Ứng dụng công nghệ cao trồng thủy sản

Thứ tư, 28/10/2020 - 07:15 AM

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Thời gian qua, sự phát triển của ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản đã giúp ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm về nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh cây lúa, cây ăn trái bà con nơi đây coi nuôi trồng thủy sản là thế mạnh kinh tế đặc biệt.

Việc xây dựng các mô hình trình diễn, đào tạo, giới thiệu, thông tin tuyên truyền nhân rộng các mô hình điển hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính thuyết phục cao khi người nông dân được tận mắt nhìn thấy những kết quả sản xuất nông nghiệp qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Từ đó họ tin tưởng và tự quyết định làm theo. Mô hình còn thu hút nhiều nông dân ở những nơi khác đến tham quan, học tập và áp dụng.

Các diễn giả trả lời câu hỏi của nông dân về nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Tiêu nhấn mạnh, việc ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nói riêng được triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Ngoài nâng cao năng suất, tăng chất lượng thủy sản, những chỉ số về môi trường, dịch bệnh cũng được khắc phục đáng kể.

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình chuyển giao công nghệ, cập nhật mô hình sản xuất tiên tiến, giới thiệu giải pháp kỹ thuật, giúp người nông dân từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất vốn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu sang những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu vào cả đầu ra thuận lợi.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường được triển khai tại tỉnh Trà Vinh là điển hình. Tại đây Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng 3 mô hình, quy mô 2ha/mô hình, mỗi mô hình xây dựng 2 điểm trình diễn quy mô 1 ha/điểm [gồm ao nuôi giai đoạn 1 là 150m, ao nuôi giai đoạn 2 là 1.500 m và hệ thống ao chứa, lắng, xử lý cùng các công trình phụ trợ khác].  

Nuôi tôm công nghệ cao tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chất thải ao nuôi được đưa vào hầm biogas nên ít tác động xấu đến môi trường nước xung quanh so với nuôi theo quy trình truyền thống hiện nay. Năng suất tôm đạt trên 20 tấn/ha/vụ, hệ số thức ăn dưới 1.2. Bên cạnh đó mô hình còn lắp đặt hệ thống giám sát cảnh báo môi trường ao nuôi và hầm biogas. Có thể nói áp dụng công nghệ mới trong nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường đem lại hiệu quả cao.

Kế đến hiệu quả mô hình nuôi cá chạch lấu trong vèo [đặt trong ao đất] có sử dụng hệ thống sục khí nano của nông dân Trần Hồng Thái, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu [An Giang].

Ông Thái có nghề ương cá tra giống đã hơn 30 năm. Song 2 năm qua nghề ương nuôi cá tra giống gặp  nhiều khó khăn do ảnh hưởng giá cả thị trường, dịch Covid 19... Trước những khó khăn đó ông quyết định chuyển sang nuôi thương phẩm cá chạch lấu trong vèo kết hợp sục khí nano. Hơn 1 tháng nuôi ông nhận thấy đây là mô hình nuôi khá hiệu quả.

Với diện tích ao 1.000m2, ông bố trí 4 vèo, mỗi vèo 16m2 có sục khí bằng công nghệ nano. Sau khi bơm nước vào ao với độ sâu 3,5m được 15 ngày [nguồn nước nuôi là nước giếng] thì tiến hành thả giống.

Mô hình nuôi cá tra 3 cấp ở An Giang đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Thái thả 6.000 con giống cá chạch lấu, trọng lượng trung bình là 5gram/con [200 con/kg], mỗi vèo 1.500 con. Sau 2 ngày thả thì cho cá ăn. Trong tuần đầu cho ăn 2 lần/ngày, mỗi lần ăn 3kg thức ăn công nghiệp. Lúc đầu cá còn nhỏ, thức ăn công nghiệp được xay nhuyễn rồi bổ sung thêm men tiêu hóa và vitamin C, trộn đều. Bên ngoài vèo nuôi thêm một ít cá sặc rằn, cá tra để chúng tận dụng thức ăn dư thừa của cá chạch lấu.

Sau hơn một tháng nuôi cá chạch lấu đạt 65-70 con/kg. Hiện lượng thức ăn mỗi ngày 7,5 kg. Cá rất đẹp, đều, phát triển tốt.

Ông Thái cho biết, áp dụng công nghệ sục khí nano trong ao nuôi là một công nghệ rất tuyệt vời, giúp cá mau lớn, ít bệnh, ít hao hụt. Trong khi đó hệ thống sục khí liên tục 24/24 tỷ số tiêu hao lượng điện khoảng 1 giờ là 0,4 KW, hệ thống này có thể điều chỉnh sục khí mạnh yếu tùy theo ý muốn.

ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất thủy sản của cả nước. Riêng nuôi trồng thủy sản, ĐBSCL chiếm 72% diện tích và 70% sản lượng. Giai đoạn 2010 - 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng bình quân 1,1%, từ 742.700 ha lên 811.100 ha.

ĐBSCL chiếm 100% diện tích và sản lượng cá tra, khoảng 93% diện tích và 84% sản lượng tôm cả nước. Đối với cá tra, năng suất nuôi bình quân khoảng 200 tấn/ha/vụ. Có những ao hầm đạt tới 800 tấn/ha. Số lượng cơ sở chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn và được cấp mã Code.

Mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao đang là hướng đi của nhiều hộ nông dân. Ảnh: Thành Nam

Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản cho thu nhập cao

Đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 30.840ha mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thủy sản gồm ao, hồ, sông, ruộng trũng... Trong đó, tổng diện tích mặt nước đã đưa vào nuôi trồng thủy sản là 22.900ha; ước tính sản lượng đạt 124.200 tấn/năm với giá trị sản xuất ước đạt 4.347 tỷ đồng. Ông Tạ Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, điều kiện tự nhiên của Hà Nội rất thích hợp cho phát triển thủy sản, đặc biệt là hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch của thành phố tập trung ở các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Trì…

Ngoài 4.327ha hồ chứa mặt nước lớn, Hà Nội còn có các sông chạy qua, như: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi… rất thuận lợi để khai thác thủy sản tự nhiên và phát triển nuôi cá lồng bè. Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.

Nhờ quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mà những năm gần đây, huyện Thanh Oai ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao cho thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như trang trại của anh Lê Văn Trẻo [Liên Châu, Thanh Oai] đã ứng dụng công nghệ cao vào nuôi cá, kết hợp nuôi vịt quy mô gần 10ha. Trang trại được xây dựng và vận hành bài bản từ việc đầu tư công nghệ chăn nuôi khép kín đến lắp đặt hệ thống máy sục oxy, máy trộn thức ăn, sử dụng các loại chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại, môi trường ao nuôi.

Hiện, mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng vịt và gần 100 tấn cá các loại, trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 600 triệu đồng.

Hay như trang trại nuôi cá và tôm càng xanh của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa [ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa]. Nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất và chăn nuôi theo hướng an toàn, nên cá ít bị dịch bệnh, năng suất đạt 10-12 tấn/ha/năm, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhờ tích cực phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, đến nay, toàn Thành phố có khoảng 9.700ha sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước trong nuôi trồng thủy sản. Đáng nói, các mô hình ứng dụng công nghệ biofloc ngày càng nở rộ, nhất là ở những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản như: Ba Vì, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên… Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã, cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất. Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường; sử dụng thiết bị làm giàu ô xy, máng ăn tự động... qua đó, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Phát triển thủy sản theo hướng bền vững

Tuy nhiên, hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Nguồn nước nuôi trồng thủy sản còn bị ô nhiễm; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng còn ít. Đặc biệt, khâu chế biến, hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm chưa hiệu quả…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 24.000ha trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung khoảng 11.500ha; năng suất bình quân khoảng 14 tấn/ha trong đó vùng nuôi tập trung đạt năng suất 24 tấn/ha; sản lượng đạt khoảng 170.000-210.000 tấn; duy trì mức tăng trưởng lĩnh vực thủy sản bình quân 7%-8%/năm.

Hà Nội sẽ phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao và an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển nuôi các giống cá chép lai, cá rô phi đơn tính, trắm cỏ và các loại thủy sản - đặc sản như: Trắm đen, cá lăng, điêu hồng...

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao phát triển thủy sản theo hướng bền vững, gia tăng giá trị, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả nhiều giải pháp. Trước hết, sẽ tham mưu với thành phố Hà Nội ban hành chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản, tránh nguy cơ gây ô nhiễm về nguồn nước và dịch bệnh.

Cùng với đó, đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ đầu tư hạ tầng, nâng cấp các máy móc thiết bị chế biến hiện đại, các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và đầu tư kho lạnh bảo quản để bảo đảm chất lượng thủy sản; hỗ trợ tập trung đầu tư hạ tầng cho các chợ cá đầu mối để thay thế các chợ tạm hiện hạn; hỗ trợ hạ tầng, trang thiết bị cho các cơ sở kinh doanh thủy sản tươi sống tại các chợ dân sinh; thực hiện đồng bộ các hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm thủy sản…

Thành Nam

Video liên quan

Chủ Đề