Vai trò của Liên Xô với cách mạng Việt Nam

Trong không khí cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ [1954 - 2014], nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta hãy cùng ôn lại sự ủng hộ và giúp đỡ vô giá của nhân dân thế giới đối với Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong hòa bình.

Từ trước Cách mạng tháng Tám, ta đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân dân thế giới đặc biệt là Quốc tế Cộng sản và các tổ chức quần chúng của Quốc tế Cộng sản, của Liên Xô, cách mạng Trung Quốc và nhân dân tiến bộ Pháp, tạo thêm thuận lợi để ta chuẩn bị lực lượng nắm thời cơ làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.Sau Cách mạng tháng Tám, nước ta phải cùng lúc đối phó với nhiều lực lượng quân sự đối địch gồm 300.000 quân của các nước lớn có mặt ở Việt Nam. Phía Bắc là quân Tưởng, phía Nam là quân Anh-Ấn, Pháp. Trong khi đó, chính quyền cách mạng của ta còn non trẻ, đất nước sau nhiều năm chiến tranh, kinh tế suy sụp, tài chính kiệt quệ, nạn đói kéo dài. Lúc này, một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến đã hình thành, đặc biệt phải kể đến sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, phong trào giải phóng dân tộc, các Đảng cộng sản và công nhân. Hòa với phong trào phản chiến ở các nước châu Âu như hành động của công nhân ở bến cảng An-giê-ry không chịu bốc vũ khí lên tàu chở sang Việt Nam, nhân dân Pháp sôi nổi đấu tranh đòi chấm dứt ¨cuộc chiến tranh bẩn thỉu¨ của thực dân Pháp với những gương dũng cảm như chị Ray-mông Điêng nằm ngang đường xe lửa để cản đoàn tàu chở vũ khí tiếp tế cho quân Pháp ở Việt Nam anh Hăng-ri Mác-tanh phất cờ phản chiến trong hàng ngũ hải quân Pháp, đồng chí Léo Figuères, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, nghị sĩ Quốc hội Pháp với những bài viết quyết liệt gửi đăng trên các báo của Pháp, nữ nhà văn, nhà báo Pháp Ma-đơ-len Ri-phô với những thiên phóng sự nổi tiếng ngợi ca tinh thần anh dũng của các dân tộc bị áp bức quyết vùng lên giành độc lập, tự do, đòi quyền sống.Mặt trận đoàn kết quốc tế cùng với mặt trận đoàn kết Việt Nam- Lào-Campuchia và mặt trận đoàn kết trong nước [ba tầng mặt trận] đã tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn góp phần giành thắng lợi lịch sử ở Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng; ở miền Nam, Mỹ thay chân Pháp dựng lên chế độ tay sai nhằm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, kéo dài chia cắt Việt Nam. Đất nước ta đứng trước hai nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm hòa bình thống nhất nước nhà.

Trong thời kỳ này, sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ của ta được ghi nhận là hiếm có trong lịch sử thế giới. Nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam, coi Việt Nam là biểu tượng của chính nghĩa, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lương tri của thời đại.

Mặt trận quốc tế ủng hộ, đoàn kết với Việt Nam bao gồm mọi tầng lớp nhân dân ở các nước có chế độ chính trị-xã hội khác nhau trên khắp năm châu, từ người dân lao động bình thường đến các nhà hoạt động chính trị, nghị sĩ, trí thức, nhà báo v.v.; bao gồm từ các tổ chức quần chúng, xã hội, các đảng chính trị và cả chính phủ ở nhiều nước kể cả các nước tư bản chủ nghĩa [như Italia, Thụy Điển, Đan Mạch, Vương quốc Anh, Nhật Bản]. Tham gia các hoạt động đoàn kết với Việt Nam còn có các tổ chức quốc tế như Hội đồng hòa bình thế giới, Ủy ban đoàn kết nhân dân Á-Phi, các tổ chức phụ nữ, thanh niên, sinh viên, công đoàn quốc tế Phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam đã hình thành và phát triển ngay trong lòng nước Mỹ, thu hút hàng triệu người Mỹ thuộc đủ mọi thành phần tham gia.

