Phương pháp xác định chi phí theo quá trình

Phương pháp xác định chi phí thực tế: theo phương pháp này chi phí được xác định theo số thực tế phát sinh, đối với quá trình sản xuất sản phẩm sẽ là chi phí NVLTT, chi phí NCTT và chi phí SXC; còn chi phí ngoài sản xuất sẽ là chi phí bán hàng và chi phí QLDN. Với những chi phí liên quan trực tiếp đến đối tượng chịu chi phí sẽ được tập hợp theo phương pháp trực tiếp, còn những chi phí liên quan nhiều đến đối tượng tập hợp chi phí sẽ được tập hợp và cuối kỳ tiến hành phân bổ cho đối tượng chịu chi phí theo các tiêu thức phù hợp và nhất quán.

          Phương pháp xác định chi phí thực tế kết hợp với chi phí ước tính: phương pháp này được phát triển dựa trên phương pháp xác định chi phí thực tế có tính đến điều kiện cụ thể của doanh nghiệp. Đó là với các chi phí phát sinh thực tế và có thể tập hợp trực tiếp thì doanh nghiệp mới tiến hành tập hợp theo thực tế. Còn những chi phí phát sinh không cùng với kỳ tập hợp chi phí hoặc được xác định chưa đáng tin cậy sẽ phải được ước tính nhằm đáp ứng yêu cầu kịp thời của kế toán. Các bước xác định chi phí ước tính được minh họa như sau:

Bước 1: xác định tỷ lệ ước tính: căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tiến hành dự toán các chi phí phát sinh trong năm liên quan đến quá trình SXKD, đồng thời xác định tỷ lệ phân bổ chi phí.

Bước 2: xác định số lượng sản phẩm hoàn thành thực tế trong kỳ, từ đó xác định mức độ chi phí ước tính liên quan này. Vì thế giá thành sản phẩm sẽ bao gồm phần chi phí thực tế ghi nhận được và phần chi phí ước tính [thông thường là chi phí SXC, CPBH và CPQLDN]

Bước 3: xác định phần chênh lệch giữa chi phí ước tính với chi phí thực tế. Khi kết thúc quá trình sản xuất sẽ xác định được chi phí thực tế phát sinh [trước đây là ước tính] và tiến hành so sánh với phần ước tính để có được sự chênh lệch. Phần chênh lệch này sẽ xảy ra các tình huống là chi phí thực tế lớn hơn chi phí ước tính hoặc chi phí thực tế nhỏ hơn chi phí ước tính sẽ có cách xử lý và ghi nhận phù hợp. Phương pháp này xác định sau khi đã xác định được số lượng sản phẩm hoàn thành.

          Phương pháp xác định chi phí tiêu chuẩn/chi phí định mức:

Bước 1: dựa trên quy trình sản xuất để xác định các định mức tiêu hao đơn vị cần thiết theo từng loại chi phí liên quan đến từng đối tượng tính giá thành, đối với những loại chi phí không thể xây dựng được theo định mức thì sẽ thực hiện kết hợp phương pháp ước tính.

Bước 2: xác định tổng chi phí định mức và giá thành sản phẩm dựa trên hệ thống định mức đã xây dựng được.

Bước 3: tổng hợp và so sánh chi phí định mức với chi phí phát sinh thực tế, đồng thời xác định nguyên nhân và tính toán, phân bổ phần chênh lệch này.

Với phương pháp này có thể cung cấp thông tin cần thiết về chi phí cho lãnh đạo doanh nghiệp, chỉ cần dựa vào số lượng sản phẩm hoàn thành ước tính và định mức đã có.

Phương pháp xác định chi phí theo công việc/đơn đặt hàng: áp dụng đối với doanh nghiệp thường xuyên thực hiện theo đơn đặt hàng, sản phẩm mang tính đơn chiếc, có giá trị cao. Phương pháp này đòi hỏi theo dõi từng đơn hàng một cách riêng biệt, đối với đơn hàng nào hoàn thành thì gọi là chi phí của sản phẩm hoàn thành, còn với đơn đặt hàng nào chưa hoàn thành thì coi là sản phẩm dở dang. Trong kỳ phát sinh những chi phí phát sinh chung sẽ được tập hợp và phân bổ theo từng đơn đặt hàng, sơ đồ 1.7.

Phương pháp tập hợp chi phí theo quá trình sản xuất: đối với doanh nghiệp sản xuất có quy trình công nghệ sản xuất phức tạp kiểu chế biến liên tục, nửa thành phẩm của giai đoạn/phân xưởng trước sẽ tiếp tục chuyển sang giai đoạn/phân xưởng sau để chế biến thì phương pháp này được áp dụng. Toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm và quá trình tập hợp chi phí, tính giá thành sản phẩm được thực hiện theo chuỗi, sơ đồ 1.8.

Phương pháp này liên quan đến quá trình sản xuất, để theo dõi và quản lý nguồn chi phí phát sinh đầu vào tạo được các kết quả đầu ra [nửa thành phẩm/sản phẩm, sản phẩm dở dang, sản phẩm hỏng…] và kế toán sử dụng Báo cáo chi phí sản xuất, bảng tính giá thành sản phẩm.

