Tại sao nguyễn trãi lại bị tru di tam tộc

Thảm án chấn động Sử Việt

Vụ án Lệ Chi Viên [ hay vụ án Vườn Vải ] là một trong 7 vụ thảm án lớn nhất lịch sử Đại Việt cổ. Gần 600 năm qua, vụ án Lệ Chi viên với án oan ngút trời “giết vua”, cùng bản án thảm khốc “tru di tam tộc” nhằm vào anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cùng vợ ông Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ vẫn còn là một ẩn số “tàn độc”. Vụ án là một tấn thảm kịch đối với gia đình và họ tộc nhà Nguyễn Trãi với hơn 400 người bị giết chết, những người thoát chết thì li tán, lui về ở ẩn.

Sau này, vua Lê Thánh Tông đã minh oan cho Ức Trai Nguyễn Trãi. Nhưng cũng không có đầy đủ tư liệu điều tra cái chết và xác thực nguyên nhân tử vong của vua Lê Thái Tông. Chính vì vậy, vụ án Lệ Chi Viên tới nay vẫn là một trong những vụ án bí ẩn và phức tạp nhất trong lịch sử và có lẽ sẽ không bao giờ có thể sáng tỏ.

Vua chết trên đường đi tuần

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết ngày 27/07/1442 [năm Nhâm Tuất], vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh, Hải Dương.

Ngày 1/ 9/ 1442, vua Lê Thái Tông trên đường về ghé vào Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi có một người vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ vừa đẹp vừa hay chữ, từng được Thái Tông vời vào triều phong chức Lễ Nghi học sĩ giữ công việc dạy cung nữ và giảng sách cho vua. Trước khi Thái Tông đến Côn Sơn, Thị Lộ đã về đấy thăm Nguyễn Trãi. Lúc vua rời Côn Sơn, Thị Lộ được lệnh theo nhà vua về triều.

Ngày 7/ 9, xa giá Thái Tông đến Lệ Chi viên [tục gọi là Trại Vải] ở làng Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đêm ấy, vua bị cảm, đến sáng thì mất. Các quan hộ giá giữ kín, đến ngày 9/ 9/ 1442 mới rước linh cữu vua về Thăng Long, rồi báo tin cho nhân dân cả nước biết. Ngay sau đó, Thị Lộ bị bắt. Nguyễn Trãi đang đi kiểm tra ở Đông Bắc, được tin Thái Tông mất, vội trở về Triều cũng bị bắt và bị buộc tội đồng mưu với Thị Lộ để giết vua.

Chính vì tội phạm tày đình này, cả gia đình Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi đều bị xử hình rất nặng là tru di tam tộc. Tức là giết hết dòng họ mình và hai bên nội ngoại.

Nguyễn Trãi bị chém đầu ở pháp trường Thăng Long, còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Lộ lại bị nhốt vào rọ, dìm chết ở Sông Hồng.

Nhân vật và bối cảnh

Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi gốc làng Nhị Khê, tỉnh Hà Đông, sinh năm 1380 ở Thăng Long, tại nhà ông ngoại là quan Tư-đồ Trần Nguyên Đán. Ứng Long, cha Nguyễn Trãi, đỗ bảng nhãn [1374] mà Thượng hoàng Trần Nghệ Tông không cho làm quan, vì tội “thường dân mà thông dâm lấy con gái tông thất”, nên phải về Nhị Khê sống nghề dạy học.

Năm 1407, quân Minh mượn cớ phù Trần diệt Hồ để xâm chiếm nước ta. Hồ Quí Ly bị thua.

Năm 1417, có tin Lê Lợi ở Thanh Hóa chuẩn bị mộ quân đánh giặc Minh, Nguyễn Trãi và em họ, Trần Nguyên Hãn, đến ra mắt.

Năm 1428, kháng chiến toàn thắng, Nguyễn Trãi được tước hầu, làm Thượng thư bộ Lại [coi về nhân viên, quan lại]. Nhưng năm sau vì liên can với Trần Nguyên Hãn, [bị vua nghi, sai người bắt giết, Hãn nhảy sông tự tử], nên Nguyễn Trãi bị tù. Nhờ các đại thần can thiệp, Trãi được tha ra, làm quan lại một thời gian, rồi xin nghỉ việc về Côn Sơn.

