Làm thế nào để mọi người trong gia đình hiểu và yêu thương nhau hơn vì sao

Chi tiết Chuyên mục: Xã hội

Trong văn hóa truyền thống, gia đình được xem là một trong những nhân tố quan trọng nhất của quốc gia. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, việc nhà tuy nhỏ, nhưng lại là yếu tố cơ bản hình thành nên “quốc gia” và “thiên hạ”.

Triết học gia Lev Tolstoy từng nói rằng các gia đình hạnh phúc thì đều có điểm tương đồng, còn các gia đình bất hạnh thì có những điều bất hạnh khác nhau. Gia đình hạnh phúc là điều mà mỗi người đều mong muốn, chỉ cần một gia đình có 5 yếu tố cơ bản dưới đây thì chắc chắn sẽ hạnh phúc.

1. Vợ chồng yêu thương nhau

Trong một gia đình, chồng và vợ giống như đất và hoa. Nếu mối quan hệ vợ chồng không hòa thuận sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mối quan hệ trong nhà. Vợ chồng bất đồng thì mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, cha mẹ – con cái đều sẽ bị xấu đi.

Nếu giữa vợ chồng không có tình yêu thật sự, cả gia đình sẽ thiếu thốn tình yêu thương. Vợ chồng yêu thương nhau là sức đề kháng mạnh nhất của một gia đình, là sự giáo dục cơ bản nhất và tốt nhất dành cho con cái. Tình yêu thương to lớn nhất của một người cha dành cho con cái chính là yêu thương mẹ của chúng. Tình yêu thương lớn nhất mà một người mẹ dành cho con mình chính là sự ngưỡng mộ và đánh giá cao cha của chúng.

Một nửa của đứa trẻ đến từ người cha, nửa còn lại đến từ mẹ, nếu phủ nhận một trong hai thì có nghĩa là đã vô tình phủ nhận một nửa của trẻ. Ngoài ra, con cái là do tế bào của cha mẹ kết hợp với nhau tạo thành, vì vậy trong tiềm thức của mỗi đứa trẻ đều hy vọng cha mẹ mình hòa thuận, yêu thương nhau.

2. Thoải mái trò chuyện

Trò chuyện là yếu tố then chốt để duy trì hạnh phúc gia đình. Có việc gì đừng giữ trong lòng, hãy trò chuyện với người thân nhiều hơn, để mọi người hiểu mình hơn, như vậy sẽ có thể tránh được rất nhiều sự hiểu lầm và mâu thuẫn không cần thiết.

Cha mẹ và con cái rất cần sự trò chuyện, trao đổi với nhau trong cuộc sống, những gia đình thiếu sự giao tiếp chuyện trò sẽ khó có thể hạnh phúc. Tình yêu thương cần sự giao tiếp bằng ngôn ngữ, nếu không chúng ta làm sao có thể cảm nhận được tình yêu thương giữa vợ – chồng, cha mẹ – con cái? Một cuộc hôn nhân mà không vợ chồng cảm nhận được tình yêu thì sao có thể sống với nhau cả một đời?

Vì vậy, mỗi ngày, những lúc ăn cơm, nghỉ ngơi hay trước khi đi ngủ, hãy đặt điện thoại và máy tính xuống để trò chuyện cùng nhau.

3. Tin tưởng lẫn nhau

Hai chú chim sống cùng nhau, chim trống nhặt hạt về đầy một tổ cho chim mái, do thời tiết nóng bức, hạt bị mất nước nên nhỏ đi, số hạt trong tổ có vẻ như chỉ còn lại một nửa ban đầu. Chim trống cho rằng chim mái ăn vụng nên đuổi chim mái đi. Vài ngày sau, trời mưa to mấy trận, không khí ẩm, hạt lại nở ra đầy một tổ. Lúc này chim trống vô cùng hối hận nói rằng: “Là mình đã trách lầm chim mái rồi!”

Giữa các thành viên trong gia đình cần tin tưởng lẫn nhau, rất nhiều gia đình đang êm ấm nhưng lại bị tan vỡ do sự hoài nghi. Vì vậy, hãy giữ lòng tin với người thân, tránh hoài nghi vô cớ, đừng để sự nghi ngờ hủy hoại hạnh phúc gia đình.

