Vẻ đẹp nữ tính là gì

VẺ ĐẸP NỮ TÍNH TRONG BÀI THƠ SÓNG CỦA XUÂN QUỲNH

Đọc bài Lưu

Trong đời sống văn học, có một số nhà văn nhà thơ nữ rất được độc giả nữ mến mộ, thậm chí đến mức cuồng nhiệt, nhưng lại không được lòng nam giới. Tôi nghĩ một phần có lẽ do tiếng nói đấu tranh cho nữ quyền trong văn thơ của họ mạnh mẽ quá chăng? Mạnh mẽ đến mức khiến nam giới phải chợn, phải e ngại, thậm chí hậm hực! Nhưng với Xuân Quỳnh, tiếng thơ của chị có một sức hấp dẫn đắm say đối với cả độc giả nam lẫn nữ. Tôi cho rằng, đó là vì vẻ đẹp nữ tính thật đậm đà trong thơ của chị. Bài thơ Sóng là một ví dụ.

Mỗi lần nhìn tấm ảnh Xuân Quỳnh với gương mặt phúc hậu, với ánh mắt đằm thắm và nụ cười tươi tắn, tôi luôn hình dung đến trái tim đàn bà ấm áp của chị. Xuân Quỳnh đã đến với thơ ca bằng con người thành thực nhất của mình. Chị sống trong đời như thế nào thì cất tiếng trong thơ như thế ấy. Một Xuân Quỳnh khát khao tình cảm từ những ngày thơ bé, khi chị sống xa cha và mất mẹ, nên có một Xuân Quỳnh trong thơ luôn tha thiết yêu thương. Một Xuân Quỳnh từng đi qua đổ vỡ, mất mát nên có một Xuân Quỳnh trong thơ luôn ao ước sự trọn vẹn, vững bền. Một Xuân Quỳnh tận tụy và bao dung trong tình yêu nên có một Xuân Quỳnh trong thơ luôn nồng nàn với nguyện ước dâng hiến. Xuân Quỳnh ở ngoài đời hay Xuân Quỳnh ở trong thơ, bao giờ cũng là một trái tim đàn bà dịu dàng mà say đắm. Người đàn bà ấy, mãnh liệt vì yêu mà cũng khiêm nhường vì yêu. Sóng chính là lời tỏ bày vừa mãnh liệt vừa khiêm nhường ấy.

Bài thơ lựa chọn một ẩn dụ quen thuộc cho tình yêu: sóng. Đó là một ẩn dụ có màu sắc trẻ trung, sôi nổi, mãnh liệt. Bởi thế mà khi viết Biển, Xuân Diệu đã mượn sóng để thể hiện sự cuồng nhiệt và khao khát: Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ thật êm/ Đã hôn rồi hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt. Nhưng với Xuân Quỳnh, sóng là: Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ. Có dữ dội, có ồn ào như ai cũng biết, ai cũng thấy, nhưng Xuân Quỳnh còn nhìn thấy một vẻ khác của sóng, đó là dịu êm và lặng lẽ. Bên cạnh cái mãnh liệt nồng nàn, là cái dịu dàng và sâu lắng, làm nên vẻ đẹp nữ tính của hình tượng sóng. Và như thế, sóng nhất định phải là ẩn dụ cho trái tim tình yêu của người phụ nữ.

Phụ nữ bao giờ cũng thế, đến với tình yêu là mang theo ước mong hiểu và được hiểu. Được thấu hiểu, với người phụ nữ, là hạnh phúc, và chỉ cần như thế, họ sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn trái tim và cuộc đời mình, không toan tính thiệt hơn. Xuân Quỳnh đã thành thực giãi bày khát vọng ấy của mình: Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể. Hành trình từ sông ra bể ấy, theo tôi, chính là tiếng lòng thành thực nhất của người phụ nữ: dám khát khao, dám kiếm tìm, dám quyết liệt, dám theo đuổi đến cùng, chỉ để mong cầu một chữ: hiểu. Phải là biển cả mênh mông, khoáng đạt, ẩn dụ cho một tình yêu lớn, tình yêu đích thực, mới xứng đáng với hành trình mạnh mẽ ấy. Chỉ ở trong một tình yêu lớn lao, đích thực, trái tim người phụ nữ mới được hiểu, được trọn vẹn hiến dâng. Chẳng phải nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng đã từng trăn trở và ao ước điều đó hay sao: Trời ơi/ Làm sao có một cuộc đời/ Để tôi ném cuộc đời mình vào đó/ mà không hề cân nhắc đắn đo/ Rằng cuộc đời ấy vẫn còn chưa đủ. Và tôi nghĩ, trong cuộc đời Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ chính là tình yêu lớn đó, nơi chị hiểu và được hiểu, nơi chị có thể tận tụy và bao dung, có thể hết lòng hy sinh bằng một trái tim chân thành và tha thiết nhất. Nơi tình yêu ấy, chị có thể, bằng bàn tay vốn in hằn tất cả những cay đắng vất vả của đời người, thật dịu dàng chăm chút cho tình yêu: Trong tay anh tay của em đây/ Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ/ Trời mưa lạnh tay em khép cửa/ Tay phơi mền, vá áo cho anh/ Tay cắm hoa, tay để treo tranh/ tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc. Hiểu trái tim đàn bà tha thiết với hạnh phúc đời thường của Xuân Quỳnh, mới thật hiểu cái ước ao chân thành ẩn sau cái hành trình tưởng như vô cùng quyết liệt và dứt khoát ấy: Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể.

