Tiết hạnh khả phong nghĩa là gì

Nhà nghèo, trong túp lều tranh của hai mẹ con không có gì đáng giá, nên với nàng, cái giếng là tài sản quý nhất, không chỉ vì nó là cái giếng nước luôn đầy và trong mát nhất làng, mà còn là nơi để cô có thể lặng lẽ chiêm ngưỡng nhan sắc của mình. Thảo soi bóng xuống giếng và thì thầm với khuôn mặt xinh đẹp nơi đáy nước: Hôm nay chàng đi rồi, không biết chàng có nói với mình lời yêu?....

Thảo nhớ lần đầu tiên, khi đi bứt rạ ngoài đồng về, cô đã gặp anh. Chao ôi người đâu mà đẹp vậy! Dáng dấp thanh tú, dong dỏng thư sinh, lại thêm đôi mắt đen với ánh nhìn ấm áp, cương nghị. Gương mặt sáng, rắn rỏi, vuông vức, lại thêm hàng ria càng khiến anh trông đẹp một vẻ đẹp nam tính. Bất chợt gặp ánh mắt chàng, tim cô đập thình thịch, tưởng như mình bị đắm chìm trong đôi mắt thăm thẳm hút hồn ấy. Từ sau hôm đó, đêm nào Thảo cũng trằn trọc, Cứ nhắm mắt lại hiện lên gương mặt của chàng. Dò hỏi, Thảo biết anh là Toàn, con cụ Hàn Ninh xóm trong, vừa học xong trường bách nghệ, về quê chờ nhận việc trong ngành hỏa xa. Rồi duyên trời không phụ nỗi tương tư của cô. Đêm Trung thu, Thảo đang đứng xem rước đèn ở sân đình, bỗng có một giọng nói trầm ấm nhỏ nhẹ như làn gió từ phía sau:

- Chào o Thảo!

Nàng quay lại, thảng thốt, chỉ đáp được một tiếng: Dạ!, rồi cảm thấy toàn thân như đang run lên, hai chân không đứng vững, nàng hơi chao người. Toàn bất giác đưa tay ra đỡ:

- Thảo có sao không?

- Em không sao ạ. Em không ngờ lại gặp anh ở đây! - Tim nàng đập như trống trận khi nhận ra lưng mình đang dựa nhẹ lên cánh tay chàng.

- Tôi ra đây cũng chỉ mong được gặp Thảo. Nhiều lần tôi qua nhà, cứ tần ngần đứng trước ngõ mà không dám vào!

Ôi, vậy là anh cũng để ý đến mình! Thảo bồng bềnh trong niềm sung sướng...

***

Thảo đi đến đầu làng, nơi lần đầu gặp chàng, Thảo hồi hộp rẽ vào lối mòn lên triền đồi. Chàng kia rồi! Trái tim nàng như nhảy múa, nàng chạy nhanh về phía đó, vừa lúc Toàn quay lại. Rất tự nhiên, chàng ôm lấy nàng quay một vòng. Lần đầu tiên chàng trai hai mươi và cô gái mười bảy run rẩy cảm nhận cơ thể ấm nóng, rạo rực của người yêu áp lên mình. Họ ôm siết lấy nhau, trao nhau một nụ hôn dài. Nàng thổn thức:

- Mai đi rồi, anh có nhớ đến cô gái ở quê nhà không?

- Anh không chỉ nhớ đâu, mà anh luôn ao ước được lấy cô ấy làm vợ, nhất định sẽ lấy cô ấy làm vợ để được bên cô ấy trọn đời.

- Cô ấy là ai thế anh?

- Em không biết cô ấy sao? Đó là cô gái đẹp nhất vùng này. Em không nghe bọn trai làng kháo nhau sao: Ước gì được ăn quả nhãn lồng, được lấy o Thảo, được bồng lên tay.

- Ôi anh! Họ nói trêu đó. Em biết cô ấy cũng ước được gắn bó trọn đời với anh!

Minh họa: Mạnh Tiến.Họ bên nhau, quên cả nắng chiều đang tắt, bồng bềnh trong cảm giác mê đắm, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để giữ cho nhau giới hạn cuối cùng.

Thế là chàng đi rồi! Thảo bước vào một cuộc sống hoàn toàn khác, như của một người con gái đã có nơi có chốn. Những lời ong ve, tán tỉnh, cả những lời thổ lộ tình cảm rụt rè của những chàng trai si tình, cô đều bỏ ngoài tai. Những gã trai làng chẳng còn ý nghĩa gì trong mắt cô. Toàn đã chiếm trọn trái tim cô và không ai có thể len lỏi vào được nữa. Trong giấc ngủ, khi bước chân trên đường làng, cả khi bưng bát cơm ăn, lúc nào hình ảnh Toàn cũng hiển hiện.

Nhưng rồi tai họa đã ập đến. Ông phó tổng trong làng là gia đình giàu có, có con trai đã đến ướm hỏi Thảo. Từ lâu, cả nhà ông và mọi người đều biết cậu rất mê o Thảo. Giờ có tin cậu sắp vào lính, nên ông muốn hỏi vợ cho con. Ông tự tin gia đình Thảo nhất định sẽ nhận lời vì sinh thời, cha Thảo có một lần không may vướng vòng lao lý, ông đã thương tình cho vay tiền để chạy tội. Thoát tội rồi, cha Thảo đã bán hết số ruộng ít ỏi trong nhà để trả, nhưng cũng chẳng trả được bao nhiêu. Khi ông chết còn để lại món nợ tiền bạc và cả ân nghĩa mà không biết bao giờ vợ con ông mới trả hết.

Vậy là Thảo đã bị đặt vào cái thế lưỡng nan bên tình bên hiếu của nàng Kiều xưa. Nàng ra bờ giếng, đau khổ hỏi gương mặt võ vàng đang nhìn mình:

- Có phải nếu trầm mình xuống đây, ta sẽ giữ được thủy chung với chàng?

Gương mặt ấy nhìn nàng, thì thầm:

- Nếu làm như thế, nàng sẽ chết, dập tắt mọi hy vọng yêu thương của chàng. Còn mẹ, không chỉ đau khổ tột cùng vì mất con, mà món nợ mà cha để lại sẽ đẩy mẹ vào hoàn cảnh không chốn dung thân. Vậy là chẳng vẹn được cả đường tình và đường hiếu.

Thảo ngồi sụp xuống bên bờ giếng bưng mặt khóc. Nàng khóc rất nhiều. Trời ơi, ước gì có một ông bụt hiện lên giúp nàng! Nhưng chẳng thấy bụt đâu. Ngẩng mặt lên, vẫn túp lều xơ xác, cây mít già và bóng cau khẳng khiu cô độc trong vườn nhà. Nàng hiểu mình không còn sự lựa chọn nào khác!

***

Nhận được tin nhắn của Thảo, Toàn thảng thốt trở về làng. Họ gặp nhau trên triền đồi xưa. Chàng ôm nàng trong vòng tay và xa xót nhận ra nỗi khổ sở dằn vặt đang làm nhạt nhòa nhan sắc của nàng. Nàng kể hết mọi sự tình cho chàng nghe và thổn thức:

- Anh ơi. Không lấy được nhau. Em muốn được dâng hiến cho anh cái quý giá nhất của đời người con gái.

Chàng ôm chặt hơn tấm thân đang rung lên từng nhịp vì đau khổ của nàng. Chàng khóc. Dòng nước mắt của chàng tuôn lên cổ, chảy xuống nóng bỏng bầu vú nàng đang thổn thức.

- Em ơi. Mình yêu nhau, không lấy được nhau đau đớn vô cùng. Anh khao khát được có em, được là của em, được dành trọn cho nhau. Nhưng anh thương và lo cho em. Chúng mình thương nhau cả làng đều biết cả. Bây giờ em hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu sau đêm tân hôn, chồng em thông báo em không còn trinh tiết nữa. Em sẽ sống ra sao? Sẽ chịu sao nổi những nhục nhã, ê chề! Chính vì yêu em nên anh phải giữ gìn cho em.

Đêm tạ từ, họ ở bên nhau rất khuya. Dưới anh trăng hạ tuần mờ ảo, thảm cỏ, bụi cây quanh họ xót xa chứng kiến đôi trẻ quấn quýt nhau, tan vào nhau trong niềm hoan lạc thổn thức, bị kìm nén đến đau đớn. Sau cái hôn dài tưởng như vô tận, lúc chia tay, chàng nói:

- Ngay từ hôm đầu tiên gặp nhau ở đầu làng, anh hiểu rằng cuộc đời anh đã thuộc về em rồi. Xin em hãy nhớ điều này: Không lấy được nhau, nhưng trọn đời anh sẽ chờ em. Anh còn sống là anh còn chờ, còn hy vọng. Biết đâu trời phật thương!

Họ chia tay nhau trong nước mắt.

***

Một tháng sau ngày cưới, mẹ Thảo ốm rồi qua đời. Ông phó làm cho vợ chồng cô một ngôi nhà mới thay cho túp lều xơ xác. Thảo sống thầm lặng bên chồng. Cô sắm một khung cửi, học dệt lụa để làm kế sinh nhai như hầu hết những người phụ nữ trong làng. Rồi chồng cô đi lính, nghe nói sang đánh nhau tận bên Phi châu. Mấy tháng sau, tin báo chồng tử trận. Thảo tiếp tục âm thầm sống cuộc sống góa bụa, chăm chỉ làm lụng, chăm lo, trọn đạo hiếu với nhà chồng. Hình ảnh Toàn, Thảo vẫn cất giữ nơi sâu tâm hồn. Thảo hoàn toàn vô cảm với những lời ong ve, những lời bắn tin ẩn ý muốn nàng tái giá. Vợ chồng nhà phó tổng rất hài lòng với cô con dâu đoan trang của mình.

Sau cái giỗ ba năm của chồng, Thảo bắt đầu âm thầm nghĩ tới việc sẽ đi tìm Toàn. Cô đặt cho mình một kế hoạch để có thể rời khỏi nhà chồng. Nhưng điều không ngờ nhất đã xảy ra. Một buổi sáng, bà phó tổng mặt mày rạng rỡ chạy từ ngõ vào nhà:

- Thảo ơi, con sửa sang trang điểm, chuẩn bị tiếp đoàn khách quý trên tỉnh về.

Thảo ngơ ngác, không hiểu sao mình lại được đón khách từ trên tỉnh. Chắc có việc gì hệ trọng lắm. Cô vào nhà, thay bộ quần áo đẹp, thu dọn ngăn nắp nhà cửa. Vừa xong thì đầu ngõ đã có tiếng ồn ào. Một đoàn người, đi đầu là một người mặc quan phục màu đỏ, mũ cánh chuồn. Theo sau là đủ cả quan huyện, chánh tổng, lý trưởng. Hai chú lính khệ nệ bê một bức hoành phi. Bước vào nhà, viên quan trịnh trọng:

- Ta phụng mệnh triều đình, tiết phụ Nguyễn Thị Thảo tiếp chỉ.

Thảo quỳ xuống.

Viên quan trịnh trọng đọc:

Theo Tờ trình của Tổng đốc An Tĩnh, thì bà Nguyễn Thị Thảo, là vợ Lê Văn Vi thuộc huyện Quỳnh, xã Thạch Đôi, là người có tiết hạnh danh thơm gần xa, nay triều đình ban khen một hoành phi Tiết Hạnh Khả Phong treo lên cửa nhà, để nêu gương sáng cho lớp hậu sinh.

Bảo Đại năm thứ ...

Tiết phụ Nguyễn Thị Thảo cung kính vâng mệnh trên!

Những lời đọc đĩnh đạc của viên quan vang lên từng tiếng như sấm sét bên tai khiến Thảo choáng váng. Vậy là với sắc phong này, Thảo sẽ suốt đời phải làm góa phụ, không còn cách nào đến được với Toàn. Cô sụp lạy và nói như một cái máy: Tiết phụ xin tuân chỉ!. Thảo bỗng thấy trời đất quay cuồng. Cô ngã xuống nền nhà bất tỉnh. Mọi người xúm lại đỡ cô lên giường. Có ai đó xuýt xoa: Chắc vì cô ấy cảm động quá!.

Với Thảo, bức hoành phi Tiết Hạnh Khả Phong đã đóng sập mọi hy vọng hạnh phúc của cô. Nhiều đêm nằm, cô ôm gối khóc. Khóc thương cho số phận mình, và khóc thương cho cả số phận của chàng. Chàng ơi! Thế là bức hoành phi kia đã chặn mất con đường mình đến với nhau rồi! Đốt nó đi ư? Đốt nó sẽ phạm tội khi quân. Tội chết đó! Phải rồi. Nếu bức hoành phi bị cháy vì nhà cháy thì ta đâu mang tội. Mà không có chàng thì nhà cửa, tài sản nào có ý nghĩa gì!...

Một đêm hè gió Lào khô rát, Thảo tưới đẫm dầu lên bức hoành phi, lên tấm lụa vừa dệt. Nàng gỡ tung tấm lụa, vắt nó lên bức hoành phi, trải qua lư hương, rồi dắt đầu kia của tấm lụa lên mái tranh. Nàng thắp lên lư những nén hương mà đoạn cuối của nó đã được buộc chặt những que diêm. Thảo quỳ xuống trước ban thờ:

- Cha mẹ ơi. Con lấy anh Vi là để tròn chữ hiếu. Nay đã mãn tang chồng rồi. Con không thể sống mà không có anh Toàn. Một lạy này con xin tạ lỗi với cha mẹ và xin được đi tìm hạnh phúc của mình. Một lạy này xin gửi đến người chồng quá cố. Tôi đã trọn nghĩa với anh rồi!

Thảo đứng dậy, bước ra khỏi cửa. Cô tin rằng khi những nén hương kia cháy đến nơi buộc que diêm, là lúc ngôi nhà bốc lửa. Bên tai cô, gió ầm ào thổi. Gió thì tự do thả sức đi bốn phương trời. Sao mình lại để hạnh phúc bị chôn vùi dưới tấm hoành phi bằng gỗ kia?

Thảo rảo bước mau dần. Trăng hạ tuần cuối tháng như cái lưỡi trai mỏng mảnh soi bóng đơn độc của nàng trên đường làng. Đến sườn đồi, nơi hai người từng hò hẹn, nàng ngoái nhìn quê hương lần cuối. Cũng là lúc nàng nhận ra căn nhà của mình đang rừng rực cháy. Nàng quay gót, nhằm hướng tây, nơi có nhà ga, với niềm tin mạnh mẽ sẽ tìm thấy Toàn đâu đó trên con đường hỏa xa xuyên Việt.

***

Tôi kể chuyện này theo những điều mẹ tôi tâm sự. Sau đêm cả ngôi nhà rừng rực bốc cháy phía xa sau lưng ấy, mẹ tôi đã lần theo tuyến đường sắt, đến hết mọi ga, hỏi thăm qua nhiều người và tìm thấy cha tôi trong một đơn vị Vệ quốc đoàn. Đơn vị rất cảm động và đã tổ chức một đám cưới giản dị. Mẹ tôi làm y tá ở chiến khu. Tôi sinh ra trong khói lửa của những ngày đầu kháng chiến. Khi tôi lớn lên, mẹ thường dặn: Con gái ạ! Là phận gái phải luôn giữ gìn đức hạnh. Nhưng khi đã yêu thì phải dám vượt qua tất cả để sống với khát vọng hạnh phúc của chính mình.

Truyện ngắn của HỒ SỸ HẬU

Chủ Đề