Trong điều kiện đất nước ta hiện nay Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chăm sóc trẻ em như thế nào

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm
  • 2. Vị trí, vai trò của chính sách đổi với trẻ em
  • 3. Một số chính sách đối với trẻ em
  • 4. Thực trạng thực hiện chính sách đối với trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi
  • 5. Định hướng hoàn thiện chính sách xã hội đối với trẻ em

1. Khái niệm

Hiện nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau về trẻ em. Theo Công ước quốc tế về Quyền trẻ em 1989, tại Điều 1 quy định, “Trong phạm vil Công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuồi thành niên sớm hơn".

Nhìn chung mỗi nước có qui định khác nhau về độ tuổi được coi là trẻ em. Việc qui định độ tuổi ở mỗi quốc gia phụ thuộc vào sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý của trẻ em ở mỗi quốc gia. Do đó có những quốc gia qui định độ tuổi thành niên sớm hơn hoặc trẻ hơn 18 tuổi như quy định trong Công ước quốc tế về Quyền trẻ em.

Pháp luật Việt Nam chưa có các qui định thống nhất về khái niệm trẻ em trong từng ngành luật cụ thể. Tuy nhiên, Luật Trẻ em Việt Nam 2016, ở Điều 1 quy định; “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Và khái niệm này được sử dụng phổ biến khi định nghĩa về trẻ em.

Chính sách xã hội đối với trẻ em được hiểu là hệ thống các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước có liên quan đến trẻ em đã được thể chế hóa nhằm đáp ứng đầy đủ các quyền cơ bản nhất của trẻ em và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về mọi mặt.

2. Vị trí, vai trò của chính sách đổi với trẻ em

Thực hiện chính sách nói chung và chính sách về bảo vệ trẻ em là giai đoạn rất quan trọng trong cơ chế điều chỉnh của pháp luật đối với các mối quan hệ xã hội có liên quan đến bảo vệ trẻ em. Với tư cách là yếu tố điều chỉnh mối quan hệ xã hội, chính sách trẻ em có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cho trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh; ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em vào đời sống thực tiễn, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Đây là nội dung cơ bản của chiến lược phát triển con người, góp phần tạo nguồn nhân lực tương lai cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng về công tác trẻ em đã được luật hóa trong hệ thống quy phạm pháp luật về trẻ em. Tuy nhiên, chính sách trẻ em chỉ có thể phát huy hết được vai trò khi nó trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, gia đình trong cuộc sống hằng ngày; phải được tuân thủ một cách tự giác của các chủ thể pháp luật. Việc tuân thủ và thực thi các quy định của pháp luật, chính sách trẻ em cũng chính là thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác bảo vệ trẻ em trong thực tiễn cuộc sống.

3. Một số chính sách đối với trẻ em

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam cũng đã xây dựng và hình thành hệ thống chính sách xã hội đối với trẻ em, cụ thể như sau:

Hỗ trợ trẻ em khuyết tật nặng:

- Trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng: 875.000 đồng/tháng/trẻ; Hỗ trợ người chăm sóc 350.000 đồng/tháng/người.

- Trẻ em khuyết tật nặng: 700.000 đồng/tháng/trẻ.

Hỗ trợ người khuyết tật nuôi dưỡng trẻ

- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi: 525.000 đồng/tháng.

- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi: 700.000 đồng/tháng.

- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang nuôi từ hai con trở lên dưới 36 tháng tuổi: 700.000 đồng/tháng.

Hỗ trợ người nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng:

- Hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng [Đối với mỗi người KT đặc biệt nặng] : 350.000 đồng/tháng.

- Nhận nuôi dưỡng, chăm sóc một người khuyết tật đặc biệt nặng: 525.000 đồng/tháng.

- Nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ hai người khuyết tật đặc biệt nặng: 1.050.000 đồng/tháng

Hỗ trợ người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em

- Nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 04 tuổi là đối tượng trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng : 875.000 đồng/tháng.

- Nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi là trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng: 525.000 đồng/tháng.

Hỗ trợ trẻ em nhiễm hiv/AIDS

Trẻ em nhiễm HIV/AIDS con hộ nghèo [NĐ 136/2013/NĐ-CP, sắp tới là Nghị định 20/2021/NĐ- CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đôi với đối tượng bỏ trợ xã hội]:

- Trợ cấp xã hội hằng tháng:

+ Dưới 04 tuổi: 875.000đ/tháng/trẻ

+ Từ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi: 700.000đ/tháng/trẻ

CHÍNH SÁCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE

*Đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí [Luật bảo hiểm y tế năm 2008]

Hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí; hỗ trợ 100% chi phí KCB đúng tuyến:

a,Trẻ em dưới 6 tuổi; Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi [đủ 6 tuổi] mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó.

b, Trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo; [còn được hỗ trợ tiền ăn cho điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức tối thiểu 3% mức lương tối thiểu chung/người bệnh/ngày; Hỗ trợ tiền đi lại: do cơ sở y tế Nhà nước chỉ định và thanh toán.

c, Trẻ em dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; trẻ em đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

d, Trẻ em đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;

e, Trẻ em thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật [trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS con hộ nghèo; trẻ em khuyết tật nặng...];

g, Trẻ em là con liệt sĩ;

h, Con của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an.

