Tri giác là gì triết học

Slide thuyết trình tri giác from Trà Minh

Quá trình nhận thức giúp cho chúng ta phản ánh bản thân các sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan – những khách thể tác động vào con người trong quá trình hoạt động của họ. Nhờ nhận thức mà con người có xúc cảm, tình cảm, đặt ra được mục đích và dựa vào đó mà hành động. Như vậy, quá trình nhận thức xuất phát từ hành động, làm tiền đề cho các quá trình tâm lý khác. Đồng thời tính chân thực của quá trình nhận thức cũng được kiểm nghiệm qua hành động: hành động có kết quả chứng tỏ chúng ta phản ánh đúng hành động, không có kết quả chứng tỏ ta phản ánh sai.

Nhờ quá trình nhận thức, chúng ta không chỉ phản ánh hiện thực xung quanh ta, mà cả hiện thực của bản thân ta nữa, không chỉ phản ánh cái bên ngoài mà cả cái bản chất bên trong, không chỉ phản ánh cái hiện tại mà cả cái đã qua và cả cái sẽ tới, cái quy luật phát triển của hiện thực nữa. Như thế có nghĩa là quá trình nhận thức bao gồm nhiều quá trình khác nhau, ở những mức độ phản ánh khác nhau: cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng. Những quá trình này sẽ cho chúng ta những sản phẩm khác nhau, còn gọi là những cấu tạo tâm lý khác nhau [hình tượng, biểu tượng, khái niệm]. Đại thể có thể chia toàn bộ hoạt động nhận thức thành 2 giai đoạn lớn: nhận thức cảm tính [gồm cảm giác và tri giác] và nhận thức lý tính. Trong hoạt động nhận thức của con người, giai đoạn cảm tính và lý tính có quan hệ chặt chẽ và tác động tương hỗ lẫn nhau. V.I.Lênin đã tổng kết quy luật đó của hoạt động nhận thức nói chung như sau: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – Đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan”.

Chúng ta hãy lần lượt nghiên cứu các quá trình nhận thức riêng [trong thực tế chúng đan kết vào nhau] từ thấp đến cao.

 

2. Một số quan điểm về nhận thức

Quan điểm duy tâm

Không thừa nhận thế giới vật chất tồn tại độc lập với ý thức, do đó không thừa nhận nhận thức là sự phản ánh hiện thực khách quan.

- Duy tâm chủ quan, tất cả mọi cái đang tồn tại đều là phức hợp những cảm giác của con người. Do đó, nhận thức, theo họ, chẳng qua là sự nhận thức cảm giác, biểu tượng của con người.

- Duy tâm khách quan, mặc dù không phủ nhận khả năng nhận thức thế giới, song coi nhận thức cũng không phải là sự phản ánh hiện thực khách quan mà chỉ là sự tự nhận của ý niệm, tư tưởng tồn tại ở đâu đó ngoài con người.

- Thuyết hoài nghi nghi ngờ tính xác nhận của tri thức, biến sự nghi ngờ thành một nguyên tắc nhận thức, thậm chí chuyển thành nghi ngờ sự tồn tại của bản thân thế giới bên ngoài.

- Thuyết không thể biết lại phủ nhận khả năng nhận thức thế giới. Đối với họ, thế giới không thể biết được, lý trí của con người có tính chất hạn chế và ngoài giới hạn của cảm giác ra, con người không thể biết được gì nữa. Quan điểm của thuyết hoài nghi và thuyết không thể biết đã bị bác bỏ bởi thực tiễn và sự phát triển của nhận thức loài người.

Quan điểm của chủ nghĩa duy vật siêu hình

Thừa nhận con người có khả năng nhận thức thế giới và coi nhận thức là sự phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc người. Tuy nhiên, do hạn chế bởi tính siêu hình, máy móc và trực quan nên chủ nghĩa duy vật trước C.Mác đã không giải quyết được một cách thực sự khoa học những vấn đề của lý luận nhận thức.

