Kinh nghiệm nuôi bò 3B vỗ béo

Ngày xuất bản 14:00 05/11/2021

Nhận thấy, bò 3B là đối tượng dễ nuôi, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả vượt trội. Đặc biệt, trước tình hình dịch tả lợn châu phi đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều người dân một số địa phương trong tỉnh đã lựa chọn chăn nuôi bò 3B để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình chăn nuôi bò 3B trong thời gian qua chưa thực sự đem lại hiệu quả cao vì người dân chưa biết áp dụng quy trình chăn nuôi hợp lý.

Trước thực trạng đó, để giúp người chăn nuôi phát huy tối đa hiệu quả về kinh tế cũng như nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật mới, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã thực hiện mô hình “Vỗ béo bò chuyên thịt lai 3B”  với quy mô 50 con bê đực lai 3B F1 của 9 hộ tham gia được thực hiện tại xã Khánh Vĩnh Yên [huyện Can Lộc, Hà Tĩnh].

 Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi bò được hỗ trợ 50% thức ăn hỗn hợp để vỗ béo cho đàn bò ở giai đoạn 3 tháng cuối trước khi xuất bán. Các con bò đưa vào vỗ béo phải được tiêm thuốc tẩy ký sinh trùng theo quy định. Cùng với đó, các hộ dân đã được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn quy trình chăn nuôi trong suốt quá trình thực hiện mô hình.

Nhờ áp dụng đúng quy trình vỗ béo, đàn bò 3B của gia đình chị Hoa phát triển rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Gia đình chị Võ Thị Hoa ở Thôn Thạch Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình. Mặc dù, nhiều năm trở lại đây gia đình chị đã chuyển hướng sang chăn nuôi bò vỗ béo, tuy nhiên, chị vẫn không hài lòng về giống bò cỏ địa phương, bởi giống bò này vừa nhỏ lại cho năng suất không cao. Do vậy, để chăn nuôi bò thịt nuôi nhốt đạt hiệu quả, chị đã mua thêm giống bò 3B về nuôi và cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Và hiện nay, trong chuồng chị đang có 11 con bò 3B được chăm sóc đúng quy trình vỗ béo bò thịt mà Trung tâm khuyến nông tỉnh đã hướng dẫn.

Chị Hoa chia sẽ: “Tuy đã nuôi vỗ béo bò từ nhiều năm nay nhưng kiến thức để nuôi vỗ béo bò thịt thì còn hạn chế, chủ yếu là rút kinh nghiệm thực tế, chưa được áp dụng bài bản như bây giờ, vì thế chưa  bao giờ  thấy được đàn bò lại tăng trọng  đạt được mức cao như năm nay. Sau 3 tháng nuôi vỗ béo trước khi xuất bán, mỗi con bò 3B này đã tăng được bình quân 100kg, đạt trọng lượng 400kg- 500 kg, lông bóng mượt, bắp và mông đầy đặn”.

Theo đó, để đạt mức tăng trọng tối đa từ 100 – 125kg trong vòng 3 tháng, chị Hoa luôn đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ cho bò. Giai đoạn từ 15 đến 18 tháng tuổi là giai đoạn vỗ béo quan trọng nhất chuẩn bị xuất bán bò thịt, chị bổ sung thức ăn thô xanh từ 25 – 30kg/con/ngày, thức ăn tinh từ 1,5 – 3kg/con/ ngày. Trước khi xuất bán 3 tháng chị tập trung vỗ béo cho đàn bò, mỗi ngày cho ăn 30 – 40 kg thức ăn thô xanh, 4 – 6 kg thức ăn hỗn hợp, chia làm 2-3 bữa trong ngày và luôn có nước sạch trong máng uống cho bò trong thời gian vỗ béo, đồng thời hàng ngày bổ sung khoáng và vitamin giúp khả năng chuyển hóa thức ăn để nâng cao sự phát triển của đàn bò. Theo tính toán của chị Hoa, khi đàn bò xuất bán, lợi nhuận mỗi con 6-7 triệu đồng so với không vỗ béo.

Không chỉ chị Hoa mà tất cả các hộ tham gia mô hình, trong quá trình nuôi, ai cũng đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò 3B, từ cách lựa chọn con giống, đầu tư chuồng trại cũng như phòng trừ dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi bò 3B theo hướng chuyên thịt. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện mô hình, các hộ dân đều nắm được quy trình vỗ béo giai đoạn 3 tháng cuối cũng như việc chú trọng chăm sóc đàn bò để mang lại hiệu quả cao nhất. Đây cũng chính là biện pháp kỹ thuật quan trọng vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Theo ông Võ Ngọc Hùng- Chủ tịch hội nông dân xã Khánh Vĩnh Yên, [Can Lộc, Hà Tĩnh] được biết, xã Khánh Vĩnh Yên có tổng đàn bò 1.400 con,  trong đó bò lai 3B có gần 300 con. Trước đây, bà con Khánh Vĩnh Yên chủ yếu nuôi bò theo hình thức thả rông, giống bò chủ yếu là bò vàng Việt Nam. Tuy nhiên, điều kiện đồng cỏ chăn thả ngày càng bị thu hẹp, thời gian nuôi dài mà hiệu quả kinh tế lại không cao nên người dân chuyển sang nuôi bò vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng với các giống bò lai 3B mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ một vài hộ nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, nghề nuôi bò nhốt đã phát triển rộng khắp tại tất cả các thôn. Hiện toàn xã hiện có 30 mô hình nuôi bò hàng hóa quy mô 5 con trở lên.

