Tại sao Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

[ĐCSVN] - Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.

[Ảnh: hochiminh.vn]

Đối với đế quốc Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam châu Á.

Thấy rõ vị trí quan trọng đó của Điện Biên Phủ, ngày 20-11-1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và phi đội không quân thường trực có 14 chiếc. Tổng số binh lực là 16.200 tên. Chúng bố trí thành tập đoàn cứ điểm gồm 40 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống hoả lực nhiều tầng. Tám cụm cứ điểm họp thành ba phân khu, 80% lực lượng không quân ở Đông Dương và nhiều loại vũ khí hiện đại khác của Pháp và Mỹ đã được đưa vào tác chiến ở Điện Biên Phủ.

Với số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ xác nhận đây là "một tập đoàn cứ điểm đáng sợ", "một pháo đài bất khả xâm phạm". Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta lên đó để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, công việc chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành từ cuối năm 1953.

Chủ tịch Hồ Chí Minh Chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được". Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng uỷ và Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, trực tiếp làm Bí thư Đảng uỷ và Chỉ huy trưởng mặt trận.

Chính phủ quyết định tổ chức Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch và Hội đồng cung cấp Mặt trận các cấp.

Với khẩu hiệu "Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, nhân dân ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch.

Đầu tháng 3-1954, công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch đã hoàn thành.

Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng mở đợt tiến công thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt nhanh gọn hai cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch [Him Lam và Độc Lập], sau đó, làm tan rã thêm một tiểu đoàn địch và tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo. Ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, bắn rơi 12 máy bay, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh, giáng một đòn choáng váng vào tinh thần binh lính địch. Trong đợt tiến công mở đầu này, Phan Đình Giót đã nêu gương chiến đấu dũng cảm, lấy thân mình lấp lỗ châu mai tạo điều kiện cho toàn đơn vị tiến lên tiêu diệt địch.

Ngày 16-3-1954, địch cho 3 tiểu đoàn nhảy dù xuống tăng viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 30-3-1954, ta mở đợt tiến công thứ hai đánh đồng loạt các ngọn đồi phía đông của phân khu trung tâm.

Đánh vào khu đông, ta tiêu diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các điểm cao quan trọng ở phía đông, củng cố từ trên đánh xuống, tạo thêm điều kiện chia cắt, bao vây, khống chế địch, chuyển sang tổng công kích tiêu diệt địch.

Để tăng cường cho Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Đế quốc Mỹ tăng viện gấp cho Pháp 100 máy bay oanh tạc chiến đấu, 50 máy bay vận tải và cho Pháp mượn 29 máy bay C119 có cả người lái; lập cầu hàng không chở dù từ Nhật và Mỹ sang mật trận Điện Biên Phủ. Đế quốc Mỹ còn đưa 2 tàu sân bay vào vịnh Bắc Bộ diễn tập "đổ bộ ào ạt vào Đông Dương".

Về phía ta, qua hai đợt chiến đấu, lực lượng không ngừng được củng cố. Bộ đội ta đã có những cố gắng phi thường, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công rực rỡ. Tuy vậy, do cuộc chiến đấu liên tục, kéo dài và ác liệt, khó khăn về cung cấp tiếp tế cũng tăng thêm nên đã phát sinh tư tưởng tiêu cực, ngại thương vong, mệt mỏi.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, một đợt sinh hoạt chính trị được tiến hành sâu rộng từ các cấp uỷ đến chi bộ, từ cán bộ đến chiến sĩ trong tất cả các đơn vị trên toàn mặt trận. Tư tưởng hữu khuynh tiêu cực bị phê phán sâu sắc tinh thần triệt để cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng được phát huy mạnh mẽ.

Ngày 1-5-1954, ta mở đợt tiến công thứ ba. Quân ta lần lượt đánh chiếm những cứ điểm còn lại ở phía đông và phía tây, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch.

Ngày 4-5-1954, địch thả tiểu đoàn dù dự bị cuối cùng xuống Điện Biên Phủ.

Ngày 7-5-1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, tướng Đờ Cáttơri [De Castries] và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 353 sĩ quan từ thiếu uý đến thiếu tá, 16 trung tá và đại tá, 1 thiếu tướng. Tổng cộng, số lượng địch bị tiêu diệt và bắt sống tại Điện Biên Phủ bằng 4% quân số địch ở Đông Dương, 20% lính Âu - Phi. Ta hy sinh 4.200 đồng chí, mất tích 792 đồng chí, bị thương 9.118 đồng chí.