Nhìn chung chủ nghĩa duy vật trước C.Mác chưa thấy đầy đủ vai trò của thực tiễn đối với nhận thức.

 

3. Nhận thức cảm tính là gì?

Nhận thức cảm tính là mức độ nhận thức đầu tiên của con người, trong đó chúng ta chỉ phản ánh được những đặc điểm bên ngoài của những sự vật, hiện tượng riêng lẻ khi chúng trực tiếp tác động vào các giác quan của ta. Nhận thức cảm tính là nhận thức bằng các giác quan và một cách trực tiếp. Nhận thức cảm tính chưa cho ta biết được bản chất, quy luật, những thuộc tính bên trong của các sự vật và hiện tượng, vì vậy mà nó phản ánh còn hời hợt, chưa sâu sắc và còn sai lầm. Nhận thức cảm tính có 2 quá trình cơ bản, đó là cảm giác và tri giác:

 

4. Khái quát về cảm giác

Nếu nghiên cứu sự phát triển của hoạt động nhận thức trong quá trình tiến hóa của thế giới [phát triển chủng loại] và ở một đứa trẻ [phát triển cá thể], chúng ta có thể thấy rằng cảm giác là hình thức định hướng đầu tiên của cơ thể trong thế giới xung quanh. Có những con vật chỉ phản ánh được những thuộc tính riêng lẻ có ý nghĩa sinh học trực tiếp của các sự vật và hiện tượng. Ở trẻ con, trong những tuần lễ đầu, cũng như vậy. Điều đó nói lên rằng: cảm giác là hình thức khởi đầu trong sự phát triển của hoạt động nhận thức.

Cảm giác là một quá trình tâm lý phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ của sự vật và hiện tượng khi chúng trực tiếp tác động vào các giác quan của ta.

Như vậy, có thể thấy ở cảm giác mấy đặc điểm sau:

  • Nó là quá trình tâm lý [chứ không phải là trạng thái hay thuộc tính].
  • Phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ của sự vật, hiện tượng [chứ không phản ánh được sự vật, hiện tượng một cách trọn vẹn].
  • Phản ánh sự vật, hiện tượng một cách trực tiếp [khi sự vật, hiện tượng đang tác động vào giác quan ta].

Tuy là hình thức phản ánh thấp nhất, nhưng cảm giác giữ vai trò khá quan trọng trong đời sống của con người.

Cảm giác là hình thức định hướng đầu tiên của con người [và con vật], và là nguồn cung cấp những nguyên liệu để con người tiến hành những hình thức nhận thức cao hơn. V.I.Lênin đã từng nói: “Ngoài sự thông qua cảm giác ra, chúng ta không thể nào nhận thức được bất cứ một hình thức nào của vật chất, cũng như bất cứ một hình thức nào của vận động”, “Tiền đồ đầu tiên của lý luận về nhận thức chắc chắn là nói rằng cảm giác là cái nguồn gốc duy nhất của hiểu biết”.

Đặc biệt, đối với những người bị khuyết tật [câm, mù, điếc] thì cảm giác, nhất là xúc giác, là con đường nhận thức quan trọng đối với họ.

Ngoài vai trò về mặt nhận thức trên đây, cảm giác còn là điều kiện quan trọng để bảo đảm trạng thái hoạt động của vỏ não, do đó bảo đảm hoạt động tinh thần bình thường của con người.

Có nhiều cách phân loại cảm giác, tuỳ thuộc dựa vào các tiêu chí. Người ta thường phân cảm giác thành 2 loại cơ bản: cảm giác bên ngoài và cảm giác bên trong [dựa vào vị trí của nguồn kích thích gây nên cảm giác]

– Các cảm giác bên ngoài:

+ Cảm giác nhìn [thị giác]: nảy sinh do tác động của các sóng ánh sáng phát ra từ các sự vật. Cảm giác nhìn cho biết hình thù, khối lượng, độ sáng, độ xa, màu sắc của sự vật.