“Từ  mô hình vỗ béo bò chuyên thịt lai 3B được Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc giúp người dân địa phương tiếp cận được quy trình chăn nuôi mới một cách bài bản, phù hợp, để từ đó làm cơ sở nhân rộng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con. Đây thực sự là hướng đi mới thích ứng tốt trước bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra, đặc biệt là dịch tả lợn châu phi trên đàn lợn. Mô hình đã góp phần thực hiện thành công chủ trương về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cũng như đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới trên đia bàn xã nhà ”, Chủ tịch hội nông dân xã Khánh Vĩnh Yên chia sẽ thêm.

Từ thành công của mô hình, vừa qua Trung tâm khuyến nông đã tổ chức Hội thảo để người chăn nuôi có cơ hội học tập và chia sẽ kinh nghiệm cũng như để đánh giá kết quả đạt được và định hướng nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Nuôi bò vỗ béo 3B trước khi xuất bán hiện đang là hướng đi đem lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân. Trong quá trình nuôi, các hộ cần chú ý điều kiện chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng, tiêm phòng bệnh đầy đủ, khi bò đến tuổi, cần cân đối nguồn thức ăn theo giai đoạn phát triển của bò. Bên cạnh đó, từng bước xây dựng quan hệ sản xuất bền vững trong nuôi bò thịt, mở rộng quy mô đàn, liên kết để tiêu thụ ổn định sản phẩm cả về số lượng và giá xuất bán mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

Nông dân nuôi bò 3B được tiếp sức

Gia đình anh Dư Quốc Khởi [SN 1991, trú tại xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội] bắt đầu nuôi bò từ năm 2012 với đàn bò 10 con. Hai giống bò anh Khởi nuôi lúc đó là bò vàng và bò lai Sind. Anh Khởi cho biết, nuôi 2 giống bò này phải thường xuyên đi chăn thả, sản lượng thịt hơi thấp, đến kỳ xuất bán trọng lượng bò thịt chỉ dao động từ 250 - 300kg/con [bò đực vàng].

Nhờ nuôi giống bò 3B, mỗi năm gia đình anh Dư Quốc Khối, trú tại xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa thu nhập 400 triệu đồng.  Ảnh: M.N

Các nhà khoa học của Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu nhập nội thành công giống bò 3B phục vụ cho việc cải tạo đàn bò thịt lai Sind ở nước ta. Bò BBB hay bò lang trắng xanh có nguồn gốc từ Bỉ. Một số nơi nông dân gọi là bò 3B. Đây là giống bò thịt cao sản. Trọng lượng bò trưởng thành đạt 900 - 1.250kg với con đực và 600 - 800kg với con cái. Khả năng tăng trọng trung bình đạt 1,3kg/ngày. Tỷ lệ thịt xẻ đạt 66 - 70%. Tỷ lệ thịt tinh/thịt xẻ đạt 78%.

Năm 2016, sau khi biết TP.Hà Nội có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi 7 triệu đồng/con bò 3B, anh Khởi đã tìm hiểu kỹ về chính sách này rồi mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ để nuôi thử nghiệm giống bò 3B.

Trong quá trình nuôi bò 3B, cũng như một số hộ tại địa phương đã nuôi thử nghiệm giống bò 3B, anh Khởi nhận thấy thực tế mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rất cao so với giống bò thường.

“Giống bò 3B có nhiều ưu điểm vượt trội về sản lượng thịt xẻ so với các giống bò thông thường. Đầu tiên nhà tôi nuôi thử nghiệm 2 con bò 3B, sau đó thấy hiệu quả rõ rệt nên tiếp tục tăng số lượng đàn bò. Đến nay, đàn bò của nhà tôi đã có tổng cộng 15 con với 100% giống bò 3B”  - anh Khởi chia sẻ.

Với kinh nghiệm nuôi bò sẵn có từ trước nên khi chuyển sang nuôi giống bò 3B, anh Khởi cũng không gặp khó khăn. “Giống bò 3B rất dễ nuôi, tăng trọng nhanh, ít khi mắc dịch bệnh và có sức đề kháng tốt. Thời gian nuôi từ 18 - 20 tháng là có thể xuất bán, trọng lượng mỗi con bò 3B thời kỳ xuất bán đạt từ 500 - 650kg/con” - anh Khởi nói.

