Ví dụ về chính sách văn hóa


Cung cấp những thông tin và bằng chứng để làm luận cứ khoa học cho việc hoạc định chính sách xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của xã hội học. Với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như chính trị hay văn hóa,... cách nhìn xã hội học sẽ đưa đến một cách nhìn mới, khá toàn diện về một vấn đề, theo nghĩa, mỗi một lĩnh vực là một thành tố trong tổng thể xã hội nhất định, và nó phải được xem xét với tư cách là một hệ thống. Theo cách nhìn đó, xã hội học khi nghiên cứu các chính sách xã hội [trong đó có chính sách văn hóa] là nhằm tới việc giải quyết những vấn đề cấp bách theo một cách khác hơn so với các quan điểm thuần văn hóa hay chính trị.

1. Chính sách văn hóa.

Ở Việt Nam, "Chính sách văn hóa" là một thuật ngữ mới, chính vì thế chưa được hiểu thống nhất trên qui mô quốc gia. Tình trạng: mỗi ngành, mỗi cấp hiểu, quan niệm "chính sách" theo một kiểu vẫn đang còn tiếp diễn ở Việt Nam.

Lâu nay, chúng ta vẫn quen dùng cụm từ "đường lối của Đảng", "chủ trương của Đảng", v.v. [ví dụ: đường lối quân sự, đường lối văn hóa,...]. Điều đó có nghĩa là: các cơ quan quản lý Nhà nước [các Bộ] trực tiếp hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng mà thường là không thông qua việc thể chế hóa các đường lối ấy trên phương diện Nhà nước.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhận thấy tính không đồng bộ và thiếu hoàn thiện của cơ chế trên và đã có những thay đổi có tính chất triệt để trong quá trình xây dựng một chính sách văn hóa ở thời kỳ mới.

Trước hết, về mặt nhận thức, chúng ta tán thành cách quan niệm về chính sách văn hóa của UNESCO "chính sách văn hóa là một tổng thể các nguyên tắc hoạt động quyết định các cách thực hành, các phương pháp quản lý hành chính và phương pháp ngân sách của Nhà nước dùng làm cơ sở cho các hoạt động văn hóa".

Chúng ta hiểu rằng: cấu trúc của chính sách văn hóa không phải chỉ là một văn bản có tính chất chủ trương, đường lối [của Đảng, Nhà nước], hay không phải chỉ là những biện pháp bất thành hệ thống mà phải là một tổng thể bao gồm:

- Mục tiêu [mục đích]: thường được thể hiện ở chủ trương, đường lối hay những quyết nghị tương tự ở cấp lãnh đạo Nhà nước cao nhất [ở văn hóa là Quốc hội, sau đó là Chính phủ].

- Hệ thống thể chế tương ứng [Các biện pháp tài chính cũng như pháp luật để hệ thống thể chế trên có thể vận hành được].

- Các cơ cấu và tổ chức xã hội tương ứng, trong đó con người buộc phải tuân thủ các thể chế xã hội và thống nhất hành động để đạt được mục tiêu xã hội.

Tiếp đó, cách nhìn xã hội học có thể đem lại một cách lý giải mới, nói cách khác chính sách văn hóa có những phương diện xã hội học của nó. Nếu nhà nghiên cứu hay nhà quản lý lưu ý đến những phương diện này, thì việc xây dựng chính sách cũng như đưa chính sách ấy vào vận hành trong đời sống xã hội sẽ tránh được những trục trặc căn bản. Sau đây, chúng tôi xin nêu một vài khía cạnh xã hội học quan trọng của chính sách văn hóa:

2. Những phương diện xã hội học của chính sách văn hóa.

2.1. Xã hội nào cũng vậy, nó tồn tại và phát triển là do nhu cầu và sự thỏa mãn nhu cầu của xã hội ấy. Sự khác nhau giữa các xã hội, theo quan niệm Mác xít chính là phương thức thỏa mãn các nhu cầu xã hội căn bản.

