Thuật ngữ vấn đề là gì

Giải Quyết Vấn Đề

Thuật ngữ giải quyết vấn đề nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng nếu xem xét nghiêm túc thì đây là một khái niệm bao trùm một phạm vi rộng lớn và đóng vai trò thiết yếu trong mọi hoạt động đời sống và công việc hàng ngày không chỉ của cá nhân mà của các công ty, tổ chức và xã hội.

Vậy giải quyết vấn đề là gì? 

Giải quyết vấn đề là hệ thống các phương pháp khoa học được xây dựng để xử lý các các yêu cầu đặt ra của các hoạt động đa dạng trong xã hội nhằm đạt được mục đích đặt ra trước đó hoặc khắc phục triệt để các vấn đề không mong muốn xảy ra trong xã hội. Đó chính là cách thức để xã hội ngày một phát triển, tiến bộ, hoàn thiện hơn. 

Như vậy giải quyết vấn đề không phải là một khái niệm tầm thường mà là một khái niệm quan trọng yếu đóng vai trò thiết yếu trong việc đưa xã hội tiến bộ, cải hoá. Và giải quyết vấn đề cần phải được xem xét nghiêm túc để thúc đẩy mọi mặt của đời sống xã hội ngày một tốt hơn. Khoa học giải quyết vấn đề là khoa học phương pháp áp dụng trong mọi mặt của đời sống xã hội mà ngày nay được áp dụng mạnh mẽ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu công nghệ, nghiên cứu xã hội, nghiên cứu quy trình kinh doanh, nghiên cứu quy trình sản xuất, cải tiến và sáng tạo, trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính, khắc phục các sự cố trong sản xuất công nghiệp, khắc phục các thảm hoạ thiên nhiên, y học hay đến những việc thông thường hoặc lặt vặt hàng ngày của từng cá nhân. 




Quy trình giải quyết vấn đề bởi ELM 

Ngày nay, các phương pháp giải quyết vấn đề đã được nghiên cứu và triển khai, phổ biến khắp thế giới đặc biệt là trong các tập đoàn kinh tế đa quốc gia. Có rất nhiều phương pháp giải quyết vấn đề đã được phát triển và đưa ra áp dụng phổ biến như FMEA, 8D, Kaizen, DRBFM, PDCA, OE, những phương pháp giải quyết vấn đề được phát triển và áp dụng đã đóng góp nên thành công của các cuộc cách mạng công nghiệp và đang trong quá trình làm nên cuộc cách mạng tri thức. 

Tất cả các phương pháp giải quyết vấn đề có thể khác nhau đôi chút về cách thức thực hiện nhưng nhìn chung không khác nhau nhiều về con đường đi. Sau khi nghiên cứu nhiều phương pháp giải quyết vấn đề khác nhau, chúng tôi đúc rút lại con đường đi chung của các phương pháp giải quyết vấn đề theo trình tự sau: 

- Bước 1: Định nghĩa vấn đề và mục tiêu giải quyết vấn đề 

Định nghĩa vấn đề cần giải quyết là bước quan trọng đầu tiên để bắt đầu quá trình giải quyết vấn đề. Định nghĩa vấn đề cần giải quyết như là đặt đầu đề cho một bài toán cần phải có lời giải, chính vì vậy định nghĩa được vấn đề đọng vai trò quan trọng bậc nhất trong hoạt động giải quyết vấn đề, có định nghĩa được chính xác vấn đề thì mới giải quyết được vấn đề. Một vấn đề có thể được định nghĩa rất dễ dàng như khắc phục sự cố thiên nhiên, khắc phục sự cố của sản phẩm, khắc phục sự cố của quy trình, tìm thuốc chữa một loại bệnh nhưng cũng có nhưng vấn đề rất mơ hồ, rất khó định nghĩa như nghiên cứu về các lý thuyết mới trong khoa học, nghiên cứu về các đột phá trong công nghệ. Định nghĩa vấn đề chính là đặt được chính xác tên của vấn đề mong muốn được giải quyết hoặc khái niệm được vấn đề cần giải quyết. Đối với các vấn đề đơn giản, việc định nghĩa vấn đề không yêu cầu người đặt vấn đề phải có tài năng xuất chúng, nhưng đối với những vấn đề trừu tượng, tiên phong thì đòi hỏi bộ óc thiên tài của người đặt vấn đề. 

Việc đặt vấn đề cần giải quyết là rất quan trọng nhưng việc xác định mục tiêu và phạm vi cần giải quyết của vấn đề cũng cực kỳ quan trọng. Vì nguồn lực luôn luôn có hạn, thời gian có hạn nên giới hạn phạm vi của vấn đề cần giải quyết là một việc làm cực kỳ quan trọng, đảm bảo vấn đề được giải quyết trong phạm vi có thể, đây chính là yêu cầu kinh tế của hoạt động giải quyết vấn đề. 

- Bước 2: Phân tích nguyên nhân gốc rễ [Nguyên lý cơ bản áp dụng cho nghiên cứu và phát triển] 

Phân tích nguyên nhân gốc rễ là thuật ngữ dùng để mô tả nguồn gốc tận cùng của vấn đề thông thường [vấn đề không trừu tượng] nhưng nguyên lý cơ bản là thuật ngữ áp dụng để chỉ đến nguyên lý gốc rễ của vấn đề được áp dụng trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu công nghệ. Đối với giải quyết các vấn đề thông thường, việc tìm hiểu nguyên nhân gốc là hoạt động tìm hiểu nguyên nhân sau xa nhất gây nên vấn đề, nguyên nhân này là xuất phát để tạo nên một chuỗi hiệu ứng rồi cuối cùng gây ra vấn đề cần giải quyết. Đối với giải quyết các vấn đề thông thường, có rất nhiều kỹ thuật được áp dụng để tìm nguyên nhân gốc điển hình như 5-Why, 5-Why-2H, biểu đồ xương cá [Fish bone chart hay Ishikawa diagram], 5M [Man-Method-Machine-Material-Mother nature] Đối với giải quyết các vấn đề khoa học trừu tượng hoặc nghiên cứu phát triển công nghệ, việc tìm nguyên lý cơ bản được dựa trên các thực nghiệm hoặc phân tích lý thuyết và có thể kết hợp với các phương pháp tìm nguyên nhân gốc của giải quyết vấn đề thông thường như trên. 

- Bước 3: Thiết lập các phương án giải quyết vấn đề 

Sau quá trình tìm nguyên nhân gốc, nguyên lý cơ bản của vấn đề, các phương án giải quyết vấn đề sẽ được xây dựng dựa trên các nguyên nhân gốc để xoá bỏ nguyên nhân gốc hay sử dụng các nguyên lý cơ bản được tìm ra. Mỗi một nguyên nhân gốc hay nguyên lý cơ bản có thể cho phép xây dựng nhiều phương án giải quyết vấn đề khác nhau. 

Ở bước này, các phương án giải quyết vấn đề sẽ được đưa ra đánh giá và so sánh lẫn nhau sau đó sắp xếp theo thứ tự tối ưu từ cao đến thấp. 

- Bước 4: Triển khai giải quyết vấn đề 

Khi đã xác đinh được một số phương án giải quyết vấn đề khác nhau và sắp xếp theo thứ tự tối ưu từ cao xuống thấp. Các phương án giải quyết vấn đề sẽ được đưa ra triển khai giải quyết thử vấn đề theo thứ tự ưu tiên như đã sắp xếp. 

Sau quá trình giải quyết thử vấn đề, phương pháp nào được đánh giá tối ưu nhất sẽ được đưa ra áp dụng để giải quyết vấn đề trên phạm vi tổng thể, cũng có thể có nhiều phương án cùng được áp dụng cùng lúc để giải quyết vấn đề trên diện rộng. 

- Bước 5: Đánh giá các phương pháp giải quyết vấn đề 

Khi quá trình giải quyết đề trên diện rộng diễn ra, quá trình quan trắc, thu thập dữ liệu đối với từng phương án sẽ được thực hiện. Sau khi kết thúc quá trình triển khai giải quyết vấn đề, người ta sẽ dùng những dữ liệu thu thập được để đánh giá về từng phương án đó, so sánh giữa các phương án với nhau. Các khiếm khuyết của từng phương pháp sẽ được bổ sung và phân loại các phương án theo hoàn cảnh áp dụng thích hợp nhất. 

- Bước 6: Lập tài liệu về quy trình giải quyết vấn đề, phổ biến phương pháp giải quyết vấn đề 

Bước cuối cùng trong hoạt động giải quyết vấn đề là lập thành các tài liệu quy trình chuẩn về giải quyết vấn đề được đặt ra và lưu trữ, phổ biến trong toàn tổ chức, trong toàn xã hội để thực hiện giải quyết vấn đề trên phạm vi rộng, trong khoảng thời gian dài. Đối với hoạt động khắc phục sự cố, ngăn chặn dịch bệnh, các kết quả của quá trình giải quyết vấn đề không chỉ dùng để giải quyết vấn đề hiện tại mà giúp ngăn ngừa vấn đề xảy ra trong tương lai, trên phạm vi toàn xã hội. Đối với hoạt động khoa học, công nghệ, các kết quả của hoạt động giải quyết vấn đề sẽ giúp tạo nên các phát minh, sáng chế và các áp dụng vào các sản phẩm mới làm thay đổi cuộc sống hiện tại, đưa cuộc sống xã hội ngày một tốt đẹp hơn. 

Như vậy qua sáu bước của hoạt động giải quyết vấn đề, ta có thể thấy sự nghiêm túc của khái niệm giải quyết vấn đề và vai trò thiết yếu của giải quyết vấn đề trong xã hội. Có thể nói, hoạt động làm tiến bộ xã hội chính là hoạt động giải quyết vấn đề.

Chủ Đề