Mở bài chung cho nghị luận văn học lớp 10

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên môn Ngữ văn tại hệ thống Giáo dục HOCMAI gợi ý một số cách tư duy viết phần mở bài, giúp chinh phục người đọc ngay từ phần mở đầu.

Hai cách mở bài

Chia sẻ kinh nghiệm trong lúc chấm bài thi, cô Phượng nhận thấy học sinh thường mắc phải những lỗi điển hình trong phần mở bài như: thiếu vấn đề cần nghị luận; thiếu phạm vi cần nghị luận; viết mở bài quá lan man, dài dòng mà không đi đúng trọng tâm cần đề cập; hay viết mở bài quá ngắn gọn, tạo cảm giác “cụt” khi đọc bài,…

“Muốn viết hay, trước hết hãy viết đúng, phải hiểu những yêu cầu chính mình cần thực hiện. Phần mở bài yêu cầu chúng ta phải giới thiệu được vấn đề và phạm vi cần nghị luận”, cô Phượng nhấn mạnh.

Ví dụ, nếu đề bài yêu cầu chúng ta nghị luận về một đoạn thơ thì các yếu tố chính mà ta cần đề cập tới trong phần mở bài của mình: Tên tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận và trích dẫn đoạn thơ đó ra. 

Về cơ bản, mở bài có hai dạng chính: Mở bài trực tiếp và mở bài gián tiếp.

Mở bài trực tiếp là đi trực tiếp từ tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề cần nghị luận. Dạng mở bài này thường dễ tư duy, nhanh gọn dễ viết; tuy nhiên nếu không biết liên kết các câu văn sẽ tạo cảm giác khô khan, cứng nhắc cho người đọc. 

Mở bài gián tiếp là dẫn dắt những nội dung liên quan tới vấn đề cần nghị luận để gây chú ý cho người đọc sau đó mới nêu lên vấn đề cần nghị luận. Mở bài này thường dễ tạo ấn tượng tốt với người đọc, tuy nhiên nếu không biết cách dẫn dắt sẽ dễ dẫn đến lan man, dễ lạc đề.

Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên môn Ngữ văn tại hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Một số cách tư duy 

Cách 1: Mở bài đi từ tác giả, tác phẩm đến vấn đề cần nghị luận

Cô Phượng lưu ý với các bạn học sinh: “Trước khi muốn viết mở bài hay, chúng ta hãy viết đúng trước đã”. Dạng mở bài đi từ giới thiệu tác giả, tác phẩm đã quá quen thuộc, tuy nhiên nếu chúng ta biết cách “biến tấu” cho nó, đây vẫn là một mở bài hay dễ dàng ghi điểm với thầy cô giáo. 

Giới thiệu tác giả không chỉ nói về năm sinh năm mất. Chìa khóa giúp chúng ta tạo ấn tượng với thầy cô giáo khi viết kiểu mở bài này đó là giới thiệu phong cách của tác giả. Mỗi nhà văn sẽ có một phong cách riêng không thể trộn lẫn bởi “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo”.

Ví dụ, Kim Lân là một nhà văn một lòng đi về với đất thuần hậu và nguyên thủy. Ngòi bút của ông chỉ dành cho người nông dân, dù nghèo đói bất hạnh hay bản lĩnh trong cuộc sống mới, họ vẫn luôn chân chất và bình dị. Ông Hai trong tác phẩm “Làng” của Kim lân là một nhân vật như thế. 

Cách 2: Đi từ đề tài, chủ đề đến vấn đề cần nghị luận

Văn học qua mỗi giai đoạn sẽ có những đề tài chủ đề riêng, và cũng có những chủ đề, đề tài xuyên suốt văn học qua các giai đoạn khác nhau. Trong đó lại có hàng trăm nghìn các tác phẩm lớn nhỏ khác nhau cùng đề tài. Nếu chúng ta biết nắm bắt cái tinh thần chung của chủ đề và khai thác những góc nhìn riêng của tác phẩm sẽ là cách làm thông minh, tạo sự hấp dẫn, độc đáo riêng cho mở bài. 

