Tuỳ theo nguyên liệu sử dụng có máy phương pháp trồng cây rừng

08:21, 29/09/2017

BHG - Keo là loài cây mọc nhanh, tán dày, thường xanh, sau trồng 2-3 năm rừng đã khép tán, cải thiện được tiểu khí hậu, che chắn hạn chế dòng chảy, góp phần cố định đạm cho đất và là cây cung cấp gỗ nguyên liệu làm giấy, gỗ dán, ván dán, gỗ xẻ, đóng đồ mộc cao cấp,.... Để nâng cao năng suất sản phẩm gỗ, rút ngắn chu kỳ kinh doanh và tăng hệ số sử dụng đất, các cá nhân, tổ chức trồng rừng sản xuất nên trồng các loại Keo như: Keo lai giâm hom, Keo tai tượng hạt [có thể sử dụng các dòng BV10, BV33, BV75, BV16] và Keo lai nuôi cấy mô [có thể sử dụng giống xuất xứ từ Úc, có ký hiệu là Seedlot 20133].

1. Tiêu chuẩn cây giống:

- Cây giống đem trồng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo quy định hiện hành. Cây sinh trưởng tốt, thân thẳng, không bị sâu bệnh, lá xanh tốt, không cụt ngọn, vỡ bầu, gẫy gập, kích thước bầu 9x12cm, trước khi xuất vườn 1-2 tuần phải được cắt bớt lá, đảo bầu, xén rễ, ngừng tưới nước, tưới phân.

- Giống Keo lai giâm hom và giống Keo lai nuôi cấy mô có đường kính cổ rễ từ 3-4mm, chiều cao cây từ 25-30 cm, tuổi cây từ 3-5 tháng tuổi.

- Giống Keo tai tượng hạt có đường kính cổ rễ từ 4-6mm, chiều cao cây từ 25-30 cm, tuổi cây từ 4-6 tháng tuổi.

2. Thời vụ:

- Vụ Xuân hè: Trồng vào tháng 4 đến tháng 5 Dương lịch.

- Vụ Hè thu: Trồng vào tháng 8 đến tháng 9 Dương lịch.

3. Mật độ trồng rừng:

- Giống Keo lai giâm hom trồng mật độ 1.100 cây/ha [cây cách cây 3x3m] hoặc 1.660 cây/ha [cây cách cây 2x3m].

- Giống Keo lai nuôi cây mô trồng mật độ 1.100 cây/ha [cây cách cây 3x3m].

- Giống Keo tai tượng hạt trồng mật độ 1.660 cây/ha [cây cách cây 2x3m] hoặc 2.000 cây/ha [cây cách cây 2x2,5m].

4. Xử lý thực bì, cuốc hố:

- Phát toàn diện, dọn sống xếp ngang theo đường đồng mức.

- Cuốc hố với kích thước 40x40x40cm, bố trí hình nanh sấu, khi cuốc lớp đất mặt để riêng, lớp đất tầng dưới để riêng. Sau khi cuốc hố 5-10 ngày tiến hành lấp hố, mỗi hố bón lót 1 kg phân chuồng + 0,2 kg NPK hoặc chỉ bón 0,4 kg NPK, thời gian lấp hố trước khi trồng cây từ 15-20 ngày.

Lưu ý: Trộn đều phân với lớp đất mặt cho vào hố rồi dùng lớp đất dưới lấp lên trên.

5. Trồng cây:

Chọn ngày râm mát, có mây hoặc có mưa nhỏ, đất trong hố đủ ẩm, nhiệt độ từ 18-300C để trồng. Dùng cuốc đào giữa hố 1 lỗ có độ sâu bằng chiều cao thân bầu, rạch bỏ túi bầu, đặt bầu cây ngay ngắn ở chính giữa hố, giữ cho cây thẳng đứng. Sau đó thực hiện quy trình “3 lấp, 2 dẵm, 1 nhấc cây”, cụ thể: Dùng đất ẩm lấp khoảng 1/3 bộ rễ cây, khẽ nhấc cây lên một chút; dẵm chặt; lấp đất đến miệng hố và dẵm chặt; cuối cùng lấp tiếp một lớp đất tơi xốp cao hơn mặt bầu 2-3 cm, tạo thành hình mâm xôi cho dễ thoát nước, sau đó dùng cỏ rác ủ gốc giữ ẩm cho cây.

