Người đứng đầu đất nước việt nam là ai

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm nguyên thủ quốc gia
  • 2. Nguyên thủ quốc gia của một số nước trên thế giới.
  • 3. Nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam
  • 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam
  • 5. Mối quan hệ của Chủ tịch nước với các cơ quan

1. Khái niệm nguyên thủ quốc gia

Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu nhà nước, thay mặt cho đất nước về đối nội và đối ngoại.

Nguyên thủ quốc gia thường được coi là công dân số một của đất nước. Ở các nước khác nhau, nguyên thủ quốc gia có thể là Chủ tịch nước, Tổng thống, Quốc vương, Vua, Nữ hoàng... Nguyên thủ quốc gia theo tiếng Anh là President, tiếng Pháp là Président.

Ở Việt Nam, nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch nước.

Nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nhà nước thực hiện các quan hệ đối nội và đối ngoại. Theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 86 quy định: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.” Như vậy, ở nước ta, nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đồng nhất giữa các nước trên thế giới, sự khác nhau giữa nguyên thủ quốc gia trên thế giới phụ thuộc vào hình thức chính thể của nhà nước đó, ví dụ:

– Đối với hình thức chính thể quân chủ [quân chủ chuyên chế và quân chủ lập hiến], nguyên thủ quốc gia là “vua” như Thái Lan, Campuchia, Brunei,..- đối với mô hình nguyên thủ quân chủ tuyệt đối và mô hình nguyên thủ quân chủ nhị nguyên, Quốc vương là người có quyền lực tối cao, quyền hành pháp và lập pháp rất rộng lớn và có quyền can thiệp vào tư pháp. Đối với mô hình nguyên thủ quân chủ đại nghị, Quyền hạn của nhà vua bị hạn chế nhiều bởi Hiến pháp, có rất ít quyền lực và chỉ mang tính hình thức.

– Một chủ thể đặc biệt của luật quốc tế là Thành quốc Vatican, ở đó Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia và là nhà lãnh đạo Chính phủ, đồng thời là Giám mục Giáo phận Roma, là nhà lãnh đạo Tòa thánh và Giáo hội Công giáo Roma;

– Hình thức chính thể cộng hòa, trong đó có cộng hòa đại nghị, cộng hòa hỗn hợp, cộng hòa tổng thống- nguyên thủ quốc gia là tổng thống, [ví dụ như Mỹ, Pháp,…]. Đối với mô hình nguyên thủ cộng hòa đại nghị, nguyên thủ quốc gia chỉ là nhân vật tượng trưng cho Nhà nước, giữ vai trò đại diện quốc gia về đối nội, đối ngoại, tham gia phần nào vào lập pháp và hành pháp tượng trưng. Đối với mô hình nguyên thủ cộng hòa tổng thống, nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu Nhà nước và đứng đầu cơ quan hành pháp, tổng thống có quyền hạn rất lớn. Đối với mô hình nguyên thủ cộng hòa hỗn hợp, nguyên thủ quốc gia cũng có nhiều quyền hạn trên thực tế, được xác định là trung tâm của bộ máy quyền lực. Đối với mô hình nguyên thủ cộng hòa xã hội chủ nghĩa, nguyên thủ quốc gia đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, có một phần quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp

– Trước đây, trong xã hội chưa có Hiến pháp thì nguyên thủ quốc gia có quyền lực vô hạn và là cá nhân đại diện cho một quốc gia.

Về nguyên tắc, chủ tịch nước là đại diện tượng trưng cho sự bền vững và tập trung của nhà nước.

2. Nguyên thủ quốc gia của một số nước trên thế giới.

Ở Mỹ: Tổng thống Mỹ là nguyên thủ quốc gia và đứng đầu chính phủ, nắm quyền hành chính. Tổng thống có quyền lực rất lớn, vừa là trung tâm của bộ máy nhà nước, vừa là trung tâm quyết sách của Chính phủ.