Năm 1433, Lê Lợi mất, Nguyên Long 10 tuổi, kế ngôi [Lê Thái Tông] nhưng Thái Tông còn nhỏ, thích chơi bời, lười biếng học tập, vì thế năm 1438, Thái-bảo Ngô Từ đưa ra ý kiến có lẽ Thị Lộ dịu dàng khéo léo, học giỏi, văn hay, may ra có thể giúp nhà vua chăm chỉ học hành. Sau khi hội ý với Nguyễn Trãi, Thị Lộ, Ngô Từ đưa Thị Lộ vào chầu Thái Tông, được vua nhận, phong làm Lễ Nghi học sĩ, ngày đêm kề cận tin dùng.

Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ [1390-1442]

Nguyễn Thị Lộ vốn là con nhà có học thức, quê làng Hải Triều, một làng làm chiếu có tiếng, nay thuộc xã Phạm Lễ xưa thuộc huyện Ngự Thiên, [Thái Bình].

Tương truyền, năm 1406, khi Nguyễn Trãi [26 tuổi] đang làm quan nhà Hồ, gặp Thị Lộ [16 tuổi] ở Vũ Lăng, thấy xin đẹp, liền ứng khẩu:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu bán hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa được mấy con?
Thị Lộ cũng ứng khẩu đáp lại:
Tôi ở Tây-hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh tuồi độ vừa đôi tám,
Chồng còn chưa có, có chi con!

Nguyễn Trãi yêu vì tài nên lấy làm thiếp. Thị Lộ không có con với Nguyễn Trãi, xin cháu của Ngô Từ là Ngô Chi Lan làm con nuôi. Ngô Chi Lan đổi tên là Nguyễn Hà Huệ, sau làm Lễ Nghi học sĩ trong cung Lê Thánh Tông, chồng là Phù Thúc Hoành, làm Bác sĩ giảng kinh sử Quốc Tử Giám.

Hành trình minh oan

Các triều đại minh oan cho Ức Trai

Sau vụ án Lệ Chi viên oan nghiệt không lâu thì vua Lê Nhân Tông [trị vì 1442-1459] có lần đến Bí thư các, đã đọc Dư địa chí của Nguyễn Trãi, có phát biểu rằng: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái Tổ dẹp loạn tặc, giúp đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng, không may bị người đàn bà gây biến, để người lương thiện mắc tội rất là đáng thương” . Lời nói trên của nhà vua đã hàm ý minh oan cho Ức Trai, dù đó chỉ là lời phát biểu, có thể xem như lời dụ, chứ chưa phải là văn bản chính thức, mà sau này Lý Tử Tấn, người bạn đồng khoa, đồng liêu với Nguyễn Trãi có ghi lại trong phần Thông luận sách Dư địa chí. Nhưng lời phát biểu đó lại đổ hết mọi tội lỗi cho bà Nguyễn Thị Lộ!

Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông [trị vì 1460-1497], mới chính thức ban chiếu minh oan cho Ức Trai, truy tặng tước Tán trù bá, sai tìm con cháu còn sót lại của ông để bổ chức quan, cấp 100 mẫu ruộng để tế tự. Rồi ba năm sau [1467], lại ban chiếu sai văn thần Trần Khắc Kiệm sưu tầm thơ văn còn lại của ông [bộ sưu tầm này đã mất, hiện chỉ còn bài Tựa viết năm 1480]. Tiếp theo, năm 1494, nhà vua còn ngợi ca Nguyễn Trãi trong bài Minh lương qua câu thơ: Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao Thánh Tông chỉ chiêu tuyết cho cụ Nguyễn Trãi mà không minh oan cho bà Nguyễn Thị Lộ, lại truy tặng tước thấp hơn trước một bậc, trong khi vợ chồng Nguyễn Trãi lại là ân nhân của mẹ con nhà vua? Thiển nghĩ, đây là một vấn đề tế nhị trong nội bộ hoàng tộc, lại là chuyện đã lỡ rồi và có lẽ nhà vua không muốn khơi lại chuyện đau lòng đã qua, tốt nhất là cứ theo lời kết tội cũ cho yên chuyện.

Long Thành tạp ký và Âm mưu giết người diệt khẩu

Đã có nhiều nhà sử học, nhiều công trình nghiên cứu minh oan cho cụ Nguyễn Trãi cùng vợ ông, nhưng tôi xin dẫn lại công trình của Nhà văn Hoàng Minh Tường cùng quyển thư tịch Long Thành tạp ký.