Ví dụ, hình ảnh người nông dân trong văn học hiện đại vốn rất đa dạng. Nhắc đến họ ta nghĩ ngay đến những người khốn khổ, đó có thể là một lão Hạc bị bần cùng hóa, một Chí Phèo bị lưu manh hóa,… cái đói, cái nghèo, sự cùng quẫn đã bắt tay mãi với cuộc đời họ. Nhưng Kim Lân thì khác, ông đem đến cho người đọc sự bất ngờ với vẻ đẹp chân chất mà cũng rất hồn nhiên nhưng thật sâu sắc của của người nông dân sau Cách mạng, thể hiện rõ nét qua tác phẩm “Làng” với nhân vật ông Hai. 

Cách 3: Đi từ kiến thức lí luận vào vấn đề cần nghị luận

Cô Phượng chia sẻ: "Với học sinh, chúng ta cứ nghĩ lý luận là cao siêu thế nhưng thực tế một điều đó là khi chúng ta học văn, bắt buộc sẽ chạm đến kiến thức lý luận. Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình,… tất cả những nội dung này đều liên quan đến lý luận”.

Học văn luôn đòi hỏi chúng ta ở sự tư duy sáng tạo, sử dụng đa dạng vốn kiến thức để có những cách diễn đạt khác nhau khi viết cùng một chủ đề. Vận dụng kiến thức lý luận cho phần mở bài sẽ là một điểm hút thú vị với mở bài của một học sinh cấp 2, tạo ấn tượng tốt với thầy cô chấm bài. 

Để làm tốt dạng mở bài này, chúng ta có thể chuẩn bị trước cho mình một số nhận định văn học hay theo các chủ đề để dẫn dắt vào bài. 

Ví dụ, Thạch Lam từng viết: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”. Kim Lân là một nhà văn như thế. Ông đã rất thành công khi tìm ra vẻ đẹp của người nông dân trong hoàn cảnh tuyệt vọng, điều đó thể hiện rõ nét qua nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng”.

Cách 4: Dẫn dắt từ cuộc sống vào văn học

“Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học.” Mỗi chúng ta sẽ có những trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống, linh hoạt phát hiện và vận dụng nó vào bài văn sẽ mang tới những yếu tố độc đáo bất ngờ cho bài viết. Tuy nhiên, để làm tốt dạng mở bài này, học sinh cần có vốn hiểu biết sâu sắc, khả năng cảm thụ và liên hệ đối với những hiện tượng trong đời sống. 

Ví dụ, nếu văn chương bay bổng như con diều thì hãy nhớ rằng, con diều muốn bay cao bay xa phải luôn bám chặt vào mặt đất bằng một sợi dây, sợi dây bị đứt, con diều sẽ rơi xuống, văn chương là thế…

Mở bài là cái ấn tượng đầu tiên chúng ta đưa tới cho người đọc. Tuy nhiên, mở bài cũng chỉ là một bộ phận của bài văn, vì thế chúng ta không nên quá sa đà, đầu tư quá nhiều, dẫn đến mất thời gian cho những vấn đề khác. Cô Phượng căn dặn các bạn học sinh: “Viết đến đâu, chắc đến đó, có như thế bài làm của chúng ta mới có thể hoàn chỉnh”.

Minh Khôi

Belinxki đã từng nói: “Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại bởi vì những đau khổ và hạnh phúc của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội, bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại.” Thơ ca cũng như văn chương và các loại hình nghệ thuật khác, nếu không hút nhựa sống dạt dào ngầm chảy trong lòng cuộc sống thì nó sẽ mãi mãi là một cây non èo uột, không mang trên mình những cành cây săn chắc, những chiếc lá xanh tươi phơi phới dưới ánh mặt trời. Là nhà thơ, ngòi bút của anh phải chấm vào nghiên mực của cuộc đời thì thơ anh mới tươi màu, neo chặt trong bến tâm hồn người thưởng thức. Và hơn cả, để trở thành “thi sĩ vĩ đại” đòi hỏi anh ta có một trái tim đồng cảm với những linh hồn đơn côi quạnh quẽ, anh ta phải lắng nghe tiếng khóc khổ đau của nhân loại từ đó biến tác phẩm của anh thành tiếng nói đại diện cho những kiếp người mòn mỏi trong đời sống xã hội. Đến với nhưng vần thơ của Nguyễn Du, ông đã cất lên tiếng lòng của mình, để linh hồn của tác phẩm Truyện Kiều mang đến những trang thơ neo đậu mãi trong chúng ta về hình tượng nàng Kiều sắc sảo nhưng lại trải qua những đau thương chất chồng lên cuộc đời của người con gái tài sắc. Nếu Thúy Kiều đứt ruột trao duyên thì Nguyễn Du cũng đã viết nên cảnh Trao duyên bằng những lời thơ tan nát can tràng, đặc biệt qua mười bốn câu thơ đầu:

“Cậy em em có chịu lời,

Duyên này thì giữ vật này của chung.”

