Mua sách Tại Sao Các Quốc Gia thất Bại

VIỆT NAM là một trong những thành công về kinh tế trong 30 năm qua. Mặc dù hiện nay, với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.400 đôla theo sức mua tương đương, tuy chưa phải là một nước giàu, song Việt Nam đã đạt được những thành tích giảm nghèo nổi bật: chỉ trong vòng ba thập kỷ, biến một quốc gia trong đó tình trạng nghèo là phổ biến trở thành một quốc gia với tỷ lệ nghèo chỉ còn khoảng 10% theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Bản thân thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn này. Tại sao vào thời điểm năm 1980, Việt Nam lại nghèo như vậy? Tại sao sau đó Việt Nam lại phát triển nhanh chóng? Các nhà kinh tế học và các nhà khoa học xã hội đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau cho những sự kiện kiểu này. Một số người cho rằng sự thành công kinh tế của một quốc gia hoặc khu vực được xác định bởi vị trí địa lý hay điều kiện sinh thái của nó. Các học giả này đặc biệt quan tâm đến việc một quốc gia có nằm trong khu vực nhiệt đới hay không. Theo họ, vì Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới giữa hạ chí tuyến và xích đạo nên tiềm năng kinh tế nội tại của nó chỉ có giới hạn. Nhưng sự thay đổi sâu sắc trong quỹ đạo kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua không hề liên quan tới sự thay đổi vị trí địa lý. Một số người khác sẽ lập luận rằng văn hóa của một dân tộc, các chuẩn mực xã hội, các giá trị, hay đạo đức làm việc sẽ quyết định sự thành công hay thất bại về kinh tế. Nhưng một lần nữa, văn hóa Việt Nam đã không thay đổi kể từ thập niên 1980 trở lại đây. Cuối củng, nếu bạn tham dự các lớp kinh tế phát triển ở các khoa kinh tế học hàng đầu thế giới, bạn sẽ được học là chúng ta đơn giản không biết tại sao Việt Nam đã nghèo trong gần suốt lịch sử của mình nhưng gần đây lại tăng trưởng nhanh chóng. Có lẽ là do cuối cùng Việt Nam cũng có được những nhà kinh tế học tài ba, hoặc nhờ đổi mới tư duy, hoặc đơn giản chỉ là do may mắn. Cuốn sách này cung cấp các công cụ thích hợp để hiểu tại sao Việt Nam đã từng rất nghèo và tại sao tình trạng nghèo này bắt đầu thay đổi từ thập niên 1980. Nó cũng giúp chúng ta hiểu được liệu những thay đổi diễn ra ở Việt Nam trong ba thập niên vừa qua có bền vững hay không. Lịch sử trì trệ và sự tăng trưởng gần đây ở Việt Nam không xuất phát từ các nguyên nhân địa lý hay văn hóa mà xuất phát từ những quy tắc - hay thể chế - mà bản thân xã hội Việt Nam đã tạo ra. Để thành công về kinh tế, xã hội cần phải tạo ra được một tập hợp các thể chế kinh tế có thể thúc đẩy tài năng, kỹ năng, sự sáng tạo và năng lượng của người dân, và những năng lực này được phân phối một cách rộng rãi trong toàn xã hội, nhờ đó tạo thành một đặc tính quan trọng - tính dung hợp - của tập hợp thể chế kinh tế có khả năng tạo ra sự thịnh vượng. Tính dung hợp của tập hợp thể chế này tạo ra các cơ hội bình đẳng về kinh tế cho tất cả mọi người, đem lại cho họ quyền sở hữu tài sản, quyền tiếp cận với thị trường, cơ hội giáo dục, và bình đẳng trước pháp luật. Chẳng hạn như lịch sử nghèo đói của Việt Nam trong thời phong kiến hoặc dưới thời Pháp thuộc có thể được giải thích bằng thực tế là các thể chế kinh tế trong những thời kỳ này không có tính dung hợp mà có tính tước đoạt: những thể chế được thiết kế để hạn chế cơ hội, để tạo ra ẩn sủng và độc quyền cho một vài nhóm thiểu số và bắt đa số còn lại phải trả giá. Họ dập tắt cơ hội của nhiều người, trao đặc quyền cho một số thiểu số trong giới quyền thế bản địa hay cho thực dân Pháp. Nhưng tại sao trong lịch sử Việt Nam, giống như phần lớn thế giới, lại tồn tại các thể chế kinh tế có tính chiếm đoạt? Có thể thấy điều này rõ nhất khi xem xét trường hợp của thực dân Pháp. Với công nghệ quân sự ưu việt và sự thống trị chính trị, người Pháp đã có thể áp đặt một tập hợp các quy tắc tạo đặc quyền cho chính họ và tay sai. Vì vậy, chìa khóa để nhận biết một thể chế kinh tế có tính dung hợp hay chiếm đoạt nằm ở bản chất của chính trị và quyền lực chính trị. Trong nhà nước thuộc địa Pháp, quyền lực chính trị đã được phân phối trong phạm vi hẹp, và nhà nước được sử dụng để ủng hộ các lợi ích đặc biệt - do vậy thể chế chính trị có tính chiếm đoạt. Người Việt Nam, mặc dù chiếm đa số, nhưng đã bị trục xuất ra khỏi địa hạt quyền lực chính trị và bị tước đoạt cơ hội kinh tế. Điều này trên thực tế cũng đã từng tồn tại, ngay cả trước khi thực dân Pháp xuất hiện, chỉ khác là quyền lực được trao cho giới quyền thế trong nước chứ không phải nước ngoài. Trong cuốn sách này, chúng tôi chứng minh rằng trong hầu hết mọi trường hợp, một nước sở dĩ nghèo là do họ có các thể chế kinh tế chiếm đoạt, bắt nguồn từ các thể chế chính trị chiếm đoạt. Còn các nước giàu sở dĩ giàu là bởi vì họ có các thể chế chính trị dung hợp, với nhà nước mạnh và có trách nhiệm giải trình, và quyền lực chính trị được phân phối một cách rộng rãi, và nhờ đó tạo ra các thể chế kinh tế dung hợp.