+ Tổng thống nắm toàn quyền hành pháp. Tổng thống thành lập nội các từ số các chính sách không phải là nghị sĩ để bảo đảm sự độc lập giữa nghị viện và chính phủ. Tổng thống tự mình lựa chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm các bộ trưởng và nghị viện sẽ phê chuẩn sự lựa chọn, bổ nhiệm và miễn nhiệm đó.

+ Theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Hiến pháp, Tổng thống Mỹ có quyền tác động đến quá trình lập pháp của Quốc hội, từ giai đoạn đầu tiên đến khi dự luật có thể thành luật. Bằng các quyền hạn đó, Tổng thống Mỹ buộc Quốc hội phải lắng nghe ý kiến của Tổng thống và thông thường các gợi ý lập pháp trong các thông điệp mà Tổng thống đưa ra đều được Quốc hội xem xét thảo luận trước. Tổng thống cũng có quyền phủ quyết bất kỳ dự luật nào được Quốc hội thông qua trừ khi có hai phần ba thành viên trong mỗi viện phủ quyết để gạt bỏ sự phủ quyết của Tổng thống.

+ Tất cả các thẩm phán liên bang đều do Tổng thống bổ nhiệm và thượng viện phê chuẩn. Tổng thống còn có quyền ban bố lệnh ân xá hoàn toàn hay có điều kiện cho bất kỳ ai đã bị kết tội vi phạm luật pháp liên bang, quyền ân xá của Tổng thống còn bao hàm cả quyền rút ngắn thời gian chấp hành hình phạt tù và giảm bớt tiền phạt do tòa án áp dụng.

Như vậy, Tổng thống là trung tâm quyền lực của nhà nước [không chia sẻ quyền lực cho bất kỳ ai, kể cả Phó Tổng thống], là nhà chính trị duy nhất được bầu trên phạm vi toàn quốc, đại diện cho toàn thể Hợp chủng quốc cả về đối nội lẫn đối ngoại. Bởi vậy, chức vụ Tổng thống có vị trí trung tâm trong hệ thống chính trị Mỹ.

– Ở Anh: Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia. Vai trò thực tế của Nữ hoàng trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết của đất nước, giữ vị trí trong đời sống tinh thần của người dân, thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao, cử hành các nghi lễ đón tiếp nguyên thủ nước ngoài hay tham gia các sự kiện chính thức. Nữ hoàng Anh có một số quyền đặc trưng như: sở hữu toàn bộ số tiên nga trên dòng sống Thames; sở hữu toàn bộ cá voi, cá heo và cá tầm trong vùng biển thuộc sở hữu của Anh; Lái xe không cần bằng lái; không cần hộ chiếu; Sau khi dự luật đã được thông qua bởi hai viện của Quốc hội, nó sẽ được chuyển đến tay Hoàng gia phê duyệt và quy trình này được gọi là “Hoàng gia phê chuẩn”; Có quyền bổ nhiệm thành viên cho Viện Quý tộc; không phải đóng thuế; Phong tước hiệu sĩ ; không bị truy tố và không cần phải đưa ra bằng chứng trước tòa.

3. Nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam

Nguyên thủ quốc gia ở nước ta là chủ tịch nước, giống với một số nước như Trung Quốc, Lào,…

Vị trí, vai trò của Chủ tịch nước được quy định tại chương VII Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, cụ thể:

– Vị trí, vai trò: là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

– Con đường hình thành: Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Vì vậy, Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.

– Nhiệm kỳ: Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam

Nhiệm vụ, quyền hạn:

+ Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.

+ Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ

+ Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá

+ Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam

+ Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương

+ Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước.

– Cách thức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn: Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

– Quyền của Chủ tịch nước: Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

5. Mối quan hệ của Chủ tịch nước với các cơ quan

– Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với cơ quan lập pháp: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày,…

– Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với cơ quan hành pháp: Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ,…

– Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với cơ quan tư pháp: Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá,…

Luật Minh Khuê [sưu tầm & biên tập]

Video liên quan

Chủ Đề