Mở đầu câu chuyện, Hoàng Minh Tường đề cập đến sự tồn tại của một tài liệu “độc nhất vô nhị” có thể là chiêu tuyết [rửa oan hờn] hoàn toàn cho Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi học sĩ. Đó là một thư tịch Hán Nôm cổ, gồm 5 quyển, có tuổi đời hơn 500 năm, được lưu giữ trong ngôi đình cổ ở làng Động. Thư tịch này là trước tác của cụ Ứng Nhân Đoàn Khâm, một trong những học trò của Nguyễn Khuê, con trai cả Nguyễn Trãi có tên là Long Thành tạp ký. Bộ sách này có tính xác thực cao khi nó được ghi chép như sử ký thực lục. Hơn nữa nó lại trực tiếp chép về thời đại tác giả Đoàn Khâm sống [tác giả tham gia gián tiếp vào bộ máy quan lại đương triều: làm thư lại cho Đinh Phúc, sau Phúc chết làm nha lại ở bí thư các] và ghi chép nhiều việc mà bộ Đại Việt sử ký của Ngô Sỹ Liên né tránh,…

Từ nội dung của bộ Long Thành tạp ký, tấm màn hắc ám của chốn thâm cung từng bước vén bỏ, toàn bộ cuộc tranh giành vương quyền và màn kịch tội ác được dựng lên để sát hại một bậc vĩ nhân đã bị phơi bày. Thủ phạm chính của màn kịch này không ai khác chính là hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, vợ thứ của vua Lê Thánh Tông, mẹ của vua Lê Nhân Tông. Trả lời câu hỏi này cho tường minh, thật không dễ dàng gì. Tuy nhiên nếu chắp nối những tài liệu lịch sử lại, có thể diễn giải các nguyên nhân như sau:

Một là: Nguyễn Thị Anh có quan hệ bất chính và có mang trước khi được tiến cử vào cung. Sau khi biến vua Thái Tông trở thành tôi đòi của ái tình, Nguyễn Thị Anh đã xúi vua phế biếm ngôi hoàng thái tử của Nghi Dân. Đến khi sinh Bang Cơ [vua Lê Nhân Tông sau này], vua phế hoàng hậu Dương Thị Bí xuống làm thứ nhân, để Nguyễn Thị Anh lên ngôi hoàng hậu và tấn phong Bang Cơ mới gần 2 tháng tuổi lên ngôi thái tử.

Chuyện thay ngôi đổi chủ tạm lắng xuống, thì người vợ thứ 6 của vua Thái Tông là tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao sinh hạ quý tử [hoàng tử Lê Tư Thành, sau vua Lê Thánh Tông]. Lo sợ ngôi thái tử của Bang Cơ khó bề giữ nổi [rơi vào thế bất lợi và bị rơi vào mối nghi ngờ không phải con của Thái Tông], Nguyễn Thị Anh đã tìm hãm hại mẹ con Ngô Thị Ngọc Giao, nhưng nhờ có vợ chồng Nguyễn Trãi hết lòng che chở, nên 2 mẹ con nhiều lần thoát nạn. Việc làm đó, vô tình vợ chồng Nguyễn Trãi đã chuốc vạ vào thân, và đã trở thành cây đinh, thành đối thủ, thành kẻ thù số một của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh.

Hai là, trước đó Nguyễn Trãi từng được nghe Đinh Phúc, Đinh Thắng là Tổng quản nội quan trong cung, ngầm báo cho biết chuyện bà Nguyễn Thị Anh được tiến cung làm Hoàng hậu rồi chỉ mới sáu tháng sau thì sinh ra Bang Cơ! Điều đó có nghĩa, Bang Cơ chưa chắc là con đẻ của Thái Tông.

Theo sử sách, vài ngày sau khi hành hình gia đình Nguyễn Trãi, triều đình thực ra chính là Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính thay con, ra lệnh giết hai hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng vì trước khi chết Nguyễn Trãi có nói: “Ta hối không nghe lời Thắng, Phúc”. Các nhà nghiên cứu cho rằng chính Đinh Phúc, Đinh Thắng là những người khuyên Nguyễn Trãi sớm tố cáo Nguyễn Thị Anh với vua Thái Tông. Do đó, để diệt khẩu, bà sai giết hai người này.

