Tại sao dân giàu thì nước mới mạnh

Đà Nẵng cuối tuần

Nước giàu, dân mạnh

Nhân tình cờ đọc Báo Hà Nội mới cuối tuần số 149 [463], ngày 31-1-1998, có một bài viết hay về câu chuyện chữ nghĩa, xin chép ra đây. Đó là bài Năm mới gặp người muôn năm cũ của tác giả Nguyễn Trường, kể lại câu chuyện về cụ Lê Xuân Hòa, nhà thư pháp bậc thầy ở Việt Nam tặng chữ Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Chuyện rằng vào dịp Tết 1993, đồng chí Đỗ Mười có đến thăm Văn Miếu. Nhân dịp này, cụ Hòa có tặng đồng chí dòng chữ Quốc phú dân cường, nghĩa là nước giàu dân mạnh. Thấy lạ, có người hỏi cụ Hòa vì sao không phải là dân giàu nước mạnh như vẫn thường nói, cụ giải thích: Chữ cổ đúng như thế. Nước giàu, không lạm phát thì dân mới mạnh được. Nó nhắc nhở các nhà lãnh đạo phải cố gắng. Lo cho nước giàu thì dân mới được ấm no, hạnh phúc. Còn nước mà nghèo thì dĩ nhiên là dân khổ rồi. Nội dung chính bài báo là vậy.

Thực ra lâu nay nói dân giàu nước mạnh thì cũng rất đúng, vì Đảng ta đang khuyến khích mọi người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, từ đó mà xây dựng đất nước mạnh lên. Nhưng đồng thời, trên một bình diện khác, ở tầm vĩ mô, cũng cần nhấn mạnh đến việc làm cho nước giàu thì mới có thực lực, mới có vị thế trên thế giới được, nhất là trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, đôi bên cùng có lợi hiện nay.

Nói đến chuyện này, lại nhớ đến hồi khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực Đông Á khoảng 1997-1998, có một sự kiện khá bất ngờ diễn ra tại hai nước Hàn Quốc và Thái Lan là hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng. Đó là việc người dân ở hai nước này đã mở chiến dịch tự nguyện quyên góp tiền, vàng ủng hộ Chính phủ nhằm đối phó với tác động tiêu cực của khủng hoảng. Đây là hành động thể hiện lòng yêu nước một cách cụ thể.

Chúng ta thử hình dung ở một đất nước mà khi cần thì dân chúng có những cuộc biểu tình chống Chính phủ, nhưng khi số phận cả dân tộc đang lâm nguy thì mỗi người dân lại nhận thức được điều rằng không thể làm ngơ để mặc cho Chính phủ tự chèo chống con thuyền đất nước. Họ nhận thức được rằng phải đóng góp làm cho nền tài chính đất nước dồi dào thì mới giữ được vị thế dân tộc.

Kết quả của chiến dịch này là hàng nghìn kí-lô-gam vàng, trị giá nhiều chục triệu đô-la đã được quyên góp. Và Chính phủ những nước này đã có thể có tiếng nói với IMF để yêu cầu nới lỏng những quy định khắt khe trong việc viện trợ giúp vượt qua khủng hoảng, góp phần ổn định nền kinh tế trong nước, giải quyết tình trạng thất nghiệp đang diễn ra nặng nề, người lao động có thể cải thiện điều kiện sống tốt hơn. Ý nghĩa của nước giàu, dân mạnh là như vậy.

Điều trùng hợp là trong nhiều ý kiến của các nhà lãnh đạo và nhà nghiên cứu được đăng tải trên báo chí gần đây cũng có những suy nghĩ tương tự. Chẳng hạn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một phát biểu cũng đã nhấn mạnh: Việc phát triển kinh tế-xã hội ngày càng hiệu quả là điều kiện cơ bản để bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự xã hội[1]. Và ở một chỗ khác, với ý tứ rõ ràng và sâu sắc, mang đậm tính thời sự, nhà báo lão thành Hữu Thọ phân tích:

"...có lẽ nên hiểu sự xâm lăng bây giờ khái niệm rộng hơn, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hiện nay bao hàm nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ có quân sự. Phải quan tâm đến hai lĩnh vực kinh tế và văn hóa nhiều hơn trong tình hình hiện nay. Vì đây là chỗ nhạy cảm, dễ làm ta mất nước hơn những lĩnh vực khác" [2]. Xem vậy, câu nói người xưa vẫn mang tính thời sự trong tình hình hiện nay, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta luôn quan tâm đến hai nhiệm vụ chiến lược song hành: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!

NẠI HIÊN

--------------

[1] Theo VietnamNet ngày 24-6-2009.
[2] Khó giữ nước khi yếu kinh tế, mờ bản sắc VietnamNet, 25-4-2009.

Video liên quan

Chủ Đề