Uống thuốc tiêu sữa rồi có cho con bú lại được không

Làm mẹ không áp lực

Ngày nay, uống thuốc tiêu sữa trở thành bảo bối của không ít chị em khi cai sữa cho con. Tuy nhiên cũng không ít người e dè tự hỏi có nên uống thuốc tiêu sữa để làm mất sữa nhanh chóng hay không, bởi những tác dụng phụ không mong muốn, trong khi đó những biện pháp dân gian mà các bà, các mẹ truyền tụng cũng phần nào phát huy hiệu quả.

Tiếp tục kinh nghiệm làm mẹ không áp lực, hôm nay Kỳ Trinh sẽ cùng bạn bàn bạc chủ đề có nên dùng thuốc tiêu sữa để làm mất sữa sau cai sữa hay không.

Sau hành trình cai sữa tuy ngắn ngày nhưng nhiều cảm xúc [Đọc thêm Cách cai sữa cho bé 18 tháng: Nhật ký 3 ngày 3 đêm khó quên của Bấc], các mẹ chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn khó khăn mới: Căng sữa và tìm cách tiêu sữa.

Thời kỳ đang cho con bú, hầu như các mẹ ai cũng ít nhất một vài lần bị tắc tia sữa vô cùng đau buốt do con bú không hết. Tuy nhiên, sau khi cai sữa, hiện tượng này còn lặp lại triền miên hết ngày này sang ngày khác, càng ngày càng đau buốt cho đến khi lượng sữa tiết ra dần dần giảm đi. Hai bên ngực căng cứng, nhiều khi biến dạng vì các u cục nổi lên khắp bầu vú.

Trước tình trạng này, nhiều mẹ bằng kinh nghiệm của riêng mình đã thực hiện cách để giúp sữa nhanh tiêu hơn, như dùng lá bắp cải, lá trầu không hơ nóng để đắp; ăn, uống lá lốt hay tích cực hút sữa

Tuy nhiên, nhiều chị em ngày nay không cần phải kiên trì chịu đựng căng tức ngực suốt mấy ngày trời. Họ cũng không phải cần kỳ thực hiện các biện pháp rườm rà để mong làm dịu bầu ngực. Bởi vì có một biện pháp hữu hiệu, nhanh chóng và dễ dàng nhất để tiêu sữa, đó chính là uống thuốc tiêu sữa hay nhiều mẹ còn gọi là thuốc cai sữa.

Thực tế, trong y học không có thuốc nào là thuốc dùng để cai sữa, mà chỉ có thuốc làm giảm tiết sữa và giúp nhanh chóng tiêu sữa.

Có nên dùng thuốc tiêu sữa để làm mất sữa

Bầu ngực căng tức sau cai sữa là nỗi ám ảnh của các bà mẹ

Thuốc tiêu sữa là gì? Vì sao có mẹ uống thuốc tiêu sữa và vì sao có nhiều mẹ vẫn e dè, thà chịu đau một chút chứ không dùng đến nó? Có nên dùng thuốc tiêu sữa để tiêu sữa nhanh chóng hay không?

Theo tìm hiểu của Kỳ Trinh, thuốc tiêu sữa là thuốc có tác dụng làm thay đổi hoocmon trong cơ thể, giúp hỗ trợ để giảm tiết sữa.

Sữa mẹ được tiết ra nhờ vào 4 hoóc môn: estrogen, progesterone, prolactin và oxytocin. Trong đó, prolactin là hoóc môn chính chịu trách nhiệm sản xuất sữa.

Sau khi bé chào đời, hàm lượng prolactin tăng cao. Mỗi khi mẹ cho con bú hay hút sữa, cơ thể sẽ tiết ra prolactin. Lúc này sữa sẽ được sản xuất và tích trữ trong các nang sữa. Nếu hàm lượng prolactin càng thấp, nguồn sữa mẹ sẽ càng giảm.

Các loại thuốc tiêu sữa phổ biến được nhiều người sử dụng hiện nay như cabergolin [dostinex], bromocriptin [parlodel], quinagolid [norprolac], đều chủ yếu tác động vào hoóc môn này, làm giảm nồng độ của prolactin tiết ra, từ đó làm giảm và làm mất sữa.

Thực tế các thuốc trên ra đời chủ yếu nhằm điều trị trường hợp tăng prolactin bệnh lý. Tuy nhiên nó vẫn có tác dụng giúp mẹ cai sữa dễ dàng nên được sử dụng như một loại thuốc tiêu sữa [thuốc cai sữa].

