Tại sao tác giả lại viết: ta đi trọn kiếp con người cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

ĐỀ SỐ 28

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới: Đọc hai câu thơ sau:

         Ta đi trọn kiếp con người


         Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru. [Trích Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nguyễn Duy]

Câu 1. Xác định nội dung của hai câu thơ trên.


Câu 2. Xác định biện pháp nghệ thuật và nêu hiệu quả nghệ thuật của các từ sau: “đi” [câu 1]; “đi” [câu 2].
Câu 3. Giải thích ý nghĩa của cụm từ: “mấy lời mẹ ru”.
Câu 4. Từ hình ảnh người mẹ trong hai câu thơ trên, anh/ chị hãy viết đoạn văn ngắn [5-7 câu] nêu suy nghĩ của mình về tình mẫu tử trong cuộc đời.

II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết một đoạn văn [khoảng 200 chữ] trình bày suy nghĩ của anh/ chị về việc giữ gìn bản sắc văn hóa của giới trẻ hiện nay.
Câu 2. So sánh hình tượng người lính trong hai bài thơ Đông chí [Chính Hữu] và Tây Tiến [Quang Dũng].

**GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Nội dung: Nhận thức của người con về tình cảm, ước mong, lời khuyên nhủ mà mẹ dành cho con: sống hết cả cuộc đời con cũng không thể hiểu hết, thấy hết, dùng hết những tình cảm, ước mong, lời khuyên nhủ ấy. Tình cảm của con dành cho mẹ: tình yên thương, sự biết ơn, ngợi ca…
Câu 2. Xác định biện pháp nghệ thuật: – “đi” [1]: ẩn dụ: sống hết cuộc đời một người; – “ đi” [2]: ẩn dụ: hiểu, thấy, dùng hết những tình cảm, ước mong, khuyên nhủ của mẹ. -> Tác dụng: Phép ẩn dụ làm cho câu thơ gợi hình, gợi cảm hơn.

Câu 3. Giải thích ý nghĩa của cụm từ: “mấy lời mẹ ru” là những câu ca dao, dân ca; những tình cảm, ước mong, lời khuyên nhủ… của mẹ.


Câu 4. Đoạn văn phải được viết bằng những câu đúng ngữ pháp, các câu liên kết chặt chẽ với nhau để cùng làm nổi bật vai trò của tình mẫu tử; thái độ cần có đối với tình mẫu tử.

II. LÀM VĂN
Câu 1.
* Về kĩ năng – Biết cách viết một văn bản nghị luận xã hội với độ dài đúng quy định. – Bài viết có bố cục chặt chẽ; lập ý sáng tạo; vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận; hành văn mạch lạc, trôi chảy, có cảm xúc; không mắc lỗi dùng từ, chính tả.

* Về kiến thức

Bài làm có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý sau: – Bản sắc văn hóa là gì? + Bản sắc văn hóa là cái đặc trưng của một cộng đồng người, của một tộc người biểu hiện ra ở từng cử chỉ, hoạt động sinh tồn của cá thể cũng như của cả cộng đồng. + Bản sắc văn hóa là thiêng liêng, quý giá, nó tạo nên cái đặc thù của một dân tộc. Nó được hình thành trong lịch sử lâu dài của một dân tộc, được đúc kết từ kinh nghiệm sống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó máu thịt với con người. Nó tổn tại tự nhiên không thể ép buộc nhưng đòi hỏi phải biết giữ gìn, bảo lưu. Nó có thể được biểu hiện ra bề ngoài nhưng cũng có thể ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. – Ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thanh thiếu niên Việt Nam được biểu hiện ở nhiều phương diện: cách sống, lối sống, quan niệm, suy nghĩ, ở hoạt động, nói năng, ăn mặc, ứng xử… Qua những biểu hiện trên, có thể thấy rõ ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thanh thiếu niên Việt Nam là như thế nào? – Xem xét nguyên nhân của vấn để phải nhìn ở cả hai mặt: khách quan và chủ quan. Khách quan là sự tác động của mối trường sống, của bối cảnh thời đại. Chủ quan là bản thân sự vận động trong tư duy của đối tượng: các thanh niên, thiếu niên đã quan tâm, suy nghĩ ở mức độ nào về vấn để này. – Với một ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc như vậy, thanh thiếu niên Việt Nam đang tác động như thế nào đến bộ mặt văn hoá dân tộc, đang để lại một kết quả ra sao cho tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra sôi động…

– Xã hội, gia đình, bản thân mỗi thanh niên và thiếu niên nên làm gì để góp phần khẳng định bản sắc văn hoá Việt Nam trong cộng đồng quốc tế?