Gia đình là nơi không cần phải đề phòng, có thể thoải mái thư giãn, trò chuyện vui vẻ cùng nhau, đối xử chân thành, bất cứ lúc nào cũng cảm thấy được tin tưởng giữa các thành viên trong nhà.

Niềm tin cũng là tiền đề để giáo dục con trẻ. Nếu cha mẹ và con cái thiếu đi sự tin tưởng nhau, các con không nhận được sự giáo dục của cha mẹ thì tương lai sẽ khó có thể phát triển toàn diện.

4. Đặt mình vào vị trí của người khác

Đặt mình vào vị trí của người khác là một phẩm chất đạo đức cơ bản. Từ xưa đến nay, cho dù những người không cùng khu vực, dân tộc, tôn giáo và văn hóa nhưng họ đều nói những điều mang cùng ý nghĩa như “Đừng làm cho người khác những điều mà mình không muốn”, “Muốn người khác đối xử với mình ra sao thì hãy đối xử với họ như thế”.

Trong gia đình, vợ và chồng giữ những vai trò khác nhau, điều này quyết định sự khác biệt trong cách nhìn nhận vấn đề của họ. Vì thế, việc đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ là việc rất cần thiết và cũng là cách tốt nhất để vợ chồng thấu hiểu lẫn nhau, gìn giữ gia đình hòa thuận.

Đặt mình vào vị trí của người khác cũng là cách tốt nhất để quản lý các mối quan hệ trong gia đình, nắm vững được cách này thì có thể giải quyết được mọi việc một cách hữu hiệu, hóa giải các vấn đề trong gia đình, làm cho gia đình hòa thuận để tất cả các thành viên đều được sống vui vẻ.

5. Có không gian độc lập

Giữa vợ và chồng cần có sự quan tâm, chăm sóc và hy sinh – đây là điều rất quan trọng – nhưng nếu một người hạn chế người kia quá nhiều, quan tâm quá mức thì sẽ khiến họ cảm thấy không có tự do. Thay đổi bản thân để thỏa mãn ý muốn của đối phương, mất đi sự độc lập để gìn giữ tình cảm, điều này nhiều khi sẽ gây phản tác dụng.

Thật ra có không gian độc lập sẽ giúp các mối quan hệ tình cảm được ổn định. Có những bậc phụ huynh thường quên mất điều này, quá mức quan tâm yêu thương con cái khiến những đứa con cảm thấy “ngạt thở”.

Có một cậu bé học sinh lớp 10 nói rằng mình thật sự không chịu nổi tình yêu thương của mẹ nữa rồi, mẹ quan tâm quá nhiều, mỗi ngày con mặc gì, dậy mấy giờ, đi ngủ lúc mấy giờ, thậm chí chơi với ai, mẹ cũng đều sắp xếp. Mẹ luôn phải nắm rõ tình hình của con, khi bạn học gọi điện thoại đến, mẹ phải nghe trước, ngày nào cũng yêu cầu phải nói suy nghĩ của mình với mẹ v.v… Khiến cậu bé cảm thấy mình như đang bị quản thúc tại gia, không có sự riêng tư của mình.

Mỗi người đều cần có không gian riêng. Yêu thương nhưng vẫn có sự riêng tư mới là tình yêu hạnh phúc. Nếu bạn không thể cho người mình yêu sự tự do thì bạn hoàn toàn không thật sự yêu người đó. Trong tình yêu, hôn nhân và quá trình giáo dục con cái, người ta luôn cần sự tự do, nếu không họ sẽ nhanh chóng cảm thấy bị ràng buộc, ngột ngạt tới mức không thể chịu nổi.

Vậy nên, trong gia đình, giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái đều cần có một không gian riêng tư nhất định và sự tôn trọng không gian riêng của nhau.

Giữ gìn không gian độc lập của mỗi cá nhân thì gia đình mới thật sự ngập tràn tình yêu thương.

Ngọc Hương

4 Tiêu chí ứng xử trong gia đình: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ [29/09/2020, 14:02]

Gia đình là nơi hiện hữu và hài hòa các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cháu, ông bà… liên kết với nhau bằng tình cảm và huyết thống. Đó là tổ ấm vật chất và tinh thần thân thiết, thiêng liêng và cao cả. Nơi ấy mọi thành viên đều tìm thấy sự bình yên, tình yêu thương, niềm hạnh phúc, lòng kính trọng và đức hi sinh.

Gia đình có truyền thống lâu đời, tồn tại trong dòng họ, cộng đồng, được hình thành và phát triển bền vững, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, đời nối đời làm nên những giá trị quý báu. Giá trị lớn lao mà gia đình truyền lại đó là cách ứng xử tôn trọng – bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Cũng nhờ báu vật ứng xử này mà gia đình có được tình yêu truyền đời, tình thương bao la, lòng vị tha nhân ái, đức hi sinh cao cả, khả năng duy trì nòi giống mãnh liệt và sức lao động sáng tạo bền bỉ diệu kỳ.

Trong gia đình, việc các thành viên biết tôn trọng nhau đó là yếu tố ứng xử đầu tiên. Ngay từ khi yêu nhau, trong quá trình tìm hiểu cặp nam nữ đã biết thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau rồi. Sự tôn trọng ấy thể hiện thái độ trân trọng, tin tưởng trọn vẹn ở người bạn tình mà sau này là bạn đời của mình. Sự tôn trọng trong tình yêu ấy đã đưa đến tình chồng vợ và một gia đình mới ra đời trong sự tôn trọng nhau của đôi bên gia đình hai họ. Nếu trong tình yêu ban đầu có sự tôn trọng, thì khi thành vợ chồng, khi có con cái và chung sống với ông bà cha mẹ nữa thì sự tôn trọng ở mỗi người sẽ phải nhân lên gấp nhiều lần.

Tôn trọng là một đức tính quý giá, không thể ngay một lúc mà có được. Nó được hình thành từ trong tính cách và thái độ ứng xử của mỗi người. Người biết tôn trọng trong gia đình phải là người tự tin và tự tin nhưng không sa vào tự cao tự đại và để thiếu đi lòng tự trọng cần thiết. Giữ gìn tự trọng trong ứng xử gia đình là rất cần thiết để duy trì từ ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình.

Gia đình là tế bào xã hội, đồng thời lại là một xã hội thu nhỏ. Vì vậy trong gia đình phải có tôn ti trật tự theo huyết thống gia tộc, theo thứ tự tuổi tác và theo trình độ vốn sống, sự hiểu biết để tôn trọng nhau cho đúng vai đúng vế, cho hợp lẽ phải.

Tiêu chí ứng xử tôn trọng trong gia đình ở rất nhiều khía cạnh và có những nội dung sâu sắc thể hiện đậm nét qua phong tục, tập quán. Sự tôn trọng về tuổi tác là kính già – yêu trẻ. Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ. Người già là cây cao bóng cả được mọi người tôn kính, được tin yêu, được nghe lời, được chăm sóc tốt nhất từ miếng ăn đến giấc ngủ và sự dưỡng lão cần thiết, tốt nhất trong gia đình. Ngược lại trong gia đình những thành viên ít tuổi cũng nhận được nhiều hơn sự tôn trọng khi được chăm sóc dạy dỗ, nâng niu chiều chuộng đúng mức để khôn lớn trưởng thành.

Trong gia đình, sự tôn trọng nghề nghiệp, sở thích đam mê, học vấn, những hạn chế về sự hiểu biết của nhau cũng cần được tôn trọng đúng mức. Đó là thái độ không coi thường người yếu thế, người có điểm xuất phát thấp, học vấn chưa cao. Hoàn cảnh, cảnh ngộ trước khi lập gia đình không thuận lợi cũng rất cần nhận được sự tôn trọng, cảm thông chia sẻ. Không nên khơi gợi những chuyện buồn quá khứ, những kỷ niệm rất riêng mà thời gian đã vùi lấp vào dĩ vãng.

Xúc phạm người thân trong gia đình là lỗi lầm khó có thể tha thứ vì nó đi ngược lại sự tôn trọng cần thiết trong đời sống hôn nhân, sự động chạm khơi gợi vào nỗi đau, lòng trắc ẩn, sự bất hạnh, khuyết tật hay yếu đuối đều rất bất lợi cho người thân. Có không ít người đem sự yếu kém của quê quán, dòng họ, gia đình người thân ra để rỉa rói khi giận dữ, hoặc cười cợt khi bông đùa là rất thiếu tôn trọng. Vô tình họ đã làm tổn thương người thân trong gia đình mình.