Để trở nên giàu có, một nước nghèo phải chuyển đổi từ các thể chế chiếm đoạt sang dung hợp. Trong địa hạt kinh tế, đây chính là căn nguyên tạo ra tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam gần đây. Sau khi đánh đổ chế độ thực dân và thống nhất đất nước, Việt Nam đã tạo ra một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trong đó nhà nước sở hữu toàn bộ đất đai và hầu hết các ngành công nghiệp. Tuy nhiên các thử nghiệm với nền kinh tế chỉ huy trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 đã cho thấy những hạn chế kinh tế nghiêm trọng của mô hình này. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình cho thấy rằng sự ra đời của các tổ chức kinh tế dung hợp hơn đã tạo ra tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn giữ được quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Chính sách Đổi mới của Chính phủ Việt Nam từ năm 1986 được đưa ra nhằm chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính sách kinh tế Đổi mới đã đem lại những khuyến khích có tính thị trường, giải tán nông nghiệp tập thể, loại bỏ kiểm soát giá cả hàng nông sản, và cho phép nông dân tiêu thụ hàng hóa của họ trên thị trường. Giống như Trung Quốc, phong trào chuyển sang các thể chế dung hợp này đã thành công và bắt đầu phát huy những tài năng tiềm ẩn to lớn nhưng chưa được giải phóng của ngưởi dân. Những cải cách này cùng với những cải cách sau đó đã khuyến khích việc thành lập doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài. Như vậy, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ thập niên 1980 đã được thúc đẩy bởi phong trào chuyển sang các thể chế kinh tế dung hợp hơn, mặc dù quá trình chuyển đổi này vẫn còn một chặng đường dài trước mắt. Việt Nam sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách một cách toàn diện nếu muốn duy trì được đà tăng trưởng hiện nay và gia nhập hàng ngũ những quốc gia giàu mạnh nhất thế giới.