Câu 2.
* Dàn bài gợi ý
I. Mở bài – Giới thiệu về tác giả Quang Dũng và bài thơ Tây tiến. – Giới thiệu về tác giả Chính Hữu và bài thơ Đồng chí.

II. Thân bài

1. Nét giống nhau – Cùng được sáng tác trong một giai đoạn lịch sử, cả hai tác phẩm đều xây dựng được hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp với những nét tính cách hào hùng mà lãng mạn.

a. Người lính trong Tây Tiến của Quang Dũng

– Người lính Tây Tiến xuất hiện trong bối cảnh thiên nhiên hoang vu, hiểm trở, kì vĩ, điều đó càng tô đậm thêm vẻ hào hùng phi thường. – Người lính Tây Tiến trong hoàn cảnh rừng thiêng nước độc vẫn coi nhẹ cái chết, đặt lí tưởng lên trên tính mạng: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.” – Ngay cả khi phải hi sinh vì Tổ quốc thì cái chết đó cũng rất oai hùng, bi tráng: “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành.” – Bên cạnh vẻ đẹp hào hùng, những người lính Tây Tiến còn hiện lên là những chàng trai rất hào hoa, lãng mạn.

– Tất cả những vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng Tây Bắc in đậm trong tâm trí mỗi người lính để tạo nên những bức tranh vừa thực vừa mộng:

                 Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

                 … Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

– Ở nơi núi rừng gian khổ, luôn cận kề với cái chết nhưng đêm đêm, người chiến sĩ vẫn gửi mộng về nơi xa – nơi có người yêu thương – những cô gái Hà Nội duyên dáng, thanh lịch: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”
b. Người lính trong Đồng chí của Chính Hữu: – Không ngại khó, ngại khổ, coi nhẹ cái chết, đặt lí tưởng chiến đấu lên trên tất cả. “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/ Gian nhà không mặc kệ gió lung lay/ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.” – Mặc dù hoàn cảnh “rừng hoang sương muối” nhưng cũng không làm chùn bước chân của người lính cách mạng. Họ vẫn “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới” – một tinh thẩn hiên ngang, bất khuất. – Bên cạnh đó, họ cũng có vẻ đẹp hào hoa và tâm hồn lãng mạn. Trong lúc chờ giặc tới, có thể nói cái chết cận kể, họ vẫn nhận ra vẻ đẹp của hình ảnh “đầu súng trăng treo”. Hình ảnh vừa thực vừa mộng tạo nên sự lạc quan cho mỗi người chiến sĩ trên bước đường hành quân.

2. Nét khác nhau


a. Về nội dung: * Tây Tiến – Quang Dũng: + Tác phẩm xây dựng hình ảnh về những người lính xuất thân từ thủ đô Hà Nội, lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. + Trong bài thơ, tác giả gợi nhắc một loạt những hình ảnh thiên nhiên kì vĩ, hoang sơ, bí hiểm để làm nền cho bức tranh về những người lính Tây Tiến. -> Người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp phi thường, chất hào hùng đẩy lên đến mức tựa như một huyền thoại. * Đồng chí – Chính Hữu: + Tác phẩm xây dựng hình ảnh về những người “nông dân mặc áo lính”, xuất thân từ những người dân nơi làng quê nghèo: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. + Hoàn cảnh chiến đấu của người chiến sĩ ở đây không hiểm trở, hoang vu như trong Tây Tiến mà có phần bình dị hơn, họ chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, sống với cái sốt rét nơi núi rừng:

                Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh


                Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
                Áo anh rách vai
                Quần tôi có vài mảnh vá
                Miệng cười buốt giá
                 Chân không giày
                Thương nhau tay nắm lấy bàn tay! [Đồng chí, Chính Hữu] -> Người chiến sĩ hiện lên với vẻ chất phác, mộc mạc, gần gũi.

b. Về nghệ thuật:

