Thực tiễn về ưu đãi đầu tư vào khu công nghệ cao

Đăng nhập

Đăng nhập để trải nghiệm thêm những tính năng hữu ích

Zalo

  • Nóng

  • Mới

  • VIDEO

  • CHỦ ĐỀ

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sau khi Luật Công nghệ cao ra đời năm 2008 và có hiệu lực, nhiều khái niệm, quy định liên quan đến công nghệ cao, khu công nghệ cao đã được luật hóa. Đồng thời, các pháp luật chuyên ngành về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế… đều đã được xây dựng, cập nhật, sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, quy chế khu công nghệ cao chưa được xây dựng mới và ban hành để thay thế quy chế theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP.

Ở thời điểm hiện tại, quy chế khu công nghệ cao theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP cũng như các văn bản được xây dựng, ban hành để hướng dẫn Nghị định đã lỗi thời, có nhiều điểm không còn phù hợp và không theo kịp với thực tiễn phát triển của các khu công nghệ cao trong cả nước.

Ví dụ như về thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, hoạt động thu hút đầu tư gặp những hạn chế nhất định do thiếu tiêu chí thu hút đầy đủ đối với từng loại hình dự án được phép đầu tư vào khu công nghệ cao. Hiện nay, các ban quản lý khu công nghệ cao đang phải vận dụng lồng ghép các tiêu chí khác nhau quy định với các loại hình dự án có sự tương đồng.

Các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ cao từ trước đây không còn phù hợp, đặc biệt sau khi một số luật chuyên ngành ra đời và/hoặc được sửa đổi, bổ sung, cập nhật thì các ưu đãi được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành…

Như vậy, qua một thời gian dài thực hiện Nghị định số 99/2003/NĐ-CP, đặc biệt là sau khi Luật công nghệ cao ra đời, đã nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập từ thực tiễn triển khai cũng như phát sinh những đòi hỏi mới từ chính thực tiễn. Do đó, việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Nghị định mới quy định về khu công nghệ cao nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động của khu công nghệ cao là cần thiết và rất cấp thiết.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, nhà nước khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ phát triển công nghệ cao trong từng giai đoạn nhất định, nhà nước tập trung đầu tư xây dựng một số khu công nghệ cao.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng nêu rõ những ưu đãi đầu tư đối với khu công nghệ cao. Cụ thể, khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư và thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư. Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, thủ tục áp dụng ưu đãi đối với các dự án đầu tư trong khu công nghệ cao thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư.

Bộ KH&CN đề xuất cơ chế ưu đãi đầu tư cho khu công nghệ cao. Ảnh minh họa

Ưu đãi về đất đai, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu-thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của dự án đầu tư vào khu công nghệ cao thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế.

Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt được áp dụng để khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội. Đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư. Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.

Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư vào khu công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và các vấn đề liên quan khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Doanh nghiệp khu công nghệ cao có đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Liên quan tới vấn đề trên, trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14.

Đồng thời, doanh nghiệp công nghệ cao cũng cần đáp ứng các tiêu chí như doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.

Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp [bao gồm khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam] trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào [bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa] hằng năm.

Đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên thì tỷ lệ phải đạt ít nhất 0,5%; Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%; Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 phải đạt ít nhất 2%.

Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp [là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%] trên tổng số lao động:

Trong đó, đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%; Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%; Đối với doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 phải đạt ít nhất 5%.

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Link gốc : //vietq.vn/de-xuat-nhieu-uu-dai-dau-tu-doi-voi-khu-cong-nghe-cao-d188797.html

Bản đồ Quy hoạch chi tiết 1/500 của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng

Đây là nội dung tại Nghị định 04/2018/NĐ-CP về quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao [CNC] Đà Nẵng vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/2/2018.

Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong Khu CNC Đà Nẵng sẽ được áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm. Các dự án đầu tư mới có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCNC được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% như đối tượng người lao động đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp theo khoản 5 Điều 49 Luật nhà ở.

Về thuế nhập khẩu, miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án trong Khu CNC, bao gồm máy móc, thiết bị; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ 

sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án; và vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được; áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.

Miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của các dự án đầu tư vào Khu CNC.

Miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được, tài liệu, sách báo khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ trong Khu CNC.

Về đất đai, miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn dự án đầu tư thuê đối với đất xây dựng công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, đất có mặt nước, công viên sử dụng công cộng theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu được phê duyệt; đất xây dựng công trình sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp công lập; đất xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực CNC; đất thực hiện dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động thuê khi làm việc tại Khu CNC; và dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư [trừ dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu CNC].

Cũng theo Nghị định này, nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài làm việc trực tiếp tại Khu CNC Đà Nẵng và thành viên gia đình [bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi] được xem xét cấp thị thực có giá trị xuất, nhập cảnh nhiều lần với thời hạn phù hợp với mục đích nhập cảnh.

Về nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển Khu CNC Đà Nẵng, Nghị định 04 nêu rõ ngân sách trung ương ưu tiên bố trí đủ số vốn bổ sung có mục tiêu [phần vốn ngân sách trung ương cam kết hỗ trợ trong từng giai đoạn] cho ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình trong Khu CNC và các chương trình quốc gia phát triển Khu CNC. Hằng năm, trong trường hợp vượt thu ngân sách trung ương, Chính phủ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội ưu tiên hỗ trợ vốn cho Khu CNC Đà Nẵng nhằm sớm đưa Khu CNC này hoàn thành đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật vào năm 2020.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ ưu tiên huy động vốn ODA cho Đà Nẵng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các dự án xây dựng công trình tiện ích công cộng cần thiết, trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Việc bố trí vốn đối ứng trong nước cho các dự án, công trinh này do ngân sách thành phố bảo đảm. Hằng năm, UBND thành phố Đà Nẵng tập trung bố trí đủ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương để hoàn thành các dự án, công trình trong Khu CNC theo kế hoạch được phê duyệt; đồng thời, BQL Khu CNC được huy động vốn trong nước để đầu tư xây dựng, phát triển Khu CNC Đà Nẵng.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng là Khu công nghệ cao [KCNC] đầu tiên ở khu vực miền Trung và là KCNC đa chức năng cấp quốc gia thứ ba của cả nước [sau khu CNC Hòa Lạc - Hà Nội và khu CNC thành phố Hồ Chí Minh].

Được thành lập theo Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 28/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Có diện tích 1.129,76ha tại hai xã Hòa Liên và Hòa Ninh thuộc huyện Hòa Vang với 7 phân khu chức năng. Công trình nằm trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất, nối liền các khu kinh tế trọng điểm miền Trung như: Khu Kinh tế Chân Mây [tỉnh Thừa Thiên - Huế], Khu Kinh tế Chu Lai [tỉnh Quảng Nam], Khu Kinh tế Dung Quất [tỉnh Quảng Ngãi].

Mục tiêu phát triển của khu CNC Đà Nẵng là thu hút các nguồn lực công nghệ cao [CNC] trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển CNC; Gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp CNC và phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp CNC, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Việt Nam.

Kiều Vũ, nguồn: //enternews.vn

Video liên quan

Chủ Đề