MB2: [8 câu cuối]

Trong toàn bộ nền văn học Việt nam, hiếm có một tác phẩm nào được ngợi ca như là một “đại kiệt tác” mà mỗi đoạn, mỗi câu thơ đều là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Ấy vậy mà, Nguyễn Du với “Đoạn trường tân thanh” [Truyện Kiều] đã gây được một tiếng vang lớn mà suốt hơn 200 năm kể từ khi ra đời, kiệt tác ấy vẫn làm tốn bao bút mực ca ngợi của người đời. Nguyễn Du đã gửi gắm trong đó biết bao giá trị nhân đạo sâu sắc mà đoạn trích “Chí khí anh hùng” là một trong những trích đoạn gây được nhiều tiếng vang với sự phản ánh chân thực giấc mơ tự do công lí, khát vọng làm nên sự nghiệp lớn của người anh hùng với chân dung nhân vật Từ Hải. Từ Hải là một giấc mơ của Nguyễn Du, giấc mơ anh hùng,giấc mơ tự do và công lý. Cho nên Từ Hải là một người chí khí,một người siêu phàm. Con người ấy đến từ một giấc mơ và ở lại như một huyền thoại. Hiện diện trong “Truyện Kiều” như một nhân cách sử thi, Từ Hải đã làm nên những trang sôi động nhất, hào sảng nhất trong cái thế giới buồn đau dằng dặc của “Đoạn trường tân thanh”. Đoạn trích “Chí khí anh hùng” là một đoạn trích tiêu biểu khắc họa rõ nét chí khí anh hùng của Từ Hải.

+ Thề nguyền

“Truyện Kiều” là tác phẩm văn học xuất sắc nhất của thiên tài Nguyễn Du và của nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay. Không những là một kiệt tác bất hủ, truyện Kiều còn ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và đời sống của con người Việt nam nhiều thời đại.  Nguyễn Du muốn thông qua cuộc đời Kiều để mà lên án cái xã hội ấy và thể hiện ước mơ về một xã hội công bằng, công lý, người phụ nữ được sống đúng với bản năng, tình yêu và tự do của mình. Trong văn học trung đại xưa, các nhà văn, nhà thơ thường đề cập đến những vấn đề mang tính cộng đồng, xã hội, dùng thơ để nói chí “Thi dĩ ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo” mà rất hiếm đề cập đến tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, trong kiệt tác Truyện Kiều của mình, Nguyễn Du không những viết về tình yêu mà còn ca ngợi tình yêu tự do của đôi lứa, tư tưởng này được thể hiện chân thực thông qua đoạn trích “Thề nguyền”.

+ Chí khí anh hùng

MB1: [Bài làm của Thảo Uyên]

Nếu nhắc đến những con người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam thì ắt không thể thiếu Nguyễn Du – đại thi hào đã mang tên tuổi nước ta lên tầm quốc tế. Xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Du đã để lại nhiều tuyệt tác văn học được viết bằng cả chữ Hán và đặc biệt là chữ Nôm, với ví dụ tiêu biểu là “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” không chỉ thành công trong việc khắc họa số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đồng thời nêu cao khát vọng vươn tới những điều tươi đẹp hơn của nhân dân Việt Nam qua nhân vật Thúy Kiều và cuộc hành trình đầy gian truân của nàng; mà còn thể hiện rõ thái độ khẳng định, ngợi ca đối với người anh hùng của Nguyễn Du. Chúng ta có thể thấy rõ được hình ảnh người anh hùng đẹp đẽ này qua nhân vật Từ hải, tiêu biểu là ở đoạn trích “Chí khí anh hùng”. Bên canh đoạn miêu tả về ngoại hình của Từ thì “Chí khí anh hùng” chính là những dòng thơ hay nhất mà Nguyễn Du dành cho nhân vật này.