Sau trồng 15 -30 ngày, kiểm tra toàn bộ rừng trồng, nếu cây bị chết phải tiến hành trồng dặm, không để rừng trồng có khoảng trống từ 27m2 trở lên.

6. Chăm sóc rừng trồng:

Thực hiện chăm sóc rừng trồng tối thiểu trong 3 năm liền. Hàng năm, tùy vào điều kiện thực bì, đất đai, thời tiết để bố trí số lần chăm sóc từ 2 - 3 lần/năm, có thể thực hiện nông - lâm kết hợp khi có điều kiện thuận lợi.

6.1. Năm thứ nhất:

- Trồng vụ Xuân - hè chăm sóc 2 lần/năm.

+ Lần 1 vào tháng 7-8, phát dọn, dãy cỏ xung quanh gốc, xới đất, vun mầu vào gốc có đường kính 0,8 m, cao khoảng 5cm. + Lần 2 vào tháng 10-11, phát cỏ, cắt gỡ dây leo, cây bụi lấn át cây trồng, chú ý kiểm tra sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

- Trồng vụ Thu chăm sóc 1 lần/năm vào tháng 10-11, nội dung tiến hành như lần 1 của vụ Xuân hè.

6.2. Năm thứ hai [chăm sóc 3 lần/năm]:

- Lần 1 vào tháng 3-4, chăm sóc như lần 1 năm thứ nhất, kết hợp bón thúc với lượng 0,2 kg phân NPK hoặc 0,5 kg phân hữu cơ vi sinh trên 1 gốc bằng cách rạch bón xung quanh cách gốc 10-15cm và lấp kín phân.

- Lần 2 vào tháng 7-8, phát thực bì toàn diện, gỡ bỏ dây leo lấn át cây trồng, tỉa cành cho cây.

- Lần 3 vào tháng 10-11, phát thực bì quanh gốc, đường kính rộng 1m.

6.3. Năm thứ ba [chăm sóc 2 lần/năm]:

- Lần 1 vào tháng 3-4, phát thực bì toàn diện, dãy cỏ quanh gốc rộng 1m, thực hiện bón thúc như bón lần 1 trong năm thứ hai.

- Lần 2 vào tháng 7-8, thực hiện phát thực bì toàn diện, dãy cỏ xung quanh gốc kết hợp tỉa cành, tỉa thân.

6.4. Năm thứ tư: Tùy theo điều kiện cụ thể có thể thực hiện chăm sóc như: Xới đất, bón phân 1 lần vào đầu mùa sinh trưởng [tháng 3-4], loại phân, liều lượng có thể áp dụng như các lần bón thúc trước đây.

6.5. Nuôi dưỡng rừng:

- Tỉa cành, tỉa thân: Từ năm thứ 2 trở đi, thực hiện tỉa cành, tỉa thân trước mùa sinh trưởng hàng năm để nâng cao chất lượng gỗ.

- Tỉa thưa: Chọn những cây sinh trưởng kém, bị sâu bệnh hại, bị chèn ép, cụt ngọn, không có triển vọng cung cấp gỗ tốt để tỉa thưa. Khi tỉa thưa, chặt cây sát gốc, hướng cây đổ không ảnh hưởng đến cây giữ lại, không chặt 2 cây liền nhau. Sau đó, thu gom cành, ngọn, cắt nhỏ và rải theo băng giữa 2 hàng cây.

- Số lần tỉa thưa, thời gian và mật độ để lại sau tỉa thưa:

+ Nếu chu kỳ kinh doanh là 7- 8 năm, tiến hành tỉa thưa lần 1 vào năm thứ  3 hoặc thứ 4, mật độ để lại từ 1.000-1.200 cây/ha [không tiến hành tỉa thưa nếu trồng Keo lai giâm hom  ở  mật độ trồng 1.100 cây/ha].

+ Nếu chu kỳ kinh doanh là 10-12 năm, tiến hành tỉa thưa lần 2 vào năm thứ  5 hoặc thứ 6, mật độ để lại từ 700-800 cây/ha.

7. Bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh:

7.1. Bảo vệ:

- Không cho gia súc vào khu vực trồng rừng, nơi có điều kiện thì làm hàng rào hoặc đào hào bảo vệ rừng trồng.

- Tuân thủ các quy định, hướng dẫn cách phòng cháy, chữa cháy rừng của cơ quan chuyên môn.

7.2. Phòng trừ sâu bệnh:

- Sâu hại:  Gồm các loài sâu hại chính như sâu vạch xám, sâu nâu, sâu kèn nhỏ gây hại. Khi cần thiết có thể dùng một số loại thuốc như: Sumithion 50EC, Ofatox, KARATE 2,5EC, Trebon... để phòng trừ.

- Bệnh hại: Gồm một số bệnh hại chính như: Bệnh phấn trắng, bệnh phấn hồng, bệnh rộp lá. Để phòng trừ các bệnh hại chính phải lựa chọn giống tốt có chất lượng, sạch bệnh, có xuất xứ... để đưa vào trồng rừng. Khi phát hiện bệnh hại với tỷ lệ bị bệnh còn ít, sử dụng thuốc Bordeaux nồng độ 1% phun hoặc quét lên các vết bị bệnh [Bệnh phấn hồng]. Nếu tỷ lệ thiệt hại lớn, tiến hành chặt bỏ những cây bị chết hoặc nhiễm bệnh nặng để tránh lan sang các cây khác.

- Côn trùng: Mối và dế là những loài côn trùng thường gây hại nhiều cho các loại Keo, khi phát hiện thấy có mối, dế trong rừng trồng thì phải tiến hành phá vỡ tổ mối hoặc rắc thuốc Thiodan 35%, Furadan, Chlodan... hoặc có thể làm bả độc để bẫy.

Lưu ý: Khi phát hiện có sâu bệnh cần phải có biện pháp phòng trừ kịp thời đề phòng dịch lây lan. Nếu điều tra thấy mật độ cao, mức độ hại nặng có thể dùng thuốc phun và báo ngay cho cơ quan chuyên môn để xử lý kịp thời.

Biên soạn: Bùi Thị Thanh Tình

Không thể phủ nhận vai trò tối quan trọng của cây đối với các hệ sinh thái tự nhiên. Một khu rừng khỏe mạnh có thể giữ nước để chống hạn, cung cấp thức ăn cho động vật và con người, đồng thời lưu giữ cacbonic để bầu khí quyển trong lành hơn. Tuy nhiên, cây cối đang bị chặt hạ trên quy mô lớn. Một nghiên cứu năm 2015 cho biết có khoảng 46% số cây trên hành tinh đã bị đốn hạ kể từ khi bắt đầu nền văn minh nhân loại và hiện thế giới chỉ còn khoảng 3 nghìn tỷ cây.

Sự suy tàn của những cánh rừng là động lực chính thôi thúc nhiều sáng kiến và quan điểm ủng hộ tái trồng rừng. Các sáng kiến đều ​​có phạm vi rất xa và rộng, từ việc thiết kế các ứng dụng trồng cây cho người dùng cho đến các nỗ lực quốc tế quy mô như Thách thức Bonn với mục tiêu phục hồi 350 triệu ha rừng vào năm 2030 hay cam kết trồng 210 triệu ha cây xanh của các chính phủ và cơ quan trên thế giới. Điều này cho thấy trồng cây ngày càng được xem là một phương thức hiệu quả giúp hấp thụ khí thải carbon của thế giới.

Hiện có hai phương pháp tái trồng rừng chính để đáp ứng các mục tiêu toàn cầu là trồng cây và tái sinh tự nhiên [rừng được phục hồi tự nhiên, đôi khi có sự hỗ trợ của con người]. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp nào cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên bối cảnh, nguồn lực và ưu nhược điểm của từng phương pháp.

Trồng cây 

Trồng cây để hỗ trợ phục hồi rừng là một chủ đề gây tranh cãi. Một số nhấn mạnh trồng cây có thể giúp thẩm thấu bể khí nhà kính do con người tạo ra nhưng một số khác cho rằng trồng cây thường dẫn đến việc trồng độc canh các loài không phải bản địa có thể gây hại cho hệ sinh thái địa phương nếu không được thực hiện cẩn trọng.