Bình đẳng là tiêu chí cần thiết đảm bảo cho gia đình hạnh phúc. Gia đình từ hai tới nhiều thành viên; có từ 1 đến 3 thế hệ; có gia đình tới 4 thế hệ chung sống gọi là tứ đại đồng đường. Trong điều kiện đó các thành viên gia đình chung sống bình đẳng sẽ tạo cho tổ ấm hạnh phúc, sự hòa đồng thoải mái. Mọi người được bình đẳng sẽ là động lực để phát huy vai trò cá nhân tham gia vào tổ chức cuộc sống gia đình tốt nhất có thể.

Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, là quá trớn, lạm dụng không phân biệt người trên kẻ dưới, người già người trẻ, người yếu người khỏe, người sống tốt với người có sai lầm khuyết điểm. Bình đẳng được hiểu và vận dụng là sự cân bằng tương ứng giữa quyền lợi nghĩa vụ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình. 

Ý kiến của một người được nhiều người lắng nghe, quan tâm đáp ứng. Công việc chung của gia đình mọi người cùng tham gia. Cách giải quyết các tình huống đối với các thành viên gia đình mang tính dân chủ, công khai, công bằng hợp lý, không để xảy ra ghen tị, suy bì, kèn cựa. Người có lỗi biết nhận lỗi để sửa chữa. Người trong nhà có lòng vị tha, không chấp nhận thành kiến, phân biệt đối xử.

Ngay từ xa xưa, trong lúc khốn khó thì sự bình đẳng vợ chồng trong gia đình cũng để lại trong nhiều câu ca dao bất hủ. Nói về bình đẳng trong lao động sản xuất, chia sẻ gánh vác việc đồng áng có câu: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Trong bữa cơm gia đình dù còn có thể thiếu thốn, vẫn là sự chia sẻ bình đẳng chan chứa nghĩa tình: Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.

Ngay khi đánh giá về công sức xây dựng gia đình sự bình đẳng cũng thể hiện sinh động: Của chồng, công vợ. Thành ngữ mới cũng có câu rất hay về bình đẳng gia đình: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.

Trong gia đình truyền thống, phụ nữ chưa được hưởng sự bình đẳng vì phụ thuộc nhiều vào chồng con. Ngày nay, phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình, họ thực sự được bình đẳng khi vừa lao động gia đình vừa tham gia vào lao động xã hội và nuôi dạy con cái. Vị thế phụ nữ gia đình được đánh giá cao ngang hàng với nhau về giới đó là bước tiến lớn của bình đẳng giới, bình đẳng trong gia đình. Trong gia đình ngày nay hầu như không còn hiện tượng trọng nam khinh nữ như xưa. Sự tôn trọng giới tính, bình đẳng giới đang trở nên phổ biến. Người phụ nữ được bình đẳng, được phát huy mọi sở thích, khả năng để làm chủ gia đình và gánh vác công việc xã hội.

Yêu thương là tiêu chí ứng xử số 1 trong quan hệ gia đình. Gia đình hình thành từ xuất phát điểm ban đầu là tình yêu. Khi đã nên duyên vợ chồng và sinh con thì tình thương trở thành báu vật của gia đình.

Tình yêu thương là sự hòa hợp giữa cảm tính và lý tính, giữa cho đi và nhận lại, giữa trách nhiệm với thụ hưởng, giữa sự thiếu vắng với bù đắp để có được không gian hạnh phúc. Tình yêu thương là chất kết dính diệu kỳ của mỗi gia đình. Nó trở thành thiêng liêng cao cả không gì có thể sánh bằng, không gì có thể đánh đổi. Đó là báu vật của hạnh phúc mà gia đình nào cũng sẵn có, không cần phải vay mượn. Là cội nguồn cho sức mạnh tình cảm sâu nặng và lòng thủy chung, gắn bó trong gia đình.

Tình yêu thương gia đình đọng lại ở những cử chỉ thân ái, săn sóc, chở che, giúp đỡ, động viên, chia sẻ, hy sinh vì nhau. Cho dù những lo toan, khó khăn trong cuộc sống, vẫn dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Tình yêu thương đã làm cho thành viên gia đình biết cảm thông, nhường nhịn, bỏ qua cho nhau những khiếm khuyết, thậm chí cả lầm lỗi và sẵn sàng hi sinh cho nhau đảm bảo để gia đình được hạnh phúc trọn vẹn.