+ Cảm giác nghe [thính giác]: do những sóng âm, tức là những dao động của không khí gây nên. Cảm giác nghe phản ánh những thuộc tính của âm thanh, tiếng nói: cao độ [tần số dao động], cường độ [biên độ dao động] và âm sắc [hình thức dao động].

+ Cảm giác ngửi [khứu giác]: do các phân tử của các chất bay hơi tác động lên màng ngoài của khoang mũi cùng không khí gây nên.

+ Cảm giác nếm [vị giác]: do tác động của các thuộc tính hoá học của các chất hoà tan trong nước lên các cơ quan thụ cảm vị giác ở lưỡi, họng và vòm họng tạo nên. Cảm giác nếm như: ngọt, mặn, chua, cay, đắng,…

+ Cảm giác da [mạc giác]: do những kích thích cơ học và nhiệt độ tác động lên da tạo nên. Cảm giác da gồm 5 loại: đụng chạm, nén, nóng, lạnh, đau.

– Các cảm giác bên trong:

+ Cảm giác vận động và cảm giác sờ mó:

. Cảm giác vận động là cảm giác phản ánh những biến đổi xảy ra trong các cơ quan vận động, báo hiệu về mức độ co của cơ và về vị trí của các phần của cơ thể.

. Sự kết hợp giữa cảm giác vận động và cảm giác đụng chạm tạo thành cảm giác sờ mó.

+ Cảm giác thăng bằng: là phản ánh vị trí và những chuyển động của đầu. Cơ quan của cảm giác thăng bằng nằm ở tai trong liên quan chặt chẽ với dây thần kinh số 11 [dây thần kinh phế vị].

+ Cảm giác rung: do các dao động của không khí tác động lên bề mặt thân thể tạo nên.

+ Cảm giác cơ thể: phản ánh tình trạng hoạt động của các cơ quan nội tạng, bao gồm cả cảm giác đói, no, buồn nôn, đau ở các cơ quan bên trong con người.

Cảm giác ở con người diễn ra theo những quy luật nhất định. Việc hiểu biết và tính đến các quy luật cảm giác trong đời sống và công tác hàng ngày là cần thiết và hữu ích.

– Quy luật về ngưỡng cảm giác: Muốn có cảm giác thì phải có sự kích thích vào giác quan. Nhưng không phải mọi sự kích thích vào giác quan đều gây cảm giác. Kích thích yếu quá không gây nên cảm giác. Kích thích mạnh quá cũng dẫn đến mất cảm giác. Vậy muốn kích thích gây ra được cảm giác, thì kích thích phải đạt tới một giới hạn nhất định, giới hạn mà ở đó kích thích gây ra được cảm giác thì gọi là ngưỡng cảm giác. Có 2 loại ngưỡng cảm giác: ngưỡng phía dưới và ngưỡng phía trên. Ngưỡng cảm giác phía dưới là cường độ tối thiểu đủ để gây được cảm giác. Ngưỡng cảm giác phía trên là cường độ kích thích tối đa mà ở đó vẫn còn gây được cảm giác.

Ví dụ: ngưỡng phía dưới của cảm giác nhìn ở người là những sóng ánh sáng có bước sóng là 390 milimicron và ngưỡng phía trên là 780 milimicron. Trong phạm vi giữa ngưỡng phía dưới và ngưỡng phía trên của mỗi loại cảm giác đều có một vùng phản ánh tốt nhất. Ví dụ: vùng phản ánh tốt nhất của ánh sáng đối với mắt là những sóng ánh sáng có bước sóng là 565 milimicron, của âm thanh đối với tai là 1000 hec.

Cảm giác còn phản ánh cả sự khác nhau giữa các kích thích. Nhưng không phải mọi sự khác nhau nào của các kích thích cũng đều được phản ánh cả. Cần phải có một tỷ số chênh lệch tối thiểu về cường độ hoặc một mức độ khác biệt tối thiểu về tính chất thì ta mới cảm thấy có sự khác nhau. Mức độ chênh lệch tối thiểu về cường độ hoặc tính chất của hai kích thích đủ để ta phân biệt được hai kích thích được gọi là ngưỡng sai biệt. Ngưỡng sai biệt của từng cảm giác là một hằng số.