Người Việt Nam ghi khắc trong lòng câu nói của Chủ tịch Phi-đen Cax-tơ-rô: Máu Việt Nam cũng là máu Cuba. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình, khẩu hiện của nhân dân Ấn Độ Tên anh là Việt Nam, tên tôi là Việt Nam, tên chúng ta là Việt Nam, tấm gương dũng cảm của 8 người Mỹ tự thiêu phản đối chiến tranh Việt Nam, trong đó có anh Nóc-man Mô-ri-xơn, cụ bà Hen-ga Hec-dơ, chị Gian Cao-xơ-ky. Phụ nữ Công-gô, Ma-li, Ăng-gô-la, Chi-lê, Pê-ru, Ác-hen-ti-na gửi tới những bức thư cổ vũ chí tình. Nhân dân thế giới dấy lên nhiều phong trào viện trợ cho phụ nữ và trẻ em Việt Nam như phong trào Một chuyến tàu hàng cho Việt Nam và 100 triêu phơ-răng ủng hộ Việt Nam của Pháp; 100 triệu Yên của các bà mẹ Nhật; 120 tấn quà cho phụ nữ Việt Nam của phụ nữ Liên Xô; Quà từ trái tim của phụ nữ Ba Lan, phong trào Chăn ấm cho trẻ em Việt Nam của phụ nữ Hung ga ri, Một nhà trẻ của phụ nữ Bun-ga-ri, phong trào Xe đạp, sách vở, đồ chơi cho trẻ em Việt Nam của phụ nữ Cộng hò Dân chủ Đức Ngoài ra còn có hàng nghìn cuộc mít-tinh, biểu tình, hội thảo... của nhân dân thế giới và ngay cả trong lòng nước Mỹ để ủng hộ Việt Nam.

Đặc biệt, mặt trận đoàn kết Việt Nam, Lào, Campuchia vốn đã nảy nở và phát triển trong cuộc đấu tranh chung chống thực dân Pháp nay lại càng được củng cố, tăng cường. Liên Xô và Trung Quốc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế dành cho ta sự ủng hộ về chính trị, tinh thần và sự giúp đỡ về vật chất to lớn. Trong 20 năm [1955-1975], Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã viện trợ cho Việt Nam tổng khối lượng hàng hóa là 2.362.581 tấn; khối lượng hàng hóa quân sự trên quy đổi thành tiền, tương đương 7 tỉ rúp.

Có thể nói mặt trận đoàn kết ủng hộ Việt Nam đã trở thành một phong trào rộng lớn mang tính toàn cầu và tiếng nói ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ ngày càng thêm sức nặng, góp phần buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt sự dính líu về quân sự ở miền nam Việt Nam.

Sau khi nước nhà thống nhất, sự ủng hộ của nhân dân thế giới về tinh thần, vật chất có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, dần thoát khỏi thế bao vây cấm vận và phát triển đất nước. Bên cạnh sự giúp đỡ chí tình của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, ta tiếp tục nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè năm châu, trong đó có cả bạn bè Tây Bắc Âu và Mỹ. Tổ chức Hành động Giúp đỡ Việt Nam [HilfAktion Vietnam] của Cộng hòa Liên bang Đức đã giúp xây dựng nhà máy kim khâu Cầu Bươu, nhà máy dệt 10-10 của Hà Nội; Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế giúp xây dựng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Với chính sách đổi mới, vượt ra khỏi thế bao vây cấm vận, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và cũng nhận được nguồn lực quý báu của quốc tế thông qua các khoản hỗ trợ phát triển chính thức [ODA] của Chính phủ các nước và các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài hầu hết có nguồn gốc từ sự đóng góp của người dân các nước. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có mặt ở Việt Nam ngày càng tăng [từ 540 tổ chức với giá trị viện trợ 102 triệu USD vào năm 2003 lên 990 tổ chức và 300 triệu USD vào năm 2013]. Các dự án phi chính phủ nước ngoài đã có đóng góp lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Đồng thời đây cũng là một kênh chính trị đối ngoại quan trọng, giúp chuyển tải các thông tin, thông điệp của Việt Nam tới thế giới. Nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã có những đóp góp hiệu quả trong công tác chính trị đối ngoại. Ví dụ các tổ chức phi chính phủ của Mỹ tích cực tham gia những nỗ lực hòa giải; vận động tài trợ cho các dự án khắc phục ô nhiễm môi trường, rà phá bom mìn, vật liệu chưa nổ, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, người khuyết tật và người nhiễm chất độc da cam/điôxin Việt Nam. Nhiều tổ chức tài trợ nước ngoài đã rất quan tâm để phụ nữ được tham gia đóng góp và thụ hưởng từ các chương trình dự án phát triển.

