Tài liệu bằng tiếng Việt đầu tiên tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lênin vào cách mạng Việt Nam là



1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người

Bằng hoạt động thực tiễn và tư duy lý luận, Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách cơ bản vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.

1.1. Về vấn đề dân tộc thuộc địa

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa đầu thế kỷ XX là xác định đúng con đường phát triển của dân tộc. Độc lập dân tộc là nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa. Quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Với tinh thần đó, Người khẳng định quyết tâm: “Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” và “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

1.2. Về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong phong trào giải phóng dân tộc

Người khẳng định: vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp có quan hệ chặt chẽ với nhau. Giải phóng dân tộc là vấn đề trên hết, trước hết. Độc lập dân tộc mà chưa giành được thì vấn đề giai cấp cũng không giải quyết được. Giải phóng dân tộc tạo tiền đề để giải phóng giai cấp.

1.3. Về cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người

Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc trước hết là phải giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc phải được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc là sức mạnh của toàn dân tộc. Cách mạng là sự nghiệp của dân chúng bị áp bức, bao gồm lực lượng của cả dân tộc. Trong lực lượng toàn dân tộc, Hồ Chí Minh hết sức nhấn mạnh vai trò động lực cách mạng của công nhân và nông dân, lực lượng nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc và con người được khẳng định trước toàn thế giới qua Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người khởi thảo. Thừa nhận những “lời bất hủ” trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ [1776] và “những lẽ phải không thể chối cãi được” của “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp” [1789], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Nâng quyền tự nhiên của con người lên thành quyền dân tộc và gắn chặt quyền con người với quyền dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng cho một trật tự và pháp lý quốc tế mới về quyền con người, quyền dân tộc và sự bình đẳng giữa các quốc gia - dân tộc.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thể hiện sự nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh, thể hiện một cách tập trung những luận điểm sáng tạo lớn về lý luận của Hồ Chí Minh, là sự phản ánh mục đích, lý tưởng, khát vọng và ham muốn tột bậc của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh: nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội phản ánh tính triệt để cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó đặt vấn đề giải phóng con người, hạnh phúc của con người ở mục tiêu cao nhất của sự nghiệp cách mạng.

Độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết, là cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ở giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ thì độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước mắt, cấp bách, nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Tính chất tạo tiền đề của cách mạng dân tộc dân chủ được thể hiện:

- Về chính trị: xác định và xây dựng các yếu tố của hệ thống chính trị do giai cấp công nhân lãnh đạo.

- Về kinh tế: bước đầu xây dựng được các cơ sở kinh tế mang tính chất xã hội chủ nghĩa, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân.

- Về văn hóa xã hội, đời sống tinh thần: trong cách mạng dân tộc dân chủ, khối quần chúng công - nông - trí thức và các giai tầng xã hội khác đã có ý thức giác ngộ, đoàn kết trong một mặt trận dân tộc thống nhất; những nhân tố mới của văn hóa, giáo dục đã được hình thành dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Độc lập dân tộc tạo tiền đề, điều kiện để nhân dân lao động tự quyết định con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời đại mới, chủ nghĩa xã hội là xu hướng phát triển tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Điều này làm cho con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh khác biệt về chất so với con đường cứu nước những năm đầu thế kỷ XX ở nước ta và của nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới.

Cách mạng Việt Nam thuộc phạm trù cách mạng vô sản. Điều đó quyết định vai trò lãnh đạo cách mạng tất yếu thuộc về giai cấp công nhân mà đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Lực lượng tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc là toàn dân Việt Nam yêu nước mà nòng cốt là khối liên minh công - nông - trí thức. Những nhân tố này lại quy định tính tất yếu dẫn đến phương hướng phát triển lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng giải phóng dân tộc. Rõ ràng định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam được chi phối và chế định bởi các nhân tố bên trong của cuộc cách mạng đó.