Ngưỡng cảm giác phía dưới [còn gọi là ngưỡng tuyệt đối] và ngưỡng sai biệt có quan hệ tỷ lệ nghịch với độ nhạy cảm của cảm giác và với độ nhạy cảm sai biệt.

Ngưỡng phía dưới của cảm giác càng nhỏ, thì độ nhạy cảm của cảm giác càng cao; ngưỡng sai biệt càng nhỏ thì độ nhạy cảm sai biệt càng cao.

Ngưỡng tuyệt đối và ngưỡng sai biệt của cảm giác là khác nhau ở mỗi cảm giác khác nhau và ở mỗi người khác nhau.

– Quy luật về sự thích ứng của cảm giác: Để đảm bảo cho sự phản ánh được tốt nhất và bảo vệ hệ thần kinh khỏi bị hủy hoại, cảm giác của con người có khả năng thích ứng với kích thích.

Thích ứng là khả năng thay đổi độ nhạy cảm của cảm giác cho phù hợp với sự thay đổi cường độ của kích thích: khi cường độ kích thích tăng thì giảm độ nhạy cảm. Khi cường độ kích thích giảm thì tăng độ nhạy cảm.

Qui luật thích ứng có tất cả mọi cảm giác, nhưng mức độ thích ứng ở cảm giác không giống nhau. Có những cảm giác có khả năng thích ứng cao như thị giác [trong bóng tối tuyệt đối thì độ nhạy cảm với ánh sáng tăng tới gần 200.000 lần sau 40 phút], trong khi đó có những cảm giác có khả năng thích ứng rất kém, và hầu như không thích ứng, như cảm giác đau.

Khả năng thích ứng của cảm giác cơ thể được phát triển do hoạt động và rèn luyện [công nhân luyện kim có thể chịu đựng được nhiệt độ cao 500 – 600C trong hàng giờ, thợ lặn có thể chịu được áp suất 2 atm trong vài chục phút hay hàng giờ…]

– Quy luật tác động lẫn nhau giữa các cảm giác: Các cảm giác của con người không tồn tại một cách biệt lập, mà chúng tác động qua lại lẫn nhau. Sự tác động qua lại giữa các cảm giác là sự thay đổi tính nhạy cảm của một cảm giác này dưới ảnh hưởng của một cảm giác kia.

Cơ sở sinh lý của qui luật này là các mối liên hệ trên vỏ não của các cơ quan phân tích và qui luật cảm ứng đồng thời hoặc nối tiếp.

Sự tác động qua lại giữa các cảm giác diễn ra theo qui luật chung như sau: sự kích thích yếu lên một cơ quan phân tích này sẽ làm tăng độ nhạy cảm của một cơ quan phân tích kia, sự kích thích mạnh một cơ quan phân tích này sẽ làm giảm độ nhạy cảm của một cơ quan phân tích kia. Ví dụ: những cảm giác thị giác yếu [chua] sẽ làm tăng độ nhạy cảm thị giác.

Cần nói thêm rằng sự tác động giữa các cảm giác có thể diễn ra một cách đồng thời, hoặc nối tiếp, trên những cảm giác cùng loại, hoặc khác loại.

– Quy luật tương phản: Tương phản chính là hiện tượng tác động qua lại giữa những cảm giác cùng một loại. Đó là sự thay đổi cường độ và chất lượng của cảm giác dưới ảnh hưởng của một kích thích [cùng loại] xảy ra trước đó hay xảy ra đồng thời. Như vậy, có 2 loại tương phản: tương phản nối tiếp và tương phản đồng thời.

Cơ sở sinh lý của 2 loại tương phản này là qui luật cảm ứng đồng thời và nối tiếp của vỏ não.