*Chính sách hỗ trợ trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh

Đối tượng được hỗ trợ

Trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có thẻ bảo hiểm y tế: thuộc hộ nghèo; thuộc hộ cận nghèo; thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định pháp luật.

Nội dung và mức hỗ trợ

- Hỗ trợ chi phí khám bệnh có liên quan đến phẫu thuật tim [chỉ hỗ trợ trường hợp khám bệnh tim, không hỗ trợ trường hợp khám bệnh tim cùng với các bệnh khác], chi phí phẫu thuật tim [danh mục thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế].

- Hỗ trợ tiền ăn mức 50.000 đồng/ngày/trẻ, thời gian không quá 15 ngày.

- Hỗ trợ tiền đi lại theo mức giá vé công cộng thông thường hoặc theo thực tế do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

4. Thực trạng thực hiện chính sách đối với trẻ em từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi

Thực tế ở Việt Nam, nhóm trẻ từ đủ 16 đến dưới 18 đang phải chịu khá nhiều thiệt thòi và nhiều ảnh hưởng thật đáng tiếc khi đang bị xã hội lên án khi họ bị vi phạm pháp luật, bị mua bán, bắt cóc, xâm hại, bỏ mặc, bỏ rơi... Nhiều trẻ em – thanh niên thuộc nhóm tuổi này đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương, có nguy cơ cao bị xâm hại và bóc lột.

Hầu hết các chính sách và quy định pháp luật hiện hành của nước ta về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chủ yếu tập trung vào nhóm dưới 16 tuổi [theo Luật Trẻ em], trong khi đó chưa có sự quan tâm đúng mức để nhóm trẻ em – thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em để nhóm trẻ này phát triển toàn diện về tinh thần và thể chất trước khi bước vào tuổi trưởng thành.

Nhiều chính sách bảo vệ trẻ em theo Công ước, được cụ thể hóa trong Luật Trẻ em, nhóm trẻ em – thanh niên này chưa được thụ hưởng như các em không được hỗ trợ pháp lý miễn phí vì dịch vụ này chỉ áp dụng cho trẻ em dưới 16 tuổi; một số chính sách trợ giúp an sinh xã hội chỉ bao phủ trẻ em dưới 16; các em không được tiếp cận hoặc tiếp cận không đầy đủ các chính sách về bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em, phần nào đang ảnh hưởng đến cơ hội học tập tiếp theo/khám chữa bệnh… của một bộ phận không nhỏ nhóm trẻ này.

Đặc biệt về chính sách trợ cấp an sinh xã hội cho nhóm trẻ em yếu thế [theo Nghị định 136], nhiều chính sách nhóm 16-17 tuổi không được hưởng như chính sách về hỗ trợ tư pháp pháp lý; về miễn giảm học phí cho trẻ em nghèo, trẻ em yếu thế; Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh với trẻ bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày đều không được xét cho nhóm trẻ 16-17 tuổi và họ cũng chưa được thừa nhận có đủ quyền và nghĩa vụ như người đủ 18 tuổi trở lên theo các quy định của pháp luật hiện hành và cũng không được coi là trẻ em để được bảo vệ, được hưởng đầy đủ các nhóm quyền theo Công ước.

Vì vậy, công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đây cũng là thách thức rất lớn đối với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội khi phải báo cáo số liệu thống kê về trẻ em theo chuẩn quốc tế. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước đối với người dưới 16 tuổi và được xem là ‘đầu mối' về mọi vấn đề liên quan đến trẻ em bao gồm cả số liệu thống kê liên quan đến trẻ em. Tương tự, ngành Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với nhóm đối tượng thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30, trong đó có cả nhóm 16-17 tuổi. Tuy vậy ngành nội vụ lại không có hệ thống vận hành cấp cơ sở. Vì thế, các vấn đề liên quan tới quản lý nhà nước đối với nhóm người 16-17 hiện nay lỏng lẻo và rất khó đảm bảo việc thực thi quyền của người 16-17 tuổi.

Trước thực trạng trên, rất cần có nghiên cứu đề xuất các chính sách phù hợp cho nhóm trẻ em – thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi để vừa phù hợp với tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em và vừa phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia trên cơ sở có sơ kết, tổng kết các kết quả. Từ các kết luận đó, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh pháp luật, chính sách phù hợp.