Theo báo cáo năm 2019 do tác giả Thomas Crowther thuộc Viện Kỹ thuật liên bang Zurich [ETH Zurich] phụ trách, có khoảng 1,7 tỷ ha đất – xấp xỉ bằng diện tích của Hoa Kỳ – có thể được trồng với 500 tỷ cây, giúp giảm khoảng 2/3 lượng khí thải carbon do con người thải ra kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp. Tuy nhiên, ngày càng nhiều báo cáo cảnh báo về các chính sách khuyến khích các nỗ lực trồng cây được quản lý và thiết kế kém cũng như việc đánh giá quá cao khả năng lưu trữ carbon của cây.

Các nhà khoa học lâm nghiệp đã phản hồi mạnh mẽ quan điểm đa diện này với thông điệp về nguyên tắc cơ bản để trồng cây thành công, trong đó nhà khoa học Ramni Jamnadass thuộc Tổ chức nghiên cứu Nông Lâm quốc tế [ICRAF] nói một cách ngắn gọn rằng: “Hãy trồng đúng cây, đúng chỗ và đúng mục đích”.

Trồng cây có thể được thực hiện dưới các hình thức rừng trồng, đồn điền, trồng xen canh cây nông nghiệp kết hợp chăn nuôi thông qua mô hình nông lâm kết hợp hoặc chăn nuôi dưới tán rừng. Mỗi loại hình có một mục đích khác nhau và mang lại lợi ích khác nhau, chẳng hạn như sự trở lại của đa dạng sinh học thông qua rừng trồng, nguồn cung cấp lương thực linh hoạt hơn nhờ phương thức nông lâm kết hợp, gỗ có thể hỗ trợ nhanh hơn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sinh học thông qua các đồn điền và lý tưởng hơn là giúp giảm áp lực khai thác lên rừng tự nhiên.

Manuel Guariguata, nhà khoa học về sinh thái rừng nhiệt đới và quản lý rừng để sản xuất và bảo tồn tại Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế [CIFOR] cho biết Thách thức Bonn sẽ xem xét kết hợp các biện pháp can thiệp. Trong đó, trồng cây có lẽ là biện pháp cho kết quả nhanh nhất và là lựa chọn yêu thích vì bạn có thể kiểm soát những gì bạn trồng. Tuy nhiên, ông giải thích thêm rằng: “Bạn cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và lưu ý các chi phí khởi điểm như vườn ươm, phân bón, thậm chí cả hạt giống và cây con. Bạn có thể cần vận chuyển cây giống từ địa điểm này đến địa điểm khác và nếu bạn không [đầu tư vào cơ sở hạ tầng] tốt, cây giống của bạn sẽ chết khi chúng đến [địa điểm trồng] bởi những rung động cơ học trong ô tô hoặc xe tải”.

Bất chấp những thách thức, trồng cây còn có thể góp phần tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thông qua việc tạo ra việc làm. Tuy nhiên, Guariguata cho rằng đầu tư vào người dân địa phương mới là yếu tố quan trọng hơn cả bởi họ là lực lượng chính chăm sóc, duy trì cây cũng như áp dụng các kiến thức về cảnh quan trong trồng trọt nhằm đảm bảo sự sống còn của cây.

Một đồn điền cây thông ở Victoria, Australia. Ảnh: Daniel Walker, Flickr

Song song với hoạt động trồng cây thủ công, các công nghệ mới cũng đang được phát triển để có thể trồng cây hiệu quả trên quy mô lớn. Lauren Fletcher, nhà phát minh công nghệ gieo hạt giống bằng máy bay không người lái đã lưu ý trong một diễn đàn kỹ thuật số gần đây về trồng cây rằng máy bay không người lái có thể phát tán hạt giống hoặc quả bóng hạt giống [gồm một hoặc nhiều loại hạt được cuộn trong một quả bóng bằng đất] trên một khu vực theo một mô hình cụ thể, có khả năng trồng tới 400.000 cây mỗi ngày và có thể sử dụng hàng trăm máy bay không người lái để trồng cùng lúc.