Nếu ta đặt hai tờ giấy màu xám như nhau lên một cái nền trắng và một cái nền đen, thì ta sẽ cảm thấy tờ giấy màu xám đặt trên nền trắng xẫm hơn tờ giấy màu xám đặt trên nền đen – đó là sự tương phản đồng thời.

Sau một kích thích lạnh, thì một kích thích hơi nóng hơn – đó là sự tương phản nối tiếp.

– Quy luật chuyển cảm giác [hay loạn cảm giác]: Hiện tượng chuyển cảm giác là hiện tượng mà khi kích thích một cảm giác này thì lại gây ra một cảm giác khác.

Trong tiếng nói của dân tộc nào cũng thường gặp những từ chỉ hiện tượng đó – “giọng chua như dấm”, “giọng êm như nhung”, “giọng ngọt lịm”…

Hãy thử làm thí nghiệm sau đây: bạn hãy lấy 2 thanh nứa [hay 2 miếng thủy tinh] cọ sát vào nhau, bạn sẽ cảm thấy “ghê người” – như vậy kích thích thính giác đã gây ra cảm giác cơ thể.

Có thể xem quy luật này như là một trường hợp đặc biệt của sự tác động qua lại giữa các cảm giác, mà nó được biểu hiện không phải ở sự thay đổi độ nhạy cảm, mà là ở sự thay đổi thể loại cảm giác.

Quy luật này được thể hiện một cách khác nhau ở từng người khác nhau: ở người này dễ dàng thấy có hiện tượng chuyển cảm giác, ở người kia hầu như không bao giờ thấy.

Những quy luật trên đây nói lên tính cơ động cao của cảm giác, sự phụ thuộc của nó vào cường độ của kích thích, vào trạng thái chức năng của cơ quan phân tích do sự bắt đầu hay ngừng tác động của kích thích, cũng như do kết quả tác động đồng thời của một số kích thích lên cùng một giác quan hay một số giác quan gây nên.

 

5. Tìm hiểu về tri giác

Nhờ có những cảm giác, mà các thuộc tính riêng lẻ của sự vật [màu sắc, âm thanh, độ cứng…] được phản ánh trên vỏ não. Nhưng các sự vật và hiện tượng trong hiện thực xung quanh chúng ta lại mang một phức hợp hoàn chỉnh các phẩm chất và thuộc tính khác nhau. Để phản ánh đúng đắn các sự vật, hiện tượng đó, các cảm giác riêng lẻ, do sự hoạt động của các cơ quan phân tích đem lại, được tổng hợp lại trong vỏ não và đem lại cho con người một hình ảnh trọn vẹn, hoàn chỉnh về các sự vật, hiện tượng.

Tri giác là một quá trình tâm lý phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính của sự vật, hiện tượng khi chúng trực tiếp tác động vào các giác quan ta.

Khác với cảm giác, tri giác không phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ của sự vật, hiện tượng, mà phản ánh sự vật nói chung, sự vật trong tổng hòa các thuộc tính của nó. Nhưng như thế không có nghĩa tri giác là tổng số các cảm giác riêng lẻ, mà là một mức độ mới của nhận thức cảm tính, với những đặc điểm nhất định của nó: tính trọn vẹn, tính đối tượng, tính kết cấu, tính tích cực.

Có 2 cách thông thường được dùng để phân loại tri giác.

  • Phân loại theo phân tích quan giữ vai trò chủ chốt trong số các phân tích quan tham gia vào quá trình tri giác.
  • Phân loại theo các hình thức tồn tại của vật chất.

Theo cách thứ nhất, ta có các loại tri giác sau: tri giác nhìn, tri giác nghe, tri giác sờ mó…

Theo cách thứ hai, ta có các loại: tri giác không gian, tri giác thời gian, tri giác vận động.

+ Tri giác không gian: là sự phản ánh khoảng không gian tồn tại khách quan [hình dáng, độ lớn, vị trí các vật với nhau…].

+ Tri giác thời gian: là sự phản ánh độ dài lâu, tốc độ và tính kế tục khách quan của các hiện tượng trong hiện thực.