Bước 1: Truy cập website và lựa chọn sản phẩm cần mua để mua hàng

Bước 2: Click và sản phẩm muốn mua, màn hình hiển thị ra pop up với các lựa chọn sau

Nếu bạn muốn tiếp tục mua hàng: Bấm vào phần tiếp tục mua hàng để lựa chọn thêm sản phẩm vào giỏ hàng

Nếu bạn muốn xem giỏ hàng để cập nhật sản phẩm: Bấm vào xem giỏ hàng

Nếu bạn muốn đặt hàng và thanh toán cho sản phẩm này vui lòng bấm vào: Đặt hàng và thanh toán

Bước 3: Lựa chọn thông tin tài khoản thanh toán

Nếu bạn đã có tài khoản vui lòng nhập thông tin tên đăng nhập là email và mật khẩu vào mục đã có tài khoản trên hệ thống

Nếu bạn chưa có tài khoản và muốn đăng ký tài khoản vui lòng điền các thông tin cá nhân để tiếp tục đăng ký tài khoản. Khi có tài khoản bạn sẽ dễ dàng theo dõi được đơn hàng của mình

Nếu bạn muốn mua hàng mà không cần tài khoản vui lòng nhấp chuột vào mục đặt hàng không cần tài khoản

Bước 4: Điền các thông tin của bạn để nhận đơn hàng, lựa chọn hình thức thanh toán và vận chuyển cho đơn hàng của mình

Bước 5: Xem lại thông tin đặt hàng, điền chú thích và gửi đơn hàng

Sau khi nhận được đơn hàng bạn gửi chúng tôi sẽ liên hệ bằng cách gọi điện lại để xác nhận lại đơn hàng và địa chỉ của bạn.

Trân trọng cảm ơn.

Tại sao có những quốc gia giàu có, thậm chí là rất giàu có, trong khi có những quốc gia nghèo đói, thậm chí là rất nghèo đói? Để trả lời cho câu hỏi này, hai tác giả Daron Acemoglu và James S. Robinson đã dẫn dắt người đọc tham gia chuyến hành trình xuyên không gian và thời gian đến với những quốc gia, những nền văn minh tự cổ chí kim, từ các đế chế của quá khứ như Aztec, Inca, Maya, La Mã, Venice… cho đến các quốc gia đương đại như Mỹ, Anh, Châu Âu, Zimbabwe, Congo, Triều Tiên…

Với lượng thông tin dồi dào, kiến thức uyên bác và những phân tích sắc sảo, các tác giả lần lượt điểm lại và phản bác các lý thuyết phổ biến hiện tại về sự phồn vinh của một quốc gia. Liệu có phải một quốc gia chìm đắm trong đói nghèo là vì vị trí địa lý của nước đó không [Thuyết địa lý]? Hay các yếu tố văn hóa như tôn giáo, tính cách dân tộc, giá trị đạo đức xã hội .v..v. đã quyết định số phận đất nước như thế [Thuyết văn hóa]? Hay chỉ vì giới lãnh đạo không biết phải làm gì để đưa đất nước đi lên [Thuyết vô minh]? Câu trả lời của tác giả là rất dứt khoát: tất cả đều không phải.

Tập trung vào đối tượng nghiên cứu là các thể chế, cơ cấu tổ chức quốc gia, các tác giả đã tóm lược tất cả các thể chế của các quốc gia, bất kể khu vực nào, thời đại nào, ý thức hệ nào vào chỉ 2 loại: thể chế chiếm đoạt và thể chế dung hợp.

Thể chế chiếm đoạt [extractive institution] là một hệ thống tổ chức xã hội được giới lãnh đạo thiết kế nhằm mục đích chiếm đoạt thành quả lao động của người dân bằng cách tước đoạt quyền sở hữu của người dân, cấm đoán hoạt động kinh tế tư nhân, thu tóm quyền lực chính trị, loại bỏ các quyền tự do cá nhân, giáo dục nhằm mục đích tạo ra người tuân phục. Trong thể chế chiếm đoạt, chỉ nhà độc tài hay giới lãnh đạo là trở nên giàu có vô hạn vì đã chiếm đoạt được hầu hết thành quả lao động của người dân, còn phần lớn nhân dân sẽ chìm sâu vào đói nghèo và lạc hậu. Thể chế chiếm đoạt một khi đã hình thành thì sẽ có xu hướng tồn tại cho đến mãi mãi dù cho có thay đổi chính quyền, một vòng xoáy đi xuống sẽ hình thành khi chính quyền mới tiếp tục duy trì và tăng cường tính chiếm đoạt hơn cả chính quyền cũ, làm cho đất nước càng nghèo khổ hơn nữa.