Dù có nhiều ưu điểm như vậy, song cũng như bất kỳ sự thay đổi nào về cảnh quan, cách trồng cây và rủi ro lâu dài của chúng cũng cần được tính đến. Năm 2016, thị trấn Fort McMurray của Canada từng hứng chịu trận cháy rừng kinh hoàng đã trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong lịch sử nước này. Khi các vùng đất than bùn ban đầu bị rút cạn và cây vân sam đen được trồng để lấy gỗ, mực nước ngầm liền giảm xuống. Những tán cây rộng lớn hơn của những cây mới đã hủy hoại lớp rêu than bùn chống cháy ban đầu, chúng được thay thế bằng một loại rêu khác khô hơn hoạt động như mồi nhen lửa. Khi đám cháy rừng xảy ra, phần lớn carbon được tích trữ trong cây và than bùn khô đã bị giải phóng và thoát vào khí quyển.

“Thật không may, nhiều chương trình trồng cây chỉ trồng những loài dễ tiếp cận và sẵn có, thậm chí thường xuyên trồng những loài không phù hợp với sinh thái môi trường, thiếu tính đa dạng và không giải quyết được nhu cầu kinh tế – xã hội của cộng đồng địa phương, do đó, dễ dẫn đến thảm họa”, Jamnadass nói.

Các dự án phục hồi rừng cần đảm bảo sử dụng các loài bản địa có sẵn và phù hợp để trồng nhằm ngăn chặn những thảm cảnh tương tự.

Ezra Neale, người phụ trách giám sát và đánh giá tại Dự án trồng rừng Eden nhấn mạnh các tổ chức trồng rừng trên thế giới cần đặc biệt chú trọng việc lựa chọn cây bản địa để tái trồng rừng. “Việc phục hồi rừng rụng lá khô ở Madagascar đã mang lại môi trường sống cho nhiều loài đặc hữu và có nguy cơ tuyệt chủng như các loài vượn cáo Propithecus coquereli, Propithecus tattersalli, Propithecus diadema perrieri và loài động vật ăn thịt lớn nhất của hòn đảo là Cryptoprocta ferox”, Neale cho biết.

Tái sinh tự nhiên 

Tốc độ, hàng hóa, gỗ, tăng trưởng kinh tế là những lợi ích dễ nhìn thấy từ việc trồng cây. Tuy nhiên, tái sinh tự nhiên cũng mang lại rất nhiều giá trị. Thời gian để rừng mọc lại một cách tự nhiên chuyển thành mức độ đa dạng sinh học với các loài thực vật bản địa thường cho kết quả cao hơn khi tái sinh tự nhiên. Một nghiên cứu cho thấy rừng tái sinh tự nhiên chứa nhiều đa dạng sinh học hơn về thực vật, chim, động vật không xương sống và cấu trúc thảm thực vật được phục hồi tốt hơn so với rừng trồng ở các vùng nhiệt đới.

Rừng tái sinh tự nhiên cũng có xu hướng lưu trữ carbon an toàn hơn. Một báo cáo gần đây trên tạp chí Nature nói rằng tiềm năng thu giữ carbon của rừng mọc lại tự nhiên có thể đã bị Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu [IPCC] đánh giá thấp 32%.

Việc để rừng phát triển tự nhiên không chỉ đơn giản về kỹ thuật với chi phí rẻ hơn nhiều mà còn cho phép người dân địa phương sử dụng rừng theo cách truyền thống của họ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quá trình tái sinh tự nhiên không thể diễn ra, tùy thuộc vào mức độ suy thoái của khu vực cụ thể và nhiều nơi không dễ bề tiếp cận bằng máy phát tán hạt giống. Hạt giống của nhiều loài tuy vẫn được phát tán bởi động vật bản địa, chẳng hạn như chim, nhưng ở những khu vực mà những loài động vật này đã biến mất thì những loài cây trọng yếu cần phải được trồng lại.