+ Tri giác vận động: là sự phản ánh những biến đổi về vị trí của các sự vật trong không gian. + Tri giác con người: là quá trình nhận thức lẫn nhau giữa con người trong những điều kiện giao lưu trực tiếp. Đây là loại tri giác đặc biệt vì đối tượng của tri giác cũng là con người.

Quá trình tri giác ở con người có những quy luật sau đây:

– Tính lựa chọn của tri giác: Các sự vật, hiện tượng tác động vào con người đa dạng đến mức con người không thể tri giác và phản ứng với tất cả những kích thích đó một cách đồng thời được. Chúng ta chỉ tách ra một cách rõ ràng và tự giác từ trong vô số những tác động đó một vài tác động mà thôi. Đặc điểm này nói lên tính lựa chọn của tri giác. Trong tính lựa chọn chứa đựng tính tích cực của quá trình tri giác: tri giác là quá trình tách đối tượng ra khỏi bối cảnh. Khi ta tri giác một vật nào đó tức là ta tách sự vật đó [đối tượng của tri giác] ra khỏi các sự vật xung quanh [bối cảnh]. Vì vậy, những sự vật [hay thuộc tính của sự vật] nào càng phân biệt với bối cảnh thì càng được ta tri giác dễ dàng, đầy đủ. Sự lựa chọn trong tri giác không có tính chất cố định, vai trò của đối tượng và bối cảnh có thể giao hoán cho nhau: khi ta tri giác vật này thì các vật khác còn lại trở thành bối cảnh, khi ta chuyển sang tri giác vật khác, thì vật vừa là đối tượng tri giác trước đây lại trở thành bối cảnh

Tính lựa chọn của tri giác phụ thuộc vào hứng thú, tâm thế, nhu cầu của cá nhân. Quan hệ, thái độ của con người đối với cái được tri giác sẽ quyết định sự tổ chức và diễn biến của quá trình tri giác. Trong việc lựa chọn này, ngôn ngữ có tác dụng rất quan trọng.

Quy luật về tính lựa chọn của tri giác có nhiều ứng dụng trong thực tế: khi muốn làm cho đối tượng tri giác được phản ánh tốt nhất, người ta tìm cách làm cho đối tượng phân biệt hẳn với bối cảnh [dùng phấn trắng trên bảng đen, gạch bằng mực đỏ dưới những từ cần nhấn mạnh…]; khi ta làm cho sự tri giác đối tượng trở nên khó khăn thì người ta lại tìm cách làm cho đối tượng hòa lẫn vào bối cảnh [ngụy trang].

– Tính có ý nghĩa của tri giác: Mặc dù tri giác nảy sinh do sự tác động trực tiếp của vật kích thích vào cơ quan nhận cảm, nhưng những hình ảnh tri giác luôn luôn có một ý nghĩa xác định. Tri giác ở con người được gắn chặt với tư duy, với sự hiểu biết về bản chất của sự vật. Tri giác sự vật một cách có ý thức – điều đó có nghĩa là gọi được tên của sự vật đó ở trong óc, và có nghĩa là xếp được sự vật đang tri giác vào một nhóm, một lớp các sự vật xác định, khái quát nó trong một từ ngữ nhất định. Ngay cả khi tri giác một vật không quen thuộc chúng ta cũng cố thu nhận trong nó một sự giống nhau nào đó với những đối tượng mà mình đã biết, xếp nó vào một phạm trù nào đó. Sự tri giác không phải do một “bộ” kích thích giản đơn, cùng tác động vào cơ quan cảm giác, qui định, mà nó đòi hỏi một sự tìm kiếm cơ động cách tổng hợp những tài liệu đã có. Những bức tranh hai nghĩa đã chỉ rõ điều đó. Trong những bức tranh đó, việc tách đối tượng của tri giác được gắn liền với việc hiểu được ý nghĩa và tên gọi của nó.