MB2: [Bài làm của Sơn Linh]

Trong toàn bộ nền văn học Việt nam, hiếm có một tác phẩm nào được ngợi ca như là một “đại kiệt tác” mà mỗi đoạn, mỗi câu thơ đều là “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Ấy vậy mà, Nguyễn Du với “Đoạn trường tân thanh” [Truyện Kiều] đã gây được một tiếng vang lớn mà suốt hơn 200 năm kể từ khi ra đời, kiệt tác ấy vẫn làm tốn bao bút mực ca ngợi của người đời. Nguyễn Du đã gửi gắm trong đó biết bao giá trị nhân đạo sâu sắc mà đoạn trích “Chí khí anh hùng” là một trong những trích đoạn gây được nhiều tiếng vang với sự phản ánh chân thực giấc mơ tự do công lí, khát vọng làm nên sự nghiệp lớn của người anh hùng với chân dung nhân vật Từ Hải. Từ Hải là một giấc mơ của Nguyễn Du, giấc mơ anh hùng,giấc mơ tự do và công lý. Cho nên Từ Hải là một người chí khí,một người siêu phàm. Con người ấy đến từ một giấc mơ và ở lại như một huyền thoại. Hiện diện trong “Truyện Kiều” như một nhân cách sử thi, Từ Hải đã làm nên những trang sôi động nhất, hào sảng nhất trong cái thế giới buồn đau dằng dặc của “Đoạn trường tân thanh”. Đoạn trích “Chí khí anh hùng” là một đoạn trích tiêu biểu khắc họa rõ nét chí khí anh hùng của Từ Hải.

+ Nỗi thương mình

Sê-khốp đã từng khẳng định: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Sê-khốp coi tinh thần nhân đạo là phẩm chất bắt buộc phải có trong mỗi người cầm bút, là tiêu chuẩn, điều kiện để đánh giá mức độ chân chính của nhà văn. Bởi tác phẩm văn học chân chính thể hiện cái tâm của người nghệ sĩ, phải hàm chứa tinh thần nhân văn sâu sắc, chứa đựng niềm vui, nỗi khổ đau của con người. “Đoạn trường tân thanh” [Truyện Kiều] chính là một kiệt tác như thế, thi phẩm hàm chứa bao giá trị hiện thực và nhân đạo khi viết về cuộc đời và số phận của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn trong xã hội phong kiến xưa. “Nỗi thương mình” [Truyện Kiều] là một đoạn trích thể hiện khá rõ tài năng nghệ thuật độc đáo, cái nhìn vượt thời đại và đặc biệt tinh thần nhân đạo mới mẻ của đại thi hào Nguyễn Du. Đoạn trích chỉ vỏn vẹn hai mươi câu, từ câu 1229 đến câu 1248, cho thấy tâm trạng đau đớn, tủi nhục, nỗi cô đơn, thương thân trách phận và ý thức sâu sắc về thân phận bất hạnh của Thúy Kiều ở chốn lầu xanh đồng thời thể hiện ngòi bút nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du.

Bình Ngô đại cáo

MB1: [Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo]

Xuyên suốt chặng đường tồn tại và phát triển của văn học Việt Nam, tư tưởng nhân nghĩa đóng vai trò như một sợi chỉ đỏ nối liền thời đại. Nhân nghĩa là một trong những truyền thống quý báu từ bao đời nay của dân tộc ta, truyền thống đó được kế thừa và phát huy theo chiều dài của lịch sử. Nền văn học trung đại Việt Nam ra đời gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước đau thương mà oanh liệt, oai hùng. Vì vậy, hầu hết các tác phẩm ra đời trong thời kì này đều mang trong mình sợi chỉ đỏ xuyên suốt ấy, và một trong những áng văn tiêu biểu nhất không thể không kể đến “thiên cổ hùng văn” của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi – “Bình Ngô đại cáo”, bài cáo đã vút cao tinh thần độc lập dân tộc, tinh thần yêu nước còn được ghi nhắc đến muôn đời. Đặc biệt cần phải kể đến là tư tưởng nhân nghĩa được Nguyễn Trãi thể hiện trong “Cáo bình Ngô” đã trở thành giá trị tư tưởng cao đẹp nhất mà nhân dân ta mãi ngợi ca và hướng tới.

MB2: [CM Bình Ngô đại cáo là bản tuyên ngôn độc lập]

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nhận định “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Những kiệt tác văn học ra đời không chỉ mang trong mình ý nghĩa văn chương mà còn mang cả tầm vóc lịch sử. “Bình Ngô đại cáo” chính là một kiệt tác như thế, không những là áng “thiên cổ hùng văn” của Nguyễn Trãi, “Cáo Bình Ngô” còn có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập. Ra đời sau chiến thắng giặc Minh của quân khởi nghĩa Lam Sơn, bài cáo đã vút cao tinh thần độc lập dân tộc, tinh thần yêu nước còn được nhân dân ghi nhắc đến muôn đời.

