Nghĩa vụ bổ sung là gì

Tìm hiểu các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về Nghĩa vụ 

Để bảo đảm sự an toàn, thông thoáng trong quan hệ nghĩa vụ, công bằng giữa các bên, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế, Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ...

Bộ Luật dân sự [BLDS] 2015 quy định 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ [cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp; cầm giữ tài sản], trong đó kế thừa 07 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong BLDS 2005 và bổ sung 02 biện pháp [bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản]. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến nội dung các biện pháp bảo đảm này, cụ thể:

Về căn cứ phát sinh nghĩa vụ: Chỉ cần đó là hợp đồng, không nhất thiết là hợp đồng dân sự như BLDS 2005 mới được xem là căn cứ phát sinh nghĩa vụ. Các căn cứ phát sinh nghĩa vụ còn lại không thay đổi so với trước.

Về thời hạn thực hiện nghĩa vụ: Thời hạn thực hiện nghĩa vụ không chỉ là do các bên thỏa thuận, theo quy định pháp luật theo BLDS 2005 mà còn là theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng hạn, trừ trường hợp BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác [bao hàm luôn cả trường hợp có sự đồng ý của bên có quyền đã quy định tại BLDS 2005]

Về thực hiện nghĩa vụ có điều kiện: Ngoài các quy định đã được đề cập tại BLDS 2005, BLDS 2015 bổ sung thêm quy định về trường hợp điều kiện không xảy ra hoặc xảy ra do có sự tác động của một bên thì áp dụng quy định sau: “Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.”

Về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm: Trong trường hợp không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại [Thêm từ “trả tiền phạt” vào quy định này]; trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai là điểm mới quy định tại BLDS 2015: Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.

Về tài sản bảo đảm được quy định lại cụ thể như sau: Thêm điều khoản loại trừ đối với quy định tài sản bảo đảm thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm đó là: Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu. Và bổ sung quy định sau: Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được; giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

Các quy định liên quan đến tài sản bảo đảm được nêu dưới đây là quy định hoàn toàn mới tại BLDS 2015, nhằm tạo cơ sở chặt chẽ hơn trước để giải quyết vấn đề liên quan đến tài sản bảo đảm khi phát sinh tranh chấp.

Hiệu lực đối kháng với người thứ ba: Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm; khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm quy định tại BLDS 2015 và luật khác có liên quan.

Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm: Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của luật và trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc luật có quy định.

Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm: Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác; đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó; trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định trên mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.

Giao tài sản bảo đảm để xử lý: Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định được xử lý tài sản bảo đảm nêu trên trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Quyền nhận lại tài sản bảo đảm: Trước thời điểm xử lý tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với bên nhận bảo đảm và thanh toán chi phí phát sinh do việc chậm thực hiện nghĩa vụ thì có quyền nhận lại tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp: Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây: Bán đấu giá tài sản; bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm và phương thức khác.

Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Bán tài sản cầm cố, thế chấp: Việc bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được thực hiện theo quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản; việc tự bán tài sản cầm cố, thế chấp của bên nhận bảo đảm được thực hiện theo quy định về bán tài sản trong BLDS 2015 và quy định sau đây: Việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định [sẽ được đề cập sau]; sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản.

Nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm: Bên nhận bảo đảm được quyền nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm nếu có thỏa thuận khi xác lập giao dịch bảo đảm; trường hợp không có thỏa thuận theo quy định trên thì bên nhận bảo đảm chỉ được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ khi bên bảo đảm đồng ý bằng văn bản; trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm; trường hợp giá trị tài sản bảo đảm nhỏ hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm; bên bảo đảm có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận bảo đảm theo quy định pháp luật.

Định giá tài sản bảo đảm: Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản; việc định giá tài sản bảo đảm phải bảo đảm khách quan, phù hợp với giá thị trường; tổ chức định giá phải bồi thường thiệt hại nếu có hành vi trái pháp luật mà gây thiệt hại cho bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm trong quá trình định giá tài sản bảo đảm.

Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp: Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định [sẽ được đề cập tại mục tiếp theo]; trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm; trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.

Về thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm được quy định lại tại BLDS 2015 như sau: Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng; trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước; trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm; thứ tự ưu tiên thanh toán nêu trên có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.

Luật gia: Trần Lê

Video liên quan

Chủ Đề