Cũng là đi tìm khởi nguồn của tình yêu, cũng là mong muốn cắt nghĩa tình yêu, nhưng cái lắc đầu bối rối của Xuân Quỳnh, mới thật dịu dàng, mới thật nữ tính: Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau. Có lẽ bắt nguồn từ mong muốn hiểu và được hiểu mà khi yêu, người con gái thường đặt ra muôn vàn câu hỏi: Vì sao, khi nào ta yêu nhau? Nhưng câu hỏi của Xuân Quỳnh chẳng làm rối lòng người, bởi lẽ Xuân Quỳnh đã tự biết khiêm nhường: Em cũng không biết nữa. Nó không phải là một sự chất vấn, nó chỉ là nỗi băn khoăn của một trái tim mà tình yêu đang chiếm lĩnh toàn phần. Đọc câu thơ này, không hiểu sao tôi cứ liên tưởng đến câu văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi miêu tả sông Hương: dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu. Có lẽ bởi cái chất nữ tính dịu dàng, kín đáo thấm vào trong dáng điệu của người con gái, cứ làm ta thấy mềm lòng đi.

Ngay cả nỗi nhớ, vốn được coi là quy luật của tình yêu, không phải là đặc quyền của riêng giới nào, thì Xuân Quỳnh vẫn có cách biểu tỏ rất riêng, như một trạng thái chỉ thuộc về trái tim phụ nữ: Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức. Nỗi nhớ khiến trái tim cồn cào không thể ngủ, ở đó chỉ có hình ảnh anh ngự trị. Tôi nghĩ rằng, nỗi thao thức đêm trường ấy, là thuộc tính của phụ nữ. Chẳng phải ca dao, chỉ khi nói đến nỗi nhớ của người con gái, mới diễn tả nỗi thao thức ấy sao: Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt/ Mắt thương nhớ ai/ Mắt ngủ không yên.

Có lẽ không một người đàn ông nào không mềm lòng, khi nghe hai chữ phương anh tha thiết đến nhường này: Dẫu xuôi về phương bắc/ Dẫu ngược về phương nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương. Cuộc đời đầy biến động, không gian thật mênh mông, kiếp người là hữu hạn, đó là ý thức thường trực trong thơ Xuân Quỳnh. Nhưng với chị, có một thứ bền bỉ vượt lên tất cả, là tình yêu - một tình yêu chung thủy, như nhất, trọn vẹn và trường cửu. Tình yêu ấy đủ sức xác lập một phương mới trong lòng người phụ nữ: phương anh. Hai chữ phương anh ấy, đủ để làm bất kì người đàn ông nào cũng cảm thấy tự hào và hạnh phúc, khi thấy mình được vinh danh, được độc tôn trong lòng người phụ nữ. Và người phụ nữ, cũng đẹp lên trong chính sự khiêm nhường ấy, bởi khiêm nhường trong tình yêu cũng là một cách để tôn vinh chính tình yêu của họ.

Tình yêu cần sự mãnh liệt đắm say, nhưng cái dịu dàng sâu lắng thì mới làm nên sức hấp dẫn muôn đời của phái nữ. Cho nên, dẫu sóng là một hình tượng không xa lạ trong thơ ca viết về tình yêu, nhưng con sóng dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ thì mãi mãi thuộc về riêng Xuân Quỳnh, thuộc về trái tim nữ thi sĩ của hạnh phúc đời thường.

[ Những ngày cuối năm 2020]

NGUYỄN THỊ MINH TÂM

Tổng số điểm của bài viết là: 58 trong 14 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Video liên quan

Chủ Đề