Nói khó học sinh trường quốc tế

[Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.]

Cuộc tranh luận nên cho con học trường công hay trường tư với rất nhiều ý kiến khác nhau, rất gay cấn và thú vị. Từ quan điểm của mình thì tôi thấy rằng mỗi hệ thống thích hợp cho những nhu cầu khác nhau.

Hệ thống giáo dục công với mục đích là phổ cập giáo dục toàn dân. Nó là quyền lợi được quy định trong luật pháp, được nhà nước và toàn xã hội quan tâm là đương nhiên. Ngoài mục đích phổ cập thì giáo dục công cũng là nơi đãi cát, đào tạo nhân tài cho nhà nước, vì vậy mới có những cuộc thi học sinh giỏi để tìm thí sinh cho các cuộc thi quốc tế.

Nói như vậy để thấy rằng những ý kiến cho rằng học sinh trường tư không có mặt trong các cuộc thi kiến thức của các phụ huynh trường công là phi lý, điều này rất bình thường vì đơn giản là khác hệ thống.

>>Tôi phí tiền học hai khóa tiếng Anh tại trung tâm

Trong những năm gần đây hệ thống trường tư liên kết với nước ngoài phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu rất lớn của các gia đình khá giả có khả năng, điều kiện kinh tế muốn cho con tiếp xúc, làm quen với một mô hình giáo dục khác với mô hình giáo dục truyền thống công lập. Tôi thấy điều này là bình thường và cũng đáng khích lệ. Nó cho thấy có sự cạnh tranh về giáo dục, một lĩnh vực khá nhạy cảm nhưng cần để nâng cao chất lượng giáo dục.

Như chúng ta biết chi phí cho trẻ học trường tư quốc tế rất cao so với trường công vì đơn giản nó hoạt động như doanh nghiệp chi, thu, có lãi nên đắt hay rất đắt vì đó là hàng hoá.

Còn giáo dục công là quyền của công dân. Ông bà ta có câu "liệu cơm mà gắp mắm". Nói như vậy nghĩa là các phụ huynh nên cân nhắc kỹ khi cho con học trường tư quốc tế. Việc học của một đứa trẻ kéo dài ít nhất cũng 12 năm. Thường mọi người luôn nghĩ đến những hoàn cảnh lạc quan nhất như công việc ổn định, lương cao... nhưng năm nay với đại dịch Corona, ít nhiều tất cả chúng ta đều thấm và học được những bài học mới về sự thay đổi khó đoán của cuộc sống.

Theo tôi biết các trường tư quốc tế thường lấy hình mẫu từ các nước phương Tây. Vì vậy họ không đặt nặng vấn đề học ở phổ thông như hầu hết hệ thống giáo dục ở các nước văn hoá Đông Á [Trung Quốc, Hàn Quốc]. Mà chúng ta biết là trẻ con các nước châu Á học hành cũng rất nặng, thậm chí hơn Việt Nam nhiều.

>> 'Trẻ học trường quốc tế chỉ có lợi thế về tiếng Anh để du học'

Do đó chương trình học của các trường tư quốc tế không đặt nặng quá vấn đề kiến thức. Và vì các phụ huynh Việt Nam coi trọng vấn đề học tiếng Anh nên họ xem vấn đề này là kim chỉ nam cho các trường tư quốc tế. Tiếng Anh quan trọng nhưng nó không phải là tất cả.

Ở Đông Nam Á, Philippines nổi lên như là một địa chỉ đào tạo tiếng Anh chất lượng và giá phải chăng, thậm chí tốt hơn Singapore. Nhưng có một thực tế tất cả chúng ta đều biết Philippines không phải là tấm gương để chúng ta học theo về phát triển kinh tế, xã hội, cho dù họ nói tiếng Anh như gió.

Chúng ta có người láng giềng khổng lồ Trung Quốc, họ nổi tiếng vì là công xưởng toàn cầu. Các công ty tư bản phương Tây rất muốn xâm nhập thị trường Trung Quốc, nhưng theo tôi biết thì người Trung Quốc nói tiếng Anh còn thua người Việt Nam nhiều lắm.

Tôi tin rằng Việt Nam là quốc gia có rất nhiều người nước ngoài đến sinh sống và làm việc nhưng không cần học tiếng Việt mà vẫn có thể sống tốt. Nhưng tôi e rằng nếu người nước ngoài đến Trung Quốc sinh sống thì họ buộc phải học tiếng Trung Quốc nếu không thì họ sẽ khó mà giao lưu với người bản địa.

>>Tôi sợ sinh con ra bị 'đói cơ hội xuất phát'

Đưa ra ví dụ so sánh như thế để thấy rằng tiếng Anh quan trọng nhưng chất lượng trình độ, kiến thức vẫn quan trọng hơn. Có những kiến thức tưởng chừng như rất đơn giản, sơ đẳng mà khi nói chuyện với người nước ngoài, họ hỏi ta về vị trí địa lý Việt Nam, về dân số thành phố nơi bạn sinh sống. Tôi từng thấy có những bạn trẻ nói tiếng Anh như gió nhưng khi được đặt câu hỏi này thì không biết làm sao trả lời, và động tác tiếp theo là tra Google.

Trong thời đại mà tưởng như mọi thứ đều có thể thì yếu tố mà mọi người quên để ý đó là tính cách, sở thích của đứa trẻ. Không phải những thứ ta cố áp đặt cho trẻ thì trẻ đều thích và thích nghi nhanh với nó. Ta muốn trẻ thành công, nhưng trẻ chỉ muốn hạnh phúc.

Và những đứa trẻ không hạnh phúc đã trở thành rất nhiều người lớn xấu xí chúng ta ngày nay. Học trường công hay trường tư đều có những cái hay và nó là tự do cá nhân của mỗi cha mẹ với mong muốn và khả năng kinh tế của họ, điều quan trọng là trẻ hạnh phúc vì được học cái chúng thích và đam mê, và như thế bố mẹ chúng cũng sẽ hài lòng.

>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.

Hà Anh Đào

Ngộ nhận học sinh trường quốc tế 'học ít, chơi nhiều'

'Học tiếng Anh tư duy thực dụng từ trường quốc tế'

Chủ Đề