Có thể nói sự ủng hộ, giúp đỡ dưới nhiều hình thức của nhân dân thế giới qua từng giai đoạn lịch sử đã góp thêm sức mạnh để dân tộc Việt Nam, cùng với sức mạnh nội tại của mình, vượt qua chiến tranh bạo tàn, giành độc lập, tự do và xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có được sự ủng hộ lớn lao của nhân dân thế giới đối với Việt Nam như vậy là nhờ một phần quan trọng của công tác ngoại giao của ta, trong đó có đối ngoại nhân dân. Bên cạnh đó, chúng ta luôn không quên đóng góp vào phong trào chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ngay từ những năm 1920, nhờ các hoạt động tích cực của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhân dân Pháp và các nước thuộc địa đã bắt đầu biết đến cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc ta. Người cũng đặt nền móng cho hoạt động đối ngoại nhân dân của phụ nữ Việt Nam khi tham dự Đại hội Phụ nữ Quốc tế [tại Nga] và sau này giới thiệu Hội LHPNVN gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế.

Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo đấu tranh dành chính quyền trước Cách mạng tháng 8, ta đã thực hiện đoàn kết quốc tế, gắn cuộc đấu tranh chống Pháp, Nhật của nhân dân ta với cuộc đấu tranh chống phát xít của nhân dân thế giới. Lúc này, Hội Phụ nữ dù mới thành lập đã hưởng ứng phong trào quyên góp ủng hộ nhân dân Trung Hoa kháng Nhật và lên án những tội ác của bọn phát xít chống nhân dân Liên Xô.

Sau Cách mạng tháng Tám, hoạt động đối ngoại đã góp phần quan trọng làm thất bại những mưu đồ của quân đội Trung Hoa Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc và quân Pháp gây hấn ở miền Nam để bảo vệ tính hợp pháp của chính quyền cách mạng. Hội Việt-Mỹ thân hữu và Việt-Trung thân hữu được thành lập để hỗ trợ thực hiện chính sách đối với Mỹ và Trung Quốc. Các hội đoàn và các tổ chức nhân dân của chúng ta bắt đầu xây dựng quan hệ hợp tác quốc tế với đối tác các nước. Hội Công nhân Cứu quốc Việt Nam đã lập quan hệ với Tổng liên đoàn Lao động Pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tham gia Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế.

Trong giai đoạn từ 1946-1954, hoạt động đối ngoại nhân dân đã góp phần chủ yếu để khai thông liên lạc với quốc tế khi nước ta bị cô lập với bên ngoài. Các tổ chức nhân dân của Việt Nam [công đoàn, phụ nữ, thanh niên,] cử nhiều đoàn đi vận động quốc tế[1] nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè thế giới đối với cuộc kháng chiến của ta đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới chống chiến tranh bảo vệ hòa bình. Các hội hữu nghị với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa được thành lập; ta cũng chủ trương đoàn kết với phong trào nhân dân Pháp đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, hoà bình và chống chiến tranh Đông Dương.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, coi đoàn kết quốc tế trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế chân chính là một vấn đề nguyên tắc có quan hệ tới sự sống còn của cách mạng và sự thành bại của công cuộc cứu nước. Thêm nhiều hội hữu nghị, ủy ban đoàn kết với nhân dân các nước ra đời như Hội hữu nghị Việt-Pháp, Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân tiến bộ Mỹ, Ủy ban đoàn kết Châu Á, Ủy ban đoàn kết nhân dân Á-Phi. Ở mặt trận đối ngoại nhân dân, Mặt trận và các tổ chức thành viên trong đó có Hội LHPN[2] đã cử hàng trăm đoàn đi quốc tế, đến cả thủ đô nhiều nước đồng minh và sân sau của Mỹ, đồng thời đón nhiều đoàn khách quốc tế vào Việt Nam, qua đó vận động sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với Việt Nam. Hoạt động đối ngoại nhân dân đã góp phần mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Chính phủ Cách mạng lâm thời và nhiều quốc gia trên thế giới.