5. Định hướng hoàn thiện chính sách xã hội đối với trẻ em

Bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh

Trẻ em là công dân đặc biệt được gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Do trẻ em còn non nớt về thể chất và tinh thần nên trẻ em không thể tự mình thực hiện đầy đủ các quyền mà phần nhiều phải phụ thuộc vào người lớn. Là thành viên của xã hội, trẻ em cũng được hưởng đầy đủ những quyền cơ bản của con người như quyền được sống; quyền được bảo vệ về tính mạng, nhân phẩm; quyền được phát triển và tham gia... Khi thực hiện các chính sách trẻ em cần đảm bảo nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ và tương ứng với từng độ tuổi phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em. Trẻ em tự mình không thực hiện được các quyền mà phải chủ yếu thông qua người lớn. Việc thực hiện quyền con người của trẻ em còn phụ thuộc vào sự phát triển của đất nước, xã hội và mức độ trưởng thành về trí lực, thể lực của trẻ.

Phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em

Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi các hình thức bạo hành, xâm hại và bóc lột. Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và mọi công dân và xã hội trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khỏi bị xâm hại, bóc lột và xao nhãng, bao gồm cả việc loại bỏ những nguy cơ gây tổn hại và ngăn chặn các yếu tố đang gây tổn hại cho trẻ. Bảo vệ trẻ em còn hướng tới việc can thiệp khẩn cấp và giúp đỡ trực tiếp các đối tượng trẻ em đang có nguy cơ hoặc đã bị xâm hại, bóc lột và xao nhãng nhằm ngăn chặn, giúp phục hồi và tái hòa nhập cho trẻ em.

Chính sách trẻ em bao gồm các quy định về bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bị phân biệt đối xử; bị bóc lột, lạm dụng về thể xác và tinh thần, bị xao nhãng, lơ là hoặc bị bỏ rơi; các quy định về bảo vệ trẻ em trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt như mất môi trường gia đình, trong hoàn cảnh chiến tranh hoặc thiên tai; các quy định về điều kiện chăm sóc đầy đủ hoặc phục hồi cho trẻ em trong những trường hợp cần thiết; các quy định về chính sách, hình thức và biện pháp trợ giúp trẻ em, tạo cho các em được hưởng các quyền cơ bản, có cơ hội để phát triển toàn diện bản thân...

Bảo đảm trợ giúp trẻ em

Thực hiện các chính sách trẻ em trước hết là nhằm mục đích tạo dựng một môi trường an toàn, lành mạnh dành cho trẻ em. Tuy nhiên, khi mà việc bảo vệ trẻ em ở cấp độ tạo dựng môi trường lành mạnh, an toàn và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không thành công thì cần thiết phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho những trẻ em đã phải chịu ngược đãi, bóc lột, xao nhãng, xâm hại với mục đích thúc đẩy quá trình phục hồi và tái hòa nhập, phòng ngừa tổn thương trong tương lai. Bảo đảm trợ giúp trẻ em bao gồm hỗ trợ cho cả trẻ em có nguy cơ cao hoặc đang bị tổn hại được bảo đảm an toàn, chăm sóc phục hồi cho trẻ em. Hỗ trợ trẻ em bằng hình thức can thiệp trực tiếp đối với từng cá nhân trẻ em và gia đình của trẻ em. Các biện pháp hỗ trợ phải được ra quyết định bởi người có thẩm quyền trên cơ sở đánh giá hoàn cảnh cụ thể của từng trẻ em mà không dựa trên các hình thức lạm dụng, xâm hại. Tùy theo nhu cầu của từng đối tượng trẻ em và gia đình mà có các hình thức cung cấp dịch vụ cho phù hợp như: Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị tổn hại; bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường xâm hại, bóc lột, yếu tố đe dọa hoặc đang gây tổn hại nghiêm trọng cho trẻ em; chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em; đoàn tụ, hòa nhập gia đình, nhà trường cho trẻ em; giáo dục cha, mẹ, người chăm sóc frẻ em, các thành viên gia đình trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, hòa nhập cho trẻ em; giáo dục pháp luật, tư vấn pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; hỗ trợ trẻ em tiếp cận giáo dục phổ thông, học nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ trẻ em, gia đình tiếp cận nguồn tài chính, tạo thu nhập, phúc lợi xã hội để cải thiện điều kiện sống cho trẻ em; giám sát sự an toàn của trẻ em và gia đình trẻ em định kỳ.

Công tác trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phục hồi và hòa nhập cộng đồng được thực hiện thông qua các chính sách trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trợ giúp cho các hộ gia đình nghèo và trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khác. Các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đa dạng và phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng.

Video liên quan

Chủ Đề