Ba là, nay nhà vua đi tuần miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi đón vua về ngự ở Côn Sơn. Việc nhà vua ghé Côn Sơn thăm cụ Ức Trai có thể làm cho Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh lo sợ rằng Nguyễn Trãi sẽ hé lộ sự việc gốc gác con trai của mình cho nhà vua biết, thì ngôi vị Hoàng thái tử của Bang Cơ chắc chắn có nguy cơ bị mất, mà ngôi vị này trước đó là của Nghi Dân, nhờ mưu mẹo bà mới giành giật được khi Bang Cơ chưa đầy một tuổi, và dĩ nhiên là bà và tộc họ sẽ bị tội đại hình!

Để thoát khỏi tội lỗi, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh chỉ còn một cách duy nhất là: Cần phải tiêu diệt vợ chồng Nguyễn Trãi để bịt đầu mối. Mối thâm thù từ lâu của bà Nguyễn Thị Anh đối với vợ chồng Nguyễn Trãi đến đây cần phải được giải quyết cho gọn càng sớm càng tốt. Nay dịp may đã đến. Có thể là bà đã sắp đặt mưu mô từ trước. Thuyền rồng của vua trên đường từ Chí Linh về lại Thăng Long, có bà Lộ đi nhờ theo. Thực hiện âm mưu, bọn thủ túc thân tín của bà đã hạ độc thủ, đầu độc nhà vua rồi vu oan cho bà Lộ, ông Trãi giết vua. Chính Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao khi thuật lại chuyện cũ, có dặn vua Thánh Tông rằng: “Chính Nguyễn Thị Anh đã ngầm sai Tạ Thanh bỏ thuốc độc cho Thái Tông chết, nhưng con nên giữ kín việc ấy”.

Rắn báo oán – Người xưa cũng biết dùng sức mạnh truyền thông

Sau khi tử hình 3 đời nhà họ Nguyễn Trãi, sợ lòng dân không phục, Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh cùng bè đãng thân tín của bà như Lương Đăng, Nguyễn Thúc Huệ đã bày ra một câu chuyện tâm linh về nhân quả để yên lòng thị chúng, lúc đấy còn rất mê tín dị đoan. Câu chuyện được truyền miệng qua nhiều thế hệ, có rất nhiều dị bản nhưng nội dung chính như sau:
Ông nội của Nguyễn Trãi vốn là một thầy đồ. Ông mở trường dạy học trong làng. Ông thấy một đám đất ở gò con Rùa là khu đất rất đẹp về phong thuỷ, ông xin làng dựng một ngôi nhà làm nơi để dạy học trò. Được làng cho phép, ông kêu đám học trò nghỉ học vài ngày để dọn đám đất bên gò Rùa.

Nhưng không may, gò đất đẹp đó là nơi ở của một con Rắn tinh, nó đã mang thai và sinh ra được 3 con rắn con, con rắn này đã ở đó ngót một trăm năm và sắp thành xà tinh đi mây về gió. Biết được ông đồ sắp mở trường dạy học, phá nơi ở của mình, một đêm nọ nó báo mộng cho ông. Khi ông đồ đang ngủ mơ màng thì chợt thấy người đàn bà vẻ mặt rất tức giận tới quát: “Ta nào có thù oán gì với nhà ông mà định phá nhà của ta. Muốn yên ổn thì đừng có động đến, nếu không thì không ăn ngon ngủ yên được với ta đâu”.

Ông đồ tỉnh giấc, không hiểu là chuyện gì. Chợt nhớ hôm nay là ngày học trò khai hoang đám đất nên ông cho rằng có thể ma quỷ gì tới phá đám. Ông toan báo đám học trò tạm dừng lại, nhưng rồi ông lại nghĩ bận tâm chi đến giấc mộng mơ hồ. Nên vẫn bảo đám học trò phát cỏ.

Đến đêm hôm sau, người đàn bà kia lại quay trở lại, nhưng lần này thì không còn sừng sộ tức giận như lần trước, mà khẩn khoản cầu xin: “Xin nhà thầy hoãn cho tôi vài bữa, để con tôi cứng cáp rồi tôi sẽ dọn đi nơi khác”. Ở trong mơ thấy người đàn bà đáng thương năn nỉ, ông đồ đã nhận lời.