Chủ nghĩa xã hội là con đường củng cố vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn triệt để. Về lý luận, độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội thể hiện mối quan hệ giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu cuối cùng; mối quan hệ giữa hai giai đoạn của một quá trình cách mạng. Cách mạng dân tộc dân chủ xác lập cơ sở, tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng xã hội chủ nghĩa khẳng định và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với đời sống ấm no, hạnh phúc của quần chúng nhân dân, những người đã trực tiếp làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ. Để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc, để không rơi vào lệ thuộc, đói nghèo, lạc hậu, chặng đường tiếp theo chỉ có thể là đi lên chủ nghĩa xã hội. Do những đặc trưng nội tại của mình, chủ nghĩa xã hội sẽ củng cố những thành quả đã giành được trong cách mạng dân tộc dân chủ, tạo điều kiện để bảo đảm cho độc lập và phát triển dân tộc. Hồ Chí Minh khẳng định: chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự, chân chính.



Ra đi tìm đường cứu nước với trái tim yêu nước nồng nàn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt gặp ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tin rằng: Đây là cuốn cẩm nang thần kỳ, là cái cần thiết, là con đường giải phóng chúng ta. Từ đó Người trở thành một người cộng sản với khát vọng cháy bỏng : “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Thấm nhuần quan điểm của Lê nin: Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã xúc tiến mạnh mẽ việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào giải phóng dân tộc và phong trào vô sản ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Cuối nǎm 1921, tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã kiến nghị thành lập Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng. Năm 1922, Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp được thành lập và Nguyễn Ái Quốc được cử làm Trưởng tiểu ban nghiên cứu về Đông Dương. Nhờ sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, Người đã cùng với một số chiến sĩ cách mạng ở các nước An-giê-ri, Ma-đa-gát-xca, Tuy-ni-di, Ma-rốc, v.v... sáng lập ra Hội liên hiệp thuộc địa nhằm tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động cách mạng ở các nước thuộc địa, năm 1922, Hội liên hiệp thuộc địa cho xuất bản Tờ báo “Le Paria” và Nguyễn Ái Quốc là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Đây là diễn đàn phản ánh tình hình các nước thuộc địa đến với nhân dân Pháp; bóc trần bộ mặt công cuộc “khai hóa” giả nhân, giả nghĩa của thực dân Pháp với các dân tộc thuộc địa và là phương tiện để Người truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin.  Người còn viết nhiều bài đǎng trên các báo “Nhân đạo” - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp; “Đời sống thợ thuyền” - tiếng nói của giai cấp công nhân; “Tạp chí Cộng sản” - cơ quan lý luận của Đảng cộng sản Pháp… Ngoài sử dụng báo chí, Người còn diễn thuyết, viết kịch để cho nhân dân Pháp hiểu rõ bản sắc dân tộc và con người Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ, thông cảm nhân dân tiến bộ Pháp và vạch mặt bọn vua quan bán nước… Tất cả các bài viết của Người đều có nội dung tố cáo tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa đứng lên chống lại thực dân Pháp xâm lược.

Để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, Người đã liên hệ các thuỷ thủ người Việt Nam, bí mật gửi các loại báo chí về nước trên những chuyến hàng hải Pháp-Việt. Nhờ hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác - Lênin bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam, giúp cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động bước đầu tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Những hoạt động đó của Người đã dần thức tỉnh những người yêu nước Việt Nam đi vào con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô, tại đây Người dành nhiều thời gian để nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin và chế độ Xô Viết. Ngoài việc tham gia các đại hội của Quốc tế Cộng sản, Người còn viết bài cho các tờ báo như tờ: “Tia lửa”, tạp chí “Thư Tín quốc tế”... Thời gian hoạt động ở Liên Xô tuy ngắn ngủi nhưng lí luận cách mạng của người không ngừng nâng cao. Bên cạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam thông qua các văn kiện, thư từ, tài liệu; các bài phát biểu, tham luận của Người tại Quốc tế Cộng sản và các tổ chức như: Quốc tế Nông hội, Công hội, Thanh niên… Người xuất bản các tác phẩm: “Trung Quốc và Thanh niên Trung Quốc”, “Bản án chế độ thực dân Pháp” … Nhờ sự sáng tạo và nỗ lực của Nguyễn Ái Quốc, chủ nghĩa Mác - Lênin và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng 10 Nga đã chọc thủng lưới sắt của thực dân Pháp truyền đến Việt Nam. Những người cách mạng Việt Nam, nhất là tầng lớp thanh niên, trí thức cách mạng được tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin như đang khát mà tìm được nước uống.