Tuy nhiên, việc thỏa mãn các nhu cầu xã hội theo quan niệm của xã hội học là thể hiện mối quan hệ tương tác giữa giai cấp thống trị [giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất đang chiếm ưu thế] và giai cấp bị trị. Ở đây có mối quan hệ hai chiều là:

- Giai cấp thống trị [đại diện cho xã hội toàn bộ] phải nắm bắt nhu cầu xã hội và định hướng cũng như thoả mãn các nhu cầu xã hội ấy phù hợp với mục tiêu xã hội, cũng tức là mục tiêu của giai cấp thống trị.

- Giai cấp bị trị đòi hỏi giai cấp thống trị phải thoả mãn nhu cầu của mình nhưng điều đó không có nghĩa là sự đòi hỏi vô điều kiện. Nói cách khác, những nhu cầu của họ phải được giới hạn trong khuôn khổ của một xã hội nhất định [cụ thể hơn là trong khuôn khổ của một nền sản xuất nhất định].

Vì thế, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà trong tất cả các lĩnh vực khác, sự thống nhất giữa hai mặt trên sẽ bảo đảm cho một xã hội vận hành một cách ổn định.

Ta có thể lấy một ví dụ trong lĩnh vực văn hóa:

Trong rất nhiều năm, chúng ta không có những chính sách văn hóa nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, do đó, ngày nay những tổn thất về các di sản văn hóa dân tộc khá nặng nề. Phân tích hiện tượng này ta có thể thấy:

- Giai cấp thống trị [ở ta là Đảng và Nhà nước] đã không căn cứ vào nhu cầu của nhân dân [nhu cầu hội hè đình đám, nhu cầu về lễ tết,...], lại cho rằng những sinh hoạt văn hóa cổ truyền trên mang màu sắc phong kiến, mê tín hủ tục, không phù hợp với mục tiêu của xã hội xã hội chủ nghĩa,... Vì thế, có những chính sách mang tính cấm đoán đối với các hoạt động văn hóa cổ truyền trên.

- Nhân dân có nhu cầu thực hành văn hóa cổ truyền [lễ hội, thờ cúng, các phong tục khác] nhưng không dám bộc lộ hoặc có khi bị những nhu cầu chính trị và kinh tế lấn át; mặt khác cũng có những bộ phận lại có những thực hành văn hóa cổ truyền ở những phương diện mà đang bị "cấm kỵ" trong xã hội [Ví dụ đồng cốt].

Như thế, giữa giai cấp thống trị và nhân dân chưa có một sự thống nhất chung. Mối quan hệ ở đây thực chất là mối quan hệ một chiều: từ trên xuống [điều này có thể phát huy tác dụng trong những thời điểm lịch sử nhất định trong lĩnh vực kinh tế hay chính trị, nhưng trong lĩnh vực văn hóa, lại là một điều tối kỵ].

2.2. Về mặt phương pháp, xã hội học là khoa học thực nghiệm, nó xuất phát từ thực tiễn, tổng hợp khái quát hóa từ thực tiễn, sau đó, được tiêu chuẩn hóa và thể chế hóa bởi giai cấp thống trị. Phương pháp này của xã hội học giúp cho việc hoạch định các chính sách xã hội tránh khỏi tình trạng duy ý chí, chủ quan.

Vấn đề này, Marx nói rất hay rằng: cũng giống như nhà sinh vật học, phải căn cứ vào những thực nghiệm để rút ra những kết luận khoa học, nhà làm luật phải căn cứ vào thực tiễn của xã hội để định ra luật.

Trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta có thể lấy vấn đề lễ cưới để làm ví dụ:

Do những biến thiên của lịch sử [chiến tranh, kinh tế thị trường, giao lưu quốc tế] mà xã hội ta hiện nay tồn tại nhiều mô hình của lễ cưới. Vì sự thống nhất văn hóa, chúng ta đã có những nghị định nhằm hướng dẫn nhân dân tổ chức lễ cưới theo một vài kiểu nhất định. Tuy nhiên, các văn bản có tính chất pháp quy này không có hiệu lực trong đời sống bởi chúng không dựa vào những kết quả nghiên cứu khoa học: không có khái quát hóa từ thực tiễn, cũng không có việc tiêu chuẩn hóa các khuôn mẫu lễ cưới. Giá như có một sự nghiên cứu xã hội học thực nghiệm về vấn đề này, trong đó tổng kết được bao nhiêu % mong muốn tổ chức lễ cưới theo mô hình A, bao nhiêu % mong muốn tổ chức lễ cưới theo mô hình B hoặc C thì những người làm chính sách văn hóa chắc chắn sẽ đưa ra được một vài mô hình vừa thỏa mãn được mong đợi của các tầng lớp nhân dân, vừa thỏa mãn được những yêu cầu chính trị, kinh tế và xã hội của xã hội toàn bộ.

2.3. Cũng về mặt phương pháp, xã hội học là khoa học nghiên cứu xã hội trong lòng nhóm, nói cách khác, một trong những đặc trưng của các phân tích xã hội học là đặt các hiện tượng xã hội vào phân tầng xã hội. Trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là trong các chính sách đối với người tiêu thụ văn hóa - nghệ thuật, quan điểm này cần được vận dụng một cách khoa học: không nên lấy tiêu chí thưởng thức văn hóa nghệ thuật của một giai cấp tầng lớp nào đó làm tiêu chuẩn cho những tầng lớp và những nhóm xã hội khác. Vấn đề này có thể dẫn tư tưởng của B. Brech về vấn đề thị hiếu nghệ thuật như sau: Ngay cả khi bạn nói đến những thú vui thấp kém lẫn thú vui cao đẳng thì nghệ thuật đối với bạn vẫn lạnh tanh. Nghệ thuật mong muốn vận động ở cả những vùng cao thượng lẫn những vùng thấp kém và nếu như khi như thế nó có thể làm cho con người vui thú thì hãy để yên cho nó làm. [dẫn theo 90, tr. 25]

Điều này hoàn toàn đúng với thực tiễn văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam: Đã có một thời kỳ chúng ta lấy những tiêu chuẩn chính trị làm tiêu chuẩn cho mọi thị hiếu văn hóa nghệ thuật, lại có thời kỳ chúng ta lấy tiêu chuẩn của một tầng lớp cao đẳng nào đó làm tiêu chuẩn cho thị hiếu lành mạnh Nói cách khác, những thị hiếu khác với thị hiếu chính thống ấy đều bị coi là thấp kém, không lành mạnh, thậm chí đồi trụy. Chính sự áp đặt về thị hiếu ấy không tạo nên được một thị trường văn hóa - nghệ thuật, tức là việc thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu văn hóa không căn cứ vào quy luật cung cầu, như thế nó vừa kìm hãm nhu cầu đa dạng vừa kìm hãm sức sáng tạo của cá thể.

Trong những năm gần đây, sự mạch lạc trong kinh tế thị trường dường như đã có ảnh hưởng tốt đến thái độ của các nhà quản lý văn hóa trong vấn đề đáp ứng nhu cầu và thị hiếu văn hóa - nghệ thuật : Người ta không còn thắc mắc và chê bai những phim hàng chợ, nhạc rẻ tiền, báo lá cải, sách chữ to nữa. Thực tiễn cũng đã chứng minh được bên cạnh những thứ trước kia bị coi là thấp kém, những tác phẩm có giá trị vẫn được sáng tạo và được tiếp nhận một cách trân trọng. Điều quan trọng hơn là không những sự đa dạng về thị hiếu không làm rối loạn xã hội mà ngược lại sự thỏa mãn ấy lại củng cố thêm cho những ổn định xã hội.

2.4. Xã hội học và xã hội học văn hóa xem xét văn hóa không chỉ là sản phẩm của quá trình sáng tạo của con người, mà luôn xem xét văn hóa với tư cách là một quá trình. Những nhà xã hội học Mácxít đã mượn mô hình tái sản xuất mà Mác dùng trong lĩnh vực kinh tế để diễn tả quá trình văn hóa ấy là sự thống nhất của các khâu : sáng tạo - phân phối - tiêu dùng - tái sáng tạo những sản phẩm văn hóa.

