Thực trạng việc tự học của sinh viên hiện nay

TỰ HỌC THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

Nguyễn Thị Thu Thủy - Ngô Thị Bảo Châu

Bộ môn Ngữ Văn

Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn


Trong quá trình hội nhập tiến tới chương trình tín chỉ hóa, tự học là một yêu cầu bức thiết. Luật Giáo dục đã ghi rõ: Phương pháp giáo dục đại học phải coi trọng việc bồi dưỡng năng lực học nghiên cứu, tạo điều kiện cho người học phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng.

Tuy nhiên, cũng như một số trường khác, vấn đề tự học của sinh viên [SV] Trường Đại học Cần Thơ còn nhiều điều đáng bàn. Thiết nghĩ, cần thiết nêu lên thực trạng, chỉ ra nguyên và tìm ra những giải pháp cụ thể mang tính chất khả thi mới có thể giúp SV giải quyết vấn đề tự học.

I. Thực trạng

Trong xu hướng rút ngắn thời gian lên lớp [chương trình 135 tín chỉ, rồi 120 tín chỉ], nhiều SV cảm thấy thời gian học tập sao quá nhàn hạ để họ có thể cho phép mình được vui chơi thoải mái. Thật vậy, biết làm gi đây bởi vì thời gian lên lớp mỗi ngày chỉ có mấy tiết. Còn tự học ư ? Biết học cái gi khi kiến thức của nhân loại là vô tận và con đường tiếp cận nó là vô cùng đa dạng, nhiều nẻo, nhiều đường !

Bên cạnh đó tình trạng học đối phó diễn ra phổ biến trong SV. Hầu hết SV chưa chủ động được thời gian, chưa biết sắp xếp hợp lí thời gian cho toàn bộ chương trình cũng như kế hoạch học tập hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày của mình.

Đa số SV chưa biết và cũng chưa có ý thức chủ động tìm kiếm kiến thức mới. Giảng viên [GV] dạy tới đâu, SV học đến đó, GV dặn điều gì thì SV học và làm điều ấy. Một số SV học theo lối thực dụng: những phần nào giảng viên cho cho thi, liên quan đến điểm số thì mới đầu tư học tập.

Khả năng ứng dụng và tiêu hoá kiến thức của nhiều SV chưa sâu. Đối với SV, kiến thức ở giảng đường dường như tách rời thực tế. SV chưa thấy được kiến thức sách vở là bắt nguồn từ cuộc sống và mục đích cuối cùng của chúng là sẽ trở lại phục vụ cuộc sống. Đối với SV nhiều vấn đề khoa học trở nên trừu tượng, mơ hồ, chúng tồn tại chơi vơi, dường như không có đất sống. Muốn tìm được mảnh đất sống thực sự cho chúng không gì hơn là phải đầu tư tự nghiên cứu, tự học.

SV cũng chưa thấy được mối quan hệ giữa các các học phần, các đơn vị kiến thức. Kiến thức mình đang học có liên quan gì với kiến thức trước và sau nó. Do vậy, SV cũng chưa biết vận dụng cái đã biết để giải quyết những vần đề chưa biết và cần biết.

Từ những đặc điểm nêu trên dẫn đến một hậu quả khá nghiêm trọng là khả năng nghiên cứu của đa số SV còn yếu kém. Điều này, đồng thời, dẫn đến một hệ lụy sau cùng là sau khi ra trường, khả năng phát hiện vấn đề, xử lí tình huống, giải quyết công việc của hầu hết SV là không cao.

II. Nguyên nhân

Cũng như tình hình phức tạp của thực trạng, nguyên nhân cũng xuất phát từ nhiều phía.

Nguyên nhân sâu xa và trước hết là SV chưa xây dựng được hình ảnh về mình với tư cách là một kĩ sư, hoặc thầy giáo với những kiến thức, kĩ năng cần thiết ở tương lai. Để làm được điều này, có lẽ trước hết SV cần xác định cho mình một mục tiếu phấn đấu: mình phải là một kĩ sư, hay GV có năng lực chuyên môn ở một cơ quan, trường học, hay một xí nghiệp nào đó trong tương lai. Muốn vậy ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình phải học tập và trau dồi kiến thức, kĩ năng tốt nhất thông qua nhiều con đường: lên lớp đầy đủ, tự học, tự nghiên cứu, học nhóm...

Thực tế cho thấy, hầu hết SV chưa biết khái niệm tự học. Cụ thể, SV chưa biết tự học cái gì, làm gì trong thời gian tự học, cũng như chưa biết lợi ích của việc tự học là gì. SV chưa nhận thức được rằng kiến thức của môn học là vô hạn, mà thời gian trên lớp là hữu hạn. Dù có bao nhiêu thời gian trên lớp cũng không đủ để GV có thể khai thác hết kiến thức của môn học; do vậy tự học là một phương pháp tối ưu để có thể đi tới chân trời khoa học.

Tự học là một phương pháp học tập còn khá mới đối với SV, đặc biệt là các khoá mới. SV chưa được chuẩn bị một tâm thế, một phương pháp học tập mới. Quen với cách học truyền thống ở phổ thông - GV cung câp kiến thức, SV tiếp nhận thụ động, một chiều SV chưa biết mình phải học gì, làm gì để đạt được kiến thức, kĩ năng cần thiết .

Nhiều SV chưa tìm được niềm đam mê, sự thích thú trong học tập, nghiên cứu. Học tập là một nhiệm vụ, tuy nhiên nếu có cả niềm đam mê và sự hứng thú nữa thì hiệu quả mới cao và người học mới có thể mong đạt đến đỉnh cao của khoa học. Niềm đam mê và sự thích thú sẽ là động lực giúp SV vượt qua mọi trở ngại và quyết tâm đi đến điểm cuối cùng.

Một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tự học của SV đó là điều kiện học tập, sinh hoạt thiếu thốn. Đời sống vật chất khó khăn, một số SV dành nhiều thời gian không lên lớp [thời gian tự học] để làm thêm nhằm trang trải việc học tập, sinh hoạt.


III. Giải pháp

SV cần phải biết tự học là gì. Tự học là tự mình chiếm lĩnh hệ thống tri thức, kỹ năng. Trên cơ sở nắm vững những kiến thức cơ sở của nghề nghiệp, SV có khả năng vươn lên thích ứng với những yêu cầu trước mắt và lâu dài do thực tiễn xã hội đặt ra ở tương lai. Trong quá trình tự học, SV phải làm nhiều việc: đọc giáo trình, tài liệu, thực hiện những nhiệm vụ do GV đề ra. Ngoài ra SV còn có thể chủ động tự tìm kiếm kiến thức mới, giải quyết những công việc mà bằng sự tò mò ham hiểu biết kích thích mình thực hiện.

Là một GV trẻ, tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ mà bản thân đã làm nhằm giúp SV tự học.

Cách 1:

  • Trước hết GV đặt ra một số vấn đề để SV tự nghiên cứu. Danh sách câu hỏi này được cập nhật, bổ sung liên tục cùng với quá trình giảng dạy và tham khảo tài liệu của GV; đồng thời, GV cũng có thể bổ sung danh sách câu hỏi này bằng những thắc mắc của SV trước, trong và sau các buổi học.

  • Sau đó GV chia lớp thành những nhóm nhỏ, yêu cầu mỗi nhóm chọn một đề tài cụ thể [trong một thời gian nhất định - 1 tuần chẳng hạn].

- Cung cấp danh sách các tài liệu tham khảo có liên quan đến vấn đề. Chú ý kiểm tra những tài liệu nào có sẵn ở Trung tâm Học liệu [có thể cung cấp sẵn mã số], những tài liệu nào không có ở Trung tâm Học liệu, giảng viên sẵn sàng cung cấp cho SV, nếu cần.

- Sau khi nhóm SV chọn để tài [tránh trùng đề tài, ưu tiên đề tài trùng cho nhóm SV đăng ký trước], SV có thể liên hệ với GV để hỏi thêm về tài liệu tham khảo, hay nhờ GV nhấn mạnh một số tài liệu trọng tâm liên quan đến đề tài.

- Đặt ra yêu cầu chung từ ban đầu: thời gian hoàn thành, dung lượng[không nên yêu cầu quá cao]

- Trong quá trình tìm hiểu, nếu SV có thắc mắc, có thể liên hệ để trao đổi với giảng viên.

- Sau khi các nhóm nộp, yêu cầu gom lại, phô tô chung cho cả lớp, để cùng nhau chia sẻ tài liệu.

- Khác với thuyết trình, tự học không yêu cầu thuyết trình tại lớp, nhưng giảng viên cũng nên đọc lại kết quả của các nhóm [kèm theo nhận xét] trước khi phôtô cho cả lớp.

Cách 2:

Sau đưa danh sách câu hỏi và tài liệu tham khảo, giảng viên có thể dùng thời gian trên lớp để hỏi một số câu hỏi, cho SV xung phong trả lời miệng -trả lời ngắn gọn - và cộng điểm cho SV]

Phần đánh giá: Để khuyến khích, động viên SV, chúng ta nên đánh giá kết quả tự học của các em.

- Đánh giá mức độ hoàn thành của các nhóm bằng cách cho điểm cả nhóm, tối đa 3 điểm/tổng cộng 10 điểm của môn học.

- Để đảm bảo cũng như kiểm tra chắc chắn rằng các thành viên trong nhóm cùng hoàn thành sản phẩm, chúng ta có thể gọi bất kỳ một thành viên của nhóm trình ày ngắn gọn [tóm tắt] vấn đề hay hỏi một phần nhỏ của vấn đề [để tiết kiệm thời gian] trước khi cho điểm cả nhóm. Phần này chỉ chiếm từ 20-30% tổng số điểm.

- Có thể chọn thêm một số câu hỏi quan trọng [khoảng 10 câu - trong danh sách câu hỏi ban đầu] cộng thêm những câu hỏi mà các nhóm đã thực hiện để cho thi kết thúc học phần. Điều này thúc đẩy quá trình tự học của SV. Tuy nhiên, chúng ta nên cho đề theo dạng đề mở được tham khảo tài liệu; đặc biệt, nên cho theo dạng nhiều câu hỏi nhỏ [khoảng 5-7 câu], yêu cầu trả lời ngắn gọn để kiểm tra quá trình tự tham khảo tài liệu của SV. Chỉ nên cho 1 -2 câu hỏi trong danh sách các câu hỏi đã cho SV tự học [đã phô tô tài liệu cho lớp].

Trên đây là ý kiến cá nhân của người viết, rất mong nhận được sự đóng góp của quý Thầy Cô, các bạn để hoàn thiện bài tham luận; cũng như để chúng ta chia sẻ, đúc kết những kinh nghiệm quý báu trong quá trình giảng dạy nhằm nâng cao khả năng tự học của SV; với mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả đào tạo - tức đào tạo ra những SV tích cực, năng động, chủ động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại ngày nay.

Chủ Đề