Tình yêu thương gia đình còn bộc lộ ở khả năng tạo dựng không gian sống hạnh phúc. Đó là nơi bình yên để sớm tối đi về, để vững vàng thủy chung và không thể bị sa ngã, lạc lối trước bao cám dỗ ngoài đời. Cuộc sống gia đình cần lắm sự chia sẻ, cảm thông động viên khích lệ. Chia sẻ ở đây dành cho cặp vợ chồng tâm tình, tâm tư và thông tin cho nhau những vấn đề đặt ra trong cuộc sống lứa đôi và mối quan hệ với những người xung quanh. Cũng có thể là những chia sẻ của mẹ cha với con cái hoặc con cái với cha mẹ về những điều cần phải bày tỏ trong mối quan hệ gia đình và xã hội. Với các gia đình sống chung nhiều thế hệ, việc sẻ chia giữa ông bà, cha mẹ với con cháu và ngược lại cũng rất cần có để hiểu biết lẫn nhau, giải tỏa những điều chưa thông hiểu, tạo ra sự cảm thông.

Chia sẻ là bức thông điệp yêu thương bày tỏ nỗi niềm, đó là thông báo cần thiết hoặc tiếp nhận những thông tin cần thiết để người thân hiểu rõ, hiểu thêm, hiểu sâu, hiểu kỹ những vấn đề vướng mắc, những trăn trở băn khoăn, những gì cần giúp đỡ, hợp tác, giải tỏa, giải quyết tháo gỡ bức xúc trì trệ, ách tắc. Chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ khó khăn thiếu thốn, những hụt hẫng về tình cảm, về vật chất cũng trở nên cần thiết với các thành viên trong gia đình. Truyền thống gia đình từ xa xưa đã chắt lọc những thành ngữ về sự sẻ chia rất sâu sắc:

- Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.

- Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

- Máu chảy ruột mềm, môi hở răng lạnh.

Sự cởi mở trong giao tiếp gia đình chính là nhịp cầu nối những yêu thương và xây dựng nên tòa lâu đài hạnh phúc. Nếu không có sự sẻ chia, trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến những khép kín tâm tư, tạo ra sự cách biệt vợ chồng, cách biệt giữa các thế hệ ở chung một mái nhà. Đó thực sự là những bế tắc, bức bách trong cuộc sống gia đình và là mầm mống cho những hiểu lầm, mâu thuẫn xung khắc, hiện tượng này cha ông ta đã có câu thành ngữ rất chí lý: “Đồng sàng dị mộng”. Người trong một nhà nằm chung một giường nhưng tâm tư, ý nghĩ, tình cảm lại rẽ về hai phía, lại xa cách một cách khủng khiếp. Cái hố sâu ngăn cách tình cảm ấy không dễ gì san lấp, xóa nhòa được. Chỉ có sự sẻ chia mới thoát ra khỏi cảnh đồng sàng dị mộng.

Sự sẻ chia trong sinh hoạt gia đình, trong đời sống vợ chồng không cứ gì phải to tát. Nó nảy nở giao tiếp qua lại bình dị trong bữa ăn, giấc ngủ, trong lời ăn tiếng nói. Chia sẻ công việc gia đình để gắn kết tình vợ chồng. Chia sẻ gánh nặng áp lực trong công việc sẽ làm cho người thân, bạn đời thoải mái hơn.

Tình cảm giữa các thành viên trong gia đình luôn là sợi dây vô hình gắn bó con người, tạo ra nguồn năng lượng tỏa sáng cuộc sống hạnh phúc. Giữ bền sợi dây tình cảm, giữ mãi nguồn năng lượng hạnh phúc đó là nhờ có những tiêu chí ứng xử tôn trọng, bình đẳng yêu thương và chia sẻ của mọi thành viên trong gia đình. Tiêu chí đó chính là cỗ máy thần diệu vận hành mô hình gia đình, tế bào xã hội đảm bảo hài hòa giữa các giá trị gia đình truyền thống với những chuẩn mực tiêu biểu của văn hóa gia đình thời kỳ mới. Nếu nắm trong tay cỗ máy bảo bối này và vận hành nó thành thục chúng ta luôn có được niềm hạnh phúc gia đình vô bờ bến trong tay./.

                                                  Trần Kiên

[Nguồn: Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2020 - Vụ Gia đình - BVHTTDL]

​                                                                                                                                      

Video liên quan

Chủ Đề