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên [Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn]

Các nhà văn, nhà thơ thời xưa khi sáng tác văn chương thường quan niệm “Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”. Phải chăng cũng vì vậy mà hình tượng của người trí thức được yêu mến và nhắc đi nhắc lại trong nhiều tác phẩm lúc bấy giờ? Nguyễn Dữ cũng đã góp thêm nét vẽ chân dung người trí thức đương thời qua hình ảnh nhân vật Ngô Tử Văn trong “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” trích trong áng thiên cổ kì bút “Truyền kì mạn lục”. Qua câu chuyện mang đậm yêu tố kì ảo này, chân dung Ngô Tử Văn khảng khái, cương trực quyết tâm chống lại cái xấu, cái ác mang những phẩm chất của một kẻ sĩ hiện lên thật rõ nét.

Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

– Toàn bộ đoạn trích

“Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.”

Văn học Việt Nam đã từng chứng kiến biết bao những cuộc chia li, tiễn biệt đầy lưu luyến như thế. Và ở thế kỉ thứ XVIII, “Chinh phụ ngâm” một tác phẩm lấy từ đề tài chia li trong chiến tranh đã của Đặng Trần Côn đã cho chúng ta thấy được một cuộc tiễn biệt thấm đẫm tâm trạng, đằng sau đó là nỗi đau người phụ nữ có chồng đi chinh chiến. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” đã làm nổi bật lên nỗi lẻ loi cô đơn cùng những nhớ mong, và có cả những khao khát hạnh phúc của người chinh phụ.

+ 8 câu giữa

Nếu Nguyễn Du đã từng viết: “Người lên ngựa, kẻ chia bào” / “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” khi miêu tả cảnh Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều, nếu Hữu Loan đã từng thổn thức : “Từ chiến khu xa” / “Nhớ về ái ngại” / “Lấy chồng thời chiến binh” / “Mấy người đi trở lại” khi khóc vợ là bà Lê Đỗ Thị Ninh, thì Đặng Trần Côn cũng đã phủ lên nền văn học Việt Nam một nỗi buồn chia ly như thế, một nỗi buồn man mác nhưng khắc khoải đêm ngày của người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm khúc”. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” nói về tình cảm nỗi lòng của người chinh phụ khi chồng đi đánh trận, sự lo lắng và cô đơn ôm trọn tuổi  thanh xuân trông ngóng chồng trở về mà đặc sắc nhất phải kể đến là tám câu thơ giữa của bài.

Hưng Đại đại vương Trần Quốc Tuấn

Trung hiếu lòng son tự tính thành,

Anh hùng ra sức chống trời xanh.

Gươm thần một lưỡi kinh hồn giặc,

Ngựa đá nghìn thu vững cõi mình.

Đó là những lời thơ đẹp đến vô ngần mà Phan Kế Bính dành cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một nhà chính trị, nhà văn cũng như là Tư lệnh tối cao chỉ huy quân đội toàn quốc của Đại Việt thời nhà Trần. Trên văn đàn văn học Việt Nam đã có biết bao áng văn thơ ca ngợi tài năng, đức độ của Trần Hưng Đạo mà “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên là một tác phẩm tiêu biểu. Đoạn trích “Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn” đã xây dựng một cách chân xác chân dung tuyệt đẹp của con người toàn đức toàn tài này.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Nguyễn Huệ đã từng khẳng định: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc.” Quả thật, sự trường tồn của một quốc gia nằm ở chính tài năng của mỗi người trong quốc gia đó. Để nhấn mạnh điều ấy, một nhà giáo mẫu mực của thời đại là Thân Nhân Trung cũng đã viết nên “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” nhằm khẳng định vai trò quan trọng của hiền tài đối với sự phồn vinh của một đất nước. Quan niệm như vậy đã khẳng định hiền tài định đoạt vận mệnh đất nước, dân tộc. Tư tưởng này dẫn đến sự cầu hiền. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc “chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo hiền tài bồi đắp thêm nguyên khí”.

Xem thêm:

Tham khảo các bài văn mẫu cơ bản tại chuyên mục: //thichvanhoc.com.vn/van-mau/co-ban/

Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học

Video liên quan

Chủ Đề