Thực hiện chủ trương đối ngoại chủ động, rộng mở của Đảng, hoạt động đối ngoại của Hội LHPNVN cũng ngày càng phát triển. Hiện nay Hội có quan hệ với các tổ chức của nhiều nước trên thế giới, từ các tổ chức xã hội nhân đạo, tổ chức chính trị, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ quan tài chính tiền tệ, tổ chức khoa học kỹ thuật đến các tổ chức chính phủ, phi chính phủ quốc tế và các cơ quan thuộc hệ thống Liên hợp Quốc.

Thông qua hoạt động đối ngoại, Hội tranh thủ được sự ủng hộ về chính trị, sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, chất xám cho sự nghiệp đổi mới của đất nước và sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời Hội cũng lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa vì hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển của phụ nữ và nhân dân thế giới. Trong phạm vi khả năng của mình, Hội có các hoạt động hỗ trợ bạn bè truyền thống như giúp đào tạo cho phụ nữ Lào và Campuchia, vận động các khoản viện trợ nhỏ cho Lào, Campuchia, Cuba, Triều Tiên, tham gia ủng hộ nhân dân các nước bị thiên tai ở các nước như động đất ở Trung Quốc, Ấn Độ và Haiti, động đất và sóng thần ở In-đô-nê-xi-a và Nhật Bản, lũ lụt ở Thái Lan. Kinh nghiệm của Hội trong một số lĩnh vực được bạn bè quốc tế đánh giá cao và mong muốn học tập.

Một số bài học kinh nghiệm rút ra:

- Đoàn kết và hợp tác quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển của Việt Nam, dù trong các giai đoạn lịch sử trước kia hay trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

- Ngoại giao nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân các nước. Cần phải phát huy sức mạnh của ngoại giao nhân dân để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, vận động các nguồn lực cần thiết cho quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

- Đồng thời, chúng ta cũng cần đóng góp tích cực và phù hợp vào cuộc đấu tranh chung của phụ nữ và nhân dân tiến bộ thế giới vì độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, vì bình đẳng, phát triển, hòa bình.

Vậy phụ nữ chúng ta có thể làm gì để ghi nhận và phát huy sự ủng hộ, giúp đỡ của phụ nữ và nhân dân thế giới?

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ trong nước về sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, về sự hội nhập quốc tế của phong trào phụ nữ Việt Nam. Tuyên truyền với bạn bè quốc tế về thành tựu đổi mới của đất nước và sự phát triển của phụ nữ Việt Nam; có các hình thức tri ân, ghi nhận, khen tặng đối với những bạn bè quốc tế tích cực ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam.

- Tăng cường tình hữu nghị, hợp tác với phụ nữ và nhân dân thế giới qua trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm

- Đoàn kết, ủng hộ về vật chất và tinh thần đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân và phụ nữ các nước; tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên thế giới.

- Tích cực hưởng ứng các chiến dịch, cuộc vận động quốc tế nhằm thể hiện ý chí, nguyện vọng chung của phụ nữ trên thế giới vì bình đẳng, phát triển và hòa bình.

- Trân trọng sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án quốc tế - có kinh phí hầu hết từ sự đóng góp của nhân dân các nước, tích cực tham gia, đảm bảo hiệu quả triển khai các chương trình, dự án đó.

1. Lịch sử Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam [2013]

2. Sổ tay công tác đối ngoại Hội LHPNVN [2004]

4. Báo cáo đối ngoại hàng năm của Hội.

5. Báo cáo về tình hình hợp tác với các TCPCPNN tại Việt Nam giai đoạn 2003-2013.

[1] Chị Hồ Thị Minh từ Miền Nam đi dự Hội nghị Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế năm 1951; chị Chân Phương đi dự Hội nghị Phụ nữ Châu Á năm 1952
[2] Hội Phụ nữ chúng ta tiếp tục cử nhiều đoàn tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế đặc biệt là các hoạt động của Liên đoàn PNDCQT và đón một số đoàn phụ nữ trong đó có đại biểu phụ nữ Mỹ như bà Da-man Uyn-xơ, chủ tịch Hội Phụ nữ Đấu tranh cho Hòa bình, bà Co-ra Uays, E-then Tay-lo, Ma-do-lin Đăc-cơn, nữ nghệ sĩ điện ảnh Gien Phôn-đa những người cốt cán trong phong trào phản chiến ở Mỹ vào thăm Việt Nam; tích cực ủng hộ phụ nữ các nước đang đấu tranh giành độc lập ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh, đòi đế quốc Mỹ phải đình chỉ can thiệp và chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Lào.

Video liên quan

Chủ Đề