Ý nghĩa phương pháp luận của quan điểm này đối với việc hoạch định chính sách văn hóa là ở chỗ: Để thúc đẩy sự phát triển văn hóa - nghệ thuật, người ta phải có những chính sách, biện pháp đồng bộ chứ không phải là những biện pháp phiến diện chú trọng vào một khâu nào đó của quá trình.

Chúng tôi xin dẫn một ví dụ, trong chương trình tổng thể của quốc gia về văn hóa có một chương trình nhánh là Chấn hưng điện ảnh Việt Nam. Mục đích của chương trình là: Nhà nước cung cấp thêm vốn để thúc đẩy khâu sáng tạo điện ảnh - khâu mà Bộ Văn hóa thông tin cho là then chốt nhất, nếu làm tốt khâu này [tức là nếu có nhiều kịch bản điện ảnh hay, nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại] thì có thể có những tác phẩm điện ảnh có tầm cỡ, và tình trạng bế tắc của điện ảnh Việt Nam có thể được giải quyết. Đúng là, sản xuất là khâu có tính quyết định nhưng nếu chỉ chú trọng vào đó mà không tính đến những mất cân đối, những thiếu hụt ở những khâu khác thì - theo chúng tôi - sẽ không mang lại lợi ích gì. Rõ ràng là, không có sản xuất thì không có tiêu thụ, nhưng không có tiêu thụ thì sản xuất cũng trở thành không có mục đích. Các nhân tố trung gian cũng không kém phần quan trọng: Có một nền điện ảnh hay không nếu không có công chúng hoặc không có những thiết chế điện ảnh hiệu quả? [1]

Thực tiễn phim ảnh ở Việt Nam trong những năm vừa qua cũng đã chứng minh nguyên lý này: Khán giả Việt vẫn chưa trở lại rạp mặc dù ở đó đã có chiếu những phim hay nhất của Hollywood hoặc của Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, do nắm vững nguyên lý trên, các nhà quản lý xã hội đã có những chính sách toàn diện lên các khâu trên nên không những khán giả Trung Quốc ngày nay đã đến xem phim ở rạp mà các phim nội địa đã trở thành những hàng hóa cao cấp, có thể xuất khẩu.

3. Kết luận

Trên đây chỉ là những phương diện xã hội học chính của chính sách văn hóa. Đi sâu vào việc nghiên cứu chính sách văn hóa, xã hội học còn một loạt các vấn đề khác nữa [ví dụ: thiết chế văn hóa, cơ cấu - tổ chức xã hội nhằm thực hiện những định chế về văn hóa, cácvăn bản pháp qui, chế độ thưởng phạt,...] mà trong khuôn khổ của bài này chúng tôi chưa thể trình bày hết.

Dù sao, nhãn quan xã hội học chắc chắn sẽ giúp ích cho việc quản lý xã hội nói chung và quản lý văn hóa nói riêng.

Bùi Quang Thắng-

Tạp chí văn hóa nghệ thuật

[1]. Đó chỉ là những biện pháp bất thành hệ thống, lẽ ra phải là một tổng thể bao gồm:

- Mục tiêu [mục đích]: thường được thể hiện ở chủ trương, đường lối hay những quyết nghị tương tự ở cấp lãnh đạo Nhà nước cao nhất [ở ta là Quốc hội, sau đó là Chính phủ].

- Hệ thống thể chế tương ứng [Các biện pháp tài chính cũng như pháp luật để hệ thống thể chế trên có thể vận hành được.]

- Các cơ cấu và tổ chức xã hội tương ứng, trong đó con người buộc phải tuân thủ các thể chế xã hội và thống nhất hành động để đạt được mục tiêu xã hội.

Qua một thời gian tập trung vào việc xây dựng chính sách văn hóa ở Việt Nam, chúng ta nhận thấy rằng: thiết lập một chính sách văn hóa quốc gia là một vấn đề cực kỳ khó khăn, phức tạp. Khó khăn lớn nhất ở đây lại không phải là vấn đề chính trị hay tài chính mà: làm thế nào để có một hệ thống thể chế tương ứng?


Chủ Đề