Rừng tái sinh tự nhiên mọc trên đồng cỏ bỏ hoang ở Tuscany, Ý. Ảnh: Etrusko25, Wikimedia Commons

Joice Ferreira, nhà nghiên cứu tại Embrapa Amazônia Oriental nói rằng phần lớn khu vực ở Amazon có lợi cho quá trình tái sinh tự nhiên vì nhiều khu vực có lịch sử chuyển đổi sử dụng đất khá mới và cường độ sử dụng đất ở các vùng chuyển đổi tương đối thấp. Ngoài ra, lượng mưa dồi dào và nhiệt độ thuận lợi cũng là lợi thế lớn để Amazon tái sinh rừng.

Tuy nhiên, bà lưu ý khả năng tái sinh tự nhiên trên đất đã trải qua nền nông nghiệp cơ giới hóa thì vẫn chưa chắc chắn. Quá trình hữu cơ dài hơn và lâu hơn có nghĩa là vùng đất nơi rừng đang tái sinh sẽ bị “bỏ hoang” trong một thời gian dài trước khi rừng trưởng thành mọc lại.

“Trong nhiều trường hợp, sự tái sinh tự nhiên còn bị xem là điều không mong muốn bởi khi đó, nó cho thấy đất đai không được làm việc”, Guariguata cho biết và giải thích thêm: “Nó trông không đẹp cho lắm. Ý tôi là, nó không phải là một hàng cây được trồng đều tắp. Nó có thể lộn xộn. Một đồn điền được trồng thẳng hàng thường tạo ra một ấn tượng khác, vì vậy có một vấn đề về nhận thức ở đây”.

Guariguata nhấn mạnh rừng chỉ nên được phục hồi thông qua tái sinh tự nhiên nếu đất không bị áp lực phát triển và người quản lý đất có thể đảm bảo rằng rừng sẽ tồn tại dài lâu.

Ferreira cảnh báo tỷ lệ phá rừng ở rừng thứ sinh cao hơn 40% so với rừng nguyên sinh và cần có thêm các quy định của chính phủ để bảo vệ rừng tái sinh tự nhiên.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức, các khu vực trên thế giới đang tái sinh một cách tự nhiên. Các khu vực của châu Âu đã và đang tái sinh tự nhiên trên đất canh tác bị bỏ hoang, thường là do các yếu tố kinh tế và sự suy giảm dân số nông thôn. Điều này đi kèm với sự phát triển của các quần thể động vật có vú lớn, chẳng hạn như gấu, linh miêu, heo rừng và hươu.

Cộng đồng là chìa khóa quan trọng nhất để phục hồi rừng thành công

Phương pháp tốt nhất để phục hồi rừng phụ thuộc vào điều kiện cảnh quan, mục đích của rừng và loài cây có sẵn để trồng lại rừng. Bất kể phương pháp nào được lựa chọn, cộng đồng địa phương phải đồng ý với cách sử dụng đất.

“Sự chấp nhận và đồng lòng của các bên tham gia trong khu vực cảnh quan là chìa khóa quan trọng nhất. Nếu bạn không có điều kiện tiên quyết đó, rất có thể cây sẽ không sống được. Chúng có thể không được bón phân hoặc tưới nước vì mọi người không thấy lợi ích lâu dài ở chúng”, Guariguata cho biết.

Jamnadass minh họa ở Kenya, nhiều cây đã bị chặt từ các khu vực đầu nguồn để phục vụ đun nấu hoặc bán lấy tiền. “Chính phủ thực sự cần hiểu cộng đồng cần gì. Họ cần năng lượng, vì vậy họ sẽ tiếp tục chặt cây trừ khi nhu cầu năng lượng của họ được đáp ứng”.

Chính sách của chính phủ cũng phải hỗ trợ các chính sách tái trồng rừng, chẳng hạn như bằng cách tạo ra các khu bảo tồn và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm bao gồm cả hành vi phá rừng để lấy đất trồng trọt hoặc khai thác trái phép.

“Các dự án phục hồi rừng chỉ có thể thực hiện được thông qua quan hệ đối tác chặt chẽ với cộng đồng và chính phủ”, Neale nhấn mạnh.

Ý Nhi [Theo globallandscapesforum.org]  

Video liên quan

Chủ Đề