– Tây Tiến – Quang Dũng: Tác giả chủ yếu sử dụng bút pháp lãng mạn, tô điểm tính chất phi thường trong cách xây dựng hình ảnh người lính Tây Tiến. – “Cảm xúc bao trùm toàn bộ bài thơ là một nỗi nhớ: Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi… Qua nỗi nhớ ấy, hình ảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở và dữ dội hiện lên như một bức tranh hoành tráng. Và trong bài, người viết không che giấu những gian khổ, hi sinh của người lính Tây Tiến. Chỉ có điều, nó được thể hiện bằng một ngòi bút lãng mạn. Qua cái nhìn của nhà thơ, cái bi bỗng trở thành cái hùng [bi tráng]”. [Những bài văn hay, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đăng Xuyền]. – Tây Tiến là một sáng tác có giá trị về tư tưởng, về nghệ thuật. Bài thơ được viết ra với những màu sắc thẩm mĩ phong phú. Có cái đẹp hùng tráng của núi rừng hiểm trở, và vẻ đẹp bình dị nên thơ của cuộc sống nơi bản làng quê hương, có cảm hứng mạnh mẽ hòa hợp với chất trữ tình nhẹ nhàng mềm mại trong thơ. Đặc biệt, Tây Tiến là bài thơ giàu nhạc điệu, nhạc điệu của cuộc sống và của tâm hổn. Mỗi đoạn thơ mang một nhạc điệu riêng vừa mạnh mẽ, vừa uyển chuyển khi đưa người đọc về với những kỉ niệm xa nên thơ và gợi cảm. Nhà thơ Xuân Diệu có lần đã cho rằng đọc bài thơ Tây Tiến như ngậm âm nhạc trong miệng..[GS. Hà Minh Đức]. * Đồng chí – Chính Hữu: vẫn có yếu tố lãng mạn nhưng chủ yếu là bút pháp hiện thực để tô đậm hiện thực chiến đấu gian khổ của người lính. – Sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa hiện thực và chất thơ lãng mạn, bay bổng đã làm cho hình ảnh “đầu súng trăng treo” trở thành một trong những hình ảnh đẹp nhất trong thơ ca kháng chiến chống Pháp. Câu thơ chỉ vỏn vẹn bốn từ nhưng nó bao hàm cả cái tình, cái ý và đặc biệt là sự cảm nhận tinh tế của Chính Hữu. Nhờ sự liên tưởng thông minh tài tình, tâm hồn giàu cảm xúc, Chính Hữu đã gợi lên một không gian bát ngát giữa vũ trụ bao la một cái gì đó rất bồng bềnh, huyền bí, khó tả. Hình ảnh đó gây được ấn tượng thẩm mĩ sâu sắc với người đọc. Đồng thời, nó trở thành hình tượng đa nghĩa độc đáo của thi ca. “Đầu súng trăng treo” được xây dựng bằng bút pháp siêu thực, đấy chất thơ.

– Với nhiều hình ảnh chọn lọc, từ ngữ gợi cảm mà lại gần gũi, thân thuộc; YỚi biện pháp sóng đôi, đối ngữ được sử dụng rất thành công, Chính Hữu đã viết nên một bài ca với những ngôn từ chọn lọc, bình dị mà có sức ngân vang.

III. Kết bài
Cho dù xuất thân từ đâu, từ những người nông dân bình dị chân chất, hay từ những chàng trai trí thức trẻ tài hoa, một khi đã gác lại mọi thứ, vác súng trên vai thì tất cả bỗng trở nên thật hào hùng. Nguyện từ bỏ những khát vọng cá nhân để hòa vào khát vọng của toàn dân tộc – khát vọng tự do hòa bình. Hình ảnh người lính nông dân và người lính trí thức đã hòa quyện vào nhau, tạo nên bức tranh sinh động, đa dạng về những người lính ra đi vì nghĩa lớn, tạo nên vẻ đẹp bất hủ sống mãi cùng thời gian, để bầy giờ khi nhìn lại vẫn thấy khí thế hào hùng của một thời anh hùng đấu tranh bất khuất.

[Theo //www.nhungbaivanhay.net]

>>> Xem thêm : Đề luyện thi THPT Quốc gia – Môn Ngữ văn – MD110127 tại đây 

Related

Tags:Luyện thi THPT Quốc gia · Ngữ Văn 12

Video liên quan

Chủ Đề