Thỉnh vong là gì

Có lẽ chưa bao giờ các từ khóa “chùa Ba Vàng”, “thỉnh vong” “cúng dường” lại được cư dân mạng lùng sục ráo riết và tạo nên một làn sóng phẫn nộ khủng khiếp như những ngày vừa rồi. Lần đầu tiên một vụ bê bối được phát giác ngay trong nhà chùa đã tạo nên “cú sốc tinh thần thể giận dữ” trong dư luận xã hội. Người ta có dày đặc lý do để bàng hoàng, ngờ vực và cay đắng trước những bằng chứng điếng người.

Tại sao những người vẫn giảng giải đạo pháp mà lại có thể “miễn dịch” trước nỗi đau của chúng sinh như vậy? Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Tại sao một chiếc lều vịt cỏn con dựng tạm bợ trên đất nông nghiệp bị rầm rộ cưỡng chế, thậm chí khởi tố, trong khi một tập đoàn hoạt động mê tín dị đoan có dấu hiệu lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số lượng nạn nhân lên đến con số ngàn lại có thể diễn ra thoải mái đến lạ lùng vượt thời gian như vậy? Nếu báo chí không dũng cảm và mưu trí nhảy vào vạch trần thì còn đi đến đâu? Và… nếu có quả báo thì kiếp sau họ phải làm con gì mới xứng?

Nhân sự việc, hàng loạt “thuật ngữ chuyên ngành” được cập nhật góp phần làm cho dân trí thêm phần tỏ tường: “cúng dường”, “oan gia trái chủ”, “pháp”, “thỉnh”, rồi thì “vong”, “tín chủ”, “giải nghiệp”, “đệ tử”, “ban trí khách”, “âm bệnh”… Đành rằng theo phân tích thực tiễn thì chữ được nhắc đến nhiều nhất cũng là chữ nhắc đến cuối cùng, chữ mà vừa là mục đích, vừa là phương tiện, vừa là cầu nối giữa “cô” với tín chủ, giữa cô với vong và giữa vong với tín chủ – đó là chữ… tiền!

Tiền được gọi tên một cách thản nhiên, mạch lạc, quyết đoán và có vẻ như cũng rất chi là dân chủ! Mọi tội lỗi của hàng chục kiếp trước đều được định giá và mua đứt nọc bằng đồng tiền quốc gia đương thời. Ma nhưng lại không chịu tiêu tiền âm phủ, cách nhận tiền của ma cũng khác biệt đến kì dị, không hóa, chỉ cần bỏ vào phong bì là mọi tội lỗi của “nhiệm kỳ trước” đều được hóa giải. Không ai có thể hiểu nổi và càng không hiểu người ta càng cắm đầu lao vào. Lý giải được huyền bí hóa theo cách rất chi là cùn rằng: Cúng tiền là “theo yêu cầu của vong” [lời giải thích của sư trụ trì]. Vậy vong là ai? Quân hàm cấp bậc gì mà to quyền đến vậy?

