Một trong những nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới của Mác - Lênin

Phản bác luận điệu xuyên tạc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội

27/01/2022 10:07 Print

Trong quá trình hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức và hình thành tư tưởng xây dựng một quân đội kiểu mới, mang bản chất giai cấp cách mạng, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

Trong quá trình hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức và hình thành tư tưởng xây dựng một quân đội kiểu mới, mang bản chất giai cấp cách mạng, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; sử dụng mọi phương thức, biện pháp cách mạng để giành độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân; trong đó có vấn đề dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Người chỉ rõ: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”1. Từ đó, Người đã trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân mà “hồn cốt” là quan điểm: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân đã trở thành kim chỉ nam, nhân tố quyết định sự lớn mạnh, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong các thời kỳ cách mạng.

Chính bởi tính đúng đắn, khoa học cùng sự tồn tại khách quan, là nền tảng tạo nên sức mạnh của Quân đội và cơ đồ, vị thế lớn mạnh của đất nước, con người Việt Nam, mà tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng của Người về xây dựng Quân đội nói riêng là dấu ấn không thể phai mờ. Cũng chính vì thế mà tư tưởng đó, luôn bị các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, chống phá quyết liệt; trong đó, bản chất giai cấp, bản chất chính trị của Quân đội là một trọng điểm. Với chiêu bài kêu gọi “phi chính trị hóa” quân đội, chúng ra sức rêu rao quan điểm: quân đội là “của quốc gia, dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái, lực lượng chính trị nào”,... nhằm chuyển hóa Quân đội về chính trị, tước bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; làm cho Quân đội ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy yếu, biến chất về chính trị, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, những luận điệu thù địch đó không thể xuyên tạc, phủ nhận được quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội đã được đúc rút thành lý luận nền tảng và kiểm nghiệm, chứng minh tính khách quan, khoa học trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, tiếp thu, phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới - “một đội quân có trình độ giác ngộ chính trị cao” do Đảng Cộng sản tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, Hồ Chí Minh rút ra nhận thức sâu sắc về quyền lãnh đạo của Đảng cách mạng đối với Quân đội. Trong bài giảng “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân” tại trường quân sự của những người cộng sản Đức ở Mátxcơva vào cuối năm 1927 và được xuất bản lần đầu tiên ở Đức vào năm 1928, Hồ Chí Minh khẳng định quan điểm “…phải làm sao cho Đảng thực hiện quyền lãnh đạo về chính trị và tác chiến của mình”2 đối với các đội du kích - lực lượng vũ trang đầu tiên của quân đội cách mạng. Bởi vậy, khi quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, bên cạnh việc trực tiếp chọn cán bộ chỉ huy, Người còn căn dặn: Tổ chức Đội phải lấy chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo. Quan điểm đó đã đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang, cùng với việc giải quyết đúng đắn các mối quan hệ có tính nguyên tắc, như: giữa quân sự với chính trị, Quân đội với Nhà nước cách mạng, Quân đội với Nhân dân,... Người đã giải thích rõ mối quan hệ giữa Quân đội với Đảng. Người nêu quan điểm: Đảng “Phải xây dựng và lãnh đạo vững chắc lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân, bảo đảm đánh thắng bất cứ kẻ thù nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào”3. Điều đó có nghĩa là, một mặt, Đảng tổ chức ra Quân đội, nên tất yếu Đảng phải nắm quyền lãnh đạo Quân đội, quyền lãnh đạo đó phải được giữ vững và tăng cường, không chia sẻ cho bất cứ giai cấp nào; mặt khác: “Quân đội phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, phải giúp đỡ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương”4, Quân đội phải nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Đó là nội dung cốt lõi nhất của mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò quyết định trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; giữ vai trò quyết định đối với sự ra đời, phát triển, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam; quyết định bản chất cách mạng của Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Đó là quy luật ra đời và phát triển của Quân đội ta - một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân ở một nước thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu - mà Hồ Chí Minh đã khẳng định là: nó chỉ có thể ra đời và phát triển trong phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng nhân dân và muốn có phong trào như vậy, trước hết phải có sự lãnh đạo của Đảng. Người Viết: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”5. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội là hoàn toàn khoa học, trên cơ sở kế thừa, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, không ai có thể bóp méo, xuyên tạc.

Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội trong thực tiễn là minh chứng hùng hồn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân.

Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ta ra đời đến nay đã minh chứng: sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội. Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo Quân đội và Quân đội luôn phục tùng sự lãnh đạo của Đảng là hai mệnh đề song hành trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội cùng với toàn dân lập nên nhiều chiến công hiển hách, giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sự lãnh đạo của Đảng trước hết bảo đảm cho Quân đội luôn mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Từ khi ra đời, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã là đội quân mang bản chất của giai cấp công nhân, làm nòng cốt trong thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, của nhân dân và của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của một giai cấp, nhà nước nhất định, nhưng chỉ có quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản như Quân đội nhân dân Việt Nam mới có thể phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân theo đúng nghĩa của nó và gắn bó chặt chẽ sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, Nhà nước và Nhân dân trong chỉnh thể thống nhất, không tách rời. Chiến đấu vì nhân dân, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc là lý do tồn tại và phát triển; là lý tưởng và phương châm hành động của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm cho Quân đội luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, Nhà nước và với Nhân dân. Đó là những nội dung cơ bản, cốt lõi gắn bó chặt chẽ trong bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thể hiện bằng sự hy sinh, phấn đấu trong mọi công việc cách mạng của Ðảng; trong suy nghĩ, việc làm cụ thể vì nước, vì dân, vì lợi ích quốc gia dân tộc của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Trong quá trình xây dựng, trưởng thành, dù công tác ở đâu, đi đến đâu, làm những nhiệm vụ gì, trong điều kiện chiến tranh hay trong hòa bình, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đều ra sức bảo vệ, giúp đỡ nhân dân; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo; xả thân vì nhân dân trong bão lũ, dịch bệnh,... tất cả vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, v.v.

Những thành tựu, phẩm chất, truyền thống tốt đẹp mà Quân đội có được là nhờ sự tổ chức, lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, tách vấn đề tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhân dân là không đúng với bản chất chính trị - xã hội của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là sự cố tình xuyên tạc, bóp méo thực tiễn lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như thực tiễn mối quan hệ giữa Quân đội với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, nhằm thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, xuyên tạc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội.

Trước sự xuyên tạc đó, một mặt, chúng ta cần đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với Quân đội và sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, cần thực hiện tốt việc xây dựng Quân đội thực sự vững mạnh, trước hết là vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là tạo sức mạnh nội sinh, khả năng và sức “đề kháng” làm thất bại, phá sản mọi mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Mối quan hệ biện chứng giữa “xây” và “chống” này cần phải được nhận thức đúng và giải quyết tốt trong thực tiễn xây dựng Quân đội, cũng như thực tiễn đấu tranh phòng, chống âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội trong tất cả các giai đoạn. Theo đó, cần quán triệt, thực hiện nghiêm nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân”6. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đặc biệt là xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đảm bảo Quân đội thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhà nước và Nhân dân, có đủ sức mạnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ sẽ là minh chứng thuyết phục bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam.

PGS, TS. VŨ QUANG VINH, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tá LƯU VĂN THUẤN, Trường Sĩ quan Đặc công
_____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 391.

2 - Sđd, Tập 2, tr. 577.

3 - Sđd, Tập 14, tr. 608.

4 - Sđd, Tập 11, tr. 367.

5 - Sđd, Tập 14, tr. 435.

6 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 160.

Video liên quan

Chủ Đề