Về thức ăn cho bò 3B, anh Khởi đã trồng 1 mẫu cỏ voi để làm thức ăn cho bò, ngoài ra phải bổ sung thức ăn tinh. Những thời điểm vỗ thịt, mỗi 1 con bò có thể ăn từ 5 - 6kg cám/ngày.

Ngoài thức ăn chính là cỏ voi và cám, 3 tháng trước khi chuẩn bị được xuất bán, đàn bò 3B được anh Khởi vỗ béo bằng cách cho ăn bã đậu và bỗng rượu. Qua quá trình theo dõi, trong vòng 1 tháng, mỗi con bò 3B sẽ tăng từ 35 - 40kg.

Để tích trữ thức ăn cho bò vào mùa đông, anh Khởi thường lấy cỏ voi cắt nhỏ rồi ủ lên men trong bao nylon, thời gian nửa tháng là có thể sử dụng làm thức ăn cho bò.

Giống bò 3B [bò BBB] "khổng lồ" khá dễ nuôi, sản lượng thịt hơi lớn nên có giá bán cao. 

Năm 2019, anh Khởi đã xuất bán 20 con bò 3B. Trong đó, ngoài việc xuất  bán bò hơi, anh Khởi còn trực tiếp mổ bò để bán thịt. Giá bán bò hơi dao động ở mức 90.000 đồng/kg. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua anh Khởi đã mổ bò 3B để bán, giá từ 240.000 - 250.000 đồng/kg. Theo tính toán, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, anh Khởi có lãi 400 triệu đồng trong năm 2019.

Cùng nhau làm giàu từ nuôi bò “khổng lồ”

Cũng là một trong những hộ nuôi bò 3B tại xã Phù Lưu, gia đình bà Nguyễn Thị Kha đã có đời sống kinh tế khấm khá từ khi nuôi giống bò được coi là “cỗ máy sản xuất thịt”.

Giống như nhiều hộ chăn nuôi khác, trước khi chuyển sang nuôi toàn bộ bò 3B, gia đình bà Kha cũng chỉ nuôi các giống bò thường, nên năng suất, hiệu quả kinh tế không cao.

Sau khi mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, đồng cỏ và được sự hỗ trợ về kinh phí của TP.Hà Nội với mức 7 triệu đồng/con bò 3B, năm 2017 bà Kha đã mạnh dạn “tậu” 20 con bò 3B về nuôi. Hiện mỗi năm, bà Kha xuất bán 10 con bò giống "siêu to khổng lồ" này.

Mỗi năm gia đình bà Nguyễn Thị Kha xuất bán khoảng 10 con bò 3B "siêu to khổng lồ"

Theo bà Kha, nuôi bò 3B không khó, bởi đây là giống bò có sức đề kháng, ăn uống tốt nên sản lượng thịt rất cao, bò tăng trưởng nhanh. Quan trọng là quá trình chăn nuôi cần tiêm đủ 2 loại vaccine phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Chuồng trại tuy không cần cầu kỳ quá, nhưng phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, bò không cần chăn thả nhiều.

Giống bò 3B, tùy theo người nuôi, trước khi xuất bán khoảng 3 tháng là bắt đầu vỗ béo. Giai đoạn vỗ béo không cho ăn quá nhiều, chỉ cần bổ sung thêm thức ăn tinh. Với mô hình nuôi bò 3B nhốt chuồng, mỗi năm gia đình bà Kha nuôi được 2 lứa, mỗi lứa 15 - 20 con bò 3B.

Theo bà Kha, để nuôi bò thịt đạt tăng trọng nhanh, trước tiên phải chọn mua giống tốt. Bò giống nhập chuồng có trọng lượng từ 250kg trở lên, không khuyết tật, thân cao, mình dài, vóc dáng khoẻ nhanh nhẹn, hiền lành, cơ bắp phát triển đều, mang màu sắc đặc trưng của giống bò này [xám, xanh xen đốm trắng], nên chọn mua nhiều bò đực giống.

Định lượng thức ăn cho 1 bò 3B nuôi hướng thịt mỗi ngày của gia đình bà Kha là cám công nghiệp 1 - 1,5kg, bột ngô 1,5 - 2kg, thức thô xanh [cỏ, thân lá ngô, mía...] 25 - 30kg. Lượng thức ăn tinh, thô cần điều chỉnh tăng dần theo thể trọng bò.

Những năm trước nuôi giống bò đỏ, bò vàng địa phương, gia đình bà Kha rất vất vả, thường xuyên phải chăn thả, bò lại hay bị bệnh tật. Từ khi chuyển sang nuôi giống bò 3B thấy nhàn hơn hẳn, cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. “Nuôi bò 3B vừa nhàn vừa cho hiệu quả kinh tế cao nên dù quay vòng vốn chậm, tôi vẫn rất yên tâm. Đầu ra cũng không phải lo vì chất lượng thịt bò 3B ngon, tỷ lệ thịt đạt trên 60% trọng lượng. Năm 2019, gia đình tôi xuất bán 10 con bò 3B với giá 90.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí cho lãi 300 triệu đồng” - bà Kha tiết lộ.

Video liên quan

Chủ Đề