Ngược lại, thể chế dung hợp [inclusive institution] lại tổ chức xã hội theo hướng tạo ra sự phát triển bằng cách khuyến khích người dân mưu cầu hạnh phúc và tài sản cho bản thân, quyền lực chính trị được phân tán và chịu sự giám sát từ nhiều phía, tôn trọng các quyền tự do cá nhân, giáo dục tập trung đào tạo ra con người tự chủ. Vì tạo ra động lực làm việc, động lực để sáng tạo, các thể chế dung hợp luôn mang đến sự thịnh vượng cho toàn bộ nhân dân, cho đất nước. Người dân một khi đã được nếm trải mùi vị của dân chủ, của tự do và thịnh vượng thì họ sẽ làm mọi cách để giữ lấy điều đó, từ đó tạo ra một vòng xoáy đi lên, đưa đất nước ngày càng tiến lên theo hướng dân chủ hơn, tự do hơn và thịnh vượng hơn.

Tóm lại, theo các tác giả, không phải quốc gia đó ở đâu, có nền văn hóa nào hay trình độ giới lãnh đạo mà chính việc có loại thể chế nào mới là yếu tố then chốt quyết định sự thịnh vượng của một quốc gia. Nói cách khác, chính sự khác biệt về thể chế mới là đường ranh giới của đói nghèo và phồn vinh chứ không phải là Bức tường Berlin [Đông Đức và Tây Đức] hay Vĩ tuyến 38 [Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc]. Tuy thế, tác giả cũng nói rõ rằng, nếu có một điều gì đó tệ hại nhất thì đó không phải là một thể chế chiếm đoạt mà là một sự hỗn loạn vô chính phủ, nơi mà chiến tranh giữa chính phủ và các phe phái liên miên không dứt như Sierra Leone, Somalia, Congo. Vì thế, trước khi nói đến sự thịnh vượng, người ta phải nói đến hòa bình và ổn định.

Đi sâu vào phân tích đặc điểm của từng loại thể chế, tác giả cho rằng tuy thể chế chiếm đoạt triệt tiêu động lực lao động, triệt tiêu sức sáng tạo nên thường mang đến sự đói nghèo và lạc hậu nhưng không phải thể chế chiếm đoạt không thể đem lại sự phát triển, điển hình là Liên Xô trước đây và Trung Quốc ngày nay. Liên Xô từ năm 1928 đến 1970 đã tập trung đào tạo nhân lực, tập trung các nguồn lực kinh tế để phát triển công nghiệp nặng và đã có những thành công rực rỡ. Ưu thế của thể chế chiếm đoạt là quyền lực tập trung vào một hay một số nhỏ người nên khả năng điều phối các nguồn lực của quốc gia có thể diễn ra nhanh chóng và triệt để, từ đó tạo ra những mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tập trung nguồn lực cũng đưa các nguồn lực đến đúng chỗ, thường thì nhà độc tài hay giới lãnh đạo sẽ sử dụng hết các nguồn lực đó để làm giàu cho cá nhân mình, bất chấp sự cùng khổ của nhân dân [ví dụ như ở Ai Cập, Zimbabwe, Bắc Triều Tiên…].

Ngoài ra, thể chế chiếm đoạt còn có thể tạo ra sự phát triển bằng cách cho phép tồn tại một phần nào đó sự dung hợp, ví dụ như Trung Quốc từ thập niên 1980 đến nay. Về cơ bản Trung Quốc vẫn là một thể chế chiếm đoạt [không cho sở hữu đất đai, tập trung quyền lực chính trị, kiểm soát các quyền tự do cá nhân] nhưng Trung Quốc vẫn cho phép sự phát triển của kinh tế tư nhân, cải cách giáo dục, cho phép người dân sử dụng internet [một công cụ nguy hiểm đối với các chính quyền chuyên chế].