Phương pháp xác định chi phí theo mức độ hoạt động [phương pháp ABC]: nội dung của phương pháp ABC là nhằm đưa ra cách thức phân bổ chi phí chung, các chi phí gián tiếp khác một cách phù hợp nhất, góp phần tập hợp chi phí sản xuất được chính xác. Những chi phí chung, gián tiếp sẽ được phân bổ theo nguyên tắc nếu hoạt động nào nhiều hơn thì sẽ được phân bổ chi phí chung, chi phí gián tiếp tương ứng phù hợp. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để lựa chọn tiêu thức phân bổ hợp lý nhất cho nhiều loại chi phí chung, gián tiếp khác nhau. Cụ thể:

Theo Rober Kaplan và Robin Cooper đề xuất áp dụng phương pháp ABC theo hai giai đoạn, sơ đồ 1.9.

Phân tích sơ đồ theo các giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: nhận diện chi phí và xác định chi phí đến các hoạt động: xác định toàn bộ các loại chi phí chung, gián tiếp phát sinh; lập danh mục các hoạt động. Tiếp tục xác định chi phí tương ứng của các hoạt động, nhằm đảm bảo căn cứ vào hai tiêu chí là hoạt động đóng vai trò quan trọng với quá trình kinh doanh và mức độ tiêu dùng chi phí tương đối lớn.

Giai đoạn 2: xác định chi phí từ các hoạt động đến sản phẩm: căn cứ vào quy trình sản xuất sản phẩm để xác định các hoạt động có liên quan đến các loại sản phẩm sản xuất, để từ đó phân bổ chi phí ở các hoạt động cho các loại sản phẩm. Việc phân bổ chi phí của các hoạt động vào giá thành sản phẩm căn cứ vào mức độ tiêu dùng hoạt động của sản phẩm, dịch vụ theo công thức:

Mức phân bổ chi phí hoạt động i  =           Tổng chi phí hoạt động i
   Tổng tiêu thức phân bổ hoạt động i

Dựa vào mức tiêu dùng hoạt động thực tế sản xuất sản phẩm và mức phân bổ chi phí của từng hoạt động để tính ra chi phí của một hoạt động được phân bổ vào giá phí sản phẩm, hoạt động. Về bản chất đây chính là quá trình phân bổ chi phí chung, gián tiếp đến sản phẩm.

Phương pháp chi phí mục tiêu: là phương pháp dựa trên lợi nhuận mục tiêu, chi phí mục tiêu đã xác định trước. Chi phí mục tiêu luôn được thực hiện giảm xuống một cách hợp lý nhằm nâng cao lợi nhuận mục tiêu. Các quá trình được xem xét liên quan đến chi phí mục tiêu đó là toàn bộ quy trình quản lý với các khâu tương ứng với chu kỳ sống của sản phẩm là giai đoạn nghiên cứu, thiết kế; giai đoạn sản xuất và giai đoạn hỗ trợ sau bán hàng. Quy trình xác định chi phí mục tiêu minh họa tại sơ đồ 1.10.

Giai đoạn nghiên cứu thị trường để xác định nhu cầu của khách hàng, giá bán: thực hiện tìm hiểu xác định nhu cầu của thị trường về từng loại sản phẩm, sở thích…cũng như giá bán của sản phẩm phù hợp với thị trường. Từ đó, tiến hành nghiên cứu, thiết kế cho phù hợp.

Giai đoạn xác định quy trình sản xuất và thiết kế sản phẩm: quy trình sản xuất cần được xây dựng một cách khoa học, hợp lý và cũng từ đó tiến hành thiết kế sản phẩm theo yêu cầu nhằm tăng mức độ thỏa mãn cho người tiêu dùng.

Giai đoạn xác định chi phí mục tiêu và lợi nhuận mục tiêu: chi phí mục tiêu được xác định là phần chênh lệch giữa giá bán mục tiêu và lợi nhuận mục tiêu, vì thế xác định chi phí mục tiêu có thể bằng cách xác định cụ thể chỉ tiêu này hoặc thông qua các chỉ tiêu còn lại.

Giai đoạn thực hiện sản xuất và bán hàng: quá trình sản xuất được thực hiện theo kế hoạch về số lượng sản xuất, số lượng bán và giá bán.

Giai đoạn tiếp tục nghiên cứu và cắt giảm chi phí: chi phí cần thiết được kiểm soát, cắt giảm và loại bỏ lãng phí bằng cách tập trung vào cải tiến các bộ phận hoặc cải tiến tính năng của sản phẩm.

          Phương pháp Kaizen: là phương pháp giảm chi phí do Yashuhiro Monden phát triển trên cơ sở phương pháp quản trị Kaizen, bằng cách luôn cải thiện các hoạt động tiêu chuẩn hóa và các quy trình, loại bỏ lãng phí, luôn thực hiện cải tiến từng bước nhỏ để đảm bảo mục tiêu chi phí thực tế thấp hơn chi phí ước tính. Phần chi phí liên tục được điều chỉnh linh hoạt nhằm giảm khoảng cách giữa chi phí mục tiêu và chi phí thực tế.

Video liên quan

Chủ Đề