Lớp học thư pháp hà nội

PSO – Thư pháp được đánh giá là một môn nghệ thuật đỉnh cao, có sự phát triển mạnh mẽ, thể hiện tâm tư, tình cảm của con người thông qua từng nét chữ, nội dung, cách thức trình bày và màu sắc…Với giá trị tinh thần, thư pháp ngày nay đang được giữ gìn và bảo tồn bởi cộng đồng những người đam mê thư pháp, những trung tâm, lớp học và cả những ngôi chùa.

Ngôi chùa với lớp học thư pháp “0 đồng”

Bộ môn thư pháp đã trở thành nét văn hoá riêng của nhiều quốc gia trên thế giới, ở Viêt Nam thư pháp gắn liền với hình ảnh “Ông Đồ bên mực tàu, giấy đỏ”. Chính vì vậy, Thư pháp dần trở thành một nét văn hoá truyền thống của dân tộc Việt, một môn học lý thú giúp rèn luyện sự kiên nhẫn, giúp lắng đọng tâm hồn, được mọi người quan tâm.

Hiểu được mong muốn của quý Tăng – Ni, Phật tử, các bạn học sinh – sinh viên có đam mê với bộ môn nghệ thuật này, gần 1 năm qua, Chùa Long Hưng [Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội] đã mở ra lớp thư pháp Hán & Việt, dạy miễn phí cho các học viên mong muốn theo học, người giảng dạy trực tiếp chính là những nhà sư.

Vượt qua gần 20km đến chùa vào mỗi tối thứ 4 hàng tuần, bạn Cao Minh Hằng – Sinh viên Đại học Xã hội & Nhân văn bày tỏ: “Từ lâu, mình rất thích và muốn thử thách khả năng của mình với thư pháp, nhưng khi tìm hiểu chi phí học các lớp thư pháp bên ngoài thì mình không đủ khả năng theo học. Biết có lớp thư pháp miễn phí tại Chùa Long Hưng, mình và một vài người bạn đã đăng ký qua học. Học thư pháp khiến mình nhận ra, để hoàn thành tốt một công việc ngoài sự khéo léo, tài giỏi thì cần sự nhẫn nại, kiên trì và biết cân bằng cảm xúc”.

Thư pháp – môn học không phân biệt tuổi tác

Tuổi tác là thứ có thể ngăn cách một vài môn học nhưng với thư pháp thì không. Dù bạn ở độ tuổi nào chỉ cần bạn có đam mê và sự kiên trì thì hoàn toàn có thể tham gia môn học này. Điều này đã được chứng minh ngay trong lớp học thư pháp tại Chùa Long Hưng, khi các học viên tham gia lớp học ở đủ mọi độ tuổi.

“Chỉ mới 7 tuổi nhưng con gái mình đã sớm bộc lộ niềm đam mê với nét chữ, vì vậy mình đã sắp xếp công việc, một tuần một lần đưa con về tham gia lớp học. Nhà ở huyện Sóc Sơn nên hai mẹ con thường đến chùa xin ăn cơm rồi mới vào lớp học. Thấy con gái đam mê thư pháp lại được quý thầy không ngại vất vả, chỉ dạy từng nét chữ nên mình rất vui. Có lẽ vì rèn luyện thư pháp trong từng nét chữ nên mình thấy con thay đổi khá nhiều, ở nhà cháu trở nên ham học, cẩn thận và kiên trì hơn trước”, chị Hoàng Thị Diện mẹ bé Mai Hoa, học viên nhỏ tuổi nhất lớp học chia sẻ sau những ngày cùng con đến chùa luyện nét chữ – rèn nết người.

Khác với bé Mai Hoa, cô Hồng Nhung người lớn tuổi nhất lớp học tâm sự: “Tôi tham gia lớp học từ những ngày đầu tiên, đường từ nhà đến chùa không thuận tiện nhưng tôi vẫn kiên trì theo học, ngoài việc học thư pháp tôi còn lĩnh hội được phong cách giản dị, thanh cao và những bài học vô giá từ những người thầy”.

