Sinh viên bỏ học đại học

Kết thúc học kỳ I năm học 2019-2020, nhiều trường đại học bắt đầu công bố danh sách hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên bị buộc thôi học, cảnh báo học vụ do có kết quả học tập kém, không đến lớp Thực trạng sinh viên bỏ học, bị cảnh báo học vụ ngày càng nhiều khiến dư luận lo lắng đâu là nguyên nhân sinh viên không còn mặn mà với việc học đại học.

Hiện tượng sinh viên bỏ học xảy ra ở nhiều trường

Trái ngược với quyết tâm phải vào đại học mới có tương lai, giờ đây, nhiều sinh viên khi chỉ còn vài học kỳ là có tấm bằng tốt nghiệp trong tay lại bỏ ngang giữa chừng.

Mới đây, trên website của Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh đã đưa thông báo cảnh báo 2.252 sinh viên tự ý bỏ học, học kỳ I năm học 2019-2020. Trong 2.252 sinh viên bị cảnh báo vì tự ý bỏ học kỳ I có đủ các bậc đại học chính quy, cao đẳng chính quy hay hệ đại học liên thông vừa học vừa làm. Câu chuyện này một lần nữa gây chú ý dư luận khi trước đó cũng đã có hàng loạt các trường công bố danh sách cảnh báo học vụ, buộc thôi học

Năm 2018, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh cảnh báo học vụ 2.135 sinh viên, trong đó 257 em bị đuổi học. Hay trong học kỳ II năm học 2017-2018, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh xóa tên hơn 450 sinh viên bị buộc thôi học. Phần lớn số này không còn học tập tại trường từ lâu. 571 sinh viên khác bị cảnh báo học vụ.

Tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cũng từng có trường hợp hơn 2.500 sinh viên nợ học phí kéo dài, có nguy cơ bị cấm thi cuối kỳ.

Hiện tượng này xảy ra ở nhiều trường, thậm chí là ở những trường top trên với tỉ lệ chọi tuyển sinh rất cao như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh trong một học kỳ từng đưa ra quyết định buộc thôi học đối với 454 sinh viên và cảnh báo học vụ 605 người khác.

Ông Trần Văn Tớp - Phó hiệu truởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội -  cho biết mỗi năm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có tới 700-800 học sinh bị buộc thôi học. Số sinh viên bị thôi học phần lớn do mải chơi chứ không phải chương trình học quá khó. Ngoài ra, khi lên đại học, các em thường được bố mẹ nuông chiều và có tâm lý xả hơi.

Để tăng cường sự giám sát của gia đình, sự kết nối với nhà trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã áp dụng việc cấp một tài khoản quản lý học tập cho sinh viên nhưng có 2 chìa khóa. Ngoài việc sinh viên có thể xem, phụ huynh và giảng viên cũng có thể truy cập để kiểm soát tình hình.

Bỏ học vì ham đi làm

Chia sẻ về nguyên nhân hàng nghìn sinh viên bị cảnh báo học vụ, PGS.TS Lê Văn Tán - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh - cho biết, trong số sinh viên bị cảnh báo học vụ có em tự ý bỏ học; nhiều em có đi học nhưng bỏ thi; có em kết quả học tập dưới 0,8 điểm. Cũng theo ông Tán, động thái trên nhằm cảnh báo, nhắc nhở sinh viên và phụ huynh biết được tình hình học tập của sinh viên.

Thực tế rất nhiều sinh viên không lo học, xin tiền gia đình nộp học phí nhưng lại tham gia bán hàng đa cấp, bỏ bê việc học trong khi phụ huynh hoàn toàn không biết chuyện này. Cảnh báo học vụ là việc làm thường xuyên của nhà trường hàng năm và rất có hiệu quả. Năm ngoái sau khi trường cảnh báo thì có hơn 60% sinh viên trở lại học hành, thi cử đàng hoàng - ông Tán cho hay.

Theo vị cán bộ tuyển sinh một trường đại học tại TP.Hồ Chí Minh, việc sinh viên các trường đại học tự ý bỏ học không phải là việc hiếm, hầu như trường đại học nào cũng gặp phải tình trạng này.

Việc bỏ học giữ chừng có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó thường có hai nguyên chính, một là không có phương pháp học tập tốt dẫn đến kết quả kém, hai là chọn không đúng ngành nghề yêu thích nên nản và không theo học lâu dài.

Để tránh tình trạng này, khâu hướng nghiệp đầu vào cũng rất quan trọng, giúp người học định hướng được nghề nghiệp từ sớm. Cùng với sự theo dõi, quan tâm từ nhà trường và gia đình thì cần nhất là ý thức từ các sinh viên để có hướng đi đúng đắn, tránh sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Khác với những nguyên nhân trên, T.S Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho hay, tại ngôi trường này, nhiều sinh viên không tiếp tục theo học đại học vì ham đi làm. Theo thống kê mới nhất, hiện có khoảng 600 sinh viên tại trường đã bỏ học giữa chừng. Nguyên nhân là do các em đã tìm được việc làm từ khi là sinh viên năm 3, năm 4 nên không hoàn thành được chương trình học để có bằng tốt nghiệp đại học, ông Khang nói.

Một nguyên nhân khác được ông Khang nêu lên là hiện tượng thông tin không học đại học cũng thành công được một bộ phận sinh viên tiếp thu một cách chưa toàn diện nên hiểu chưa đầy đủ đã có tâm lý không cần bằng đại học.

Với kinh nghiệm cá nhân, vị Phó hiệu trưởng khuyên rằng sinh viên nên cố gắng hoàn thành chương trình để có bằng tốt nghiệp. Vì những người đã qua chương trình đào tạo bài bản sẽ đi được con đường lâu dài và đi xa hơn là những công việc mang tính tức thời.

Chủ Đề