Ta thu được 28 khẩu pháo, 5.915 khẩu súng lớn nhỏ, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, 20 tấn thuốc quân y, 40 tấn đồ hộp, 40.000 lít xăng dầu, bắn rơi 62 máy bay các loại.

Tại các chiến trường phối hợp trong toàn quốc, ta tiêu diệt 126.070 tên địch.

Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần quyết định làm phá sản kế hoạch Nava của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, là chiến thắng có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng của nhân dân ta. Điện Biên Phủ ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam.

Trong con mắt của các học giả nước ngoài, "Điện Biên Phủ là trận Vanmy của các dân tộc da màu”, "trên thế giới, trận Oatéclô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra những nỗi kinh hoàng ghê gớm, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của nền cộng hoà. Tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn đang âm vang”.

------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.938-943, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Quân đoàn 1 hành quân thần tốc tiến công địch trên hướng Bắc Sài Gòn

[GDVN] - "Đi xa, tiến sâu, đánh thắng trận đầu, thắng lợi giòn giã liên tục đến thắng lợi hoàn toàn" là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đoàn 1.

Năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã bước vào năm thứ tám. Tám năm đó là những năm chiến đấu cực kỳ gian khổ và anh dũng của quân đội và nhân dân ta chống lại quân đội xâm lược của đế quốc Pháp có can thiệp Mỹ giúp sức. Thắng lợi của quân và dân ta trong hè thu 1953, đặc biệt là chiến thắng tây nam Ninh Bình, tạo thêm thuận lợi để cả nước bước vào chiến cuộc Đông Xuân.

Trước đó, với thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc mùa đông năm 1952 và chiến dịch Thượng Lào cuối xuân - đầu hè năm 1953, cục diện chiến tranh ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung càng chuyển biến mạnh theo hướng có lợi cho quân và dân ta, bất lợi cho thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Để cứu vãn tình thế, Chính phủ Pháp tiến hành cải tổ bộ máy lãnh đạo và chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, may chăng có được chính sách mới, tìm cho nước Pháp một “lối thoát danh dự”.

Với hy vọng đó, Hăng-ri Na-va, một viên tướng tài năng, đang giữ chức Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh lục quân Trung Âu thuộc khối quân sự Bắc Đại Tây Dương [NATO] được điều sang giữ chức Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương thay cho tướng Xa-lăng bị triệu hồi. Tướng Na-va đã thông qua Hội đồng Quốc phòng tại Pa-ri bản kế hoạch chiến lược mới của mình, được chính giới Pháp và Mỹ đánh giá rất cao, mang tên là “kế hoạch Na-va”.

Cho tới những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1953, Na-va và bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương còn rất chủ quan. Với một số kết quả hoạt động quân sự của phía Pháp trong mùa thu 1953, Na-va cho rằng việc triển khai kế hoạch chiến lược mới của quân Pháp đang trên đà phát triển thuận lợi và kế hoạch tác chiến thu đông của ta đã bước đầu bị phá vỡ.

Vì thế, cuộc hành quân Hải Âu đánh ra vùng tự do tây nam Ninh Bình vừa chấm dứt ngày hôm trước, thì ngày hôm sau [7-11-1953] Na-va cho phát đi một bức thư gửi các sĩ quan, binh lính thuộc quyền, trong đó ông ta giải thích: “ Tôi có nói với các bạn rằng tôi sẽ nắm quyền chủ động bằng những cuộc hành quân lớn và tôi sẽ phóng vào lúc và nơi mà tôi sẽ lựa chọn. Cuộc hành quân Hải Âu là đòn đầu tiên trong những đòn mà tôi có ý định đánh vào đối phương.

Trong cuộc hành quân đó, chúng ta đã đạt được mục tiêu của chúng ta: lợi thời gian, chúng ta đã buộc Bộ tư lệnh Việt Minh phải xét lại kế hoạch tiến công và sẽ phải sửa đổi lại tới một ngày mà họ mong có thể hoạt động mạnh mẽ. Chúng ta đã nắm quyền chủ động và chúng ta muốn giữ vững quyền đó”.

Trong cuộc họp báo ngày 7-11-1953, trung tướng Cô-nhi, tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, đã tuyên bố: “…Tôi xin cải chính, cuộc hành quân Hải Âu không hề nhằm mục đích chiếm đóng vĩnh viễn đất đai. Vùng Nho Quan không có lợi gì cả, ta cũng chưa có ý định chiếm Thanh Hóa. Ta đổ bộ vào Duyên Hải Thanh Hóa là để đánh lừa Việt Minh mà thôi.