Được biết, lớp thư pháp tại chùa Long Hưng liên tục tuyển sinh và tiếp nhận các học viên mới theo học, nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với những người đam mê thư pháp, mong muốn được tiếp nối những giá trị tốt đẹp, tinh tuý trong truyền thống của người Việt.

Hương Lan

Nơi đào tạo "thầy đồ" miễn phí tại Hà Nội

Lớp học thư pháp được tổ chức tại chùa Mễ Trì Thượng.

Nhân Mỹ học đường được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2005, được quý chức sắc Phật giáo trụ trì các cơ sở tự viện tạo điều kiện cho tổ chức các lớp học tại chùa Nhân Mỹ và chùa Mễ Trì Thượng.

Học viên ở mọi lứa tuổi tới lớp vào cuối tuần.

Trong 10 năm qua, Nhân Mỹ học đường đã bồi dưỡng, đào tạo miễn phí cho 9 khóa học, với 3 chương trình riêng biệt cho khoảng 1.000 học viên về tìm hiểu, thực hành và phát triển những kỹ năng, phục vụ việc duy trì, phát huy giá trị văn học tôn giáo truyền thống qua lớp dạy chữ Hán – Nôm tại các di tích.

Lớp học tiến hành nhập môn.

Nhân Mỹ học đường đào tạo 2 bộ môn Hán Nôm và Thư pháp với 3 chương trình đào tạo cho các đối tượng khác nhau. Chương trình học chữ Hán và Thư pháp 4 năm cho người chưa biết chữ Hán; chương trình học Thư pháp và các chuyên đề chữ Hán 2 năm cho người đã viết thạo; chương trình học 1 năm dành cho người muốn luyện thư pháp bút cứng.

Nhân Mỹ học đường thu hút hơn 100 học viên mỗi khóa.

Mỗi năm, Nhân Mỹ học đường chỉ tuyển sinh một đến hai lần, mỗi lần khoảng 150 học viên. Là lớp học mở ra với mục đích truyền bá, Nhân Mỹ học đường không đặt tiêu chí tuyển học viên, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể theo học. Bởi vậy lớp học đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi: có công nhân, có sinh viên, có trí thức, có người về hưu, có công chức nhà nước...

Người học vì công việc, người học vì sở thích… nhưng tựu trung gặp nhau ở đây là vì đam mê cổ học, vì mong muốn được đắm mình vào mạch nguồn văn hóa của cha ông.

Giảng sư Lê Trung Kiên ân cần rèn chữ cho học viên.

Với sự kiên trì không biết mệt mỏi của các giảng sư, lớp học đã phát triển một cách vượt bậc. Từ một lớp học, Nhân Mỹ học đường phát triển ra ba cơ sở đặt tại ba ngôi chùa khác nhau: chùa Nhân Mỹ, chùa Mễ Trì Thượng và chùa Tứ Kỳ [Hoàng Mai].

 Luyện thư pháp rèn khí chất và tính nhẫn nại.

Đội ngũ giảng viên của trường cũng được mở rộng, quy tụ được nhiều “cây” Hán học xuất sắc như TS Phạm Văn Anh, TS Tô Lan, TS Trần Trọng Dương, TS Nguyễn Đại Cồ Việt, ThS Nguyễn Đức Bá cùng nhiều nhà thư pháp nổi tiếng như Xuân Như Vũ Thanh Tùng, Tiểu Hạng Nguyễn Trung Hoàng Long, Nam Long Nguyễn Quang Duy, Bách Lĩnh Đặng Anh Việt…

Không gian tràn ngập văn hóa Hán Nôm của học đường.

Cùng với sự nỗ lực học tập và rèn luyện của học viên, Nhân Mỹ học đường ngày càng phát triển mạnh mẽ và tạo dấu ấn đặc biệt trong đời sống xã hội. Những hoạt động của học đường đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Hoàng Linh

Video liên quan

Chủ Đề