Để bổ cứu cho vốn kiến thức hạn hẹp của mình, người viết bài này đã buộc phải “thẩm vấn cụ Gu Gồ”, nhưng rất tiếc đến thời điểm này, tức là khi vong đã mang đến trăm tỷ tiền tươi thóc thật thì vẫn chưa thấy một khái niệm nào được cập nhật trong từ điển. Vậy vong là gì? Dạ, hình như vong là linh hồn của những người chết chưa được siêu thoát. Vong cũng có thể là một cách gọi khác của ma. Vong tồn tại xung quanh chúng ta, vong cũng buồn, cũng vui, cũng giận dỗi yêu thương và khi cần vong cũng “ám” không thương tiếc. Là nghe mô tả vậy chứ đã có ai nhìn thấy vong bao giờ đâu. Một số người có quyền năng siêu phàm là “thỉnh” được vong lên nói chuyện thôi. Chuyện thỉnh vong, áp vong thì rẫy đầy ra đó. Cách đây mấy năm, một “nhà ngoại cảm” lừng danh nọ còn mời cả hội đồng nhà vong lên nói chuyện râm ran như hội thảo khoa học cơ mà. Chỉ có điều vong nói chuyện qua cái miệng nhả chữ thành thục của nhà ngoại cảm nên cũng chỉ một mình nhà ngoại cảm biết vong to béo và thủy chung như nào. Tôi từng may mắn tận mắt chứng kiến vong nhập vào người đàn ông nọ. Khỏi phải nói hết những ly kỳ huyền bí. Vong lắc lư, vong đổ gục, vong vò đầu bứt tai rồi vong đột ngột đứng phắt dậy đưa gia chủ đi tìm mộ cụ tổ. Cả mấy chục con người hào hứng ào ào chạy theo vong, nhưng mới ra khỏi ngõ được mấy bước thì vong ngớ người ra rồi quay trở lại. Tưởng vong giận vì thiếu tiền lì xì ai ngờ vong quay lại vì trong lúc vội vội vàng vàng quên mất đôi dép tổ ong! Cười không giữ được rốn với độ cẩn thận của vong này. Có đến hàng ngàn vụ áp vong khác, thậm chí người ta áp vong cả trong hội trường lớn của cái viện nghiên cứu tiềm năng gì đó. Vong bao giờ cũng khôn hơn người, hỏi dễ thì vong trả lời, hỏi khó thì vong… thăng. Tuy nhiên lâu nay thấy người ta thỉnh vong ở đền ở miếu, ở các nghĩa địa, nhà thờ họ hoặc cũng có thể tại gia chứ hình như chả mấy khi thấy ai thỉnh vong ở chùa. Vụ thỉnh vong ở chùa Ba Vàng là một đặc cách? Vong mà cũng thiên vị, cũng cục bộ địa phương à? À mà cũng lạ, chả hiểu thế nào mà vong ở chùa Ba Vàng có tính vùng miền lẫn tính thời đại rất rõ rệt, bằng chứng cho nhận định trên là thấy vong nào lên ở đây cũng… đòi tiền! Phải chăng nhu cầu tiêu pha của vong khi về vùng đất này tiến bộ hơn rất nhiều so với vong vùng khác?

Với điệu luận cho rằng tất cả mọi người ai cũng có thể bị vong theo mà “vong” đã theo thì “vật chủ” luôn bị quấy phá, người nhẹ thì gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, nặng thì ốm đau, bệnh tật, “yểu mạng”. Để hóa giải được điều này, nhà chùa khuyên chúng sinh phải “thỉnh oan gia trái chủ” hay còn hiểu cách khác là “trả nợ cho vong”. Tùy vào nghiệp của tiền kiếp, người bị vong theo sẽ phải bỏ 1 số tiền không ít để trả nợ dưới hình thức công đức cho nhà chùa. Nhưng điều đáng nói, giá cho mỗi lần trả nợ tùy thuộc vào vong phán. Quan hệ giữa người với vong khá bình đẳng trên nguyên tắc thuận mua vừa bán. Không mặc cả, không kỳ kèo nhưng được… trả góp. Việc của người nhà chùa là gọi vong lên, lập trích ngang tội lỗi, sau đó vong cho “lập dự toán” và “báo giá” bằng giấy của nhà chùa! Việc của tín chủ cũng không quá phức tạp, chỉ cần vái lia lịa và xuống tiền. Hết! Mọi bệnh tật coi như xong. Những đồng tiền đi về đâu là một câu hỏi mà có lẽ chỉ có cách là phải xuống âm phủ thì mới biết được!

Trên một tờ báo viết rằng: “Khi được phóng viên hỏi, tại sao nhà chùa không kiểm đếm số tiền mà mọi người đã đóng vào phong bì có đúng với số tiền vong đã phán, nhỡ mọi người đóng thiếu số tiền đấy thì nhà chùa lấy tiền đâu để đền cho vong? Không ai có thể trả lời nhưng thiếu là thiếu thế nào. Vong mà, qua mặt thế nào được vong. Đó là chưa nói chuyện sau vong là bồ đoàn “đệ tử” âm thầm ghi lại tên tuổi quê quán và “âm bệnh” của từng người. Sau này sẽ đối chiếu với dữ liệu đã ghi trên phong bì trong hòm công đức, đúng người, đúng bệnh, đúng số tiền người ta mới giải nghiệp cho”. Ồ, thế là rõ ma nhưng rất chi là… người! Mà người thì lại rất chi là… ma !