Với mục đích: về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành độc lập, tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu tập hợp những thanh niên yêu nước tiến bộ thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đây là 1 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam với nhiệm vụ chính là tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam có hệ thống và tổ chức; là sự sáng tạo to lớn của Nguyễn Ái Quốc, từ việc truyền bá bằng sách báo, Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng một tổ chức cách mạng với những chiến sĩ cách mạng được trang bị lý luận để tuyên truyền.

Để Hội hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tuần báo “Thanh Niên”, “Công Nông”, “Tiền Phong”, nguyệt san “Lính cách mạng”… Ngoài ra, Người còn chủ động mở các lớp giảng dạy ngắn hạn về Chủ nghĩa Mác-Lênin để đào tạo cán bộ cách mạng có hiểu biết về Chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ năm 1925 đến năm 1927, các lớp học do Nguyễn Ái Quốc tổ chức đã đào tạo được hơn 200 hội viên, một số hội viên xuất sắc được gửi đi học ở các trường đại học của Liên Xô và Trung Quốc, số còn lại thực hiện chủ trương “Vô sản hóa” của Hội. Tất cả các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện được tập trung lại và in thành một cuốn sách “Đường cách mệnh” [xuất bản năm 1927]. Cuốn “Đường cách mệnh” đã trình bày những nội dung cơ bản về chiến lược, sách lược của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam; trở thành cuốn cẩm nang gối đầu giường của những nguời cách mạng.

Thực hiện chủ trương “Vô sản hóa”, hội viên của Hội bằng những hiểu biết về chủ nghĩa Mác – Lê nin và hành động gương mẫu của mình đã đi vào hầm mỏ, nhà máy, đồn điền để tuyên truyền, vận động, thức tỉnh quần chúng; đưa chủ nghĩa Mác – Lênin thấm sâu vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước. Đây là một cách tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả nhất, hội viên đã thực sự là “phương tiện tuyên truyền sống”; góp phần quan trọng vào chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức và tiến tới thành lập Đảng sau này.

Tháng 7/1928, Nguyễn Ái Quốc sang Xiêm [Thái Lan], tiếp tục mở các lớp huấn luyện chính trị; gây dựng cơ sở cách mạng; đổi tên tờ báo “Đồng thanh” thành tờ “Thân ái”; dịch một loạt các tác phẩm kinh điển nhằm truyền bá sâu rộng hơn nữa tư tưởng cộng sản: “Nhân loại tiến sử hóa”, “Chủ nghĩa cộng sản ABC”, “Tuyên ngôn Đảng cộng sản”… Những hoạt động của Người tại Xiêm đã góp phần tuyên truyền tinh thần yêu nước, đường lối cách mạng trong cộng đồng người Việt tại đây. Nhiều học trò của người đã tích cực học tập, tuyên truyền, vận động nhân dân và sau đó trở về nước tham gia cách mạng.

Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc là một quá trình sáng tạo, là nghệ thuật kết hợp, sử dụng các các loại phương tiện truyền bá cả mới và cũ, mà đỉnh cao là nghệ thuật sử dụng “phương tiện truyền bá sống”. Đó là quá trình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, có hệ thống, tổ chức và phát triển từ đơn giản đến phức tạp, liên tục từ năm 1921 đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời [ngày 3/2/1930].

Cho đến nay, trải qua hơn 90 năm, những sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng luôn là những kinh nghiệm quý báu; có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc đối với Đảng ta trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng, lý luận nói riêng và trong lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước ta hiện nay nói chung./.

Đ.Q.B

Video liên quan

Chủ Đề