Quả nhiên chúng đã bị lừa, ta đã đạt được mục đích. Chúng ta đã thắng lợi, loại trừ được Sư đoàn 320 ra ngoài vòng chiến, giam chân Sư đoàn 304 ở Thanh Hóa, trì hoãn được cuộc tiến công Thu Đông của Việt Minh vào đồng bằng Bắc Bộ, quân đội viễn chinh Pháp đã thành công trong việc mở đầu một chiến thuật tiến công mới” [theo tin báo Tia sáng, Hà Nội, ngày 9-11-1953].

Phụ họa những lời tuyên bố của giới quân sự Pháp, các tờ báo xuất bản ở Pa-ri, Sài Gòn, Hà Nội trong thời gian này đều đăng trên trang đầu nhiều bài ca ngợi “thắng lợi rực rỡ” của phía Pháp trong cuộc đánh ra tây nam Ninh Bình. Tờ Paris Press [Bản tin Pa-ri] ra ngày 2-11-1953 đưa ra lời bình luận: “Tướng Na-va đã thắng hiệp đầu trong cuộc đọ sức tay đôi với tướng Giáp”.

Trong không khí lạc quan như vậy, bỗng nhiên Na-va nhận được báo cáo “Đại đoàn 316 đóng quân ở phía nam Hòa Bình từ ngày 15 tháng 11 sẽ di chuyển về xứ Thái, nơi mà nó đã có sẵn một trung đoàn [trung đoàn 176]. Dự kiến Đại đoàn 316 sẽ đến Tuần Giáo vào khoảng từ ngày 7 đến 11 tháng 12 năm 1953”.

Tin này chứng tỏ rằng hướng tấn công chủ yếu của đối phương trong chiến cuộc 1953-1954 không phải là đồng bằng Bắc Bộ như ông ta và bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã phán đoán, mà có thể lại chính là Tây Bắc. Và như thế cả Thượng Lào cùng kinh đô Luông Phra Băng đều bị uy hiếp.

Tiếp tục thực hiện chiêu bài độc lập giả hiệu, ngày 22-10-1953 chính phủ Pháp đã ký với chính quyền tay sai một hiệp ước công nhận Lào là một nước độc lập trong khối liên hiệp Pháp. Việc để mất kinh đô Luông Phra Băng và Thượng lào ngay khi ký một hiệp ước “phòng thủ chung” giữa Pháp và Lào vừa được ký kết, có thể dẫn tới những hậu quả chính trị, quân sự khó lường.

Suy đi nghĩ lại, cuối cùng Na-va thấy cần phải “đi trước hành động của Đại đoàn 316 bằng cách tăng cường hệ thống bố trí ở xứ Thái, che chở cho Luông Phra Băng”. Để thực hiện ý đồ đó, ngày 2 tháng 11, Na-va chỉ thị cho tướng Cô-nhi chuẩn bị chiếm đóng Điện Biên Phủ bằng một cuộc hành binh không vận vào trước ngày 1 tháng 12 [tức là khoảng 15 ngày, trước khi Đại đoàn 316 có thể đến được vùng này.

Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn như đã trình bày ở trên, cách Hà Nội khoảng 300 ki lô mét đường chim bay, cách Luông Phra Băng khoảng 200 ki lô mét. Thung lũng này nằm gần biên giới Việt - Lào, trên một ngã ba của nhiều tuyến đường quan trọng, có sông Nậm Rốm chảy theo hướng nam - bắc đổ xuống sông Nậm Hu và có sân bay Mường Thanh được xây dựng từ năm 1889.

Theo đánh giá của Na-va và nhiều nhà quân sự Pháp thì Điện Biên Phủ “là một vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với miền Đông Nam Á – một trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc”.

Đó là “một cái chìa khóa để bảo vệ Thượng Lào”, một “bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Myanma, Trung Quốc. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp “có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của đối phương nếu họ đến đấy”.

Việc tướng Na-va có ý định đưa quân lên chiếm đóng Điện Biên Phủ không phải là điều gì mới lạ. Trước đây Xa-lăng đã từng rất mong muốn đưa quân lên chiếm đóng Điện Biên Phủ, nhưng chưa thực hiện được. Tướng Cô-nhi cũng đã đề nghị với Na-va thực hiện điều đó từ tháng 6 năm 1953.

Cô-nhi cho rằng “muốn giành chủ động phải chiếm đóng Điện Biên Phủ”. Nhưng tới khi Na-va quyết định hành động, thì do lo sợ sẽ thiếu quân để bảo vệ “đồng bằng có ích”, Cô-nhi và một số sĩ quan dưới quyền của ông ta đã có những ý kiến trái ngược hẳn lại.

Video liên quan

Chủ Đề