Dự là khi bài báo này đến tay bạn đọc thì dư luận cũng đã bắt đầu lắng xuống. Mong sao vụ việc này là bài học cho những ai cuồng tín mê muội, cho những ai đang lăm le lợi dụng sự cuồng tín ấy để trục lợi, nó còn là bài học quý cho cơ quan quản lý, cho cả giáo hội. Tuy nhiên, nếu chỉ vì một vài cá nhân sai phạm mà chỉ trích cả một ngôi chùa, quay lưng với đạo Phật lại là cả giận mất khôn. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc Việt mấy ngàn năm nay, những đóng góp của Phật giáo trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước qua từng giai đoạn lịch sử là không thể quên, không được phép quên. Việc thỉnh vong không có trong đạo pháp, những người “thợ thỉnh vong” ấy càng không đại diện cho Phật giáo. Họ lợi dụng Phật giáo nếu không nói là chính họ đang… vong ân bội nghĩa với Phật giáo!

Cuối năm, mùa bốc mộ. Rất nhiều người điện thoại, nhắn tin cho tôi, hỏi có nên đi gọi hồn hay không? Tôi thường khuyên: "Không nên gọi". Vì sao?

Cầu trời khi gặp nghịch cảnh có được gì đâu!

Trước khi đến với đạo Phật, tôi đã có 15 năm nghiên cứu về tâm linh, cũng là ngần ấy năm tôi đồng hành cùng các nhà ngoại cảm hàng đầu Việt Nam trong hành trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tôi đã từng viết khá nhiều sách về lĩnh vực này, trong đó, có nhiều trang viết về việc thỉnh vong, gọi hồn. Loạt bài gần đây nhất, tôi có viết về hành trình tìm mộ cụ tổ 6 đời của dòng tộc nhà tôi trên Báo Tuổi trẻ và đời sống, tôi đã kể khá chi tiết việc nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Minh Nguyệt gọi hồn ông nội, bà cô tổ, cha và chị gái của tôi.

Đọc đến đây, chắc sẽ có nhiều anh chị đặt câu hỏi: Vậy tại sao bây giờ Hoàng Anh Sướng lại khuyên mọi người không nên thỉnh vong, gọi hồn?

Vâng! Quả là tôi đã từng viết như vậy, từng làm như vậy, rất nhiều lần. Nhưng đó là hơn 20 năm về trước, khi tôi bắt đầu nghiên cứu về tâm linh, chưa biết nhiều về đạo Phật, chưa tu tập theo chánh pháp.

Theo quan điểm nhà Phật, cuộc đời mỗi con người trải qua nhiều kiếp sống.

Ngày ấy, qua rất nhiều lần thực chứng, tôi tin vào sự tồn tại của linh hồn. Tôi tin tuyệt đối, chết không phải là hết. Khi chết, chỉ thân xác tan vào cát bụi còn thần thức, linh hồn thì vẫn tồn tại. Thậm chí, tôi tin, người mất luôn dõi theo người sống, phù hộ cho người sống. Cho nên thế giới âm-dương tưởng là xa cách mà hóa ra gần gũi, tưởng là hai mà hóa ra là một. Tôi cũng tin vào khả năng đặc biệt một số nhà ngoại cảm đích thực, trong đó có chị Nguyệt. Có điều, chị Nguyệt chỉ thỉnh vong của những người thân chứ không bao giờ thỉnh vong oan gia trái chủ từ tiền kiếp. Tại sao ư? Vì có gọi hồn những người thân quen, mình mới kiểm chứng được, đó thực sự có phải là người thân của mình không qua những thông tin, qua khẩu khí, qua cách biểu đạt…khi trò chuyện. Còn thỉnh vong oan gia trái chủ trong tiền kiếp, mình không có gì để kiểm chứng hết vì mình đâu biết họ là ai, có ân oán với mình thật không? bởi mình đâu có từng gặp.

Trải qua nhiều năm nghiên cứu về tâm linh, tôi thấy, việc gọi hồn, không phải bao giờ cũng chính xác, ngay cả với những nhà ngoại cảm có khả năng đích thực. Vì đôi khi, có hiện tượng vong giả vong. Nghĩa là vong linh nhập vào nhà ngoại cảm trò chuyện với mình, không phải vong linh người thân mình. Cho nên, khi đi gọi hồn, dù đó là nhà ngoại cảm nổi tiếng đến đâu, người đi thỉnh cũng cần phải hết sức tỉnh táo. Phải căn cứ vào những thông tin mà vong cung cấp, nhất là những chi tiết “độc”, thuộc dạng “thâm cung bí sử” của đời mình, của gia đình mình mà xác định đó có phải là vong người mình cần gặp hay không?

Sau này, khi biết đến đạo Phật, hành trì theo chánh pháp, tôi không bao giờ đi gọi hồn nữa và cũng thường khuyên mọi người không nên làm việc đó. Bởi tôi hiểu, người thân mình đã chết, họ thuộc về cảnh giới khác. Việc gọi họ về, chỉ khiến họ thêm luyến tiếc, nhớ nhung cõi trần, rất khó để siêu thoát. Đó là chưa kể nhiều tà ma giả làm người nhà mình nói năng, phán xét linh tinh, bừa bãi, sẽ gây những hoang mang, sợ hãi, đau khổ, đổ vỡ cho mình. Nếu thực sự mình yêu ông bà, cha mẹ, mong muốn họ siêu thoát thì hãy tích cực làm việc thiện rồi hồi hướng năng lượng ấy cho họ. Và nếu như chúng ta là người biết tu tập, hãy mời họ về tu tập cùng. Mời bằng cách nào? Không phải gọi hồn, thỉnh vong. Theo tuệ giác của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tổ tiên, ông bà, cha mẹ không ở bên ngoài mình mà ở bên trong mình, trong từng tế bào cơ thể của mình. Vì thế, nếu như mình tu tập tốt, mỗi hơi thở, mỗi bước chân của mình có hạnh phúc, có an lạc thì tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình sẽ hạnh phúc, an lạc theo. Mình tu cho mình nhưng mình cũng tu cho tổ tiên. Những năm gần đây, tôi luôn tích cực tu cho tôi, tu cho ông bà, cha mẹ.

Có nên gọi hồn để biết hương linh đã siêu thoát hay chưa?

Nhân quả - nghiệp báo là một trong những thuyết nổi tiếng của đạo Phật. Theo quan điểm nhà Phật, cuộc đời mỗi con người trải qua nhiều kiếp sống. Ngoài hiện kiếp – kiếp sống hiện tại, còn có tiền kiếp và hậu kiếp. Thông thường, kiếp sống hiện tại của mỗi người sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ tiền kiếp. Nếu muốn biết kiếp trước mình thế nào thì hãy xem quả của kiếp này. Nếu muốn biết kiếp sau thế nào thì hãy xem nhân gieo kiếp này. Phàm là con người, nhất là những người có niềm tin vào tâm linh, ít nhất một đôi lần trong đời tò mò muốn biết kiếp trước mình là ai, mình sống như thế nào? Vì thế, nhiều người đã tìm đến các ông đồng, bà cốt, thầy bói để soi căn. Song khả năng thần thông nhìn lại được quá khứ, thấy trước được tương lai là điều không dễ dàng. Chỉ có các bậc thiền định lâu năm, tu hành đắc đạo mới có thể chứng đạt được.

Đức Phật dạy rằng: tất cả họa và phúc đều là do nhân quả mà thành

Khi sinh thời, đức Phật có rất nhiều khả năng thần thông, phép lạ nhưng Ngài không bao giờ đề cao thần thông bởi nó khiến cho người ta si mê mù quáng, điên đảo. Nếu bám vào nó sẽ gây trở ngại cho sự giác ngộ chân lý, giải thoát khổ đau, thoát vòng sinh tử luân hồi.

Theo Đức Phật, có ba loại thần thông. Một là, biến hóa thần thông - năng lực làm các phép lạ như bay lên không trung, đi trên mặt nước, xuyên qua vách đá, biến hình, ẩn thân… Hai là, tha tâm thần thông - khả năng biết được tâm niệm, suy nghĩ của người khác, biết tiền kiếp, hậu kiếp. Ba là, giáo hóa thần thông, năng lực giáo hóa, đưa con người từ mê đến ngộ, từ kẻ xấu thành người tốt, từ đau khổ đến an lạc. Các loại thần thông, phép lạ như biến hóa thần thông, tha tâm thần thông chẳng những không mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng mà còn gây ra nhiều tác hại một khi người sử dụng có tâm ý bất chính, lợi dụng thần thông để thỏa mãn lòng tham lam, sân hận của mình. Ví như hại người cướp của, phục vụ hoặc tiếp tay cho kẻ xấu ác, hay vì thù oán mà gây hại cho người. Bởi vậy, theo Đức Phật, thần thông không thể mang lại an lạc hạnh phúc, không thể giải thoát những khổ đau. Thần thông chỉ là kết quả của sự tu luyện tinh thần mà ai cũng có thể làm được kể cả tà ma, ngoại đạo. Thần thông không phải là tiêu chuẩn để đánh giá nhân cách, phẩm hạnh đạo đức của một con người hay mức độ tu hành, giác ngộ của người tu đạo. Chỉ có từ bi và trí tuệ mới mang lại an lạc hạnh phúc cho con người và giáo hóa thần thông mới giúp cho người khác có nhận thức và sự rèn luyện, tu tập để có được từ bi và trí tuệ.

Nói về Nhân quả, nghiệp báo, Đức Phật dạy rằng: tất cả họa và phúc đều là do nhân quả mà thành. Bởi vậy, muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang có. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Thành công hay thất bại không do ai ban phát mà do chính chúng ta tạo nên. Tất cả đều bắt nguồn từ thân, khẩu và ý. Nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ ra quả xấu. Nhân duyên lành sẽ trổ quả tốt.

Hiểu đúng về nhân quả, tin vào nhân quả, nếu ai đó đã từng tạo nghiệp ác trong quá khứ, nay báo ứng nhân quả đến thì không nên sợ hãi, buồn rầu, khóc lóc, chỉ cần bình thản đối diện, tin sâu Phật pháp, chí tâm tu hành, nhất định sẽ chuyển xoay ác cảnh thành thiện cảnh. “Ác hữu ác báo, thiện hữu thiện báo”. Những gì chúng ta tạo tác hành động, từng cử chỉ, từng niệm khởi, theo sau đều có quả báo. Tất cả mọi nỗi thống khổ của con người chẳng phải do ông Trời làm ra mà chính là do những tư tưởng xấu, hành động ác do chính con người đã tạo trong đời này hay đời trước. Muốn cải đổi vận mệnh chỉ có một con đường duy nhất là năng làm việc lành, tích chứa âm đức, không sát sinh, làm lợi cho người. Còn nếu có duyên nữa, tinh tấn tu hành, đắc được Phật pháp thì sẽ tìm thấy con đường thoát khổ siêu sinh.

Vì thế, theo tôi, việc thỉnh vong để giải nghiệp là việc làm trái với giáo lý nhà Phật, chúng ta không nên làm.

Cầu mong ai cũng có một vị Phật vững chãi trong Tâm để quay trở về “hải đảo tự thân”, nương tựa vào chính mình, để không phải hớt hải, sợ hãi, hoang mang, giao tính mạng mình, tài sản mình, tương lai của mình vào tay ông thầy bà cốt nào đó.

Cầu mong cho tất cả mọi người tâm luôn an để thế giới an. Tâm luôn bình để thế giới bình.

Giải đáp những câu hỏi về vấn đề nhân quả luân hồi

Video liên quan

Chủ Đề