– Tính ổn định của tri giác: Sự vật xung quanh ta nằm ở nhiều vị trí khác nhau đối với chủ thể tri giác và những điều kiện xuất hiện của chúng [độ chiếu sáng, vị trí trong không gian, khoảng cách của người quan sát] cũng rất đa dạng. Vì vậy, bộ mặt của nó luôn luôn thay đổi, xoay chuyển theo những hướng khác Trong tình hình đó, các quá trình tri giác của con người cũng được thay đổi một cách tương ứng. Nhưng nhờ tính ổn định, thể hiện ở khả năng bù trừ của hệ thống tri giác [tức là toàn bộ những cơ quan phân tích tham gia vào một hành động tri giác nào đó] đối với những biến đổi đó mà chúng ta vẫn tri giác các sự vật xung quanh như là những sự vật ổn định về hình dáng, kích thước, màu sắc…

Tính ổn định của tri giác là khả năng phản ánh sự vật một cách không thay đổi khi điều kiện tri giác bị thay đổi. Ví dụ: trước mặt ta là một cháu bé, đằng xa sau nó là một ông cụ. Trên võng mạc của ta, hình ảnh của đứa bé lớn hơn hình ảnh của ông cụ. Nhưng ta vẫn tri giác ông cụ lớn hơn đứa trẻ. Tính ổn định của tri giác có thể thấy cả về màu sắc và hình dáng của sự vật.

– Tổng giác: Ngoài những kích thích gây ra nó, tri giác còn bị quy định bởi một loạt các nhân tố nằm trong bản thân chủ thể tri giác. Không phải con mắt tách rời, không phải bản thân cái tự nó tri giác, mà là một con người cụ thể sống động tri giác. Bởi vậy, những đặc điểm nhân cách của người tri giác, thái độ của họ đối với cái được tri giác, nhu cầu, hứng thú, nguyện vọng, sở thích và tình cảm của họ luôn luôn được thể hiện ở mức độ nhất định trong sự tri giác của họ. Sự phụ thuộc của tri giác vào nội dung của đời sống tâm lý con người, vào đặc điểm nhân cách của họ, được gọi là hiện tượng tổng giác.

– Ảo ảnh tri giác: Ảo ảnh tri giác là sự phản ánh sai lệch các sự vật hiện tượng

một cách khách quan của con người.

Đây là một hiện tượng có qui luật, xảy ra ở tất cả mọi người bình thường. Cần phải phân biệt với hiện tượng ảo giác, là một hiện tượng bệnh lý, không bình thường.

Tri giác có nghĩa là gì?

Tri giác là một quá trình tích cực với việc giải quyết các vấn đề cụ thể của con người. Nó giúp con người xác định một cách tương đối rõ ràng về vị trí của chủ thể đối với các sự vật, hiện tượng xung quanh. Quá trình tri giác diễn ra một cách tự động ngày khi cảm giác xuất hiện.

Cảm giác là gì triết học?

Cảm giác là quá trình tâm lí phản ánh từng thuộc tính riêng lẻ của sự vật hiện tượng đang trực tiếp tác động vào giác quan của ta. Cảm giác là hình thức phản ánh tâm lí, sơ đẳng, đơn giản nhất. Biểu tượng của nó chỉ những thuộc tính riêng rẽ của sự vật.

Đối tượng tri giác là gì?

Tính đối tượng của tri giác Nghĩa con người khi tạo ra hình ảnh tri giác phải sử dụng một tổ hợp các hoạt động của các cơ quan phân tích, đồng thời chủ thể đem sự hiểu biết của mình về sự vật, hiện tượng đang tri giác để “tách” các đặc điểm của sự vật, đưa chúng vào hình ảnh của sự vật, hiện tượng.

Tri giác ở trẻ là gì?

Tri giác là một quá trình tâm lý, có khả năng tập hợp các đặc tính riêng lẻ của sự vật hiện tượng, do các giác quan phản ánh một cách khách quan thống nhất, trọn vẹn. Rối loạn tri giác thường gặp, nó luôn báo hiệu một bệnh lý của hệ thần kinh.

Chủ Đề