Nhưng điểm yếu chí tử của sự tăng trưởng dưới thể chế chiếm đoạt nằm ở tính bền vững của tăng trưởng. Vì không có sự sáng tạo nên dù vận dụng các nguồn lực khéo léo đến thế nào thì cũng có một giới hạn cho sự phát triển. Đó chính là lý do tại sao Liên Xô sụp đổ về kinh tế sau thập niên 1970. Chỉ thể chế dung hợp mới có thể khuyến khích người dân cải tiến cái cũ, sáng tạo ra cái mới, từ đó mở rộng quy mô các nguồn lực hiện tại, tạo ra nhiều của cải hơn. Vì thế, sự dung hợp là không thể thiếu trong tiến trình phát triển của đất nước.

Vậy, thể chế dung hợp có phải là tối ưu tuyệt đối hay không? Rất tiếc là không có gì là hoàn hảo cả. Chính sức sáng tạo khi được giải phóng hoàn toàn sẽ liên tục cho ra những thành quả mà một vài trong số chúng mang tính thay thế đối với cái hiện tại, tạo nên sự đe dọa đối với quyền lực của giới lãnh đạo, thậm chí đôi khi còn mang đến sự hỗn loạn, tác giả gọi đây là sáng tạo phá hủy. Máy dệt sợi đã làm thay đổi cấu trúc kinh tế, từ đó dẫn đến sự phân phối lại quyền lực chính trị. Máy in tước đoạt độc quyền tri thức của giới quý tộc và tăng lữ. Internet giúp con người vượt qua mọi rào cản, phổ biến tri thức, phân bổ lại quyền lực…. Vì sự sáng tạo phá hủy này mà thể chế dung hợp luôn bị những nhà độc tài, những chính quyền chuyên chế, hoặc thậm chí một bộ phận dân chúng ngăn cản phát triển. Tuy nhiên, nếu không dám mạo hiểm với phá hủy sáng tạo cũng đồng nghĩa với sẽ không có phát triển. Con đường đến với sự thịnh vượng đâu phải là con đường bằng phẳng.

Tới đây thì các tác giả đã hoàn chỉnh các bộ phận cho lý thuyết của mình, cho lời giải thích cho câu hỏi “Tại sao có những quốc gia giàu có và những quốc gia nghèo đói?”. Lý thuyết này đề cao tác dụng của dân chủ, tự do, xem đó là biểu hiện của một thể chế dung hợp – nguồn cơn của sự thịnh vượng – và lên án những thể chế chiếm đoạt – nguồn cơn của sự nghèo đói trên thế giới. Qua đó tác giả cũng vạch rõ mục đích của các chính quyền chuyên chế chỉ là muốn duy trì quyền lực, thâu tóm tài sản quốc gia và thành quả lao động của nhân dân nhằm vụ lợi cho một nhóm người có đặc quyền, bỏ mặc phần còn lại của đất nước trong lạc hậu và nghèo đói.

Từ tựa của cuốn sách là một câu hỏi [“Tại sao các quốc gia thất bại?”], các tác giả trong quá trình giải đáp câu hỏi này đã làm nhiều hơn chỉ là trả lời câu hỏi. Từ một lời giải thích, tác giả đã đưa ra một mục tiêu; từ một mục tiêu, người dân ở các quốc gia sẽ có được một lộ trình để đưa đất nước mình tiến tới sự thịnh vượng. Vì vậy, có thể xem đây là cuốn sách kinh tế – chính trị mang ý tưởng kích động nhất từng được xuất bản ở Việt Nam, người đọc sau khi kết thúc cuốn sách không khỏi nghĩ tới việc tạo nên một vòng xoáy đi lên ở đất nước mình, đưa Việt Nam thoát khỏi lạc hậu, tiến lên phồn vinh.

Đọc Online Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại

Download Ebook Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại

Download Epub

Download Mobi

Video liên quan

Chủ Đề