Khi uống thuốc tiêu sữa, chúng có hai tác dụng: giảm tiết sữa và khiến trẻ chán bú vì cố mút mỏi miệng nhưng không ra sữa. Đó là lý do vì sao nhiều mẹ gọi đây là thuốc cai sữa. Song chỉ có nhóm thuốc bromocriptin được dùng ở bà mẹ đang cho con bú. Các thuốc còn lại được lưu ý nên cai sữa thành công cho con rồi mẹ mới sử dụng.

Vậy có nên uống thuốc tiêu sữa hay không? Việc uống thuốc tiêu sữa sẽ làm tiêu sữa rất nhanh và hiệu quả. Nó có thể là giải pháp cho các mẹ quá nhiều sữa; sữa tiết ra lâu ngày không giảm, gây căng tức, đau đớn nhiều ngày.

Mặc dù vậy, thuốc tiêu sữa vẫn không thực sự phổ biến đến mức ai cai sữa cũng thủ sẵn trong người. Khá nhiều người vẫn chưa sẵn sàng sử dụng các thuốc này. Họ thà chịu đau một chút còn hơn uống thuốc mà bản thân chưa thực sự cảm thấy yên tâm.

Lý do là vì bên cạnh tác dụng giảm tiết sữa, giảm cương cứng ngực nhanh chóng, thuốc tiêu sữa vẫn có những tác dụng phụ không mong muốn. Ví dụ nhóm thuốc Bromocriptine được lưu ý một số tác dụng phụ như tăng huyết áp, co giật, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thiếu máu não, thiếu máu tiền đình.

Nhóm thuốc cabergoline có thể gây dị ứng như phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng, tăng ham muốn tình dục bất thường

Dù không phải tác dụng phụ sẽ gặp ở tất cả mọi người, thuốc tiêu sữa vẫn được khuyến cáo nên tham khảo bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng.

Bản thân tôi là người không uống thuốc tiêu sữa khi cai sữa cho con. Việc có nên sử dụng thuốc tiêu sữa hay không là tùy thuộc vào quyết định của mỗi người.

Tuy nhiên, tôi có một cách này có thể giúp bạn đánh tan nỗi đau căng tức sữa mà chưa cần sử dụng đến thuốc, bạn thử tham khảo nhé. Đây là cách mà mẹ tôi đã thực hiện và cai sữa thành công cho 3 đứa con, và bà đã truyền thụ cho tôi.

Khoảng 7 ngày sau khi cai sữa thành công cho con, lúc này bé đã khá dửng dưng với bầu sữa của mẹ, không còn thèm cũng không còn nhớ da diết nữa. Thực ra lúc này bé ở trong trạng thái: Có cũng được mà không có cũng được.

Cũng trong 7 ngày đó, sữa mẹ liên tục tiết ra đầy ứ, căng cứng trong hai bầu ngực. Tuy nhiên, suốt 1 tuần trẻ không bú, cơ thể chúng ta hiểu rằng sứ mệnh tiết sữa mẹ của mình đã kết thúc. Nó sẽ tự điều chỉnh, giảm dần lượng hoóc môn có khả năng sản xuất sữa. Vì vậy sữa sẽ tiết ra ít dần cho đến khi mất hẳn.

Chính vì vậy, sau khoảng 7 ngày cai sữa thành công [hoặc có thể lâu hơn một chút với những bé khó cai], bạn nên cho con bú 1 lần cuối cùng. Lần bú này vừa có tác dụng giúp con bõ cơn thèm sau một thời gian xa cách, vừa giúp làm dịu bầu ngực nhanh chóng, an toàn.

Bạn yên tâm, sau lần bú này, bé sẽ không tái nghiện được đâu. Trong khi đó, sau một thời gian giảm tiết sữa, cơ thể cũng sẽ không vì một lần bú lại của bé mà tiết ra nhiều hơn.

Sau lần cho con bú này, bầu ngực sẽ trở nên nhẹ nhàng, bớt căng tức đi nhiều dù sữa vẫn chưa hết hẳn cho đến một vài tuần tiếp theo. Bạn thử áp dụng cách này trước khi nghĩ đến việc uống thuốc tiêu sữa nhé.

Đọc thêm

>> Dạy con sống tình cảm và biết quan tâm, bạn đã nghĩ đến chưa? [Phần 1]

>> Dạy con sống tình cảm và biết quan tâm, bạn đã nghĩ đến chưa? [Phần 2]

>> Hành trình cho con đi nhà trẻ sớm: Nước mắt và nụ cười!

>> Đi làm sớm sau sinh: Hành trình gửi con từ lúc 5 tháng tuổi

Video liên quan

Chủ Đề