Thuốc bổ não dành cho người tai biến

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, tai biến mạch máu não đang có chiều hướng gia tăng, cướp đi sinh mạng của nhiều người hoặc để lại những di chứng nặng nề, gây thiệt hại to lớn cho gia đình và xã hội. Việc điều trị, phục hồi sau tai biến, ngăn ngừa tái phát đã và đang là vấn đề cấp thiết của y học nói chung, ngành phục hồi chức năng nói riêng. Bài viết này sẽ đề cập tới vấn đề sử dụng các loại thuốc điều trị sau tai biến mạch máu não.

Sử dụng hợp lý các loại thuốc điều trị sau tai biến

1. Phân loại và tiên lượng thời gian phục hồi sau tai biến

Tai biến mạch máu não [hay còn gọi đột quỵ não] là một trong những bệnh phổ biến đứng hàng thứ 3 thế giới sau các bệnh ung thư và tim mạch. Bệnh có thể gây ra tử vong nhanh chóng [30%-40%] hoặc nếu sống sót sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề [trong tháng đầu tiên sau tai biến, 2/3 người bệnh được cứu sống bị tàn tật phải phụ thuộc vào người khác trong sinh hoạt hàng ngày].

Quá trình phục hồi sau tai biến mạch máu não được chia làm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có các vấn đề về mục tiêu và phương pháp điều trị khác nhau.

– Giai đoạn tối cấp [0-24h]

– Giai đoạn phục hồi sớm [24h – 3 tháng]

– Giai đoạn phục hồi muộn [ 3 tháng – 6 tháng]

– Phục hồi chức năng trong giai đoạn mạn tính [> 6 tháng].

2. Những di chứng sau tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não có thể gây ra những di chứng sau:

– Các vấn đề về vận động: Liệt hoàn toàn hoặc liệt một bên cơ thể đối diện với bên não bị tổn thương [có thể bị ở mặt, tay, chân, hoặc toàn bộ một bên cơ thể], nuốt khó, mất khả năng giữ thăng bằng và tư thế của cơ thể.

– Các vấn đề về cảm giác: Rối loạn cơ tròn, mất kiểm soát nhu động ruột gây tiểu tiện không tự chủ hoặc táo bón; có cảm giác đau, tê, ngứa [dị cảm]; Mất khả năng cảm nhận các cảm giác sờ, đau, nóng, lạnh…

– Các vấn đề về giao tiếp: Mất ngôn ngữ toàn thể [mất khả năng nói, nghe hiểu, đọc, viết] hoặc mất ngôn ngữ không hoàn toàn: Thất ngôn Broca [khả năng nghe hiểu không bị ảnh hưởng, khả năng nói, đọc, viết suy giảm hoặc rối loạn], thất ngôn Wernicke [khả năng nói trôi chảy, khả năng nghe hiểu, đọc giảm hoặc rối loạn].

– Các vấn đề về tư duy và trí nhớ: Giảm khả năng chú ý, học hỏi, nhận thức, xử lý tình huống, có thể giảm hoặc mất trí nhớ ngắn hạn.

– Các vấn đề về tâm lý và cảm xúc: Lo âu, sợ hãi, cáu kỉnh, dễ nổi nóng, chán nản, mất ngủ, có thể bị trầm cảm là những thay đổi thường gặp và thường do sang chấn tâm lý sau tai biến. Tai biến mạch máu não ảnh hưởng đến vùng trán hoặc thân não có thể gây mất kiểm soát cảm xúc [người bệnh có thể cười sau đó đột ngột khóc oà lên].

3. Các loại thuốc điều trị sau tai biến

Nguyên tắc điều trị

  • Kết hợp y học hiện đại, y học cổ truyền để đảm bảo cho bệnh nhân phục hồi sớm và tốt nhất
  • Điều trị bệnh kèm theo
  • Điều trị dự phòng biến chứng và tái phát

Các loại thuốc điều trị sau tai biến mạch máu não

Điều trị kháng tiểu cầu:

  • Aspirin và các thuốc ức chế tiểu cầu dùng sớm có tác dụng dự phòng tai biến mạch máu não tái phát.
  • Điều trị kháng tiểu cầu aspirin liều thấp [75-150 mg/ngày] có hiệu lực như aspirin liều cao, nhưng ít tác dụng phụ hơn.
  • Sử dụng aspirin phối hợp với dipyridamole để tăng hiệu lực cao hơn chỉ dùng aspirin trong phòng ngừa tái phát tai biến mạch máu não.
  • Clopidogrel có hiệu lực phòng ngừa tái phát tai biến mạch máu não giống như aspirin [và có thể tốt hơn]. Thuốc ít tác dụng phụ về dạ dày nhưng lại gây tiêu chảy và có giá thành cao hơn.

– Điều trị kháng đông:

  • Cần điều trị kháng đông warfarin cho tất cả các bệnh nhân tai biến mạch máu não có rung nhĩ. Điều trị warfarin cho người bệnh có chỉ định kháng đông cần được duy trì suốt đời.
  • Bệnh nhân tai biến cấp có van tim nhân tạo và có rung nhĩ cần được điều trị bằng aspirin cộng với warfarin [INR 3,0-4,5]

– Điều trị hạ áp:

Điều trị hạ áp cho bệnh nhân tai biến mạch máu não bằng thuốc “perindopril + indapamide” hoặc ramipril có làm giảm tỷ lệ tái phát tai biến, nhồi máu cơ tim và tử vong do bệnh mạch máu, bất kể là huyết áp có thể chỉ bằng 130/70 mm Hg.

Điều trị cao huyết áp bằng thuốc khác có thể cũng cho kết quả hạ áp tương tự.

Khi nào thì khởi động điều trị cao huyết áp?

+ Đối với bệnh nhân huyết áp bình thường, nên chờ cho tới khi bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phục hồi.

+ Đối với bệnh nhân đã bị cao huyết áp, nên bắt đầu điều trị sớm hơn.

– Điều trị giảm cholesterol máu:

  • Các thử nghiệm trên lâm sàng cho thấy, việc dùng statin cho bệnh nhân nhân đau thắt ngực và bệnh nhân nhồi máu cơ tim có làm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não hoặc nguy cơ tái phát tai biến mạch máu não.
  • Nên chỉ định dùng statin cho tất cả các bệnh nhân đã bị tai biến mạch máu não.
  • Ngoài ra, việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân cũng cần được tiến hành toàn diện, sớm theo các giai đoạn tiến triển của bệnh.
  • Các loại thuốc điều trị sau tai biến mạch máu não cần được sử dụng theo đúng đơn thuốc và chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua và dùng không tuân theo ý kiến bác sĩ.

 4. Chế độ chăm sóc người bệnh sau tai biến mạch máu não

Chăm sóc bệnh nhân sau tai biến mạch máu não

– Chăm sóc: Trong trường hợp bệnh nhân chưa thể tự vận động dịch chuyển người, thì để chống loét nên sử dụng bằng đệm hơi hoặc đệm nước, lăn trở mỗi 2 giờ, xoa bóp, vệ sinh để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng hô hấp hoặc nhiễm trùng đường tiểu.

Chế độ ăn: Cần có chế độ ăn uống khoa học dành cho những bệnh nhân sau tai biến mạch máu não. Nên cung cấp đủ chất và dinh dưỡng.  Thức ăn phải mềm hoặc lỏng, chứa nhiều chất xơ và vitamin như cháo, sữa, súp. Hạn chế cho bệnh nhân ăn những loại thức ăn chứa nhiều chất béo, muối và nên chia nhỏ những bữa ăn trong ngày ra nhiều lần. Tuyệt đối không cho bệnh nhân sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, không hút thuốc lá.

– Chế độ luyện tập và vận động: Vận động tay chân sớm để tránh cứng khớp, kết hợp với luyện tập phục hồi chức năng có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hoặc hướng dẫn cho người thân. Việc luyện tập tại nhà nên tập một số động tác nhẹ nhàng, đơn giản trong thời gian đầu, sau đó tăng dần độ mạnh và độ phức tạp của động tác lên. Việc luyện tập đòi hỏi sự kiên trì và lâu dài.

– Cần động viên, an ủi bệnh nhân để tránh những cảm xúc tiêu cực như: Lo âu, chán nản, bi quan để bệnh nhân luôn có tinh thần lạc quan, vui vẻ.

BS. Hà Linh

[Visited 1.990 times, 7 visits today]

[Visited 1.990 times, 7 visits today]

Hỏi

Chào bác sĩ, mẹ tôi 75 tuổi bị tai biến mạch máu não nằm 1 chỗ, sức khỏe yếu không ăn được, chỉ uống được sữa. Bác sĩ cho hỏi có loại thuốc bổ nào giúp cho mẹ tôi có được sức khỏe tốt lên và ăn được không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Minh [TP HCM]

Trả lời

Chào bạn, mẹ của bạn 75 tuổi và bị tai biến thì vấn đề dinh dưỡng và chăm sóc cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của người bệnh. Nếu dùng thuốc thì phải cần protein trong máu đầy đủ mới vận chuyển thuốc được, chính vì vậy chế độ ăn uống phải được ưu tiên và đảm bảo. Trước tiên, nếu trong ngày mẹ bạn chỉ uống được sữa thì chưa đủ năng lượng; trong một số trường hợp nếu không nuốt được phải đặt sonde dạ dày để nuôi ăn. Nếu mẹ bạn còn nuốt và vận động tốt thì nên động viên ăn uống bằng cách chia nhiều bữa nhỏ trong ngày, thức ăn có thể mềm, xay nhuyễn hoặc dễ tiêu hóa. Cấu trúc thành phần trong chế độ ăn vẫn đầy đủ và cân đối [đạm, chất béo thực vật, glucid, vitamin và khoáng chất]. Nếu có bệnh lý tăng huyết áp hoặc bệnh thận, đái tháo đường kèm theo thì chế độ ăn cần điều chỉnh cho phù hợp [giảm muối, nước, không ăn nhiều đường đa với bệnh lý đái tháo đường].

Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm một số loại thuốc bổ hỗ trợ khác [tuy nhiên nếu không ăn được thì cũng không thể uống thuốc có hiệu quả]. Chính vì vậy, bạn và gia đình nên tập trung về chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng tốt cho mẹ.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Video liên quan

Chủ Đề