Nhưng khi tỉnh dậy, ông lại không hiểu là chuyện gì xảy ra. Ông chạy ra gò đất xem tình hình thế nào, thì đám học trò nói: “Thưa thầy, vừa nãy chúng con gặp một ổ rắn, có một con rắn rất lớn, chúng con mới chém làm nó bị thương ở đuôi, nó đã chạy mất. Còn ba con rắn con chúng con đã đánh chết cả”.

Giờ ông đồ mới hiểu ra, ông ân hận: “Đúng là người đàn bà ở trong lốt rắn đã đến cầu cứu ta. Nhưng ta đã không kịp cứu mẹ con nó như ta đã hứa”.

Lại nói đến con rắn mẹ. Sau khi đàn con bị chết, thân thể bị thương tật, việc thành xà tinh của nó cũng bị ngăn trở. Nó thống khổ và oán hận ông đồ. Luôn tìm cơ hội trả thù. Một lần ông đồ đang đọc sách trong ngôi nhà mới dựng, con rắn đã lẻn vào toan cắn chết ông. Nhưng số chưa tận, ông nhìn thấy vội hô hoán người nhà ra đuổi rắn. Con rắn chỉ kịp nhỏ vào trang sách của ông một giọt máu, thấm tới tờ thứ ba và có hình như cây gia phả. Ông đồ thở dài lầm bẩm: “Chắc nó sẽ báo oán đến đời con cháu ta chứ không sai”.

Mấy chục năm sau, con rắn đã thành xà tinh. Nó chưa bao giờ quên món nợ với ông đồ. Khi nhân duyên chín muồi, con rắn đã chuyển sinh và đầu thai thành một bé gái ở nhà của một người thầy thuốc. Sinh ra đã có tư chất rất thông minh. Khi lớn lên vô cùng xinh đẹp và tài giỏi. Nàng tên là Nguyễn Thị Lộ, người vợ lẽ tài hoa xinh đẹp của Nguyễn Trãi. Việc gia tộc nhà Nguyễn Trãi bị tru di ba đời bởi bà Nguyễn Thị Lộ được lý giải chính bởi mối nhân duyên này.

Lời bình

Hậu thế đã có phán xét của riêng mình. Cụ Ức Trai đã được minh oan từ lâu, người dân Việt Nam ai ai cũng rõ. Còn nỗi oan của bà Lễ nghi Học sĩ thì ai cũng biết nhưng không ai minh oan. May mà gần đây, nhân dân đã thấu hiểu, đã minh oan và tôn vinh bằng cách lập đền thờ, tạc tượng để hương khói. Và ít ra trên miền Bắc hiện đã có ba nơi lập đền thờ: tại Thanh Trì, gần nơi vợ chồng bà bị hành quyết khi xưa; ở Thái Bình và ở Đông Triều [Quảng Ninh]. Nhà giáo Đoàn Ngọc Chức trong công trình viết về bà Lễ nghi học sĩ có kể lại rằng khi tạc tượng bà Nguyễn Thị Lộ xong, lúc rước thầy làm lễ an vị và điểm nhãn, thì mọi người thấy từ trong khoé mắt của pho tượng đã rỉ ra những giọt nước long lanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO Bảy thảm án sử Việt : Vụ án thái sư Lê Văn Thịnh [ Oan khuất hóa hổ giết Vua ], Vụ án Trần Nguyên Hãn, Vụ án Lê Văn Duyệt, Vụ án Lê Chất, Vụ án Tống Thị Quyên, Vụ án Thoại Ngọc Hầu và Vụ Án Lệ Chi Viên. 1. Ngô Sĩ Liên và Quốc Sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải, khảo chứng, tập 3, Nxb KHXH, HN, 1972. 2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, mục Nhân vật chí, bản dịch, tập 1, Nxb Sử học, HN, 1961. 3. Đinh Công Vỹ, Đám sương mù quanh thảm án Lệ Chi viên, Hồn Việt số 5, tháng 11-2007 [tr 8-10]. 4. Ngọc phả tộc Đinh, tài liệu photocopy từ tủ sách của cố GS. Bùi Văn Nguyên. 5. Phan Bội Châu, Khổng học đăng, Huế 1929, trang 643, 6. Nguyễn Văn Cường – Tạp chí Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch, số 4, tháng 7 năm 2017 7. Tạp chí Kiến thức ngày nay, số đặc biệt [800] ngày 01-11-2012

8. Tiểu thuyết Thảm kịch vĩ nhân của nhà văn Hoàng Minh Tường.

Video liên quan

Chủ Đề