Sử dụng thuốc không đúng cách lạm dụng thuốc

Chung tay đẩy lùi tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh

[ĐCSVN] - Dù đã có nhiều cảnh báo từ cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học, song tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ở nước ta vẫn đang có nhiều diễn biến khá phức tạp, kéo theo đó là những hệ lụy đối với mỗi người bệnh và cả xã hội.

Nhiều trường hợp bệnh nhân buộc phải kéo dài thời gian điều trị

do lạm dụng thuốc kháng sinh. [Ảnh: QĐ]

Kháng sinh là các loại thuốc được con người phát minh để chống lại khả năng phát triển, sinh sôi của vi khuẩn gây bệnh và tiêu diệt chúng. Mỗi loại kháng sinh có một phạm vi tác động khác nhau và thường hiệu quả trên một số chủng vi khuẩn nhất định. Tuy nhiên, do nhận thức và thói quen sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện của nhiều người bệnh nên trong khoảng gần chục năm trở lại đây, nhiều loại vi khuẩn đã phát triển chống lại tác dụng của một số kháng sinh, dẫn tới tình trạng kháng sinh trước đây sử dụng có hiệu quả nhưng hiện nay không còn hiệu quả trên các loại vi khuẩn gây bệnh. Nguyên nhân chính của tình trạng này chính là do việc người bệnh lạm dụng các loại thuốc kháng sinh.

Theo các chuyên gia, phần nhiều người dân dù ở nông thôn hay thành thị hiện nay đang giữ thói quen tự mua thuốc không cần đến đơn thuốc do bác sĩ chỉ định. Chính điều này đã dẫn đến sự gia tăng tình trạng kháng kháng sinh ở khá nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, kháng kháng sinh đã là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe con người hiện nay. Đặc biệt, Việt Nam hiện đang nằm trong khu vực có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng nhất là tình trạng lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi… Nhiều người có suy nghĩ sai lầm khi cho rằng kháng sinh là một loại “thần dược” có khả năng điều trị các loại bệnh. Vì vậy, khi bản thân và người thân mắc các bệnh lý thông thường như viêm họng, hắt hơi, sổ mũi… là họ sẵn sàng tự mua, tự điều trị bằng thuốc kháng sinh một cách tùy tiện. Việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể do thói quen hoặc do “nghe người khác bảo” và thiếu sự tư vấn, hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa.


Mỗi người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi có tư vấn,
chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. [Ảnh: QĐ]

Vừa ra viện sau gần 3 tháng phải nằm điều trị với những vết xây xước nhẹ do va chạm giao thông, chị Đỗ Thị Thu Hường ở phường Quang Trung, quận Hà Đông [Hà Nội] cho biết: “Tôi không nghĩ vết thương đơn giản như vậy mà phải điều trị đến gần 3 tháng. Bác sỹ xác định tôi có vi trùng kháng hầu hết các loại kháng sinh nên phải nằm điều trị dài ngày. Đúng là trước đây tôi cũng thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sỹ”.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, ở nước ta đã xuất hiện các loại vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng, nhất là ở nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với các dòng kháng sinh thế hệ mới. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì người bệnh có thể dễ dàng tử vong dù chỉ mắc những bệnh đơn giản, nhiễm trùng do các loại thuốc kháng sinh không còn tác dụng. Và khi đó, ngay cả các bệnh tưởng chừng như rất bình thường, đơn giản nhưng vẫn có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh do không có thuốc đặc trị.

Thực tế hiện nay cho thấy, có khá nhiều lý do dẫn đến kháng kháng sinh nhưng nguyên nhân hàng đầu là việc lạm dụng, sử dụng kháng sinh quá nhiều và không đúng cách. Không ít bác sỹ tùy tiện kê kháng sinh; người bệnh thì mua kháng sinh không cần kê đơn, sử dụng tùy tiện dẫn đến hệ lụy những loại thuốc kháng sinh đang dùng để điều trị các bệnh cơ bản không còn hiệu lực. Bên cạnh đó là tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện trong chăn nuôi như một chất kích thích tăng trưởng cũng là một nguyên nhân gây kháng thuốc.

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh [Bộ Y tế] cho biết: Trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Tình trạng kháng kháng sinh do lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức đã không chỉ trì hoãn việc điều trị cho bệnh nhân bằng kháng sinh phù hợp mà còn gây mất hiệu quả trong chống nhiễm trùng, mất hiệu quả của kháng sinh dự phòng trong các thủ thuật y khoa và phẫu thuật. Hậu quả là tăng tỷ lệ bệnh nhân tử vong, tăng thời gian điều trị nội trú và chi phí điều trị, tiêu tốn tài chính của xã hội.

Như vậy, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay đã trở nên nguy hiểm, đòi hỏi phải sớm được ngăn chặn, đẩy lùi. Theo đó, thiết nghĩ, trước hết cần có sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành để đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân, cộng đồng ý thức được việc sử dụng kháng sinh hiệu quả. Bên cạnh đó cần xây dựng một số trung tâm kiểm nghiệm, xét nghiệm labo đánh giá được các loại vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh để tư vấn cho các nhà lâm sàng sử dụng thuốc hợp lý nhất. Tại các bệnh viện phải triển khai các hoạt động tăng cường quản lý và sử dụng kháng sinh tại bệnh viện. Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, xây dựng hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm của vi khuẩn đa kháng. Nâng cao năng lực xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện nhằm theo dõi, cung cấp bằng chứng cho việc chỉ định, sử dụng kháng sinh hợp lý tại bệnh viện…

Tiếp cận từ góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng, trực tiếp là ngành y tế, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các bệnh viện, nhà thuốc; tăng cường kiểm soát, quản lý sử dụng kháng sinh. Đồng thời, có chế tài xử lý thích đáng đối với các hành vi vi phạm.

Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Hoàng Quang Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên [Hà Nội], quy định hiện nay, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc chỉ bị xử phạt 200 - 500 nghìn đồng. Mức phạt như vậy là quá thấp, chưa đủ sức răn đe nên việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc còn nhiều hạn chế. Do đó, cần nghiên cứu nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm để tăng tính răn đe.

Lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh đang là thực tế đáng báo động hiện nay. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là bản thân mỗi người bệnh cần nâng cao nhận thức, không lạm dụng thuốc kháng sinh như một loại thuốc thông thường. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng và phải có chỉ định, cũng như đơn thuốc của bác sĩ./.

Tạ Quang Đạo

Kháng sinh được phân làm nhiều nhóm như nhóm penicillin, cephalosporin, tetracyclin, quinolon. Mỗi nhóm có một số kháng sinh khác nhau. Những kháng sinh thường được sử dụng hiện nay: penicillin, amoxycillin, ampicillin, cephalosporin, erythromicin, tetracylin, doxycyclin, ciprofloxacin, chloramphenicol.

Kháng sinh thường được sử dụng như thế nào?

Phần lớn các nhiễm khuẩn thông thường trong sinh hoạt được chữa bằng uống thuốc kháng sinh. Một số thuốc kháng sinh dùng cho mắt, tai được sử dụng bằng dung dịch, nhỏ giọt. Đối với những nhiễm khuẩn nặng phải sử dụng kháng sinh qua đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc có khi qua đường truyền dịch nếu cần. Muốn có tác dụng tốt, thầy thuốc phải làm kháng sinh đồ để xác định loại vi khuẩn gây bệnh và chọn kháng sinh thích hợp để có tác dụng tốt; trường hợp xét nghiệm như vậy có thể dùng kháng sinh phổ hẹp [narrow spectrum]. Thông thường có thể sử dụng kháng sinh phổ rộng.

Dùng kháng sinh phải dùng đủ liều, đủ thời gian có tác dụng và theo dõi tác dụng của kháng sinh đối với nhiễm khuẩn, như vậy mới có kết quả chắc chắn, tác dụng phụ của kháng sinh thông thường cũng được giảm nhẹ. Một số tác dụng phụ hay gặp là tiêu chảy vì kháng sinh có thể làm thay đổi cân bằng giữa vi khuẩn bình thường và các loại men, nấm [như Candida Albicans].

Dị ứng penicillin có thể gây mẩn đỏ, trường hợp phản ứng phản vệ [sốc phản vệ] có thể đe dọa tính mạng người bệnh cho nên phải hết sức thận trọng, biết được phản ứng dị ứng do thuốc mà tránh dùng loại thuốc đó.

Lạm dụng kháng sinh có hại gì?

Dùng kháng sinh không đúng rất có hại:

Gây lãng phí: Các bệnh do virut không chữa được bằng kháng sinh mà vẫn dùng kháng sinh.

Gây khó khăn cho chẩn đoán: bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm cho lu mờ các triệu chứng gây khó chẩn đoán.

Có khi có tác dụng chữa nhưng lại dễ gây ra phản ứng dị ứng, mẫn cảm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao có khả năng gây suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều.

Một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận.

Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Ngày nay các tụ cầu trùng kháng thuốc cephalosporin càng nhiều. Một số vi khuẩn khác cũng kháng thuốc do đó tác dụng chữa trị của kháng sinh ngày càng hạn chế.

Các lý do dẫn đến lạm dụng kháng sinh

Do bệnh nhân: Nhiều người tưởng rằng kháng sinh chữa được bách bệnh, nên hễ bị bệnh là dùng kháng sinh, vì ở ta việc mua bán kháng sinh còn dễ dàng. Khuynh hướng tự mua thuốc, tự chữa bệnh ngày càng phổ biến - đó là lý do dễ lạm dụng kháng sinh.

Do thầy thuốc: Trong thực tế hằng ngày, việc sử dụng kháng sinh cũng rộng rãi. Ví dụ, khi chưa xác định được loại vi khuẩn nào và nên dùng loại kháng sinh nào là thích hợp, nhưng theo yêu cầu của bệnh nhân, một số thầy thuốc cũng dễ chỉ định sử dụng kháng sinh. Biết là chưa thật xác đáng, nhưng một số thầy thuốc vẫn kê đơn kháng sinh. Đó cũng là một cách lạm dụng kháng sinh.

Việc sử dụng thuốc, việc bán thuốc ở nước ta cũng chưa thật chặt chẽ theo quy định nên vẫn xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc trong điều trị. Về vấn đề lạm dụng kháng sinh, từ năm 2001, Tổ chức Y tế Thế giới đã có “Kế hoạch toàn cầu để kiểm soát sự đề kháng kháng sinh” và cấm lạm dụng kháng sinh. Ở nước ta, Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh và cấm lạm dụng kháng sinh.

Để hạn chế lạm dụng kháng sinh, trước hết các thầy thuốc phải có trách nhiệm và nêu cao vai trò của người thầy thuốc để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh mới mong có tác dụng.

Theo GS. Lê Sĩ Liêm - Báo Sức khỏe & đời sống

Video liên quan

Chủ Đề