Nhận định tình hình 2023 2025

Ảnh minh họa: ST

GDP năm 2022 đạt khoảng 7-7,5%

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, năm 2022, nền kinh tế có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022 khi tăng trưởng GDP 6 tháng tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, cả năm 2022 GDP có khả năng sẽ đạt và vượt mức 7-7,5%; đồng thời, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Về tình hình năm 2023, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: đây là năm có nhiều khó khăn, thách thức, cả quốc tế lẫn trong nước. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo chậm lại, nguy cơ suy thoái gia tăng. Lạm phát tiếp tục cao, có khả năng kéo dài trong trung hạn tại một số quốc gia. Xu hướng phân mảng, khu vực hóa, cạnh tranh kinh tế ngày càng gia tăng.

8 tháng năm 2022, Chỉ số gia tiêu dùng [CPI] bình quân của Việt Nam tăng 2,58%, tương đương các năm 2018-2021; thu ngân sách nhà nước [NSNN] ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu ước đạt 3,96 tỷ USD. Điều này được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitchs, Moody’s, S&P, các định chế tài chính quốc tế, DN nước ngoài ghi nhận, đánh giá cao.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng kế hoạch năm 2023, dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển trong cả giai đoạn 2021-2025, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế.

Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn. Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 nhưng đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. Cụ thể, Ngân hàng thế giới [WB] dự báo GDP nước ta tăng 7,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế [IMF] dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% [tăng so với mức dự báo 6% tại thời điểm 16/5/2022], năm 2023 là 6,7% [giảm so với mức dự báo 7,2% vào thời điểm 16/5/2022].

“Với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn khiêm tốn, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta rất lớn. Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường XK lớn, truyền thống suy yếu...”, ông Trần Quốc Phương nói.

Đánh giá về triển vọng phát triển kinh tế ổn định của Việt Nam, chuyên gia chính xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam thuộc Moody’s Nishad Majmudar đưa ra nhận định khả quan hơn. Nền kinh tế Việt Nam cũng như XK quốc gia đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Dù thế giới đã và đang phải trải qua nhiều cú sốc về kinh tế như đại dịch Covid-19, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và gần đây nhất là xung đột quân sự giữa giữa Nga và Ukraine nhưng FDI vẫn liên tục "chảy" vào nhiều ngành nghề của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất. Vị này kỳ vọng, đà tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ tiếp diễn bất chấp thế giới và nền tài chính toàn cầu đang trải qua giai đoạn suy giảm.

Ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa an toàn

Nhìn nhận lại quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao hiệu quả của chính sách tài khóa. Ông Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính [Học viện Tài chính] nhấn mạnh: năm 2022, Việt Nam có một loạt chính sách tài khóa được thực hiện chưa có tiền lệ. Nhiều kết quả đạt được trong việc thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ. Cụ thể, việc hỗ trợ giảm thuế và hỗ trợ tài khóa đã giúp tình hình vĩ mô ổn định. Một số gói hỗ trợ liên quan tới DN cũng như người lao động góp phần ổn định về kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm.

Dù vậy, theo ông Cường, ngoài chính sách hỗ trợ giảm thuế, các chính sách khác chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai gói hỗ trợ về nhà ở còn hạn chế. Chương trình đầu tư công còn rất chậm sẽ đặt ra thách thức nhất định trong năm tài khóa 2023 - 2025. “Trong giai đoạn 2022 – 2025, cần tiếp tục xem xét các chính sách đã thiết kế để điều chỉnh khi cần. Đặc biệt, cần xem xét kỹ lưỡng để phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện các chính sách đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam”, ông Vũ Sỹ Cường nói.

Từ góc độ DN XNK, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, cuối năm 2021 và 8 tháng năm 2022 là giai đoạn phát triển, tận dụng cơ hội của ngành dệt may. 8 tháng năm 2022, ngành dệt may XK khoảng 31,2 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Kết quả này đạt được có tác động quan trọng của các chính sách hỗ trợ trong điều tiết vĩ mô.

Tuy nhiên hiện tại, những dư địa chính sách Việt Nam đã thực hiện sớm, đem lại lợi ích cho ngành dệt may và các ngành XK khác thì các quốc gia khác cũng đã áp dụng. Trong khi đó, thị trường thế giới diễn ra xu thế ngược lại, đột nhiên trở nên “lạnh”. Cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái.

Về cách tiếp cận chính sách trong giai đoạn tới, ông Lê Tiến Trường kiến nghị, khi nguồn lực hạn chế cần có trọng tâm ưu tiên. Về trung hạn, cần đầu tư đổi mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây là hình thức đầu tư có suất đầu tư lớn, chi phí vận hành cao. “Với các ngành XK đang đem lại thặng dư tương đối tốt, có nguồn lực lao động lớn, đồng thời giá trị gia tăng ở trong nước đạt trên 50% nên được quan tâm, xem xét riêng biệt để củng cố. Điều này giúp vừa bảo đảm việc làm, vừa bảo đảm thặng dư cũng như độ tăng trưởng”, ông Lê Tiến Trường nói.

Theo GS. Andreas Hauskrecht, Đại học Indiana [Hoa Kỳ], thời gian qua, Việt Nam đã phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Trên cơ sở đánh giá tình hình quốc tế và bối cảnh của Việt Nam, vị này đề xuất Việt Nam không nên tăng lãi suất hay sử dụng các công cụ tài chính mà nên sử dụng các chính sách tài khóa an toàn.

Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Andrea Coppola phân tích: qua thống kê, khảo sát, các số liệu cho thấy, trong khi các nước trên thế giới đang quan ngại về tình hình lạm phát, Việt Nam vẫn đang thực hiện linh hoạt các chính sách kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, chính sách tiền tệ linh hoạt và hệ thống ngân hàng được tăng cường. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tích lũy, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; cần nhận thức rõ và chú trọng hướng đến tăng trưởng xanh; kịp thời nhập cuộc, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để nhanh chóng tăng năng suất...

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề