Tân uyên ương hồ điệp mộng 1999 đánh giá

Lời của bài hát được tác giả Hoàng An lấy từ nhiều bài thơ Đường khác nhau của các nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ và Lục Du.

Năm câu đầu của bài hát lấy từ bài thơ “Tuyên châu Tạ Diễu lâu tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân” [tạm dịch là “Trên lầu Tạ Diễu ở Tuyên Châu tiễn đưa chú Vân làm hiệu thư lang” của Lý Bạch].

* Câu 1 và câu 2 của bài hát lấy từ nguyên gốc thơ Lý Bạch:

“Khí ngã khứ giả, tạc nhật chi nhật bất khả lưu. Loạn ngã tâm giả, kim nhật chi nhật đa phiền ưu…”

Dịch nghĩa: Chuyện hôm qua như nước chảy về đông, hôm nay có bao chuyện ưu phiền làm rối cả lòng ta.

* Câu 4 và câu 5 của bài hát lấy từ hai câu cuối của bài thơ trên

“Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu. Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu”

Dịch nghĩa: Rút dao chém nước, nước càng chảy. Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm.

* Câu 7 và câu 8 của bài này lấy từ bài thơ Giai nhân của Đỗ Phủ.

“Đản kiến tân nhân tiếu. Na văn cựu nhân khốc”

Dịch nghĩa: Chỉ thấy người mới cười. Đâu nghe người cũ khóc.

* Hai câu trong điệp khúc của bài hát lấy từ hai câu thơ đầu tiên của bài Chá Cô Thiên của Lục Du đời Tống.

“Sáp cước hồng trần dĩ thị điên. Cánh cầu bình địa thượng thanh thiên?”

Dịch nghĩa: Sống tại nhân gian đã là điên, sao còn muốn lên tận trời xanh?

Hoàng An thay “Sáp cước hồng trần” bằng “Tại nhân gian”, và “Cánh cầu bình địa” bằng “Hà khổ yêu”.

“Uyên ương hồ điệp” trong Bao Thanh Thiên

Bài hát này còn đi sâu vào lòng khán giả khi được tái hiện trong “Bao Thanh Thiên” qua cuộc tình ngang trái của Triển Chiêu và Chúc Thái Vân.

Mối tình của họ sẽ đẹp như mơ nếu như Thái Vân không mang trong mình mối hận thù sâu sắc với nhà họ Liên.

Suốt từ đầu đến cuối, Thái Vân luôn là người nắm thế chủ động và dẫn dắt Triển Chiêu lạc trong mê trận của những vụ án mạng đầy nghi vấn quanh Huyết Vân Phan, của những mối liên hệ đầy uẩn khúc giữa 2 nhà Liên, Chúc.

Khóc cho một tình yêu, tiếc cho một kiếp người. Triển Chiêu và Thái Vân, từ tương ngộ cho đến tương tri nhưng chẳng thể trở thành tương hứa. Triển Chiêu và Thái Vân, hữu duyên mà vô phận, lạc hoa dù hữu ý, lưu thủy không vô tình nhưng vẫn phải trôi đi.

“Không cầu đời đời kiếp kiếp, không mong sớm sớm chiều chiều. Chỉ mong được bình thản nắm tay nàng đi giữa nhân gian”. Ước muốn tưởng chừng giản đơn ấy đối với Triển Chiêu lại mãi là ảo vọng.

Nếu Triển Chiêu chỉ là một chàng trai hiệp nghĩa, có lẽ chàng có thể nắm tay Thái Vân phiêu bạt thiên nhai để nàng rũ bỏ quá khứ đầy lỗi lầm và thù hận. Nhưng Triển Chiêu còn là Tứ phẩm hộ vệ của phủ Khai Phong, nên chàng chỉ có thể nắm tay nàng qua song cửa tử ngục lạnh lùng và tăm tối.

10 năm giấc mộng uyên ương hồ điệp không thành ấy vẫn nhức nhối trong tim, nỗi đau không nhòa theo thời gian, mà chỉ càng đậm sâu cùng năm tháng. Chuyện tình ngang trái của nam hiệp Triển Chiêu và người con gái đó, ai đã xem, khó có thể quên.

VH-NN– Khóa luận Tiểu thuyết uyên ương hồ điệp ở Trung Quốc của SV Lê Thị Huyền Trang [SV chuyên ngành Văn học hệ CNTN, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM] do TS. Trần Lê Hoa Tranh hướng dẫn, đã được bảo vệ tại Trường ĐH KHXH và Nhân văn tháng 6 năm 2012 vừa qua. Khóa luận được Hội đồng đánh giá loại giỏi với điểm trung bình cộng là 9.5 . VH-NN xin giới thiệu Chương 3 của khóa luận.

TIỂU THUYẾT UYÊN ƯƠNG HỒ ĐIỆP - SỰ GẶP GỠ ĐÔNG TÂY

Trong suốt gần nửa đầu thế kỷ XX, tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" nói chung và tiểu thuyết của Từ Chẩm Á nói riêng đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với tầng lớp thị dân Trung Quốc. Như đã đề cập ở chương hai, sức hấp dẫn của tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" xuất phát từ nội dung lôi cuốn với những cung bậc, cảm xúc của tình yêu nhưng cũng chứa đựng đầy đủ những vấn đề chuyển giao của thời đại. Song, nếu chỉ dừng lại ở đó, tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" thật sự cũng chỉ là “một dòng chảy ngược” như các nhà văn sau thời kỳ Ngũ Tứ đã kết luận. Vì vốn dĩ, tiểu thuyết tình yêu đã phổ biến rất nhiều vào thời Minh Thanh, người đọc cũng đã quá quen với loại tình yêu môn đăng hộ đối, theo một công thức nhất định, và loại nhân vật không có tâm lý, nghìn người như một,… Điều đó tạo nên thách thức lớn không chỉ riêng đối với Từ Chẩm Á và các tác gia phái "uyên ương hồ điệp" mà còn đối với hầu hết các nhà văn Trung Quốc lúc bấy giờ. Vì vậy, vào năm 1912, sự ra đời của Ngọc lê hồn cùng hậu thân là Tuyết hồng lệ sử [năm 1914] đã đánh dấu cho sự xuất hiện theo một khuynh hướng sáng tác mới. Đó là khuynh hướng sáng tác được kết hợp từ nghệ thuật tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc và phương pháp sáng tác phương Tây. Do đó, nếu nói đến sức hấp dẫn của tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" mà không đề cập nó dưới góc độ nghệ thuật là một thiếu sót quan trọng. Trong chương này, chúng tôi sẽ đề cập đến những đổi mới về nghệ thuật trong bốn thiên tiểu thuyết của Từ Chẩm Á nhưng trọng tâm là tác phẩm Tuyết hồng lệ sử. Vì tác phẩm này được xem là đỉnh cao nghệ thuật trong tiểu thuyết của ông. Dưới đây, chúng tôi tiếp cận dưới ba góc độ chính là kết cấu, cốt truyện và đặc biệt là nhân vật để thấy được sự giao thoa giữa bút pháp truyền thống trong tiểu thuyết Trung Quốc và phương pháp sáng tác phương Tây.

3.1. Kết cấu

Trong cuộc sống, mọi sự vật tồn tại đều cần có một kết cấu để đảm bảo sự hài hòa, cân đối. Nhưng không phải tất cả mọi sự vật đều có một kết cấu nhất định, đặc biệt là trong văn học. Bởi, mặc dù hiện thực cuộc sống rất phong phú nhưng không đảm bảo mọi ý tưởng đều không trùng lặp. Ngay cả trong cùng một câu chuyện, cùng một nhân vật, cùng một sự kiện ,… nhưng có những tác phẩm mãi mãi không bao giờ được biết đến còn có những tác phẩm lại trở thành bất hủ. Và điều tạo nên sự khác biệt đó chính là nhờ kết cấu:

Theo Từ điển thuật ngữ văn học bộ mới, kết cấu là: “thuật ngữ chỉ sự sắp xếp, phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật - tức là sự cấu tạo tác phẩm, tùy theo nội dung và thể tài. Kết cấu gắn kết các yếu tố của hình thức và phối thuộc chúng với tư tưởng. Các quy luật của kết cấu là kết quả của nhận thức thẩm mỹ, phản ánh những liên hệ bề sâu của thực tại. Kết cấu có tính nội dung độc lập; các phương thức và thủ pháp kết cấu sẽ cải biến và đào sâu hàm nghĩa của cái được mô tả”.[19;715]

Trong Lý luận văn học, kết cấu được xem là “sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định. Vai trò của kết cấu chủ yếu được khẳng định trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với các yếu tố của nội dung tác phẩm như chủ đề, tư tưởng, tính cách, cốt truyện, các yếu tố ngoài cốt truyện”.[18; 179]

Có thể thấy, kết cấu là cách một nhà văn sắp xếp, tổ chức các yếu tố nghệ thuật đơn lẻ, rời rạc trở thành một thể thống nhất mà qua đó nhà văn có thể chuyển tải cho người đọc những thông điệp của chính bản thân mình về cuộc sống. Nhưng kết cấu không phải là sự kết nối một cách máy móc giữa các yếu tố mà là một hình thức nghệ thuật sắp đặt sao cho một tác phẩm vừa logic, chặt chẽ lại vừa có “vẻ duyên dáng của sự trật tự” [Horax].[19;715]. Và một tác phẩm văn học có “vẻ duyên dáng của sự trật tự” đó hay không còn phải phụ thuộc vào tư duy sáng tạo của nhà văn. Vì vậy, khi nghiên cứu một tác phẩm tự sự, đặc biệt là tiểu thuyết, tìm hiểu kết cấu của tác phẩm giúp chúng ta nắm bắt được nội dung tác phẩm và ý đồ của nhà văn.

Thông thường, trong các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc thường được viết theo lối chương hồi. Vì vậy thường được gọi là tiểu thuyết chương hồi. Cũng từ đó, kết cấu chương hồi trở thành một phương diện nghệ thuật của tiểu thuyết chương hồi. Đơn vị của kết cấu chương hồi là các chương [hồi]. Dựa vào dung lượng, tiểu thuyết chương hồi có thể chia làm hai loại chính là tiểu thuyết chương hồi loại lớn và tiểu thuyết chương hồi loại nhỏ:

Tiểu thuyết chương hồi loại lớn còn được gọi là tiểu thuyết trường thiên. Những tác phẩm thuộc loại này thường có dung lượng trên 100 chương [hồi], tiêu biểu có: Tam quốc chí, Thủy hử, Tây du ký, Kim Bình Mai, Hồng lâu mộng, Chuyện làng nho, Long đồ công án. Các tiểu thuyết này không chỉ có dung lượng tác phẩm đồ sộ mà còn có số lượng nhân vật rất lớn, sự kiện nhiều,…

Còn các tiểu thuyết chương hồi loại nhỏ còn được gọi là tiểu thuyết trung thiên. Loại tiểu thuyết này có dung lượng khoảng 30 chương [hồi] trở lại và có nội dung không quá lớn, một số lượng nhân vật nhất định. Tiêu biểu cho loại tiểu thuyết này có tiểu thuyết tài tử giai nhân. Tiểu thuyết tài tử giai nhân đều có chung một kết cấu theo trình tự phát triển của thời gian, diễn biến từ đầu đến cuối, trước sau rõ ràng theo một công thức nhất định: 1. Hội ngộ, 2. Gặp loạn ly tán, 3. Đoàn viên.

Với ưu điểm chặt chẽ, mạch lạc, tạo được tâm lý hồi hộp chờ đợi ở người đọc khiến truyện càng thêm hấp dẫn,… kết cấu chương hồi đã trở thành kết cấu truyền thống mang tính bền vững khó có thể thay thế được. Nhưng những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một mặt tư duy sáng tác của các nhà văn ngày càng phát triển để đáp ứng lại nhu cầu của tầng lớp công chúng mới muốn đọc tiểu thuyết; một mặt chịu ảnh hưởng bởi lối kết cấu hiện đại phương Tây, nên các phẩm càng về sau càng cố gắng thoát khỏi kiểu kết cấu chương hồi. Và chũng ta có thể thấy điều đó thông qua các tác phẩm của Từ Chẩm Á.

Trong các tiểu thuyết chương hồi truyền thống thường chia thành nhiều hồi, mở đầu mỗi hồi thường có một bài thơ ngắn khái quát nội dung hoặc lời chuyển tiếp dẫn chuyện. Kết thúc mỗi hồi lại có có một bài thơ nhằm để thông báo nội dung của hồi tiếp theo để kích thích sự tò mò của người đọc. Các hồi thường được dừng ở những sự kiện đang phát triển đến cao trào, người đọc muốn “biết sự việc thế nào xem hồi sau sẽ rõ”.

Còn trong tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp", Từ Chẩm Á đã dần thoát thai kết cấu chương hồi bằng cách chia các tác phẩm của mình thành nhiều chương thay vì thành từng hồi. Như Ngọc lê hồn và Vợ tôi gồm ba mươi chương; Giấc mộng nàng lê có dung lượng nhỏ hơn, chỉ có mười hai chương. Riêng mở đầu Giấc mộng nàng Lê có lời đề từ của tác giả giống với tiểu thuyết truyền thống:

“Mưa gió cành xuân lụy chứa chan,

Hoa tươi, ái ngại đóa hoa tàn.

Hồng nhan bạc mệnh âu là thế,

Khối hận nghìn thu dập khó tan.”[6;1]

Trong Ngọc lê hồn mỗi chương Từ Chẩm Á có đặt nhan đề để người đọc dễ dàng nắm bắt được nội dung của từng chương và quá trình phát triển của câu chuyện: Chương thứ nhất: Chôn hoa; Chương thứ hai: Khóc đêm; Chương thứ ba: Dạy trẻ; Chương thứ tư: Duyên văn; Chương thứ năm: Tin xuân; Chương thứ sáu: Vắng bạn; Chương thứ bảy: Quá say; Chương thứ tám: Tặng lan; Chương thứ chín: Đề ảnh; Chương thứ mười: Nợ tình; Chương thứ mười một: Sóng lòng; Chương thứ mười hai: Tình địch; Chương thứ mười ba: Thuốc tâm; Chương thứ mười bốn: Ép duyên; Chương thứ mười năm: Xa nhớ; Chương thứ mười sáu: Hội đèn; Chương thứ mười bảy: Vận đen; Chương thứ mười tám: Khóc đôi; Chương thứ mười chín: Lòng thu; Chương thứ hai mươi: Mộng dư; Chương thứ hai mươi mốt: Cầu hôn; Chương thứ hai mươi hai: Tiếng đàn; Chương thứ hai mươi ba: Rứt tình; Chương thứ hai mươi bốn: Mực máu; Chương thứ hai mươi năm: Tin ốm; Chương thứ hai mươi sáu: Hóa duyên; Chương thứ hai mươi bảy: Nỗi riêng; Chương thứ hai mươi tám: Đoạn trường; Chương thứ hai mươi chín: Nhật ký; Chương thứ ba mươi: Qua thăm.

Nếu trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, do tuân theo lớp kết cấu văn bản chia tác phẩm thành từng chương [hồi] các sự kiện, chi tiết trong tác phẩm sẽ được nhà văn sắp xếp thứ tự từ trước đến sau theo thời gian tuyến tính. Mở đầu tác phẩm, tác giả sẽ tường thuật xuất thân, lý do, hoàn cảnh gặp gỡ giữa các nhân vật. Sau đó mới phát triển tiếp câu chuyện. Còn trong các tác phẩm của mình, Từ Chẩm Á thường bắt đầu từ cao trào của tác phẩm.

Trong Vợ tôi, Từ Chẩm Á mở đầu bằng một cuộc chia tay đẫm lệ giữa một đôi nam nữ:

“Đêm khuya canh tàn, khí trời lạnh lẽo, một đôi khả liên trùng kia đang cùng nhau ti tỉ khóc than, bốn bề im lặng, chỉ có tiếng giun kêu ở trong đám cỏ là lẫn với tiếng rên rỉ ấy mà thôi. Cái đêm hôm ấy đêm gì, thật là một cảnh ma kêu quỉ khóc, thê thảm không biết dường nào! Mà chị Nguyệt đa tình kia, vẫn còn quanh quẩn, hình như muốn chụp cái ảnh hai người quyết biệt với nhau lần cuối cùng ấy.”[5;5]

Đây là cách mở đầu câu chuyện mà trước đó chưa có nhà văn Trung Quốc nào thể hiện. Ngay cả Hồng lâu mộng, tác phẩm được xem là đỉnh cao của tiểu thuyết Minh Thanh, cũng chịu ảnh hưởng phần nào từ phương pháp sáng tác phương Tây nhưng vẫn có kết cấu từ trước đến sau rất trình tự và đầy đủ. So với cách mở đầu trong tiểu thuyết truyền thống là ngay từ đầu đã cung cấp hết những thông tin của nhân vật, cách mở đầu câu chuyện của Từ Chẩm Á đã đem lại sự tò mò, mơ hồ cho người đọc. Từ đó, khiến người đọc không thể không liên tiếp đặt những câu hỏi: Đôi khả liên trùng kia là ai? Họ có quan hệ như thế nào? Vì sao lại phải chia tay? Cuộc tình của họ rồi sẽ đi về đâu? Những câu hỏi như thế cứ thôi thúc, lôi cuốn người đọc từ trang này đến trang khác để tìm cho mình câu trả lời.

Hay trong Giấc mộng nàng Lê, mở đầu tác phẩm là hình ảnh một gái mặc chiếc áo rách đứng trong một túp nhà tranh chờ đợi cha mình trở về khiến người đọc không thể nắm bắt được nội dung câu chuyện như thế nào và muốn biết được thực hư, nguyên nhân ra sao thì bắt buộc họ phải theo dõi tiếp câu chuyện:

“Trong túp nhà tranh kia có một người con gái mặc chiếc áo rách vá trăm mụn, đứng trước cửa ngẩn ngơ như có nghĩ ngợi gì. Hồi lâu mặt trời vá đỉnh non tây, các nông phu già trẻ đã vác gầu cuốc gánh cày bừa mà trở về, lần lượt đi qua cửa ngoài, người con gái mới cất cái tiếng run rẩy mà gọi rằng:

Anh Ba ơi, anh có thấy cha tôi đâu không?” [6;1]

Đặc biệt, ở Ngọc lê hồn, Từ Chẩm Á lại đưa tình tiết Mộng Hà đang chôn hoa trông thấy bóng một người thiếu phụ áo trắng:

“Trông thấy ở dưới gốc cây lê, một người con gái áo trắng quần là, dung nhan yểu điệu, dạng bộ đoan trang, đầu không phấn điểm son tô, cũng đã tưởng tượng như một người tiên nữ. Bây giờ đương lúc trăng trong như nước, đêm sáng như ngày, cuối mắt đầu mày, trông rõ mồn một, người đó chăng? hoa hiện hịnh đó chăng? Mái đầu tơ rối, giọt lệ mưa rào, cơn cớ chi đây, tựa bên cây khóc lóc.” [3;11].

Khung cảnh mờ ảo cộng thêm những câu hỏi dồn dập ngay chính người kể đặt ra đã tác động vào trong suy nghĩ của người đọc. Người phụ nữ áo trắng đó là ai? Là người hay hoa? Đây là thực hay mộng? Từ đó, những câu hỏi này cứ kích thích người đọc phải đi tìm câu trả lời. Để rồi khi những thắc mắc đã tìm được lời đáp, người đọc sẽ khó mà quên được hình bóng người phụ nữ đáng thương ấy.

Mặc dù trong tiểu thuyết Vợ tôi và Giấc mộng nàng Lê, Từ Chẩm Á đã có những nỗ lực nhất định nhưng vẫn chưa thoát khỏi những khuôn mẫu của kết cấu truyền thống mà phải đến Ngọc lê hồn, kết cấu tuyến tính mới dần bị phá vỡ và thay vào đó là những dấu hiệu đầu tiên của kết cấu phi tuyến tính. Bởi, tuy trong hai tác phẩm Vợ tôi, Giấc mộng nàng Lê, Từ Chẩm Á đã khéo léo đảo trình sự thời gian, sự kiện lên đầu tác phẩm để kích thích trí tò mò của người đọc, song, sự cách tân cũng chỉ dừng lại đó. Trong Ngọc lê hồn, câu chuyện không chỉ mở đầu bằng chi tiết chôn hoa tạo sự hấp dẫn thu hút người đọc mà đến hai chương cuối, khi Lê Nương chết, quá trình phát triển của câu chuyện tạm dừng và thay vào đó là lời tự bạch của ký giả về mối quan hệ giữa mình và nhân vật Mộng Hà. Sau đó, người ký giả mới tiếp tục kể về số phận của nhân vật Mộng Hà và Quân Thiến thông qua lời kể của một người bạn của ký giả là Hoàng Mỗ và quyển sách nhỏ đề tên Tuyết hồng lệ thảo.

“Tôi cùng Mộng Hà vốn không quen biết gì cả, việc này là nhờ được một người bạn truyền thuật cho nghe. Người ấy cùng Mộng Hà có tình bạn hữu không cần phải nói nữa rồi, và có thể quyết là một người đối với cuốn truyện này có quan hệ […] Mùa đông năm Canh tuất [1910], tôi từ Ngô môn về quê thấy trên án có một phong thư, xem ra thì thư từ của Thạch Si gửi đến. Ngoài phong thư lại có một gói giấy, mở ra xem thì là một mớ tài liệu rất tốt cho một thiên tiểu thuyết ái tình. Bức thư thì là lai lịch của cuốn Ngọc lê hồn”.[3;203, 204].

Ngọc lê hồn không còn lối kết cấu thời gian đơn tuyến như trước, thay vào đó là một thời gian tâm lí và không gian hồi tưởng của nhân vật ký giả. Vì vậy, trong Ngọc lê hồn, người đọc có thể thấy được hai câu chuyện đồng thời được kể lại song song với nhau: một là cuộc câu chuyện về bức thư của Thạch Si, cuộc gặp gỡ giữa Hoàng Mỗ và người ký giả, cùng chuyến đi của Thạch Si và ký giả đến nhà Quân Thiến; hai là chuyện tình giữa Mộng Hà và Lê Nương. Nhờ lối kể chuyện này mà câu chuyện dường như thật hơn, người người đọc càng tò mò hơn, hồi hộp theo dõi diễn biến câu chuyện hơn.

Đến Tuyết hồng lệ sử, tuy cùng một nội dung với Ngọc lê hồn nhưng người đọc không hề cảm thấy nhàm chán vì Từ Chẩm Á đã tái tạo tác phẩm bằng một kết cấu khác. Đó là kết cấu theo hình thức nhật ký được mô phỏng theo Trà hoa nữ, một tiểu thuyết tình cảm của nhà văn Pháp Alexandre Dumas [1824 -1895].

Tiểu thuyết Trà hoa nữ là câu chuyện kể về mối tình giữa nàng kỹ nữ Marguerite và chàng trai quý tộc Duval. Nhưng trong Trà hoa nữ, câu chuyện không kể từ trước đến sau mà được kể lại khi Marguerite đã chết. Trước khi chết Marguerite viết thư cho Duval và nhắn chàng hãy đến tìm lại cuốn nhật ký mà chàng đã từng tặng cho nàng. Duval nhận được thư và chàng tìm mọi cách để mua lại cuốn sách mà chàng đã tặng Marguerite và gặp Julie Duprat để lấy cuốn nhật ký Marguerite đã gửi cho chàng trước khi chết. Tất cả những kỷ niệm trong câu chuyện tình giữa Marguerite và Duval hiện về bên trong cuốn nhật ký ấy. Và sau đó Duval kể lại cho nhân vật “tôi” nghe câu chuyện tình của mình và Marguerite:

“Dù sao đi nữa, tôi phải kể anh nghe câu chuyện này, anh sẽ viết thành sách, có thể chẳng ai tin, nhưng viết nó ra chắc cũng thú vị lắm.

- Anh sẽ kể tôi nghe sau, anh bạn ạ, tôi nói, hiện giờ anh chưa bình phục lắm.

- Đêm thật ấm áp, tôi vừa ăn miếng gà luộc, anh mỉm cười nói, tôi không bị sốt, chúng ta lại rảnh rang tôi sẽ kể hết anh nghe.

- Bởi anh đã nhất quyết rồi, tôi xin nghe đây.

- Câu chuyện thật bình thường, anh nói thêm, tôi chỉ kể theo thứ tự những sự việc đã xảy ra. Nếu sau này, anh có ý định làm gì, cứ trọn quyền sắp xếp!

Sau đây là những gì anh kể, tôi chỉ thay đổi vài chữ trong câu chuyện cảm động này.” [11; 69].

Trong Trà hoa nữ, thời gian hiện tại [khi Marguerite đã chết] và thời gian quá khứ [khi Marguerite còn sống] đan xen lẫn lộn không theo một trình tự thời gian nhất định nào cả:

“Đến đây, Armand dừng lại.

Nhờ anh đóng giùm cửa sổ, tôi bắt đầu thấy lạnh, anh nói. Trong lúc đó tôi sẽ nằm nghỉ.

Tôi đóng cửa sổ lại Armand còn rất yếu, cởi bỏ bộ áo ngủ ngả mình trên giường, tựa đầu trên gối trong giây lát như một người mệt mỏi sau chuyến đi dài hay xao động vì những kỷ niệm buồn đau. “Có lẽ vì anh nói nhiều quá, hay là tôi về để cho anh ngủ? tôi nói - Lúc khác, anh sẽ kể tôi nghe đoạn cuối câu chuyện.

Bộ anh chán rồi à?

Không đâu.

Vậy thì tôi sẽ tiếp tục kể, nếu anh bỏ tôi một mình tôi cũng không ngủ được.

Khi về nhà, - anh kể tiếp, không cần phải suy tưởng nhiều, vì mọi tình tiết vẫn còn biểu hiện trong tâm trí - tôi không ngủ, mà cứ nghĩ ngợi về chuyện tình cờ vừa qua. Gặp gỡ, giới thiệu rồi hứa hẹn của Marguerite, mọi việc xảy ra quá nhanh, ngoài mong ước đến nỗi lúc tôi cứ ngỡ là trong mơ. Tuy nhiên, đây đâu phải là lần đầu tiên một người đàn bà như Marguerite hò hẹn với một gã đàn ông, ngay hôm sau, ngày hắn ta tỏ tình.” [11; 119, 120].

Mô phỏng Trà hoa nữ, trong Tuyết hồng lệ sử, những diễn biến cuộc đời và số phận của các nhân Mộng Hà, Lê Ảnh, Quân Thiến được chính Mộng Hà kể lại từ tháng giêng năm Kỷ Dậu đến tháng bảy năm Canh Tuất. Tháng giêng là thời điểm bắt đầu của cuốn nhật ký, trong phần này, nhân vật Mộng Hà đã tự giới thiệu về mình, hoàn cảnh gia đình và lý do đến làng Loa thôn:

“Tháng giêng [năm Kỷ Dậu 1909]

Hôm nay là ngày tết nguyên đán. Từ khi tôi ra đời đến nay, đã trải tết nguyên đán này đã hai mươi ba lần rồi, bóng xuân như mũi tên bay, mà tôi thì như cái cung, tên bay đi mà cung vẫn ở lại, im phắc như tờ. Năm thì một ngày một mới mà người thì một ngày một cũ đi, mòn mỏi thông minh hết quách rồi, còn đời ngây dại bán cho ai…”[4;13].

Đến tháng hai, Mộng Hà kể lại chuyến đi cùng người bạn là Tử Xuân đến làng Loa thôn và nhận làm gia sư cho cậu bé Bằng lang, cháu nội của gia đình họ Thôi:

“Tháng hai

Tôi cũng bác Tử Xuân xuống đò.

Lênh đênh một chiếc thuyền bồng,

Khối tình ly biệt tấm lòng xót thương.

Sông xuân nổi sóng đoạn trường,

Con đường danh lợi là đường phong ba

Trong khi ngồi thuyền tôi kể chuyện gia tình, Tử Xuân cũng có ý ái ngại mà khuyên giải tôi ,…”[4;16]

Câu chuyện cứ thế tiếp tục, mỗi tháng Mộng Hà lại viết nhật ký một lần để viết lại những việc xảy ra trong tháng đó: từ việc Mộng Hà chôn hoa nhìn thấy Lê Ảnh [tháng hai dư]; Mộng Hà vì bị Lê Nương cự tuyệt rồi uống rượu mà sinh bệnh [tháng ba]; Mộng Hà đưa học trò đi chơi trường học Nga hồ và thề kiếp này không lấy được Lê Ảnh thì cũng không chung tình với ai [tháng tư]; Quân Thiến từ trường Nga hồ trở về, Lê Nương ép Mộng Hà cầu thân với Quân Thiến [tháng năm]; ... Đến tháng Chạp, tức là sau gần một năm Mộng Hà đến làm gia sư cho nhà họ Thôi, Mộng Hà trở về quê, Lê Nương đổ bệnh nặng:

“Tháng chạp

Năm đã sắp hết, mẹ tôi gửi giấy sang giục về, rồi tôi theo lệ nhà trường sát hạch học trò, bận mất mấy ngày. Hôm nay công việc đã xong, định đến sáng mai thì về. Mà Thạch Si thì chắc sắp đến áp tết mới về, tôi không thể đợi được, mà Lê Ảnh cũng không dám lưu luyến.”[4;129]

Từ đó trở đi, suốt sáu tháng liền, Mộng Hà không viết nhật ký nên. Sau khi Quân Thiến chết vào ngày 17 tháng 6 năm Canh tuất, Mộng Hà mới viết tiếp nhật ký để kể lại cái chết của Lê Nương và Quân Thiến:

“Từ tháng giêng cho đến tháng sáu năm canh tuất

Bước sang năm nay, tôi chưa chép nhật ký, đến bây giờ đã là tháng bảy rồi. Trong cuộc đoạn tràng ấy, rút lại chỉ có một năm rưỡi mà trong hồi nửa năm sau, những việc mắt trông thấy lại càng như gió cuốn mây bay, phút chốc đã tan tành hết cả.”[4;132].

Kết cấu dưới hình thức nhật ký, câu chuyện sẽ được kể từ điểm nhìn ngôi thứ nhất của chính nhân vật Mộng Hà nên thế giới nội tâm, tâm trạng và suy nghĩ của nhân vật hiện lên một cách trung thực và tự nhiên. Bởi vì, nhật ký là những ghi chép về hiện tại, với những sự kiện xảy ra từng ngày, từng tháng và có giá trị riêng tư nên tạo cho người đọc sự tin tưởng về tính chân thực của câu chuyện.Và những đặc trưng cũng như tác dụng của hình thức nhật ký sẽ được chúng tôi đề cập sâu hơn trong phần nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.

Bên cạnh sự thay đổi trật tự các sự kiện, chi tiết trong tác phẩm, tiểu thuyết của Từ Chẩm Á còn thay đổi kết thúc đòan viên. Trong tiểu thuyết truyền thống, kết thúc người con trai thường đạt được công danh trở về, người con gái thường chung thủy đợi chờ chứ nhất quyết không chịu lấy ai, đặc biệt ở một số tác phẩm kết thúc nhiều nhân vật nữ cùng lấy một người. Theo Trần Đình Sử: “Kết thúc đoàn viên thể hiện nhân sinh quan lạc quan của người phương Đông, thể hiện vũ trụ quan tin vào Thần Phật phù hộ, thể hiện quan niệm nghệ thuật phương Đông là thích chữ hòa, lấy cái điền viên để xoa dịu mọi bi kịch của cuộc đời.” [26; 203]. So với kiểu kết thúc có hậu này, Từ Chẩm Á đã mang lại sức sống mới chân thực hơn cho các tác phẩm của mình bằng những kết thúc không có hậu, theo hướng bi lụy, đau buồn để từ đó tạo sự ám ảnh, suy tư cho người đọc.

Tuy kết cấu tuyến tính đã trở thành kết cấu điển hình cho sự toàn vẹn, khuôn mẫu. Thế nhưng, văn học đã sang một trang mới, kết cấu an toàn này không còn mang lại cho người đọc sự thích thú và lôi cuốn như thuở ban đầu. Vì vậy, các nhà văn cận đại mà tiểu biểu là Từ Chẩm Á đã nỗ lực cách tân kết cấu chương hồi trong tiểu thuyết truyền thống. Và trong quá trình vận động, kết cấu của những tiểu thuyết trong giai đoạn này dần dần thoát ly những yếu tố truyền thống và hướng đến những biểu hiện của kết cấu hiện đại. Với kết cấu hiện đại, nhà văn sẽ tạo những dấu ấn độc đáo, mới mẻ cho tác phẩm và khiến tác phẩm lôi cuốn người đọc hơn. Đồng thời, vai trò của người đọc càng được nâng cao hơn. Bởi vì, người đọc không còn là kẻ thụ động mà trở thành người đi khám phá những quy luật sáng tạo của nhà văn thông qua tác phẩm bằng sức tưởng tượng và sự trải nghiệm của riêng mỗi người. Đây chính là một trong những hiểu hiện của loại kết cấu hiện đại theo khuynh hướng sáng tác phương Tây.

3.2. Cốt truyện

Bên cạnh kết cấu, một trong những phương diện nghệ thuật đầu tiên để xây dựng cũng như đánh giá sự hấp dẫn của một tác phẩm chính là cốt truyện. Nếu kết cấu là cách tổ chức, sắp xếp các chi tiết, sự kiện thì cốt truyện là: “một hệ thống các tình tiết, sự kiện, biến cố phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các nhân vật, các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm.” [16;172].

Trong văn học cổ điển Trung Quốc, với kết cấu sự kiện đơn tuyến, cốt truyện có một vị trí quan trọng trong việc sắp xếp tổ chức chuỗi sự kiện mạch lạc, chặt chẽ và đúng như theo Từ điển thuật ngữ Văn học, “một cốt truyện chuẩn mực phải mang đầy đủ năm thành phần: trình bày - khai đoạn [thắt nút] - phát triển - đỉnh điểm [cao trào] và kết thúc [mở nút].” [19;325]. Mặc dù trong thực tế không phải tác phẩm nào cũng đầy đủ năm thành phần này, nhưng đây là tiêu chí chung để xác định cốt truyện của một tác phẩm văn học.

Trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, đặc biệt là tiểu thuyết tài tử giai nhân, cốt truyện có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi, tiểu thuyết tài tử giai nhân thời Minh Thanh tuy đã có những nét mới nhưng nghệ thuật xây dựng nhân vật còn bị hạn chế, hầu như các tác giả chưa quan tâm đến việc miêu tả tâm lý nhân vật. Vì vậy, cốt truyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bộc lộ và quyết định tính cách, số phận nhân vật. Hơn nữa với kết cấu tuyến tính, người đọc sẽ có cảm giác dàn trải về thời gian và rất nhàm chán. Nếu không có những sự kiện, những xung đột tạo sự thử thách sẽ không đem lại cảm giác mới mẻ và lôi cuốn họ.

Tiểu thuyết tài tử giai nhân thời Minh Thanh có cốt truyện khá rõ ràng đầy đủ năm thành phần. Câu chuyện thường bắt đầu bằng sự gặp gỡ tình cờ của đôi tài tử giai nhân trong một khung cảnh thiên nhiên trữ tình và tươi đẹp. Và trong lần gặp gỡ đầu tiên, đôi tài tử giai nhân lập tức nảy sinh tình cảm với nhau. Sau khi gặp gỡ, đính ước, tai biến ập đến, đôi lứa yêu nhau bị chia rẽ vì nhiều lí do: Kẻ tiểu nhân phá rối, có người cậy quyền thế muốn ép duyên, do gia đình ngăn cản, hoàn cảnh loạn lạc. Nhưng bằng tình yêu chung thủy, đôi tài tử giai nhân đã vượt qua những trắc trở, gian nan do kẻ gian hãm hại và những ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến để được đoàn viên.

Thông thường, cốt truyện truyền thống luôn gắn với hai loại nhân vật chính diện và phản diện. Bởi, sự phát triển của hành động, của tiến trình các sự kiện thường xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai loại nhân vật này. Và những biến cố trong cuộc đời nhân vật chính thường do nhân vật phản diện gây ra, hay có nghĩa là nhân vật phản diện đóng vai trò thử thách nhân vật chính.

Trong Giấc mộng nàng Lê, cốt truyện vẫn dựa trên những sự kiện, biến động từ bên ngoài và có vai trò quyết định cuộc đời nhân vật. Bắt đầu từ khi người mẹ kế của Lê Vân trộm hết tiền của bỏ trốn cùng nhân tình nên cha nàng phải bán nàng làm thị tì cho nhà họ Húc. Sau khi đến nhà họ Húc, Lê Vân được Húc phu nhân thương tình lại được Huệ Xuân yêu mến cho làm thị tỳ của Huệ Xuân. Trong nhà họ Húc ngoài Huệ Xuân ra còn có một người con trai trưởng tên là Kiếm Hoa, và người cháu ruột của Húc phu nhân tên là Giát Phu. Ngay lần đầu gặp gỡ Lê Vân, Kiếm Hoa và Giát Phu đều nảy sinh tình cảm. Nhưng vì Huệ Xuân vốn thầm yêu Giát Phu từ lâu nên tìm cách đuổi Lê Vân đi. Còn Giát Phu đến kinh làm thư ký. Nhưng vì quá thương nhớ Lê Vân mà chán nản việc đời, theo nghề kép hát. Bất ngờ trong một lần diễn vở Tử Tư sang Ngô, chàng gặp lại Lê Vân. Nhưng vì lời hứa với Huệ Xuân nên Lê Vân lại tiếp tục bỏ đi đến Thượng Hải. Không may đến Thượng Hải, Lê Vân gặp lại Chu thị, mẹ kế của mình. Nàng bị Chu thị lừa nhốt vào nhà thổ để phục vụ khách làng chơi. Về phần Giát Phu, sau khi nhận được tin Huệ Xuân ốm nặng, lập tức trở về. Nhưng ngờ đâu, Huệ Xuân ân hận vì đã đuổi Lê Vân đi và muốn Giát Phu tìm Lê Vân trở về. Giát Phu nghe theo lời Huệ Xuân đến Thượng Hải giải cứu được Lê Vân. Nhưng khi trở về, Huệ Xuân cũng trút hơi tàn. Sau đó Lê Vân và Giát Phu kết hôn với nhau. Nhưng về lễ nghĩa, Lê Vân vẫn xem mình là thứ, xem Huệ Xuân là chính. Còn Kiếm Hoa nhìn tấm gương Huệ Xuân mà sợ ái tình, quyết định đi du học.

Cốt truyện của Vợ tôi cũng tương tự cốt truyện của Giấc mộng nàng Lê, được xây dựng trên cơ sở những xung đột, sự kiện. Những sự kiện này cứ xâu chuỗi, thúc đẩy nhân vật hành động và câu chuyện phát triển cho đến khi tác phẩm kết thúc.

Cha Thu Tinh xưa vốn làm quan thanh liêm nên gia cảnh khốn khó. May được cha nàng Ngọc Tiêm cứu giúp và cưu mang. Khi còn nhỏ, hai bên gia đình đã đính ước cho Thu Tinh và Ngọc Tiêm. Nhưng sau đó cha của chàng Thu Tinh mất, chàng phải sống nương nhờ vào gia đình Ngọc Tiêm. Vì gia cảnh bần hàn, không có tương lai, lại thêm bị người cậu của nàng Ngọc Tiêm là Tiết Tử Hành đem lòng thù hận bày kế phá hôn ước của chàng Thu Tinh và đem bán nàng Ngọc Tiêm cho Kim Trường Nguyên.

Sau khi nàng Ngọc Tiêm kết hôn cùng Kim Trường Nguyên, chàng Thu Tinh theo người cùng làng tên Trần Đại Lang lên Thượng Hải. Tại đây, Thu Tinh gặp Tống Ngọc Khanh. Vốn khi xưa cha của Tống Ngọc Khanh mang ơn cha của Thu Tinh nên trước khi mất để lại di chúc phải tìm gia đình Thu Tinh để đền ơn. Thu Tinh được Tống Ngọc Khanh rủ về nhà mình ở Cáp Nhĩ Tân sống và cho chàng mượn vốn làm ăn. Trong vòng hai năm, Thu Tinh đã trở thành thương gia giàu có. Tống Ngọc Khanh lúc này mới đem bức chúc thư của cha mình để lại đưa cho Thu Tinh, ý muốn gả em mình là Tâm Sử cho Thu Tinh. Nhưng Thu Tinh một mực từ chối và nói mình đã có vợ rồi.

Một lần Thu Tinh nằm mơ thấy Ngọc Tiêm nằm trong quan lại nhà họ Kim rồi đau buồn mà sinh bệnh. Nhờ có Tâm Sử hết lòng chăm sóc mà Thu Tinh thoát chết. Ngọc Khanh nhân đó rủ Thu Tinh đến Trường Xuân chơi. Tại đây, Thu Tinh gặp và giải cứu cho nàng Uyển Phương. Uyển Phương vốn là vợ của Tiết Tử Hành, nhưng vì đánh bạc thua mà bán cho Kim Trường Nguyên làm lẽ. Sau khi Kim Trường Nguyên chết, Uyển Phương và Ngọc Tiêm được trở về nhà họ Tần. Nhưng Tần Vọng Vân bị bệnh nặng, muốn tìm lại Thu Tinh nên Uyển Phương tự nguyện mang thư của Ngọc Tiêm đi tìm chàng. Không ngờ nàng lại bị bán vào lầu xanh, may nhờ Thu Tinh chuộc cứu.

Khi nhận được thư của Ngọc Tiêm, lập tức trở về. Lúc này, bệnh Tần Vọng Vân đã đến hồi nguy kịch. Tần Vọng Vân muốn gả người con gái thứ hai là Minh Hà cho Thu Tinh để chuộc lỗi lầm nhưng Thu Tinh nhất quyết không đồng ý. Cuối cùng để Thu Tinh chấp nhận kết hôn cùng Minh Hà, Ngọc Tiêm quyết tâm đổ bệnh mà chết. Sau Thu Tinh nghe theo lời trăn trối của Ngọc Tiêm kết hôn cùng Minh Hà và có hai con trai nhưng cuối cùng chàng để lại lá thư và bỏ đi.

Trong Giấc mộng nàng Lê, Vợ tôi, ngoài những yếu tố mới do sự thay đổi của thời đại như số lượng những mâu thuẫn, xung đột từ bên ngoài giảm dần, một số yếu tố miêu tả tâm lý bắt đầu xuất hiện thì cốt truyện vẫn đầy đủ những yếu tồ cần thiết của cốt truyện truyền thống. Tức là cốt truyện được xây dựng chủ yếu trên các đột biến của tiến trình sự kiện, trong đó mọi quyết định, hành động của nhân vật có vai trò chủ yếu.

Khác với Giấc mộng nàng Lê, Vợ tôi, trong cốt truyện của Ngọc lê hồn, những mâu thuẫn, xung đột bên ngoài ngày càng trở nên thiếu vắng và thay vào đó những mâu thuẫn bên trong nhân vật được Từ Chẩm Á đặt lên hàng đầu. Vì vậy, sự kiện trong Ngọc lê hồn không nhiều và không đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định số phận của nhân vật, mà tác giả bắt đầu chú trọng vào việc miêu tả trạng thái tâm lý nhân vật, miêu tả thiên nhiên trữ tình nhiều hơn. Cốt truyện Ngọc lê hồn có thể chia thành các phần chính như sau:

Hà Mộng Hà do gia cảnh khó khăn nhận lời mời về dạy ở một trường tiểu học do Tần Thạch Si, một người tân học rất có danh giá lập ra. Rồi cũng trong dịp này, Mộng Hà được cụ Thôi mời về dạy cho thằng cháu mới lên tám tuổi tên là Bằng Lang. Bằng Lang sớm mồ côi cha, ở với ông nội và người mẹ góa trẻ tuổi tên là Bạch Lê Ảnh. Tình thầy trò khăng khít giữa Mộng Hà và Bằng Lăng khiến Lê Nương vô cùng cảm kích.

Vào một hôm Lê Ảnh đang ngoạn cảnh trong vườn thì bắt gặp “lê hoa hương trũng” [mồ thơm hoa lê] do Mộng Hà vì thương hoa mà đem chôn, đắp lên phần mộ. Lê Ảnh trông thấy mộ hoa mà thương phận mình, nhân đấy lại càng cảm thông Mộng Hà. Thông qua trung gian bé Bằng Lang, Mộng Hà và Lê Ảnh trao đổi thư từ rồi nảy sinh tình yêu.

Sau khi hai người thổ lộ tình cảm với nhau, Lê Ảnh lại sợ chuyện tỉnh cảm hai người sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Mộng Hà nên ngỏ ý muốn chàng kết hôn với em chồng mình là Quân Thiếu. Mộng Hà một mực không chấp nhận chia tay, thề nếu không lấy được Lê Ảnh thì trọn đời không lấy ai. Lê Ảnh ốm càng ngày càng nặng, thêm vào đó mỗi tình giữa hai người lại bị thầy giáo Lý, người dạy chung trường với Mộng Hà phát hiện. Vì vậy, Mộng Hà đành phải nhượng bộ, chiều theo ý nàng kết hôn cùng Quân Thiếu, một cô học sinh trường nữ học.

Mộng Hà dù đồng ý kết hôn với Quân Thiếu nhưng vẫn thầm yêu Lê Ảnh còn Quân Thiếu thì hoàn toàn không biết gì về mối tình thầm vụng giữa hai người. Để chấm dứt với Mộng Hà, Lê Ảnh gửi cho chàng một cái khăn bọc một tập thơ, một nắm tóc và một lá thư đoạn tuyệt. Mộng Hà xem xong tờ giấy gục đầu xuống gối xếp, nước mắt chứa chan. Sau đó ngóc đầu dậy lấy tờ giấy trắng, rồi cắn đầu ngón tay lấy máu viết thư phản đối quyết định của Lê Ảnh.

Nhận được huyết thư, Lê Ảnh quyết định mình phải chết để Mộng Hà có thể quên hẳn nàng và dành tình cảm cho Quân Thiếu. Khi Mộng Hà về thăm nhà, Lê Ảnh bệnh nằm liệt giường. Mặc cho Quân Thiếu hết lòng chăm sóc, nàng từ chối thuốc thang rồi ho ra máu mà chết. Lê Ảnh chết để lại hai chúc thư cho Quân Thiếu và Mộng Hà. Quân Thiếu nhân đọc được bức di thư của Lê Ảnh mà biết được mối tình của chị dâu và Mộng Hà. Quân Thiếu bị chấn động mạnh, ngã bệnh rồi cũng chọn cái chết như Lê Ảnh và để lại cho Mộng Hà một tập nhật ký. Sau khi đọc được nhật ký của Quân Thiếu, Mộng Hà mới hiểu lý do vì sao nàng chọn cái chết. Theo như ước nguyện của Lê Ảnh, Mộng Hà sang Nhật lưu học để về phục vụ đất nước. Khi khởi nghĩa Vũ Xương nổ ra, Mộng Hà ném bút tòng quân, xông pha chiến địa, rồi tử trận với tập Tuyết hồng lệ thảo bao gồm thư từ, xướng họa giữa nàng và Lê Nương luôn mang trong mình.

Theo như các phần diễn biến trên, có thể thấy trong Ngọc lê hồn, những sự kiện từ bên ngoài tác động vào sự phát triển của câu chuyện và tính cách nhân vật rất ít mà cơ sở của truyện chủ yếu là những thay đổi trong tâm lý, nhận thức của nhân vật. Bởi trong Ngọc lê hồn cốt truyện thường được xen kẽ bằng những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật, những bức thư và bài thơ đối đáp giữa Mộng Hà và Lê Nương. Nhờ những đoạn miêu tả tâm lý, những bức thư và bài thơ mà đời sống bên trong nhân vật Mộng Hà, Lê Nương, đều được hiện lên sắc nét: từ những biểu hiện, những thay đổi trong tâm hồn nhân vật vào lần đầu gặp gỡ, cảm giác hạnh phúc khi tìm được người tình tri âm tri kỷ, đau đớn khi bị khước từ hay dằn vặt vì những hậu quả do mình gây ra,… Cốt truyện cứ thế đi sâu vào từng sự kiện bên trong, những gì diễn ra mãnh liệt nhất, dữ dội nhất trong tâm hồn nhân vật. Và do đó, cốt truyện của Ngọc lê hồn không đơn thuần là hàng loạt hành động được sắp xếp theo một trình tự nhất định mà nó đi sâu vào mâu thuẫn bên trong nhiều hơn.

Từ Ngọc lê hồn, cốt truyện truyền thống đã bắt đầu suy yếu về sự kiện, tình tiết ly kỳ và thay vào đó là phương thức miêu tả tâm lý. Nhưng đến Tuyết hồng lệ sử, do tính chất của thể loại nhật ký, cốt truyện lại càng trở nên mờ nhạt và đóng vai trò thứ yếu trong tác phẩm. Ngọc lê hồn được người ký giả viết lại dựa trên lời kể của người bạn Mộng Hà là Thạch Si nên chủ yếu là kể. Còn Tuyết hồng lệ sử là tiểu thuyết được viết dựa trên tập nhật ký của Mộng Hà, nên so với Ngọc lê hồn, những đoạn miêu tả tâm lý, những bức thư thể hiện tâm trạng của nhân vật trong Tuyết hồng lệ sử có mật độ dày đặc hơn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều đó thông qua trích đoạn tiêu biểu từ trang 24 đến trang 30. Trong trích đoạn này, Mộng Hà chủ yếu tâm kể lại tâm trạng của mình và thuật lại nội dung hai bức thư mà Mộng Hà và Lê Nương đã gửi cho nhau:

Trang 24-25

“Thưa rằng:

Mộng Hà chẳng may mười năm xấu số, ba tháng lìa nhà: gió sớm trăng khuya, vườn đào chốn cũ, sông xuân nước biếc, đất khách con thuyền, song khi đến may gặp cụ lại có lòng yêu, đón về ở đây để trong nom sự học cho cháu, tôi cũng biết cái lòng đãi khách hậu lắm, không biết lấy gì mà báo đền được…”

“Mộng Hà kính thư”.

Trang 25 - 28

“Thưa rằng:

Bức thư đưa sang, bóng đèn hoa mắt. Thắp hương đọc khắp lời văn châu báu để xui người thương cảm lắm. Bể trần mông mênh, buồng xuân lạnh lẽo, hãy còn có người nghĩ đến kẻ bạc mệnh này nữa ư! Thế thì Lê Ảnh may lắm, nhưng chính là sự rất không may cho Lê Ảnh, Lê Ảnh không ra gì, lọt lòng mẹ, đã đeo ngay khối sầu ra; biết chữ chi trưng phô tài cho con Tạo ghét…”

“Lê Ảnh kính thư”.

Bên cạnh đó, thơ ca trong Tuyết hồng lệ sử không phải chỉ là để giữ nhịp thư thái cho giọng truyện nữa mà trở thành một công cụ đắc lực, gắn chặt với cốt truyện, để từ đó, ngòi bút của tác giả đã khám phá sâu hơn vào tâm hồn, vào thế giới tình cảm của nhân vật với những khát khao, đau khổ, dằn vặt giữa nhu cầu và đạo đức, giữa tình yêu và bổn phận:

Trang 24:

“Gặp nhau duyên nợ ba sinh.

Đố ai ngoảnh mặt làm thinh cho đành.

Thư này mình lại than mình,

Thử đưa cho khách hữu tình xem sao!”

Trang 25:

“Gặp nhau duyên nợ lần này,

Trăm năm cũng gọi một ngày tương tri

Thương ôi một khối tình si.

Trừ câu thơ nữa lấy gì cho nhau?

Nghì thu còn lúc bạch đầu,

Thư đi, từ lại với nhau là tình!”

Trang 27:

“Kiếp xưa đã vụng đường tu,

Duyên kia đành phải hẹn hò kiếp sau!”

Trang 28:

“Khối tình một mảnh con con,

Viết ra mực hết hãy còn lê rơi.”

Hay:

“Đa tình ta lại biết ta

Một lời tri kỷ ấy là yêu nhau”

Trang 29:

“Trách gió đông phong chẳng biết gì,

Chôn hoa có biết mảnh tình si?

Bên hoa tiếng sáp ai von véo,

Sầu buổi tà dương sắp lặn đi.

Hồn mê mẩn,

Lệ đầm đìa,

Đau lòng viết một khúc tân thi.

Cành hoa có ý xuôi dòng nước,

Bóng nguyệt vô tình hỏi thiếp chi?”

Từ những bài thơ và câu thơ trên, có thể thấy trong Tuyết hồng lệ sử, mỗi trang nhật ký của Mộng Hà đều vương vãi một vài bài thơ hoặc ít nhất là đôi câu thơ ngắn. Và những bài thơ, câu thơ này góp phần tạo nên tinh thần của cốt truyện cũng như đạt hiệu quả rất cao trong việc miêu tả tâm lý nhân vật mà chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn ở phần sau.

Thông qua những bức thư, những bài thơ trong Tuyết hồng lệ sử, Từ Chẩm Á đã vượt qua được cốt truyện hành động, sự kiện và đang ngày hướng đến cốt truyện tâm lý mà trong đó những diễn biến, những xung đột nội tâm của nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện. Và từ đó, so với các tiểu thuyết truyền thống, Từ Chẩm Á đã làm tăng thêm giá trị, ý nghĩa cho tác phẩm của mình. Đây cũng chính là một trong những biểu hiện của tiểu thuyết hiện đại mà rất nhiều những nhà văn trên thế giới đã thành công, đặc biệt là nhà văn Nga Chekhov.

3.3. Nhân vật

Trong một tác phẩm văn học, đặc biệt là tiểu thuyết, nhân vật chính là thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người. Các thành tố tạo nên nhân vật gồm: “hạt nhân tinh thần của cá nhân, tư tưởng, các lợi ích đời sống, xúc cảm, ý chí, các hình thức ý thức và hành động”.[19; 1254]. Nếu không có nhân vật, tất cả mọi sự tồn tại đều vô nghĩa, vì vậy, khi nghiên cứu nghệ thuật của tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" không thể không nghiên cứu dưới góc độ nhân vật.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tiểu thuyết Trung Quốc cũng được phân thành nhiều loại khác nhau. Lỗ Tấn chia tiểu thuyết đời Minh làm bốn loại: giảng sử, thần ma, nhân tình thế thái, tiểu thuyết thị dân; tiểu thuyết đời Thanh ông chia thành sáu loại: giảng sử, châm biếm, nhân tình, hiệp tà, hiệp nghĩa, khiển trách. Còn Lâm Ngữ Đường chia tiểu thuyết Minh Thanh ra tám loại: nghĩa hiệp, thần quái, lịch sử, ái tình, dâm đãng, tả chân xã hội, phúng thích xã hội, lý tưởng và đoản thiên tiểu thuyết. Lương Duy Thứ lại chia tiểu thuyết Minh Thanh làm năm loại: lịch sử, nghĩa hiệp, thần ma, nhân tình thế thái và đoản thiên tiểu thuyết,…Về cách phân loại tiểu thuyết chưa có sự thống nhất theo một tiêu chí rõ ràng. Nhưng nhìn chung dù là theo cách phân loại nào thì mỗi loại tiểu thuyết sẽ có số lượng nhân vật và loại hình nhân vật mang đặc trưng riêng phù hợp với loại tiểu thuyết đó. Như Tây du ký, Thủy Hử, Phong thần diễn nghĩa, đặc biệt Tam quốc diễn nghĩa là những cuốn tiểu thuyết có một số lượng nhân vật lớn. Các nhân vật trong mỗi tác phẩm cũng không giống nhau: Tây Du Ký có cả người, tiên, phật, yêu quái…; Tam quốc diễn nghĩa toàn là binh tướng. Còn trong tiểu thuyết tài tử giai nhân, do dung lượng ngắn nên số lượng nhân vật không nhiều, khoảng vài chục người và được miêu tả theo hai tuyến nhân vật: nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Đến tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp”, số lượng nhân vật ngày càng thu hẹp lại, trên dưới chỉ khoảng mười người. Đặc biệt, ranh giới phân chia giữa nhân vật chính diện và phản diện ngày càng mờ nhạt. Có những tác phẩm không hề xuất hiện loại nhân vật phản diện như Ngọc lê hồn, Tuyết hồng lệ sử. Điều này có thể là do ảnh hưởng của phương pháp sáng tác phương Tây, nhưng còn có thể là do trong sự phát triển của tư duy sáng tạo. Giai đoạn này, những nhà văn Trung Quốc dần nhận ra rằng mối mâu thuẫn, xung đột lớn nhất, nguy hiểm, day dẳng nhất không phải xuất phát từ bên ngoài mà nó đi ra từ trong đời sống tâm lý của họ. Vì vậy, trong phần này chúng tôi sẽ đi vào nghiên cứu hình tượng tài tử và giai nhân trong tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp", đặc biệt ở khía cạnh nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật

3.3.1. Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật

Tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp", cũng lấy hình mẫu là tài tử - giai nhân. Vì vậy, các nhân vật cũng được miêu tả dựa trên lý tưởng phong kiến: Các nhân vật nam thì phải phong lưu tuấn tú; các nhân vật nữ thì phải xinh đẹp, tài hoa, đều là những người tài mạo song toàn.

Nhưng trong các tiểu thuyết tài tử giai nhân, chàng trai nhất định phải xuất thân từ gia đình quan quyền hoặc thế gia, còn những cô gái thì nhất định phải hết sức xinh đẹp, lại chỉ yêu tài chứ không thích kiếm tiền và quyền thế. Và riêng người con trai thì nhất định là một nhân tài xuất chúng, việc thi đỗ tiến sĩ hoặc trạng nguyên là việc dễ dàng. Vì vậy, nhân vật có phần thoát ly cuộc sống thực tế. Còn nhân vật trong tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" có những nét phát triển mới, gần với hiện thực hơn.

Trong tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp", yếu tố “thiên tài” đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình tượng nhân vật nam. Ngay từ khi sinh ra những người này đã khác với người thường, dung mạo lẫn tư chất đều phải hơn người, đặc biệt là văn chương, thơ ca. Nhưng do sự thay đổi của thời đại, nhân vật nam thường là đại diện cho tầng lớp tri thức không được xã hội thừa nhận. Họ không tìm được sự đồng cảm và luôn phải sống trong cuộc sống nghèo khổ. Và bản thân những nhân vật này cũng xa lánh cuộc sống bình thường bởi vì họ theo đuổi lí tưởng sống cao hơn cuộc sống thực tại.

Giát Phu [Giấc mộng nàng Lê] phải qua nhà cô là Húc phu nhân tá túc ăn học. Xét về dung mạo lẫn tài năng đều có phần hơn người em họ mình là Kiếm Hoa. Nhưng về sau gia đình khó khăn phải dừng việc học để về nhà phụ giúp cha trông coi việc làm ăn, buôn bán của gia đình. Sau lên kinh là thư ký nhưng “hễ nơi nào đã thấy có ý ham mê thì liền bỏ không đến nữa, bởi vì con người thương tâm có riêng mang một tấm hoài bão, vốn khác tôn chỉ với những kẻ tầm thường dong dả chơi hoang”.[6; 53]. Cuối cùng lại “nặng tấm lòng chán đời” bỏ bê công việc, học hành mà theo nghề kép hát “cho thỏa cái khí bất bình uất ức”.[6;53].

Thu Tinh vốn con nhà quan lại nhưng lại sống thanh bạch nên thuê nhà ở của Tần Vọng Vân. Cũng giống như Giát Phu, Thu Tinh không có đủ điều kiện thuê thầy về học nên học nhờ một ông gia sư nhà họ Tần. Sau này nhà họ Tần không thuê gia sư nữa, Thu Tinh phải ra học trường. Nhưng đến năm Thu Tinh hai mươi tuổi, cha chàng và mẫu thân lần lượt qua đời. Nhà cửa ngày càng sa sút, một thân một mình, hai bàn tay trắng, phải ăn nhờ ở đậu nhà họ Tần. Sau đó, Thu Tinh phải bỏ học mà quay ra buôn bán, trông nom công việc để báo đáp cho nhà họ Tần

Mộng Hà [Ngọc lê hồn, Tuyết hồng lệ sử] vốn là con nhà gia thế, người cha trước là nhà Nho hay chữ trong vùng. Khi sinh, người mẹ lại nằm mơ thấy một đám mây ngũ sắc từ trên trời sa xuống, dung mạo hơn người, tư chất thông minh, tài hoa đủ cả nhưng mười năm đèn sách, đi thi hai lần sơ học đều không đỗ. Về sau vào trường Sư phạm Lưỡng Giang dạy học mà thi đậu ưu đẳng. Nhưng từ khi người cha qua đời, Mộng Hà cũng phải đi tìm kế sinh nhai mà đến làm gia sư cho nhà họ Thôi.

Đối với người nam giới, một thuộc tính đặc biệt quan trọng là “thiên tài”. Nhưng “thiên tài” này không chỉ là giỏi tài thơ văn như những tài tử trong tiểu thuyết tài tử giai nhân mà nó còn là một người thấu hiểu và sự cảm thông đối với người khác, hay có thể gọi là người có tâm hồn đa cảm. Cũng giống như nữ giới, nhân vật nam cũng dễ dàng ngã bệnh, và dễ bộc lộ cảm xúc.

Còn đối với phụ nữ, “vẻ đẹp” là yếu tố đặc trưng hàng đầu như yếu tố “thiên tài” trong nguyên tắc xây dựng hình tượng nhân vật nam. Vẻ đẹp nhân vật nữ luôn được miêu tả bằng những hình ảnh mỏng manh, yếu đuối và có một tấm lòng nhân hậu, đồng cảm với số phận trắc trở của nhân vật nam. Nhân vật này cũng có tài năng thiên bẩm về văn chương. Đặc biệt họ là là những người phụ nữ nhạy cảm, dễ khóc, nhanh ngã bệnh. Và những người phụ nữ này không nhất thiết phải xuất thân từ gia đình quyền quý. Có người là góa phụ [Bạch Lê Nương - Ngọc lê hồn, Tuyết hồng lệ sử], có người gia cảnh lụi bại phải đem bán thân làm con hầu cho gia đình quyền quý [Lê Vân - Giấc mộng nàng Lê], có người bị ép gả làm vợ lẽ [Ngọc Tiêm - Vợ tôi].

Những đặc điểm trên đã tạo thành mô hình nhân vật chung trong tiểu thuyết Từ Chẩm Á. Tuy có thể trong quá trình sáng tác, Từ Chẩm Á lấy nguyên mẫu nhân vật từ thực tế nhưng đây không phải là loại nhân vật điển hình mà là loại nhân vật lý tưởng Từ Chẩm Á muốn hướng đến trong tác phẩm của mình. Và để xây dựng những nét đặc trưng về hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp", Từ Chẩm Á cũng tiếp thu những nét tinh tế từ nghệ thuật truyền thống trong khi xây dựng tính cách nhân vật. Trong đó đặc biệt là bút pháp tượng trưng ước lệ được để miêu tả ngoại hình nhân vật còn hành động để làm nổi bật lên tính cách nhân vật.

3.3.1.1. Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật thông qua ngoại hình

Một trong nhưng phương diện nghệ thuật xây dựng nhân vật không thể thiếu trong tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc là miêu tả tính cách thông qua ngoại hình của nhân vật. Cách miêu tả nhân vật trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc một mặt tuân theo công thức khoa trương ước lệ, mặt khác cái nhà văn rất chú ý đến thần thái nhân vật và coi việc truyền đạt được thần thái ấy là một yêu cầu quan trọng trong việc khắc họa nhân vật. Có nhiều thuyết cho rằng, cách miêu tả này có lẽ bắt nguồn từ một truyền thống hội họa nổi tiếng ở Trung Quốc. Vào thời Đông Tấn, Cố Khải Chi là người đầu tiên đưa ra chủ trương “lấy hình để tả thần”, cố gắng truyền đạt lại tính cách của nhân vật một cách tỉ mỉ, sinh động, vừa miêu tả được cái vẻ đẹp bên ngoài lại vừa phải lột tả được cái thần thái bên trong của nhân vật. Đến đời Tống lại có bút pháp chấm phá trong những bức tranh thủy mặc, mà sau này Tưởng Ký đời Thanh đã đúc kết lại là “thần tại lưỡng mục, tình tại tiểu dung” [thần ở đôi mắt, tình ở vẻ cười]. Và lục pháp luận của Tạ Hách đời Nam Tề [thế kỷ V] được xem là kiệt tác lý luận của quốc họa Trung Hoa.

Lục pháp luận của Tạ Hách là lý luận hội họa được Tạ Hách đúc kết lại từ quan niệm cũng như kinh nghiệm của các họa sư Trung Hoa thời kỳ trước đó. Trong đó “khí vận sinh động” là yếu tố quan trọng tạo nên thần thái cho nhân vật. Cũng giống như con người, mỗi người có những đặc điểm khác nhau nhưng có những người giống hệt nhau vẫn tạo ra cho người xem cảm giác khác nhau. Đó là bởi vì: “Sự vận động của khí sinh ra sức sống. Trong hội họa, khí vận là cái thần của bức tranh, là giá trị của đạo ẩn tàng trong tranh. Còn trong văn học, khí vận là yếu tố chi phối sâu sắc việc miêu tả nhân vật mà tạo thành cái mà chúng ta gọi là thần thái của nhân vật. [27; 47]. Một nhà văn dù miêu tả nhân vật có đẹp đến đâu mà thiếu thần thái cũng xem như một cái xác không hồn.

Cách miêu tả khoa trương ước lệ là một khía cạnh trong thi pháp truyền thống của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Qua cách miêu tả ấy, tác giả cố gắng làm toát lên tính cách bên trong của nhân vật, cho thấy nhân vật là con người như thế nào. Mặc dù chưa có thể chưa đạt được tính điển hình trong việc khắc họa nhân vật, nhưng Từ Chẩm Á cũng chú trọng nhiều đến việc khắc họa thần thái nhân vật và tránh được sáo mòn, nhàm chán mà nhiều tác phẩm trong văn học cổ điển còn hạn chế như tiểu thuyết tài tử giai nhân. Không những thế, bút pháp ước lệ của Từ Chẩm Á còn góp phần diễn tả một cách tinh tế, sâu sắc cuộc đời cũng như số phận của nhân vật. Cùng sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng nhưng nhắc đến Ngọc Tiêm thì “ngày thủa bé, mắt sáng như gương, mình gầy tựa liễu, dáng người yểu điệu, màu da trắng ngần. Bà mẹ thường nói: “Con bé này thật là một con người ngọc!” Vì thế mới đặt tên là Ngọc Tiêm”.[5;27]. Với lối miêu tả này, Ngọc Tiêm hiện lên trong tâm trí người đọc là một cô gái yếu đuối, có vẻ gì đó ủ rũ bi thương. Và cái vẻ bi thương đó có lẽ là một điềm báo trước đoạn đời bi thảm của nàng. Trái lại, vẻ đẹp của Minh Hà là vẻ đẹp của một cô gái khỏe mạnh, tươi sáng, đoan trang: “Nàng Minh Hà nét mặt đầy đặn, hai má hồng hồng, trông như ánh mặt trời về buổi sáng, phong vận dẫu không bằng người chị, nhưng tư sức thì có phần hơn, thật cũng xứng với cái tên Minh Hà vậy.” [5;41]. Tất cả các từ ngữ “đầy đặn”, “hồng hồng”, hình ảnh “ mặt trời buổi sáng”, được Từ Chẩm Á sử dụng trong các đều tập trung làm cho người đọc thấy được vẻ xinh tươi, khỏe khoắn của Minh Hà. Không những khắc hoạ vẻ đẹp hình thể bên ngoài, Từ Chẩm Á còn dự báo số phận bình lặng, êm ả của nàng so với chị của mình qua hai từ “ phong vận’ và từ “ tư sức”. Ngọc Tiêm là người thiên về “phong vận”, tức là người thanh nhã, sống nặng về tình cảm. Còn Minh Hà lại thiên về “tư sức”, sống ít ưu tư, vui vẻ, cũng dễ dàng thích nghi với cuộc sống. Hai cô gái, hai vẻ đẹp, một vẻ đẹp yểu điệu, đa sầu, đa cảm; một vẻ đẹp xinh tươi, tràn đầy sức sống. Và chính thần thái ấy đã chi phối cuộc đời của hai người.

Đã vậy, Từ Chẩm Á còn làm nổi bật tính cách nhân vật bằng hình tượng so sánh ước lệ, tượng trưng sau: “Nàng Ngọc Tiêm là người đa sầu thiện bệnh, nàng vẫn hay ôm bụng mà nhăn nhó, trông tựa như nàng Tây Thi. Có khi đến mấy ngày mà nàng không nói cười lúc nào. Nàng lại có tính xấc ngạo mát mẻ. Bà mẹ thường nói: “Con bé này, dễ thường kiếp trước nó là con vẹt, cho nên kiếp này nó phải ít lời, ít điều. Vì thế lại đổi tên Ngọc Tiêm mà gọi đùa là Thạch ngoan, nghĩa là một viên đã giống ngọc mà không phải ngọc.” [5;27]. Còn “nàng Minh Hà thì không thế. Nàng vui vẻ, hay nói những câu đùa bỡn. Bởi thế mà song thân nàng có ý yêu giấu hơn nàng Ngọc Tiêm.” [5;27]. Có lẽ chính những dáng điệu, tính cách trên mà bản thân Ngọc Tiêm cũng nhận ra số phận của mình. Vì vậy “nàng vẫn thường nói: Dẫu sao cũng bởi tính trời biết sao! Hoặc giả là trời dành cái tính ấy cho người bạc mệnh đó chăng! Câu nói ấy thật đã quả như lời.”[5;28]

Đặc biệt, trong Ngọc lê hồn và Tuyết hồng lệ sử, bút pháp này càng được khắc họa có hồn hơn với hình ảnh cây hoa lê và cây hoa tân di. Hai hình ảnh này gắn liền với thân phận và bi kịch của hai người phụ nữ Lê Nương và Quân Thiến trong hai tác phẩm.

Hình ảnh cây hoa lê “rụng tơi bời”, “tan tác” như thân phận của người phụ nữ bất hạnh, đã mất hết tuổi xuân và hạnh phúc: “Ngoài song một gốc hoa lê, trăng tàn lồng vẻ gió sớm đưa hương, trông tha thướt như một người tiên áo trắng, đêm xuân vừa chợt tỉnh giấc nồng; mà dì gió phũ phàng, đã đưa đến mồt cánh bùa đòi mạng: Hoa rụng tơi bời, hương bay tan tác, đầy đất phủ lên một lượt áo tuyết trắng xóa, tình cảnh lúc ấy, mơ màng như ở đâu trên chốn núi Ngọc cung Hàn”.[3;1]. Dù tác giả đang miêu tả cây hoa lê, nhưng nhìn thấy cái dáng vẻ của cây hoa lê trong đêm trăng tàn ấy không thể không khiến người đọc phải xót thương, suy nghĩ về một số phận nhỏ bé, sớm nở chóng tàn. Từ đó liên tưởng đến thân phận của con người, của cuộc đời, về nhân sinh. Có lẽ vì vậy mà, dưới gốc lê lại xuất hiện: “một người con gái áo trắng quần là, dong nhan yểu điệu, dạng bộ đoan trang, đầu không phấn điểm son tô, cũng đã tưởng tượng như một người tiên nữ. Bây giờ, đương lúc trăng trong như nước, đêm sáng như ngày, cuối mắt đầu mày, trông rõ mồn một, người đó chăng? Hoa hiện hình đó chăng? Mái đầu tơ rối, giọt lệ mưa rào, cơn cớ chi đây, tựa bên cây khóc lóc?” [3;11]. Người đọc không thể phân biệt đâu là hoa, đâu là người, hay chính là hiện thân của hoa. Bởi vì người con gái ấy, trong khung cảnh ấy tuyệt nhiên không có chút nào giống người bình thường mà chỉ có thể là hiện thân của cây hoa lê xấu số kia mà thôi.

Người con gái ấy đang làm gì? Nàng đang khóc, nhưng tiếng khóc của nàng cũng không phải là tiếng khóc bình thường mà là: “tiếng khóc thánh thót não nùng, nỉ non rầu rĩ, như lẻ bạn tiếng loan gọi nguyệt, như lạc đàn tiếng nhạn kêu sương, làm cho đàn chim chích ngủ trên cành cây, nghe tiếng phải giật mình tỉnh dậy.” [3;11]. Tác giả sử dụng một loạt những hình ảnh so sánh “tiếng loan gọi nguyệt”, “nhạn lạc kêu sương” với tiếng khóc bi thương, não nùng để thể hiện tình cảnh cô độc, từ đó, càng làm tăng thêm vẻ u sầu, bí hiểm của người con gái đó.

Đặc biệt, Từ Chẩm Á không chỉ miêu tả dáng người con gái vừa thướt tha, thanh tao, giản dị vừa giữ được cái vẻ thần sắc của một người con gái tuyệt sắc mà từng bước chân của nàng cũng được ông miêu tả như những “gót sen rón rén”[3;11], những ngón tay “trắng muốt sờ vào mặt đá” [3;11]càng làm nổi bật vẻ đẹp tinh khiết của nàng. Ngay cả cái vẻ “chau mày nghĩ ngợi” [3;11] cũng làm Mộng Hà phải chăm chú ngước nhìn. Và khi tiếng khóc của người con gái ấy một lần nữa cất lên thì không khác gì nàng Lâm Đại Ngọc đa sầu, đa cảm khóc thương hoa thuở trước: “Lần khóc này so với lần trước lại càng ảo não hơn, thê thảm hơn, khiến người nghe như buốt đến tim gan, so với Lâm Tần Khanh khóc ở mồ Mai Hương khi xưa thật chẳng còn bảo ai hơn kém”.[3;11]

Đoạn trích mang môt màu sắc liêu trai huyền ảo, lấy hoa để nói người, lấy cảnh để làm nổi bật tình. Những hình ảnh này mang tính ước lệ nhưng lại pha lẫn nghệ thuật tả chân trong tiểu thuyết phương Tây ở cái nhìn khá chi tiết. Hình ảnh Lê Nương không còn là sự miêu tả một cách khái quát chung chung nữa mà là sự kết hợp giữa bút pháp miêu tả ước lệ truyền thống của Trung Quốc và lối tả chân hiện đại của phương Tây. Bời, Từ Chẩm Á đã bắt đầu chú trọng xây dựng ngoại hình, tính cách nhân vật qua chi tiết bình thường nhỏ nhặt với từng yếu đố: mái tóc, quần áo, vẻ mặt, ánh mắt, dáng đi. Đó là những cử chỉ nhỏ nhặt của một con người bình thường của cuộc đời thực. Và Từ Chẩm Á đã khá thành công trong việc khắc họa hình ảnh, tính cách và số phận của nhân vật Lê Nương thông qua sự kết hợp tinh tế và khéo léo này.

Nếu bằng hình ảnh cây hoa lê, Từ Chẩm Á đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật Lê Nương thì sau đó ông lại thành công không kém khi dùng hình ảnh cây hoa tân di để so sánh với nhân vật Quân Thiến.

Cây hoa tân di kia, bấy giờ lại đang độ ra hoa: “Phía tả song thơ, bên hòn núi giả, lại có một cây tân di, bông hoa mới nở, choi chói màu hồng, sương sớm chưa tan, long lanh cành biếc, sắc đẹp màu tươi, rực rỡ ở dưới bóng mặt trời mới mọc, trông chẳng khác như một bức chướng gấm, khiến người ta trông vào nhau mà phải mắt quáng thần mê.” [3;1]. Nếu so vẻ đẹp ủ rủ,tan tác của cây hoa lê được so với cái vẻ đẹp não nùng, bi thương của Lê Nương thì cái vẻ đẹp rực rỡ của cây hoa tân di này phải là vẻ đẹp của một thiếu nữ mơn mởn, tươi sắc; vẻ đẹp của người con gái đương độ xuân thì, tràn đầy sức sống như Quân Thiến lúc này: “Quân Thiến tuổi càng lớn lên, người càng xinh đẹp, chiều thanh vẻ lịch, tót bậc trần ai, mà cuối mắt đầu mày, thường lộ ra cái vẻ kiêu kỳ ngạo nghễ”.[3;83].

Thông qua miêu tả sự yếu ớt, chết dần chết mòn của hoa lê và sự tươi mới, rực rỡ của hoa tân di, Từ Chẩm Á đã thể hiện được tình cảnh hiện thời của hai cô gái Lê Nương và Quân Thiến: “Hai cây hoa song song đối nhau, mà một bên như sùi sụt khóc, một bên như nhởn nhơ cười, mỗi bên đều như mở riêng ra một cái trời đất khác. Cùng ở trong một cảnh mà bên nở bên tàn, bên tươi bên héo; gốc hoa lê tiều tụy nọ, thật đã chẳng khác như số phận các chị em bạc mệnh trong thiên hạ, đứng đối với cây tân di đương độ khoe thắm, phô tươi, màu xuân hớn hở, há chẳng cũng đau lòng mà thương cho thân phận lắm sao!” [3;1]. Tình cảnh cây hoa lê cũng chính là tình cảnh đáng thương của nàng Lê Nương mà vẻ kiêu ngạo của cây tân di kia cũng chính là cái thế của Quân Thiến lúc này.

Đặc biệt, Từ Chẩm Á dùng hình ảnh hoa để khắc họa nhân vật không chỉ để thấy sự khác biệt giữa hai nhân vật mà thông qua đó, ông còn đề cập đến số phận của người phụ nữ. Bởi đã là giống hoa, đã có lúc nở thì phải có khắc tàn, số phận của cây hoa tân di cũng không khác gì cây hoa lê đáng thương kia: “Cây hoa kia sao mà tốt đẹp làm vậy? Ỷ thế chúa xuân chiều chuộng, mặc lòng chuốt lục tô đồng, trăm sáu thiều quang, chiếm cả chữ còn nhường ai nữa! Thế nhưng, hoa tươi nào được mấy, cảnh đẹp chẳng bao lâu, dì gió kia đối với trăm hoa, thường lúc ra ân, mà lúc lại ra uy, trước đã giục giã cho hoa nở, sau lại vùi vập cho hoa tàn”[3; 9]. Vì vậy mà, “hoa tân di này số phận rồi đây tất cũng lại đến như hoa lê trong mả mà thôi, ngày nay đỏ ối đầy cành, ta trông chẳng khác những giọt lệ sầu nhuốm máu.” [3; 9].

Cuối cùng đã là hoa thì cũng đều phận mỏng như nhau, chỉ khác là vào lúc nào mà thôi. Số phận Quân Thiến cũng vậy, là một cô gái đang độ xuân xanh, sức khỏe dồi dào, tinh thần phấn chấn nhưng cuối cùng chẳng bao lâu cũng phải lìa trần: “Ta ốm nặng lắm, một giọt nước cũng không uống được vào miệng, chân tay tê dại, dần dần mất cả tri giác, họng khô ráo, không nói được ra tiếng, đờm lên hơi nghẹn, tiếng thở khò khe, tựa như có người chẹn cổ ta, nỗi khổ thật không sao siết nói”. [3; 211,212]. Số phận của hoa cũng là số phận của Lê Nương, Quân Thiến mà số phận của Lê Nương, Quân Thiến cũng chính là số phận của hai cây hoa đó. Vì vậy mà: “Sau khi Lê phu nhân chết, cây lê sang xuân liền không ra hoa, tân di tuy có ra hoa, nhưng cũng không được như năm trước. Tháng sáu năm ấy Quân cô nương lại chết, hai cây đều khô héo đi dần, cành lá thướt tha, đã không còn vẻ tốt tươi ngày trước. Đến sau khi ông chủ tôi chết, chúng tôi đến đây, thì chỉ thấy hai cái gốc khô, đứng trơ sừng sững, cành lá đều mất hết cả rồi.” [3]. Đây cũng là một cách xây dựng nhân vật tinh tế tạo cho tác phẩm vừa thơ mộng vừa mang đậm chất bi thương.

Mặc dù nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật thông qua ngoại hình trong tiểu thuyết Từ Chẩm Á còn nhiều hạn chế, chưa thoát khỏi lối miêu tả truyền thống trong. Nhưng so với kiểu miêu tả nhân vật: “ví hoa hoa biết nói, ví ngọc ngọc thêm hương” trong tiểu thuyết tài tử giai nhân, cách miêu tả chân dung nhân vật trong tiểu thuyết Từ Chẩm Á đã bước đầu có những biểu hiện theo hướng cụ thể hóa, cá thể hóa của bút pháp tả chân trong tiểu thuyết của phương Tây. Nhân vật có thể được miêu tả một cách kỹ càng từ chân dung ngoại hình cho đến suy tư thầm kín bên trong, từ hành trạng cho đến quá trình phát triển tâm lý, từ quan hệ này đến quan hệ khác.

Bên cạnh hình tượng nhân vật nữ còn có hình tượng nhân vật vật nam. Nhưng khi xây dựng hình tượng nhân vật nam, Từ Chẩm Á thường ít chú trọng đến miêu tả ngoại hình hơn so với nhân vật nữ: “Mộng Hà lúc nhỏ, mặt mày đẹp đẽ, tư chất thông minh, cắp sách theo anh, lui tới cửa thầy, bé đã nổi tiếng là thần đồng, lớn lại nức danh là tài tử”.[3; 12]. Hay “lại có một người cũng ở đây đồng học với công tử nhà ta, vốn nhà thanh bần, họ Thẩm, tên là Giát Phu, là cháu gọi phu nhân bằng cô, cùng đồng niên với công tử; cứ nghe thầy giáo nói thì tài học của người ấy có phần giỏi hơn công tử nhà ta”. [6; 8]. Từ đó, có thể thấy, Từ Chẩm Á đặc biệt ưu ái khi khắc họa tính cách, số phận của nhân vật nữ thông qua ngoại hình hơn so với nhân vật nam.

3.3.1.2. Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật thông qua hành động và đối thoại.

Bên cạnh miêu tả tính cách thông qua ngoại hình, trong những tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, những sự kiện trong cốt truyện đóng vai trò quan trọng nên tác giả thường miêu tả tính cách nhân vật thông qua hành động của nhân vật. Bởi, xây dựng nhân vật qua miêu tả hành động góp phần đáng kể vào việc thể hiện tính cách nhân vật. Và những hành động của nhân vật được các tác giả miêu tả sinh động sẽ có tác dụng lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Nhưng cũng như đã đề cập ở phần cốt truyện, càng về sau cốt truyện của những tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" càng ngày càng ít xung đột và sự kiện. Vì vậy, hành động của nhân vật cũng giảm dần mà thay vào đó là những diễn biến tâm lý. Song bên cạnh đó, Từ Chẩm Á vẫn khắc họa tính cách của các nhân vật thông qua một số hành động tiêu biểu. Trong đó đặc biệt là hành động chôn hoa của Mộng Hà:

“Mộng Hà trông thấy hoa rụng mà thốt lên: “Đa tình ta lại cười ta, yêu hoa là tính, thương hoa là tình”.

Trông xuống gốc cây thấy hoa lấm láp mà ai ngao ngán cho đời: “Chơi hoa lúc hãy còn tươi, đến khi hoa rụng ai người thương hoa!”

Bắt chước Giả Bảo Ngọc ngày xưa, lần thần ra nhặt những cánh hoa rụng đem chôn một đống.” [4; tr.22].

Lê Ảnh trông mộ hoa mà xót xa cho phận mình:

“Đêm lạnh như tuyết, bóng trăng tờ mờ, ước chừng non nửa đêm, thấy có tiếng khóc sùi sụt, ngóc dậy rồi ngó ra, thấy một người con gái mặc áo trắng đứng ở bên cây lê mà khóc thầm.

Người ấy là ai?

Chính là Bạch Lê Ảnh, Lê Ảnh làm sao mà khóc hoa? Đã một người chôn hoa, lại một người khóc hoa! Hoa ôi! Thôi hoa đừng khóc nữa mà hoa nên cười, gặp người tri kỷ may đời cho hoa.

Nước mắt ngồi nhìn người nước mắt;

Đau lòng lại gặp khách đau lòng.” [4; tr.22].

Như đã nói ở trên, một trong những đặc tính của cả nhân vật nam và nữ trong tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" nói chung và tiểu thuyết Từ Chẩm Á nói riêng là bên cạnh vẻ đẹp và tài năng, những nhân vật này còn rất nhạy cảm và đa tình. Mộng Hà từ nhỏ đã yêu thích Hồng lâu mộng, thích những tập văn chương âu sầu, đau thương. Đặc biệt mỗi khi đọc đến đoạn Lâm Đại Ngọc chôn hoa lại càng buồn bã. Vì vậy mà khi thấy hoa rụng, Mộng Hà không khỏi đau lòng, thương cảm mà nhặt hoa đem chôn. Còn Lê Nương kia lại thấy hoa rụng mà khóc thương hoa, cũng là người đa sầu, đa cảm chẳng khác gì Lâm Đại Ngọc thuở trước. Thông qua đoạn trích miêu tả hành động của nhân vật Mộng Hà, Từ Chẩm Á đã khắc họa một chàng Mộng hà đa tình nhưng cũng đa tình; một góa phụ Lê Nương yếu đuối, nhạy cảm.

Ngoài việc miêu tả tính cách nhân vật thông qua ngoại hình và hành động, Từ Chẩm Á cũng chú ý và dụng công miêu tả nhân vật qua đối thoại. Mặc dù đối thoại trong tiểu thuyết Từ Chẩm Á không nhiều.

Khi mối tình của Mộng Hà và Lê Nương bị thầy giáo Lý phát hiện, hai người hẹn gặp nhau. Thông qua đối thoại của hai nhân vật, chúng ta có thể thấy được tính cách của từng nhân vật:

“Mộng Hà cũng khóc mà rằng: Không phải, tôi cũng chỉ tự oán mình tôi đấy thôi. Nhưng hai tình đã đến thế này cũng chẳng làm sao được nữa. Trời xanh độc địa, cố ý làm cho mình phải chia rẽ, nên mới để ác ma được toại mưu gian, nỗi ngăn trở sau này chắc chắn sẽ còn nhiều lắm. Kế lại hậm hực mà nói rằng: “Thằng giặc này quyết không để được, tôi sẽ phải khu trừ nó đi cho tuyệt mối lo về sau này.”[3; 128].

Lê Nương biến sắc mà rằng:

“Không nên thế, không nên thế. Anh muốn một mình hắn biết chuyện hay muốn cả mọi người cùng biết hay sao? Hắn đã dò biết được chuyện bí mật của mình, nay hắn chỉ nhích lưỡi hé môi là chuyện của mình vỡ lở. Vậy anh phải lấy đạo nghĩa mà giao thiệp với hắn, cùng hắn vẫn thân mật như ngày trước, tựa hồ như không biết chuyện gì. Nếu hắn mà còn có lương tâm, tất chịu sức cảm hóa của anh mà sinh ra lòng hổ thẹn.”[3;129].

Tính cách của nhân vật Mộng Hà và Lê Nương ngày càng hiện rõ hơn thông qua đoạn đối thoại trên: Mộng Hà là người nhu nhược, suy nghĩ không được thấu đáo, hành động còn quá nông cạn, trong khi Lê Nương tuy là phụ nữ nhưng có phần lý trí hơn, suy nghĩ trước sau đều cân nhắc hơn thiệt.

Chúng ta cũng sẽ bắt gặp tình huống tương tự trong đoạn đối thoại của nhân vật Giát Phu và Lê Vân [Giấc mộng nàng Lê]:

“Bấy giờ trong nhà duy có Lê Vân với Giát Phu. Giát Phu không thể cầm lòng, bèn sang phòng Lê Vân đến bên giường sẽ gọi mấy tiếng. Lê Vân vén màn trông xem bất giác cả kinh mà rằng:

Công tử sao mà đến đây làm gì?

Giát Phu không biết nói làm sao, sẵn mỗi thương tâm, liền giàn dụa hai hàng nước mắt, giọt châu thánh thót rơi cả vào bàn tay Lê Vân. Lê Vân thương cảm vô cùng, bất giác cũng rưng rưng hàng lệ. Hai người nhìn nhau phẳng lặng, không nói gì cả. Một lúc lâu, Lê Vân giục Giát Phu đi ra. Giát Phu chưa chịu ra. Lê Vân đương lúc nặng lòng cảm kích bỗng buột miệng nói ra rằng:

Công tử nên đi ra đi. Cái thịnh tình của công tử tôi đã biết lắm rồi. Nay tôi đương ốm, công tử muốn tỏ tình thương tôi; nhưng tôi e rằng chính là công tử sẽ để lụy cho tôi; công tử há lại nỡ lòng sao?”[6; 33]

Sự khác biệt trong tính cách của nhân vật Giát Phu và Lê Vân cũng giống như sự khác biệt trong tính cách của Mộng Hà và Lê Nương. So với nhân vật nữ, các nhân vật nam có phần nhu nhược, dễ xúc động, thường bị chi phối bằng tình cảm nhiều hơn. Còn các nhân vật nữ lại tự chủ, quyết đoán, táo bạo hơn. Với cách miêu tả nhân vật này, Từ Chẩm Á đã mang lại màu sắc, âm hưởng mới so với những tiểu thuyết cũ về hình tượng nhân vật nữ.

Có thể thấy rằng, tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" đã thành công trong việc miêu tả tính cách thông qua hành động và đối thoại giữa các nhân vật. Bởi những hành động, những lời thoại nhân vật xuất phát từ chính những suy nghĩ, những diễn biến tâm lý, tính cách bên trong của nhân vật. Đó là một trong những phương diện đặc trưng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật nói riêng và nghệ thuật tiểu thuyết nói chung.

3.3.3. Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật

Cũng bởi vì tính cách nhân vật thường được thể hiện qua hình dáng, cử chỉ, bên ngoài nên trong tiểu thuyết tài tử giai nhân các nhân vật thường mang tính cách ổn định, bất biến. Các hành động thường đơn giản, dứt khoát, ít có sự xung đột, đấu tranh nội tâm. Điều này cho thấy trong giai đoạn trước, người sáng tác chưa nhận thức được những diễn biến tâm lý, những đấu tranh mâu thuẫn bên trong nhân vật sẽ có thể tác động đến số phận nhân vật đó. Nhưng đến thời kỳ này, các nhà văn phái "uyên ương hồ điệp" mà Từ Chẩm Á là một trong những người đi tiên phong cũng như đánh dấu sự thành công trong việc cách tân nghệ thuật tiểu thuyết Trung Quốc đã đem đến một làn gió mới, một hơi thở thực sự cho nhân vật bằng cách tạo nên một tâm hồn thật, một con người thật với đầy đủ những biến đổi tâm lý, những mâu thuẫn nội tâm. Và trong phần này chúng tôi sẽ đề cập đến nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật tập trung trong ba phương diện chính: thư từ, thơ, và nhật ký.

3.3.3.1. Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật thông qua thư từ

Từ Chẩm Á đã phát hiện thế giới nội tâm của nhân vật bằng những bức thư tâm tình. Như chúng ta đã biết, thư là một hình thức tự sự mang tính cá nhân. Thông thường một bức thư được viết thể hiện những tâm trạng, suy nghĩ của người viết và chỉ gửi cho một đối tượng nhất định, có quan hệ mật thiết đối với chủ thể bức thư mà thôi. Vì vậy, thư từ mà một phương tiện rất giá trị để nhân vật tự bộc lộ mình rõ rất trong những nỗi niềm riềng tư sâu kín nhất. Trong tiểu thuyết Ngọc lê hồn và Tuyết hồng lệ sử do tính chất mối quan hệ giữa Mộng Hà và Lê Nương nên hai người không thể gặp mặt nhau. Mỗi lần Lê Nương đến phòng Mộng Hà đều phải lựa lúc Mộng Hà đi vắng và phải trao đổi tâm tình qua những bức thư được chuyển bởi cậu bé Bằng Lang. Những bức thư là lời tâm tình mà hai người không thể bày tỏ trực tiếp với đối phương. Thông qua bức thư những suy tư, lo lắng, nhớ mong được thể hiện rất rõ nét. Đó là niềm vui sướng khi tìm được người tri kỷ, đồng cảm với nhau. Là những lời tâm sự của những người trẻ tuổi không để vượt qua những ranh giới đạo đức mà đến với nhau:

“Đọc thơ lời lẽ ân cần, hình như muốn nín nhịn không xong; Lê Nương dầu ngu, lẽ nào không biết cảm. Thế nhưng nghĩ lại thì tơ duyên đã lỗi, lửa tình đã nguội,âu đành cam phận mà thôi. Song the vò võ một mình, ngồi mà nhớ lại hồi trẻ ngày xưa, hăm tư trận gió hoa rụng hết rồi; trăm sáu thiều quang, xuân đâu còn nữa. Gương trót vỡ chắp làm sao được, trâm đã lìa nối có liền đâu! Lòng này đã như nước giếng thơi, can chi còn gây gợn phong ba để tự mở lấy đường chìm đắm; tấm thân bạc mệnh, thực không còn muốn để lụy cho người quân tử làm gì. “[4; 33].

Qua những lời lẽ trong bức thư, Lê Nương đã thể hiện những suy nghĩ của nàng. Nàng biết được tình cảm sâu sắc Mộng Hà dành cho mình, nhưng vì đạo đức, vì lễ giáo, vì danh tiết màLê Nương vẫn một mực khước từ. Nàng thấy mình đã trở thành góa phụ thì tình duyên cũng đã đứt. Nếu mà cứ vương vấn tơ tình với Mộng Hà thì sẽ làm ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp của chàng, vậy há chảng phải là hại chàng sao? Những lời tâm tình này nếu không nhờ những bức thư để bày tỏ có lẽ sẽ khó chân thực, sâu sắc được đến vậy.

Đặc biệt, khi những những bức thư trao đổi giữa Mộng Hà và Lê Nương ngày càng nhiều, tình cảm giữa hai người càng sâu nặng, đồng nghĩa với những mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật càng cao. Nhân vật lúc này bị mâu thuẫn giữa nhu cầu hạnh phúc cá nhân và lễ giáo phong kiến. Bởi, một mặt nhân vật không chịu từ bỏ tình cảm, nhất quyết chung tình nhưng một mặt lại không dám vượt qua những lễ giáo phong kiến, những định kiến xã hội mà đến với nhau. Và những mâu thuẫn này cũng được miêu tả lên đến đỉnh điểm khi Lê Ảnh gửi trả Mộng Hà tập một cái khăn tay bọc một tập thơ Thạch đầu ký, và một tờ giấy viết: “… Xưa nay sắc tức là không chắc gì trước mắt; thảng hoặc tình còn chưa hết, xin hẹn kiếp sau” [4; 125]. Sau đó, khi nhận được huyết thư trả lời của Mộng Hà, mặc dù tim gan đau nhói nhưng Lê Ảnh vẫn phải quyết định chết để Mộng Hà quên hẳn nàng mà dành tình cảm cho Quân Thiếu: “Nghĩ bụng dễ thường không chết không xong, chết thì cũng không làm gì. Nghĩ là mắc vào lưới tình mà không biết tìm đường thoát ra, ngã xuống bể ái mà không biết mệt sức mà bơi lên, thì khác gì chui vào áo quan mà cầu sống sao được?”. [4; 127].

Về phần Mộng Hà, tâm lý chàng có sự vận động dữ dội trong mỗi bức thư. Ban đầu Mộng Hà còn thề nếu kiếp này không lấy được Lê Nương cũng sẽ không kết hôn với ai cho đến trọn đời: “Không những rằng trong nữ giới đời này đã mấy người được như mợ, nhưng nếu có nữa, tôi cũng không chung tình với ai nữa. Nếu không được mợ thì tôi cũng xin thôi cái sự nhân duyên một đời. Sống đã vô duyên, thà chết đi cho xong, để kết cái duyên kiếp sau vậy”. [4; 45]. Vậy mà, khi Lê Ảnh ốm nặng, chàng lại tự trách mình: “Lời thề bên tai là một cái bùa dáng mệnh. Giá tôi không có tờ trước thì mợ cũng chưa đến nỗi ốm”. [4; 50]. Mà sau đó, Mộng Hà cũng đành chấp nhận cưới Quân Thiếu theo ý của Lê Ảnh: “Than ôi! Lê Ảnh ơi! bây giờ tôi xin vâng rồi, tôi vẫn thường nói rằng: người ta không bằng bù-dìn. Từ nay trở đi, tôi xin bù-dìn, muốn dắt vào đâu, muốn làm thế nào, bảo sống, bảo chết, bảo đi ngược, bảo xuống xuôi, tôi xin nhường quyền cho mợ hết cả”. [4; 61]. Nhưng dù đồng ý kết hôn với Quân Thiếu,vậy mà, khi Lê Ảnh gửi trả tập thơ để đoạn ân tình, Mộng Hà vẫn không chấp nhận và sau đó lại còn viết thư cho Lê Nương bằng những lời hờn dỗi, oán trách: “Tôi không phải là cây gỗ, không phải là hòn đá, há chẳng biết mợ vì một người tri kỷ mà đến nỗi nát ruột tan gan, hết lòng hết sức đến thế là cùng. Mợ không yêu tôi thì còn yêu ai nữa? Mợ không thương tôi thì còn thương ai nữa? Mợ muốn tuyệt tôi, thế là mợ muốn giết chết tôi, mợ nỡ giết chết tôi ư?”. [3; 125].

Với hình thức đối thoại qua thư, những diễn biến, trạng thái tâm lý của nhân vật được thể hiện hết sức tự nhiên và sinh động. Người đọc có thể khám phá chiều sâu con người bên trong của nhân vật, từ đó thấy được bản chất, thế giới tâm hồn, trí tuệ và những diễn biến tâm lý mà nhân vật không biểu lộ ra ngoài. Đặc biệt, sự tương tác qua lại giữa những bức thư đã góp phần thúc đẩy tâm lý nhân vật vận động và phát triển. Bởi, thông qua những bức thư, những suy nghĩ của nhân vật này sẽ tác động đến tâm lý nhân vật kia không dứt, khiến cho mỗi nhân vật phải luôn suy nghĩ và dằn vặt. Vì vậy, có thể thấy rằng, nếu trong tiểu thuyết truyền thống, đặc biệt là tiểu thuyết tài tử giai nhân các sự kiện, mâu thuẫn bên ngoài thúc đẩy hành động của nhân vật thì trong tiểu thuyết của Từ Chẩm Á những suy nghĩ, mâu thuẫn bên trong giữa các nhân vật được thể hiện trong thư đã thúc đẩy quá trình phát triển tâm lý của các nhân vật đó.

Và chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy rằng, miêu tả tâm lý qua thư là cũng một hình thức mà Từ Chẩm Á đã tiếp thu từ tiểu thuyết Trà hoa nữ của nhà văn Pháp Alexandre Dumas. Trong Trà hoa nữ, nhà văn Dumas cũng thông qua những bức thư để đi sâu vào những suy nghĩ của hai nhân vật Marguerite và Duval. Chúng ta có thể thấy, trong mỗi bức thư những diễn biễn tâm lý Duval lại hiện lên khác nhau, lúc thì: “Vĩnh biệt Marguerite yêu dấu, anh không đủ giàu để yêu em, như anh mơ ước, và cũng chẳng phải nghèo để yêu theo ý muốn của em. Vậy ta hãy quên nhau đi, em hãy quên một cái tên hầu như xa lạ, còn anh, quên một hạnh phúc đã trở nên vô vọng.” [11; 159]. Nhưng chỉ ngay sau đó lại: “Có người ăn năn về lá thư đã viết hôm qua. Ngày mai sẽ ra đi nếu không được em tha thứ, người ấy muốn biết bao giờ thì anh ta có thể phủ phục dưới chân em mà sám hối.” [11; 170]. Những suy nghĩ của nhân vật Duval không bao giờ nhất quán mà qua mỗi bức thư, tình cảm của chàng cũng thay phiên nhau bộc tả: lúc yêu thương, lúc giận dỗi, khi lại xa lạ, trách móc,…giống như tâm trạng của nhân vật Mộng Hà trong mỗi bức thư gửi cho Lê Nương.

Bên cạnh đó, có lẽ Từ Chẩm Á cũng chịu ảnh hưởng về nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật qua thư từ Nỗi đau của chàng Werther, tiểu thuyết theo thể thư tín của đại thi hào người Đức Johann Wolfgang von Goethe. Đây là cuốn tiểu thuyết vừa ra đời đã gây nên tiếng vang chấn động trên văn đàn cũng như trong lòng xã hội Đức. Thông qua những bức gửi cho người bạn Winhelm, Werther kể cho người bạn của mình những cảm xúc đầu tiên từ khi chàng đến một vùng quê:

“Ngày 4 tháng 5 năm 1771

Thật vui sướng biết bao khi tôi đã đi rồi! Bạn quý ơi, có nghĩa chi đâu trái tim của con người! Phải từ giã bạn ra đi, từ giã người tôi yêu thương vô hạn, từ giã người tôi không thể tách rời, thế mà lòng tôi lại sướng vui! Tôi biết bạn sẽ lượng thứ cho tôi. Nhưng còn những mối tình giao du khác của tôi thì phải chăng định mệnh đã cố tình run rủi, khiến cho một trái tim như trái tim tôi phải lo âu sợ hãi?”[17;21]

Sau đó là câu chuyện tình đầy lãng mạn của chàng và nàng Lothea, con gái một viên pháp quan ở vùng quê đó:

“Tôi không sao cưỡng lại được lòng mình, và đã phải lên ngựa đến thăm nàng. Tôi vừa về nhà đấy, Winhelm ạ, tôi sẽ ăn bánh mì thay cho bữa tối và viết tiếp cho bạn. Ôi chao! Thật là diễm phúc cho tâm hồn khi tôi được ngắm nàng giữa tám đứa em trai và gái; linh lợi và dễ thương biết bao, đương xúm xít quanh nàng!” [17;43].

Những lời lẽ mà chàng Wether viết trong thư cho người bạn Winhelm chính là những diễn biến, sự kiện trong cuộc sống cũng như trong tâm lý của chàng. Nhờ hình thức miêu tả tâm lý khéo léo, chân thực, Nỗi đau của chàng Werther đã làm vơi đi nỗi u uất, khiến cho thanh niên Đức đương thời như trút bỏ được sự sầu khổ tích tụ trong lòng và từng được bình chọn là một trong một trăm cuốn sách có sức ảnh hưởng khắp thế giới. Vì vậy, có lẽ khi sáng tác Tuyết hồng lệ sử, Từ Chẩm Á phần nào cũng chịu ảnh hưởng từ phương pháp sáng tác này của Goethe.

3.3.3.2. Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật thông qua thơ

Thơ là một thể loại trữ tình, một mặt nó “tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống vừa bằng khả năng gợi cảm sâu sắc, vừa trực tiếp với những cảm xúc suy nghĩ cụ thể, vừa gián tiếp qua liên tưởng và những tưởng tượng phong phú, vừa theo những mạch cảm nghĩ, vừa bằng sự rung động của ngôn từ giàu nhạc điệu” [16; 206]; mặt khác nó là sự giải phóng những gì ẩn sâu trong tâm hồn và thế giới nội tâm sâu kín của người sáng tác ra nó. Đúng như Belinsky đã từng nói: “thơ là tất cả những gì làm cho phải quan tâm, gây xúc động với niềm vui, nỗi buồn, thú say mê, sự đau khổ, nỗi lo lắng, niềm an tâm,… tóm lại tất cả những gì tạo nên cuộc sống tinh thần của chủ thể, hòa nhập và nảy sinh trong tác giả.” [16; 210].

Trong văn học Trung Quốc, thơ ca là một trong những thành tựu nổi bật, luôn gắn liền với văn học chính thống, văn học thanh nhã. Bởi vì thơ chính là hình thức cao nhất trong việc phản ánh tinh thần và tư tưởng của một con người. Đến khi tiểu thuyết được hình thành và trở thành một trong những thể loại tự sự quan trọng trong lịch sử văn học Trung Quốc, thơ ca vẫn giữa một địa vị nhất định không hề thay đổi. Bên cạnh đó, thơ thường được các nhà văn đưa vào tác phẩm, làm câu chuyện trở nên phong phú, đa dạng và hấp dẫn hơn. Đặc biệt, trong những truyện giai nhân tài tử, các nhân vật thường lấy thơ ca để phân định tài năng. Vì vậy, các tác giả thường thêm thơ ca vào để thể hiện tài hoa của các nhân vật và giúp tác phẩm tăng phần thi vị, phong nhã. Nhưng càng về sau, thơ ca lại trở thành một phương tiện đắc dụng dùng để miêu tả tâm tính nhân vật mà bộ tiểu thuyết trường thiên Hồng lâu mộng của nhà văn Tào Tuyết Cần đã đạt đến đỉnh cao đó. Đến Từ Chẩm Á, thơ trở thành một bộ phận quan trọng trong các thiên tiểu thuyết của ông. Mỗi suy nghĩ, tâm trạng của từng nhân vật đều được thể hiện trong thơ của họ. Theo thống kê có thể thấy, riêng tác phẩm Vợ tôi không có sự xuất hiện của các bài thơ. Còn trong ba tác phẩm còn lại Từ Chẩm Á đều xen kẽ vào câu chuyện những bài thơ đối đáp giữa các nhân vật.

Giấc mộng nàng Lê có tất cả bốn bài thơ, một bài tiểu từ theo điệu Giang Nam. Trong đó, có một bài thơ và một bài tiểu từ do Huệ Xuân sáng tác, một bài thơ do Lê Vân sáng tác, còn hai bài còn lại là của Giát Phu. Những bài thơ này tuy thiên về mặt xướng họa mua vui nhưng cũng thể hiện được phần nào tâm lý của từng nhân vật. Như một bài thơ của Huệ Xuân là do nàng sáng tác lúc đương ốm, nhìn ngắm thiên nhiên ngoài kia mà buồn tủi. Còn bài tiểu từ được nàng viết khi ốm nặng, biết không còn hi vọng gì cứu chữa được:

“I

Dung nhan tốt

Thảm não bóng trong gương!

Việc tốt chồn mong, ngao ngán thiếp,

Thơ sầu ngại đọc, ngóng trông chàng,

Bao thuở thấy tin sương?

II

Dung nhan tốt

Chi kém vẻ hoa đào.

Ngán nỗi xuân quang trò biến huyễn,

Buồn tênh thân thế giấc chiêm bao.

Tâm sự khổ dường bao!

III

Dung nhan tốt,

E nỗi tốt khôn bền,

Ngọn sắp châu rơi lau chẳng ráo.

Lò hương khói tắt thổi không nhen

Gan ruột đứt lòi phen.

IV

Dung nhan tốt.

Ai lấy kẻ ấy tri âm?

Hoa rụng tơi bời hoa có ý,

Nước trôi cuồn cuộn nước vô tâm

Nông nỗi nghĩ thương thầm.”[6;60]

Trong bài từ này, mỗi đoạn Huệ Xuân đều bắt đầu bằng một câu “dung nhan tốt” để thể hiện sự chua xót cho số phận của mình. Sinh ra trong một gia đình quyền quý, không có chi phải lo phiền, dung mạo, tài năng lại hơn người nhưng tình duyên lại lạnh lẽo. Từ khi Giát Phu phẫn chí bỏ đi, ngày tháng cứ trôi qua vùn vụt. Huệ Xuân mong mỏi Giát Phu trở về nhưng bóng dáng của chàng vẫn mịt mờ, xa xăm. Từ đó, nàng thành ra như dại như ngây, chẳng thiết tha gì đến vui thu cuộc đời, sầu xuân muôn bộc, u uất tình riêng khôn tỏ, dung nhan vì thế mà càng tiều tụy. Đặc biệt ở đoạn cuối, câu hỏi bắt đầu bằng chữ “ai” nhấn mạnh thêm sự trống vắng và tâm trạng cô đơn; còn hình ảnh “hoa rụng”, “nước trôi” lại càng thể hiện thân phận yếu ớt, mỏng manh của nàng.

Còn khi Giát Phu ôm nặng một mối tư tình mà không thể bày tỏ cũng chỉ biết ngâm thơ mà trút sầu hận trong lòng:

“Thơ thẩn này ai tựa mái lầu,

Bên giời trông thẳm biết là đâu!

Mấy hàng thư gửi trăm hàng lệ,

Một mối tình mang vạn mối sầu.

Vùn vụt xuân đưa thoi én gấp,

Tơi bời hoa phải trận mưa mau.

Gặp nhau chẳng dễ, trao thơ khó

Lối hẻm thuyền con gió tạt đầu!

…….

Tình ở tâm đầu khôn vạch tỏ,

Mình không lông cánh khó bay sang!

Nước trôi sóng vỗ thân phiêu bạc,

Én ghét oanh ghen phận nhỡ nhàng.

Lệ thảm vì ai rơi thấm áo,

Trăm năm duyên kiếp uổng mơ màng.” [6; 52]

Với những hình ảnh hiu hắt, ảm đạm, bài thơ thể hiện tâm trạng u sầu, uất ức của Giát Phu vì quá thương nhớ Lê Vân khi nàng bỏ đi. Chàng cho rằng Lê Vân đi cũng vì do người nào đó bức bách nhưng không thể nói ra mà đành xót thương cho thân phận của hai người: Không biết lúc này Lê Vân trôi dạt về đâu, tình duyên của hai người chẳng lẽ dừng tại đây?

Trong Ngọc lê hồn, các bài thơ chiếm một số lượng lớn, theo thống kê, Ngọc lê hồn có khoảng trên dưới 50 bài thơ. Mỗi bài thơ đều là những tâm tư tình cảm xuất phát từ những suy nghĩ bên trong nhân vật. Sau khi bắt gặp cảnh Mộng Hà thương hoa mà nhặt cánh hoa đem chôn, Lê Nương đã viết một bài từ thể hiện sự đồng cảm và xúc động của mình đối với Mộng Hà:

“Khéo phũ phàng thay trận gió đông,

Chôn hoa để khách ngẩn ngơ lòng

Chiều hôm dạo gót vườn xuân vắng,

Man mác sầu ai chửa dễ đong

Tình một mối,

Lệ đôi dòng.

Đoạn trường sổ rút được tên không?

Buồn tênh nước chảy bông hoa rụng,

Lạnh ngắt song khuya bóng nguyệt lồng.”[3; 35]

Thông qua bài từ trên, Lê Nương thể hiện nỗi lòng sầu muộn của mình. Thấy cảnh Mộng Hà chôn hoa vừa thầm cảm mến cái lòng tiếc thương hoa của chàng, từ đó xem Mộng Hà như người tri âm tri kỷ; sau đó Lê Nương lại vừa lấy hình ảnh “buồn tênh nước chảy bông hoa rụng”, “lạnh ngắt song khuya bóng nguyệt hồng” để giãi bày cùng Mộng Hà thân phận mỏng manh, cô đơn, lạnh lẽo của mình. Chỉ một bài từ đã thể hiện hết mọi tâm tư của Lê Nương.

Để đáp lại tấm lòng Lê Nương, Mộng Hà cũng viết lại tám bài thơ để trút nỗi lòng bực tức của mình:

“I

Nhiều sầu lắm bệnh ngán cho thân,

Cợt ghẹo người chi oanh trước sân

Ánh ỏi dường than xuân sắp hết,

Hoa hương thôi đã nhạt phai dần.

II.

Đã rõ cho nhau một tấm tình,

Mộng hồn vơ vất lúc tàn canh;

Lòng gần xót nỗi người xa lắc,

Thâp thoáng này ai dưới bóng cành?”[3;36].

Mượn những hình ảnh của thiên nhiên, những biến đổi của thời gian, lời thơ của Mộng Hà vừa xen lẫn cảm xúc bi thương đau khổ cho số phận lênh đênh, trắc trở của mình nhưng lại vừa len lỏi niệm vui sướng. Vì trước đây Mộng Hà vốn đã yêu thích tác phẩm Thạch đầu ký, vẫn mong mỏi tìm được người tri âm tri kỷ như Lâm Đại Ngọc. Nay đã tìm được người khóc thương hoa không khác gì Lâm Đại Ngọc, lại đồng cảm với nỗi lòng của mình, cùng nhau xướng họa thơ từ, trao đổi tình ý thì không vui sướng nào bằng:

“Đôi phen thảm biệt lại thương xuân,

Bể cả bèo trôi một tấm thân;

Chiếc bóng đèn tàn cam tịch mịch,

Vì đây may mắn gặp tình nhân.”[3;36]

Sau đó, mỗi lần Mộng Hà bệnh nặng, không thể đi đâu lại làm thơ gửi cho Lê Nương để giải nỗi sầu. Mặc dù làm thơ có mục đích giải khuây nhưng mỗi vần thơ của Mộng Hà đều chan chứa tâm sự u uất, đau buồn. Lúc thì đau khổ vì ly biệt:

“Ngược gió con thuyền đến chẳng mau,

Tình sâu nên nỗi vạ càng sâu;

Sầu không bút mực nào ghi hết

Mộng có đèn xanh họa biết nhau,…”[3; 130]

Khi lại bi thương chồng chất, tâm sự ngổn ngang khiến mỗi lần nhận được thơ chàng, Lê Nương lại đau đớn, xúc động, đến nỗi tâm thần ngẩn ngơ, trào cả nước mắt:

“Gặp nhau quá chậm ngoại mười niên,

Gương vỡ mong chi chắp được liền!

Nghìn thuở hãy còn đeo đẳng hận,

Ba sinh thôi đã lỡ làng duyên;

Hầu khô giếng nọ trào khôn rậy,

Đã tắt lò kia lửa lại nhen;

Bể khổ mông mênh tìm giải thoát,

Bờ xa chưa dễ dắt nhau lên.” [3; 140]

Trong Ngọc lê hồn thơ đã nhiều, tình cũng theo đó mà thẩm thấu nhưng Tuyết hồng lệ sử, thơ càng tăng, tình lại càng nặng hơn. Xuyên suốt tác phẩm, hầu như mỗi trang sách đều rải rác có một vài câu thơ của nhân vật Mộng Hà. Đến nỗi người đọc không còn có thể phân biệt đâu là thơ, đâu là lời thoại Mộng Hà bởi, thơ đã trở thành phương tiện phát ngôn, thể hiện suy nghĩ của chàng. Mỗi lần viết thư, hai người thường làm những bài thơ bày rỏ tâm sự của mình:

“Gặp nhau duyên nợ lần này,

Trăm năm cũng gọi một ngày tương tri,

Thương ôi, một khối tình si.

Trừ câu thơ nữa lấy gì cho nhay?

Nghìn thu còn lúc bạch đầu,

Thư đi, từ lại với nhau là tình.

Thôi thôi:

Bao giờ sạch nợ ba sinh,

Yêu thương thì mến mối tình cho hoa

“Mộng Hà kính thứ”.[4;25]

Và trong một lần uống rượu say, Mộng Hà làm một bài ca gửi cho Lê Nương nói hết những tâm sự uất ức trong lòng:

“Mộng Hà ơi hỡi Mộng Hà!

Nam nhi mà chịu thế này a!

Như cái dùi cùn nhụt cho qua một đời?

Đợi đến khi công danh trọn vẹn

Thân thế vui cười,

Thì cây xương bồ kia dễ cũng mấy lần nở hoa, …

Cai khổ riêng này ai biết cho,

Nước mắt đã cạn máu chưa khô

Trời đất vô tình không biết cho

Vứt rượu đứng lên kêu thật to,

Đoạn trường một khúc viết cho ai làm gì?”[4;30,31]

Bằng một bài thơ dài, Mộng Hà đã trút hết những đắng cay, tâm sự về cuộc đời long đong, xui rủi của chàng. Sinh ra làm thân nam nhi, từ thuở bé đã biết bao nhiêu người yêu quý, thán phục vì tư chất thông minh, tài hoa hơn người nhưng đến nay vẫn chưa đạt được công danh gì. Những tâm sự này Mộng Hà đã cất giấu từ lâu trong lòng, nay tất cả được bộc bạch hết qua những lời thơ trên với hi vọng rằng tìm được người đồng cảm:

“Nét mực đen sì.

Hạt lệ đầm đìa

Giọt máu lân li

Mực hay là lệ.

Lệ hay là máu,

Gửi để tình nhân,

Nhìn kỹ xem rằng những thứ chi.” [4;31]

Đối với Mộng Hà, thơ và tâm hồn không thể phân biệt được. Bởi, dù là mực hay là nước mắt, máu của chàng không thể biết được nữa vì tất cả đã hòa làm một. Mỗi vần thơ, mỗi bài thơ là những tâm sự sâu kín, những điều ẩn uất nhất bên trong tâm hồn mà trước nay chàng chưa bao giờ thể hiện ra ngoài.

Có thể thấy rằng, thơ luôn giữ đúng vai trò và chức năng của nó là chuyển tải những biến động, những u uất trong tâm hồn con người mà họ không thể thể hiện qua bên ngoài bằng những lời nói bình thường được. Qua thơ, nhân vật như đang được sống với những cảm xúc của chính mình, giải thoát những đau khổ, những dằn vặt ghê gớm nhất trong tâm hồn mình. Và Từ Chẩm Á đã dùng nó để bộc lộ hết những nỗi niềm ẩn sâu bên trong từng nhân vật của mình một cách khéo léo, tinh tế nhưng cũng đầy đủ và sâu sắc nhất.

3.3.3.3. Nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật thông qua nhật ký

Một trong những thành tựu có giá trị và quan trọng nhất trong cách tân nghệ thuật của Từ Chẩm Á là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật thông qua nhật ký. Nếu như thơ làm ra để cho người khác ca ngâm, bình luận. Thư viết ra để gửi cho một ai đó thì nhật ký chỉ dùng để viết riêng cho chính tác giả. Vì vậy, nhật ký một trong những hình thức tự sự mang tính chất khép kín và riêng tư nhất. Trong nhật ký, chủ thể sẽ kể lại tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống của họ, những điều họ suy nghĩ, cảm nhận về nó mà họ không bao giờ tiết lộ ra bên ngoài cho một ai khác biết. Và Từ Chẩm Á đã tận dụng cơ hội đó để miêu tả tâm lý nhân vật trong tiểu thuyết Tuyết hồng lệ sử của ông.

Có cùng nội dung với Ngọc lê hồn nhưng sau đó Từ Chẩm Á lại viết lại dưới hình thức nhật ký. Bản thân tiểu thuyết Ngọc lê hồn ngay từ khi được xuất bản đã được nhiều độc giả đón nhận và trở thành một hiện tượng trong văn học thông tục Thượng Hải thời bấy giờ. Nhưng khi Tuyết hồng lệ sử ra đời, những nội dung ấy không hề cũ mà càng được độc giả quan tâm và đón nhận bởi những cách tân nghệ thuật của nó. Đó là những đổi mới trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Và trong đó, hình thức nhật ký đóng vai trò chủ đạo quyết định sự tồn tại và sức hấp dẫn của tác phẩm.

Dưới hình thức nhật ký, Tuyết hồng lệ sử được kể lại bằng ngôi kể thứ nhất, điểm nhìn bên trong của nhân vật Mộng Hà. Trong đó, nhân vật Mộng Hà kể lại từ những tâm sự thầm kín, những cảm xúc riêng tư từ khi cha Mộng Hà mất:

“Tỉnh dậy, nghe tiếng pháo đùng, ra vườn thấy cảnh hoa nở vui vẻ thay cho tết nguyên đán, mà sao tôi buồn bã thay cho tết nguyên đán? Tết nguyên đán cũ đã bỏ tôi mà đi, tết nguyên đán mới nó lại đuổi theo tôi mà chạy. Tôi nghĩ tết nguyên đán khi trước thì tôi rớm nước mắt; tôi lại chưa biết tết nguyên đán sau này ra làm sao, thì tôi lại bâng khuâng như giấc mộng hồn vậy. Cũng có người cười tôi, trái chứng, trái nết, gặp sự gì cũng mua lấy một khối sầu. Than ôi! Tôi cũng là người, tôi cũng có mồm miệng, tôi biết cười, tôi cũng có mặt mày, tôi biết tươi; nếu thật lòng vui tôi tội gì không ốm mà tôi rên?”[4; 14].

Đến những biến đổi trong cuộc đời của chàng từ khi Mộng Hà đến làm gia sư cho nhà họ Thôi và gặp Quân Thiến:

“Từ khi đến nhà ông cụ Thôi, vì chủ nhân sẵn lòng yêu khách, nên bữa cơm nào cũng có nậm rượu. Khi buồn, buồn đến thế nào, quỳnh tương đánh bạn cỡ sao lại buồn, nhân thế ngày nào tôi cũng uống rượu, mỗi khi uống rượu xong thì ngà ngà mà say, ngày ngày mà sầu, rồi rầu rầu mà khóc. Người ta vẫn bảo uống rượu cho đỡ buồn, nhưng nếu buồn thật, thì càng uống rượu, càng buồn thêm.”[4; 31].

Và những diễn biễn, những xung đột sâu bên trong tâm lý của Mộng Hà mỗi khi chàng gửi thư cho Lê Nương:

“Tôi gửi thư ấy sang rồi tôi lại lo; bây giờ nghĩ lại gửi thư ấy thật liều quá, bậy quá nghĩ là bụng người ta đã như giếng khô, thân như cây thông già bỗng dưng mình đem lời hữu tình để khêu nhau thì chắc không bằng lòng, lỡ vỡ chuyện ra, mình còn ra gì nữa. Nhưng cũng không sợ, ấy tại ai gợi ra trước, tưởng như người này xem bức thư ấy mà động lòng thương nhau chăng? Nếu không thì nước trôi cứ việc trôi xuôi, mảnh tình kia có vì ai mà sầu! Chỉ e rằng: lưới tình mắc míu lấy nhau đây duyên ai gỡ mối sầu cho ra?” [4;25]

Mỗi lần gửi thư cho Lê Nương là mỗi lần Mộng Hà lại thấp thỏm lo âu. Chàng lo Lê Nương có vui không hay Lê Nương sẽ giận? Lê Nương có trả lời thư mình không, có quan tâm đến mình không? Tất cả những ý nghĩa ấy cứ quay quanh, ám ảnh tâm trí của Mộng Hà:

“Tay cần lấy bút viết lảm nhảm mấy câu mà cái thần hồn của tôi cũng bay theo. Không biết Lê Ảnh xem thư này thì mừng hay giận, cười hay khóc, nhưng tôi cũng tệ quá, cái người đã thương tâm, sao đem cái lời nói thương tâm cho người ta nghe làm gì? Bức thư ấy qua mắt Lê Ảnh được bốn mưới tám giờ đồng hồ, trong bốn mươi tám giờ đồng hồ ấy, tôi không có một phút nào không để bụng vào đấy. Chỉ mong Lê Ảnh đem một lời thương yêu mà trả lời mình, vốc một nắm nước mắt mà đền cho mình. Cái bụng tôi không khác gì đại hạn đợi trời mưa, cái cây lúa ấy sống hay chết là giờ giọt mưa ấy cả. “[4; 47]

Nếu mỗi lần gửi thư cho Lê Nương, Mộng Hà lo lắng bao nhiêu thì mỗi lần nhận được thư, được tin của nàng, Mộng Hà lại suy nghĩ, dằn vặt bấy nhiêu:

“Than ôi! Lạ quá! Lê Ảnh tại tôi mà đau ư? Bây giờ mới biết nhé, xưa nay cứ bảo tôi là si tình! Bây giờ mới biết ai si tình hơn, không những một mình tôi nhé! Đêm dài dằng dặc, ngọn đèn lờ mờ; hồn phách không về, ruột gan đã chết. Tôi nghe cái tin ấy thì còn vui thú sao được nữa. Nếu Lê Ảnh tại tôi mà ốm, thì tật tôi cũng tệ quá, cố bắt cho Lê Ảnh phải ốm. Nhưng nếu không có cái tờ của tôi, Lê Ảnh cũng vẫn không quên được tôi. Hôm nọ tôi vì Lê Ảnh ốm, thế thì bây giờ Lê Ảnh yên lành một mình sao được? [4;49]

Ôi! Nhưng đã trót nói ra rồi, còn lấy lại làm làm sao được nữa. Nhưng nếu Lê Ảnh ốm mà chết thì tôi cũng chết.” [4; 49]

Khi biết tin Lê Ảnh ốm, một mặt Mộng Hà vừa lo lắng, vừa tự trách mình sao nỡ viết những lời lẽ đau lòng làm tổn thương đến Lê Ảnh, trách mình đã làm Lê Ảnh lâm bệnh. Song một mặt Mộng Hà cũng phủ nhận lại hành động của mình để tự trấn an. Nhưng chỉ ngay sau đó, chàng lại hối hận vì việc mình đã làm. Cứ thế những suy nghĩ mâu thuẫn nhau cứ thay phiên nhau hiện lên qua lời bộc bạch của Mộng Hà.

So với Ngọc lê hồn, những diễn biến tâm lý trong Tuyết hồng lệ sử ngày càng tường tận và sâu sắc. Ngọc lê hồn chỉ được kể lại bởi lời kể của người ký giả mà người ký giả này chỉ được nghe lại câu chuyện chứ không phải là người trực tiếp trải qua. Vì vậy trong Ngọc lê hồn những đoạn lời tự thuật của nhân vật Mộng Hà như ở trên không có, đặc biệt những diễn biến, mâu thuẫn của Mộng Hà giữa việc gửi bức thư đi và việc không nên gửi đã tạo nên đời sống thực cho nhân vật.

Có thể thấy rằng, nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả tâm lý nhân vật dưới hình thức nhật ký, tác giả sẽ không thể can thiệp vào suy nghĩ, nội tâm của nhân vật. Thay vào đó, nhân vật sẽ bộc lộ những nỗi lo lắng sâu bên trong tâm hồn mình và suy nghĩ của mình về những người xung quanh. Những suy nghĩ này không phải bao giờ cũng có điều kiện để bộc bạch, tỏ bày. Chỉ khi nhân vật tự viết dưới hình thức nhật ký, tức là riêng cho bản thân mình nhân vật mới bộc lộ hết. Do đó, nếu thư từ là hình thức thúc đẩy tâm lý nhân vật phát triển, thơ ca là phương tiện giải thoát cho những đau khổ ẩn sâu trong tâm hồn nhân vật, nhật ký chính là hình thức miêu tả tâm lý nhân vật một cách trọn vẹn, bao quát và xác thực nhất. Và có thể thấy rằng, trong tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc, chưa có tác giả nào miêu tả tâm lý nhân vật thông qua hình thức nhật ký. Vì vậy, miêu tả tâm lý nhân vật cũng là một trong những cách tân trong nghệ thuật mà Từ Chẩm Á đã ảnh hưởng từ tác phẩm Trà hoa nữ của nhà văn Pháp Alexandre Dumas. Như đã nói ở phần kết cấu, Tuyết hồng lệ sử có kết cấu mô phỏng với thể nhật ký của tiểu thuyết Trà hoa nữ. Trong đó, nhân vật Duval cũng trực tiếp kể lại câu chuyện tình và giãi bày tâm sự thầm kín của chàng:

“Về đến nhà, tôi khóc như một đứa trẻ. Có người đàn ông nào mà chẳng bị lừa dối, ít nhất một lần, và chẳng biết thế nào là đau khổ?

Dằn vặt bởi nỗi đau cay nghiệt mà ta cứ tưởng đủ sức chịu đựng, tôi tự nhủ phải cắt đứt ngay cuộc tình này, và tôi xốn xang chờ đợi đêm hết để phóng ra ga lấy vé nhanh chóng quay về bên cha và cô em gái, hai kẻ thân thiết chẳng phản bội tôi bao giờ.

Song le, tôi không muốn ra đi mà chẳng cho Marguerite biết rõ lí do. Chỉ kẻ nào không còn yêu nữa, mới có thể ra đi mà không để lại lời từ biệt người tình của mình.

Tôi viết đi viết lại hàng chục lá thư trong đầu.

Tôi dính vào một cô gái bao, như trăm ngàn cô khác, tôi đã khéo lãng mạn hóa cô ta, rõ ràng là ả xem tôi như cậu học trò ngờ nghệch vì để lừa dối tôi, ả chỉ cần sử dụng một mưu chước thật ngây ngô. Lòng tự ái sôi sục. Phải rời bỏ người đàn bà này mà không cho cô ả được hả hê, vì sự đoạn tuyệt sẽ làm tôi đau khổ và đây là những gì tôi viết bằng nét chữ bay bướm nhất, với những giọt lệ oán hờn và cõi lòng tan nát.”[11; 159].

Đoạn tự thuật trên của nhân vật Duval không khác gì những lời tự thuật của Mộng Hà được viết trong nhật ký của chàng. Tất cả những điều được hai nhân vật này nói ra đều là những cảm xúc và suy nghĩ bên trong của họ mà bình thường người khác không dễ nhận thấy được.

Thông qua sự tương đồng trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật qua những trang nhật ký của Tuyết hồng lệ sử và Trà hoa nữ, có thể thấy, Từ Chẩm Á không chỉ dừng lại ở những cách thức miêu tả nhân vật của tiểu thuyết truyền thống mà ông đã nỗ lực học hỏi và tiếp nhận một cách khéo léo những phương thức miêu tả từ tiểu thuyết phương Tây để tạo cho nhân vật của mình có sức sống hơn, gần gũi hơn, chân thật hơn. Và đây cũng là phương diện quan trọng nhất trong tiểu thuyết của Từ Chẩm Á đóng vai trò tiên phong trong sự cách tân tiểu thuyết Trung Quốc vào thế kỷ XX.

Tiểu kết

Trong bốn thiên tiểu thuyết của Từ Chẩm Á là Vợ tôi, Ngọc lê hồn, Tuyết hồng lệ sử, Giấc mộng nàng Lê có giá trị nghệ thuật không đồng đều nhau. Hai tác phẩm Vợ tôi và Giấc mộng nàng Lê vẫn còn quá thiên về nghệ thuật truyền thống của loại tiểu thuyết tài tử giai nhân mà ít chứa đựng những cách tân mới mẻ. Nhưng không thể phủ nhận rằng hai tác phẩm còn lại là Ngọc lê hồn và Tuyết hồng lệ sử là hai tác phẩm mở đầu cho khuynh hướng sáng tác hiện đại. Với kết cấu phi tuyến tính, tồn tại dưới nhiều hình thức mới như nhật ký, thư từ, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất [xưng tôi], đời sống tinh thần, tình cảm của nhân vật được hiện lên một cách tinh tế, khéo léo nhất. Từ đó, Từ Chẩm Á đã dẫn nhận thấy những quá trình tâm lý, đấu tranh giằng xé nội tâm có thể làm thay đổi số phận của nhân vật và đã đem lại hơi thở mới cho tác phẩm của mình bằng sự cách tân độc đáo mà trước đây chưa nhà văn nào từng thể hiện. Và nhắc đến sự cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết của Từ Chẩm Á không thể nhắc đến những ảnh hưởng khá lớn từ phương pháp sáng tác và nghệ thuật từ các tác phẩm phương Tây như tiểu thuyết nổi tiếng Trà hoa nữ của nhà văn Dumas và Nỗi đau của chàng Werther, tiểu thuyết theo thể thư tín của văn hào Johann Wolfgang von Goethe - hai cuốn tiểu thuyết tình cảm đã gây nên tiếng vang chấn động trên văn đàn thế giới bởi vì sức hấp dẫn từ phương pháp sáng tác của nó.

KẾT LUẬN

Đầu thế kỷ XX, với những thay đổi về mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, … văn học cũng bắt đầu có những bước chuyển mình đáng kể. Để đáp ứng những nhu cầu của thời đại, những dòng văn học mới ra đời và tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" là một trong những dòng văn học đó. Và khi đặt tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" vào trong một bối cảnh lịch sử cụ thể cũng như tìm hiểu sự tương quan giữa tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" và các loại tiểu thuyết bình dân ở các nước phương Tây, có thể thấy sự xuất hiện của tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" là một trong những quy luật tất yếu trong quá trình phát triển của văn học Trung Quốc nói chung và văn học thông tục Trung Quốc nói riêng.

Tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" là một thể loại tiểu thuyết tình cảm. Trong đó, bằng những câu chuyện tình yêu đầy màu sắc, nhà văn đã mang độc giả đến với những giây phút giải trí nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng cũng để lại cho họ những cảm xúc bi thương, đau xót, cùng những ám ảnh khôn nguôi về những mối tình tan vỡ, về những mâu thuẫn giữa khát vọng hạnh phúc và hiện thực đau khổ của những đôi thanh niên nam nữ Trung Quốc trong giai đoạn bấy giờ.

Thông qua những tác phẩm của mình, nhà văn đã mở ra bức tranh xã hội Trung Quốc nói chung và Thượng Hải nói riêng vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở những góc độ khác nhau. Tuy bức tranh này còn nhỏ hẹp và mờ nhạt nhưng đã phần gợi cho người đọc những âm vang của cuộc sống đời thường: từ một cái xã hội Trung Quốc tăm tối với đầy rẫy những tệ nạn như bán người, mại dâm, cờ bạc, tham nhũng,… đến những cuộc chiến tranh xâm lược, nhưng biến động của thời đại, những thay đổi của lịch sử.

Từ những vấn đề của xã hội Trung Quốc trong thời đại mới, khi mà chế độ phong kiến và tư tưởng Nho giáo đang dần sụp đổ, và những luồng gió mới từ phương Tây mà đặc biệt là phong trào nữ quyền lần thứ nhất thổi vào đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc, tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" cũng đã phác họa lại bức chân dung của người phụ nữ Trung Quốc khi lịch sử chuyển mình. Trong bức chân dung đó, hai mẫu người phụ nữ hiện lên: một là người phụ nữ đại diện cho phụ nữ Trung Quốc truyền thống, một là người phụ nữ đại diện cho phụ nữ tân học theo lối sống mới. Với người phụ nữ truyền thống, tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" đề cập đến những đau khổ, bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc của người phụ nữ và từ bi kịch của họ, nhà văn đã phản ánh những quan niệm hôn nhân lạc hậu, những hủ tục bất công, phi nhân tính đới với người phụ nữ, mà đặc biệt là những người góa phụ Trung Quốc hàng trăm, hàng ngàn năm qua. Còn với người phụ nữ tân học, tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" đã cho thấy những rạn nứt của hệ tư tưởng cũ và đề xuất những nhận thức của người phụ nữ Trung Quốc trong thời đại mới khi người phụ nữ bắt đầu tiếp xúc với những tư tưởng tiến bộ và bắt đầu có chỗ đứng bên ngoài xã hội.

Đặc biệt, bằng một số những cách tân trong nghệ thuật như sự thay thế kết cấu tuyến tính bằng kết cấu phi tuyến tính, sự giảm dần vai trò của các sự kiện, xung đột trong cốt truyện, cùng những phương thức nghệ thuật xây dựng nhân vật mà đặc biệt là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật thông qua những hình thức khác nhau: thư từ, nhật ký,… tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" đã cho thấy sự gặp gỡ giữa nghệ thuật trong tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc và phương pháp sáng tác phương Tây. Từ đó, tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" đã mở đầu một hình thức sáng tạo nghệ thuật mới, mở đường cho những tiểu thuyết thông tục trong các thời kỳ sau.

Với một số lượng lớn những tác phẩm được dịch và xuất bản được đông đảo bạn đọc ở nhiều quốc gia Châu Á và trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" có một sức lan tỏa ảnh hưởng rộng lớn không chỉ đối với độc giả mà còn đối với các nhà văn Việt Nam trong quá trình đổi mới tiểu thuyết vào những thập niên đầu của thế kỷ XX.

Những nội dung được đề cập trên đây là những gì mà chúng tôi đã nghiên cứu trong khả năng cho phép của mình. Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng hi vọng, từ những vấn đề và đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" qua bốn tác phẩm Giấc mộng nàng Lê, Tuyết hồng lệ sử, Ngọc lê hồn, Vợ tôi của Từ Chẩm Á, đề tài sẽ mở ra một hướng nghiên cứu, tiếp cận mới đối với tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp". Đặc biệt là thông qua đó, sẽ giúp mọi người đánh giá lại vị trí cúa tiểu thuyết "uyên ương hồ điệp" trong văn học cận đại Trung Quốc cũng như tầm ảnh hưởng, và vai trò của nó đối với sự phát triển của văn học thông tục Trung Quốc nói riêng và văn học các nước trong khu vực Châu Á nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

  1. Vương Văn Anh [2005], Văn học hiện đại Trung Quốc nhìn từ Thượng Hải, Nhà xuất bản văn học.
  1. Dư Quan Anh [1993], Lịch sử văn học Trung Quốc [Tập 3]: Văn học Nguyên - Minh- Thanh, Lê Huy Tiêu dịch, Nxb Giáo dục.
  1. Từ Chẩm Á [1930], Ngọc lê hồn, Ngô Văn Triện dịch, Tân Dân thư quán.
  1. Từ Chẩm Á [1957], Tuyết hồng lệ sử, Mai Nhạc dịch, Nhà xuất bản Thọ Xuân.
  1. Từ Chẩm Á [1927], Vợ tôi, Nguyễn Đỗ Mục dịch, Tân Dân thư quán.
  1. Từ Chẩm Á [1929], Giấc mộng nàng Lê, Trúc Khuê dịch, Nhật Nam thư quán.
  1. Quỳnh Dao [2003], Song ngoại, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
  1. Quỳnh Dao [2010], Hải âu phi xứ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
  1. Quỳnh Dao [2001], Tuyết Kha, Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.
  1. Đặng Anh Đào [2001], Văn học so sánh, lý luận và ứng dụng, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội.
  1. Trần Xuân Đề [1991], Những bộ tiểu thuyết cổ điển hay nhất của Trung Quốc, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.
  1. Trần Xuân Đề [2002], Lịch sử văn học Trung Quốc, Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội.
  1. Trịnh Văn Định [2009], Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  1. Alexandre Dumas [1999], Trà hoa nữ, Nguyễn Bích Như dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
  1. Vũ Thị Thanh Dung [2008], Hồng lâu mộng - sự khởi đầu của tư tưởng và cách viết mới, Luận văn thạc sĩ ngữ văn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.
  1. Hà Minh Đức [2008], Lý luận văn học, Nhà xuất bản Giáo Dục.
  1. Johann Wolfgang von Goethe [2006], Nỗi đau của chàng Werther, Nhà xuất bản lao động - Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
  1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi [2008], Từ điển thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
  1. Đỗ Đức Hiểu [2004], Từ điển văn học, Nxb Thế Giới, Hà Nội.
  1. Bùi Hữu Hồng dịch [2000], Khái yếu lịch sử văn học Trung Quốc [2 tập], Nxuất bản Thế Giới, Hà Nội.
  1. Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh [2000], Văn học sử Trung Quốc [Tập 3], Phạm Công Đạt dịch, Nhà xuất bản Phụ Nữ.
  1. Nguyễn Hiến Lê [1993], Văn học Trung Quốc hiện đại: 1898-1960 , Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội.
  1. Lê Thị Hồng Loan [2011], Quỳnh Dao ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ ngữ văn, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM.
  1. Phạm Ninh [1964], Lịch sử văn học Trung Quốc [2 tập], Nxb Văn học, Hà Nội.
  1. Nguyễn Thị Lưu Phương [2011], Đặc trưng bút pháp Trương Ái Linh, Luận văn thạc sĩ ngữ văn, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.
  1. Trần Đình Sử [2009], Thi pháp Truyện Kiều, Nhà xuất bản Giáo Dục.
  1. Lỗ Tấn [2003], Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, Lương Duy Tâm dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  1. Trần Lê Hoa Tranh [2010], Văn xuôi nữ Trung Quốc cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, Nxb Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.
  1. Hà Thanh Vân [2004], Nghiên cứu so sánh loại tiểu thuyết “Tài tử giai nhân” ở một số nước phương đông thời kỳ trung đại [Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên], Luận án Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh.
  1. Hà Thanh Vân [1999], Sự tương đồng về phi pháp nhân vật Truyện Kiều và Hồng lâu mộng, Luận văn thạc sĩ ngữ văn, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh.
  1. Hồ Khánh Vân [2008], Từ lý thuyết phê bình nữ quyền [feminist criticism] nghiên cứu một số tác phẩm văn xuôi của tác giả Việt Nam từ năm 1990 đến nay, Luận án Thạc sĩ khoa học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP Hồ Chí Minh.

Tài liệu mạng:

  1. “ Truyền thống và cách tân trong các dạng thức kết cấu tiểu thuyết quốcngữ giai đoạn đầu thế kỷ XX” //www.hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=6630%3Atruyn-thng-va-cach-tan-trong-cac-dng-thc-kt-cu-tiu-thuyt-quc-ng-giai-on-u-th-k-xx&catid=119%3Ahoi-thao-khoa-hoc&Itemid=286&lang=vi&site=30
  1. “Thế kỷ tiểu thuyết” //www.hobieuchanh.com/pages/baiviet/NguyenVyKhanh/NVK_thekytieuthuyet01.htm
  1. “Tống nho với phụ nữ “//vietstudies.info/Phankhoi/PKhoi_TongNhoVoiPhuNu.htm
  1. “Phụ nữ tự sát - Lỗi tại tiểu thuyết?”

//khoavanhocngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=991:phu-nt-sat-loi-tai-tieu-thuyet&catid=85:hi-tho-qua-trinh-hin-i-hoa-vn-hc&Itemid=159

  1. “Ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa trong sự hình thành tiểu thuyết Việt Nam trước 1930.”

//vuongtrinhan.blogspot.com/2010/10/anh-huong-van-hoa-trung-hoa-trong-su.html

  1. “Bước đầu tìm hiểu về Phong trào nữ quyền phương Tây từ cội nguồn tư tưởng đến cuộc đấu tranh cho quyền đại diện ngang bằng” //tainguyenso.vnu.edu.vn/xmlui/handle/123456789/15739
  1. “Truyện Kiều một tác phẩm Việt Nam” //dvt.vn/2011060503141447p108c112/truyen-kieu-mot-tac-pham-viet-namphan-1.htm
  1. “Nho giáo và văn minh phương Đông”

www.bienkhoi.com

  1. “Văn hóa truyền thống Trung Quốc có coi thường phụ nữ”

//www.baomoi.com/Van-hoa-truyen-thong-Trung-Quoc-co-coi-thuong-phu-nu/139/4730445.epi

Tài liệu tiếng Anh

  1. E. Perry Link, Jr, Mandarin Ducks anh Butterflies- Popular Fiction in Early Twentieth Century Chinese Cities, Berkeley: University of California Press, 1981
  1. Rey Chow, Woman and Chinese Modernity: The Politics of Reading Between West and East, University of Minnesota Press, 1991

Chủ Đề