế giới số

Nói về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, pháp luật và văn hóa ứng xử trong thế giới số, PGS.TS Hồ Cẩm Hà, thuộc Ban phát triển chương trình môn Tin học năm 2018 nhận định: "Trong thời đại có sự kết nối cao của thế giới thực và thế giới ảo, nội dung về đạo đức, văn hóa, pháp luật cần phải được quan tâm đúng mức".

7. Chú trọng định hướng nghề nghiệp

Trong thời đại số, Tin học cần thiết cho mọi ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề thuộc lĩnh vực tin học. Chủ đề mới Hướng nghiệp với tin học từ lớp 8 đến lớp 12 và chương trình ở THPT phân hóa hai định hướng là Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính giúp học sinh định hướng lựa chọn đúng nghề nghiệp trong lĩnh vực tin học và ứng dụng tin học theo sở trường và khả năng của họ.

8. Chú trọng giáo dục STEM, tài chính, bình đẳng giới

Chương trình thông qua một số chủ đề học tập, đặc biệt thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo làm ra sản phẩm nhằm góp phần hình thành và phát triển phẩm chất năng lực chung và năng lực đặc thù môn Tin học, đồng thời còn góp phần giáo dục hướng nghiệp, giáo dục CS- STEM, giáo dục bình đẳng giới và giáo dục tài chính.

9. Chú trọng giáo dục CPS [cyber-physical system]

Chương trình tích hợp các hệ thống kỹ thuật số, hệ thống vật lý, các cảm biến, truyền động và yếu tố con người trên cơ sở hạ tầng mạng để cung cấp một hệ thống tương tác. Chia sẻ về lý do Ban phát triển chương trình lựa chọn các chủ đề mới trong lĩnh vực giáo dục CPS như AI, học máy, robot giáo dục, Khoa học dữ liệu... ở mức tối giản và phù hợp tâm sinh lý học trò để đưa vào chương trình Tin học năm 2018, thầy Đàm cho biết, những chủ đề này đã được các nước tiên tiến trên thế giới nghiên cứu và đưa vào giảng dạy, cũng như được đề cập thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam. Vì vậy, việc Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất để giảng dạy CPS trong nhà trường Phổ thông là một quyết định mang tính chiến lược và nhân văn, giúp học sinh Việt Nam, đặc biệt là các em ở vùng sâu vùng xa có cơ hội tiếp cận với các lĩnh vực tin học hiện đại.

10. Chương trình học tương đương chương trình các quốc gia khác

Chương trình tin học năm 2018 đã kế thừa những ưu điểm trong chương trình hiện hành và tiếp thu khai thác chương trình Tin học ở các nước tiên tiến, đặc biệt là Anh và Mỹ.

Tiến sĩ Lee Choo Mooi - Chuyên gia giáo dục, nhà khoa học đến từ Singapore, với tư cách là chuyên gia quốc tế phản biện Chương trình môn Tin học của Việt Nam, đã lập bảng đối sánh chi tiết theo từng mạch kiến thức, theo từng chủ đề lớn cả về nội dung và yêu cầu cần đạt trong chương trình tin học của Việt Nam và chương trình tin học của Anh, HongKong, New Zealand và Singapore. Từ đó bà đưa ra những nhận xét: "Các chủ đề trong chương trình Tin học năm 2018 của Việt Nam tương tự với chương trình mà nhiều quốc gia đang giảng dạy cho học sinh ở độ tuổi phổ thông. Yêu cầu cần đạt về kết quả học tập có sự phù hợp và có sự tăng trưởng cấp độ cho các chủ đề ở mỗi cấp. Vì vậy, chương trình Tin học của Việt Nam có sự tương đương như chương trình của các quốc gia khác".

Ngày 15/11, thầy Hồ Sĩ Đàm và cô Hồ Cẩm Hà sẽ trình bày tham luận "Một số định hướng, cách tiếp cận và nội dung mới trong Giáo dục Tin học phổ thông năm 2018" tại Hội thảo Giáo dục Phổ thông môn Tin học.

Hội thảo do Đại học trực tuyến FUNiX cùng Hệ thống Giáo dục Học Mãi tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội, nhằm hỗ trợ cho việc triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông môn Tin học do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành vào ngày 26/12/2018. Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và những nhà giáo dục hàng đầu đến từ Đài Loan sẽ luận bàn về sự cần thiết cho học sinh tiếp cận sớm với công nghệ thông tin [CNTT] từ bậc phổ thông, những phương pháp mà một số nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài đang áp dụng và những đổi mới của chương trình Giáo dục Phổ thông môn Tin học ở Việt Nam trong thời gian tới.

Mọi thông tin thêm về hội thảo tìm hiểu tại đây.

Thế Đan

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề