Tiêu diệt sinh lực của địch là gì

QPTD -Thứ Hai, 21/10/2019, 07:32 [GMT+7]

Nghệ thuật “nhử địch” và “điều địch” trong Chiến dịch Bình Giã [năm 1964]

Cách đây 55 năm, trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, Quân giải phóng miền Nam đã lập nên chiến công vang dội - thực hiện thắng lợi Chiến dịch Bình Giã - “… một chiến dịch quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa chiến lược, mở đầu thời kỳ mới của chiến tranh cách mạng miền Nam”1. Thắng lợi của Chiến dịch để lại nhiều bài học quý, nổi bật là nghệ thuật “nhử địch” và “điều địch” trong tác chiến.

Bước vào năm 1964, cao trào phá “ấp chiến lược” của nhân dân miền Nam đã giải phóng được nhiều vùng nông thôn rộng lớn, thiết lập thế trận chiến tranh du kích rộng khắp, tạo thế đứng chân và địa bàn cơ động thuận lợi để bộ đội chủ lực phát triển, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, đánh địch bằng cả “hai chân, ba mũi” và hai phương thức tác chiến, từng bước đẩy chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, ngụy lún sâu vào thế bị động, theo chiều hướng thất bại vô phương cứu chữa.

Tuy nhiên, trải qua 10 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nghệ thuật quân sự của ta tính đến thời điểm này mới chỉ có hai bộ phận là chiến lược và chiến thuật, chưa có đợt tác chiến tập trung bằng các chiến dịch tiến công, đánh những đòn tiêu diệt lớn vào quân chủ lực ngụy, giành một bước thắng lợi quyết định trên toàn chiến trường miền Nam. Trên cơ sở nhận định, đánh giá chính xác tình thế khó khăn của Mỹ, ngụy; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu mới, nhiệm vụ chiến lược của ta đặt ra lúc này là đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Ngày 11-10-1964, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho các chiến trường mở đợt hoạt động quân sự trên toàn Miền và xác định chiến trường Nam Bộ có thể nổ súng trước.

Chấp hành nghiêm túc Kế hoạch chỉ đạo tác chiến thống nhất của Bộ Tổng Tham mưu và trên cơ sở phân tích khách quan, khoa học, so sánh lực lượng giữa ta và địch trên toàn Miền và trên từng địa bàn cụ thể, Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch tiến công trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh [nay là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai] và 2 huyện phía Nam [tỉnh Bình Thuận] - Chiến dịch Bình Giã. Sau hơn một tháng [từ ngày 02-12-1964 đến ngày 03-01-1965], quân và dân miền Đông Nam Bộ đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách ác liệt, hoàn thành xuất sắc mục đích Chiến dịch đã đề ra, nhất là mục tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của chủ lực ngụy2 trên địa bàn, đánh dấu sự thất bại về cơ bản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Đồng thời, khẳng định bước phát triển mới về chỉ đạo nghệ thuật quân sự của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo ra những đòn tiến công quyết định trên phạm vi toàn cục, góp phần quan trọng làm chuyển biến cục diện chiến trường. Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã để lại nhiều bài học quý; trong đó, nghệ thuật “nhử địch” và “điều địch” được thể hiện như sau:

Một là, lựa chọn chính xác mục tiêu “khêu ngòi”, “nhử địch” ra ngoài công sự để tiêu diệt. Trên cơ sở nắm chắc tình hình các mặt, nhất là thủ đoạn tác chiến và quy luật hoạt động của địch, sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định lựa chọn ấp Bình Giã - ấp chiến lược thuộc Chi khu Đức Thạnh làm điểm đánh “khêu ngòi” để câu viện. Việc lấy mục tiêu “khêu ngòi” là ấp chiến lược, mà không phải là chi khu quân sự, hay một vị trí đóng quân tập trung của địch đã thể hiện mưu trí, sáng tạo của Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Vì, đánh vào “ấp chiến lược”, chính là đánh vào “quốc sách” của chính quyền Sài Gòn; đánh vào “xương sống” của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” - Ấp Bình Giã có vị trí đặc biệt quan trọng cả về quân sự và chính trị, một mắt xích trong hệ thống phòng thủ chiến lược của địch. Nếu Bình Giã bị tiêu diệt, chi khu Đức Thạnh, Đường 22 bị uy hiếp, Bà Rịa sẽ bị chia cắt khỏi Long Khánh và Đường 1, dẫn đến khu vực phòng ngự này sẽ mất hiệu lực. Cùng với đó, Bình Giã còn là khu gia binh của lực lượng thủy quân lục chiến và lính biệt động ngụy; một ấp “kiểu mẫu” - biểu tượng bất khả chiến bại của địch. Do đó, khi Bình Giã bị tiến công, nhất định địch sẽ tăng viện để ứng cứu, giải tỏa. Điều này đã được thực tiễn kiểm nghiệm, khi các đơn vị tại chỗ của ta tổ chức tiến công ấp Bình Giã, ngay lập tức địch đều có phản ứng tăng viện để ứng cứu, giải tỏa. Đối với ta, chọn ấp Bình Giã làm mục tiêu “khêu ngòi”, “kéo” địch ra ngoài công sự để tiêu diệt, một mặt, đây là mục tiêu “vừa sức”; mặt khác, là điều kiện thuận lợi để tổ chức sử dụng lực lượng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tạo thế mạnh hơn hẳn địch trong từng trận đánh, nhất là các trận then chốt, then chốt quyết định của Chiến dịch.

Thực tiễn đã chứng minh, bằng sự phân tích sắc sảo, chọn chính xác mục tiêu “khêu ngòi” của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, nên khi ta nổ súng tiến công vào ấp Bình Giã; bao vây, kiềm chế chi khu quân sự Đức Thạnh [đêm ngày 02-12-1964], thì ngay sáng ngày 03-12-1964, địch dùng máy bay lên thẳng đổ Tiểu đoàn 38 biệt động quân xuống Tây Nam Đức Thạnh tăng viện. Đặc biệt, sau khi ta đánh chiếm Bình Giã và tổ chức lực lượng trụ lại, địch không chỉ điều Chi đoàn Thiết giáp 3 từ Bà Rịa ứng cứu giải tỏa bằng đường bộ, mà còn liên tục tăng viện ứng cứu, giải tỏa bằng đổ bộ đường không. Điều đó cho thấy, nghệ thuật “nhử địch” ra ngoài công sự của Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đem lại hiệu quả cao, tạo thời cơ rất thuận lợi để ta giành thế chủ động, phát huy sở trường, tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt địch ngoài công sự đạt hiệu suất chiến đấu cao, đúng theo ý định và phương pháp tác chiến “đánh điểm, diệt viện” đã xác định.

Hai là, tích cực “điều, dụ địch” vào khu vực lựa chọn theo đúng ý định tác chiến, đẩy địch vào thế bị động, lúng túng để tiêu diệt. Khi bàn về nghệ thuật quân sự, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo chỉ rõ: “mưu cao nhất là mưu lừa địch; kế hay nhất là kế điều địch;... đánh địch bằng mưu, kế; thắng địch bằng thế, thời”. Trên thực tiễn, đợt 2 của Chiến dịch Bình Giã, ta đã rất thành công trong thực hiện kế “điều, dụ địch” theo đúng ý định tác chiến, từng bước đưa địch vào những nơi ta tổ chức sẵn lực lượng và thế trận, để bất ngờ tiêu diệt chúng bằng vận động tiến công.

Điều này được thể hiện khi Chiến dịch tiếp tục sử dụng 02 đại đội đánh chiếm ấp Bình Giã, rồi tổ chức phòng ngự ở phía Tây của Ấp, trụ lại để “nhử địch”. Kiên quyết không để mất Bình Giã, địch sử dụng Tiểu đoàn 18 biệt động quân đổ bộ xuống Tây Nam Chi khu Đức Thạnh, nhằm ý định tái chiếm Bình Giã. Tuy nhiên, trên đường hành quân giải tỏa, lực lượng này đã bị quân ta chặn đánh mạnh, buộc phải lùi về ấp La Vận, củng cố lực lượng. Trước tình hình đó, địch điên cuồng đưa Tiểu đoàn 33 biệt động quân từ Biên Hòa lên tăng viện ứng cứu giải tỏa cho Bình Giã. Song chúng không ngờ rằng, với quyết tâm đánh tiêu diệt lớn quân địch đổ bộ đường không, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ tổ chức các trận địa “đón lõng” máy bay địch bằng súng máy phòng không 12,7mm và súng bộ binh. Khi máy bay địch sà xuống khu vực Đông Bắc Bình Giã định đổ quân thì bị lưới lửa phòng không của ta ngăn chặn, bắn cháy một số chiếc, buộc chúng phải chuyển hướng đổ quân xuống Đông Nam Bình Giã - nơi trận địa phục kích của Trung đoàn 1 chờ sẵn. Nắm chắc thời cơ, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, một mặt, Trung đoàn 1 tổ chức các đơn vị tích cực bắn máy bay lên thẳng; mặt khác, sử dụng bộ binh nhanh chóng vận động áp sát đội hình địch mới đổ quân, hình thành thế bao vây, tiến công mãnh liệt. Bị bất ngờ, lại ở thế đứng chân chưa vững và bị cô lập, Tiểu đoàn 33 ngụy rơi vào thế bị động, lúng túng đối phó. Chỉ trong thời gian ngắn, trước sự công kích mãnh liệt của Trung đoàn 1, Tiểu đoàn 33 ngụy đã bị tiêu diệt gần hết.

Không dừng lại ở đó, nghệ thuật “điều, dụ địch” trong Chiến dịch Bình Giã còn được Bộ Chỉ huy Chiến dịch vận dụng xuất sắc, khi lệnh cho Trung đoàn 1 cơ động gấp về Quảng Giáo [Đông Bình Giã] để tổ chức xây dựng trận địa phục kích đón đánh địch từ Bình Giã vào. Tuy nhiên, để “dụ” Tiểu đoàn 4 lính thủy đánh bộ hành quân [tìm kiếm xác cố vấn Mỹ] tiến quân vào trận địa phục kích được chuẩn bị, Trung đoàn 1 đã sử dụng một bộ phận lực lượng [Đại đội 6, Tiểu đoàn 2] tiến hành đánh nhỏ, lẻ ngăn chặn địch, vừa đánh vừa lui quân, từng bước dẫn dụ địch vào sâu trong sở Cao su Xuân Sơn - khu vực ta lựa chọn tập trung diệt địch. Khi toàn bộ đội hình Tiểu đoàn 4 ngụy lọt vào trận địa phục kích, Trung đoàn 1 bất ngờ đồng loạt nổ súng, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật thực hành bao vây, chia cắt, vu hồi tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt hơn 600 tên địch, xóa sổ Tiểu đoàn “Cá kình Biển Đông” - niềm tự hào của lực lượng Thủy quân lục chiến ngụy.

Như vậy, với sự lựa chọn chính xác mục tiêu “khêu ngòi”, tổ chức thế trận phòng không ngăn chặn địch, buộc chúng phải đổ quân xuống khu vực ta lựa chọn, thực hành tạo tình huống và dẫn dắt tình huống,… Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã vận dụng xuất sắc nghệ thuật “nhử địch” ra ngoài công sự và “điều, dụ địch” vào khu vực ta lựa chọn, lần lượt đánh bại các thủ đoạn chiến thuật tân kỳ “Thiết xa vận”, “Trực thăng vận” của chúng. Những kinh nghiệm đầu tiên, nhưng vô cùng quý báu của Chiến dịch Bình Giã - chiến dịch mở màn của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cơ sở quan trọng để quân và dân ta vận dụng sáng tạo cho các chiến dịch tiếp theo, không chỉ trong giai đoạn đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, ngụy, mà suốt cả quá trình cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Đại tá, ThS. ĐÀO DUY HÒA - Thượng tá, ThS. TRẦN VĂN THÀNH, Học viện Chính trị
______
__________

1 - Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu kháng chiến [1945 -1975], Nxb QĐND, H. 1995, tr. 256.

2 - Kết quả: loại khỏi chiến đấu trên 1.700 tên địch [có hàng chục cố vấn Mỹ], bắt sống gần 300 tên; tiêu diệt 02 tiểu đoàn chủ lực, 01 chi đoàn xe cơ giới M113; đánh thiệt hại 01 tiểu đoàn; bắn rơi, phá hỏng 56 máy bay [chủ yếu là máy bay trực thăng], phá hủy 45 xe quân sự, thu hơn 1.000 súng các loại và gần 100 máy thông tin.

Video liên quan

Chủ Đề