Bãi tư chính nằm ở đâu

Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam.

Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 [Haiyang Dizhi 8] của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam


Theo các quy định của Luật biển quốc tế về vùng đặc quyền kinh tế, hoạt động thăm dò địa chất của tàu Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm gần như tất cả các điều khoản trong Công ước Luật biển quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. 


Hoạt động này nếu nhằm mục đích thăm dò trữ lượng dầu khí ở đáy vùng đặc quyền kinh tế, cũng là vùng thềm lục địa của Việt Nam, đã xâm phạm vào quyền chủ quyền của Việt Nam tại đây. 


Nếu hoạt động thăm dò địa chất nhằm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, thì dù dưới mục đích hoà bình hay không, cũng đã xâm hại đến quyền tài phán của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của mình. 


Ngoài ra, nó còn làm ảnh hưởng đến hoà bình và ổn định trong khu vực biển này; ảnh hưởng đến các quyền tự do đi lại và khai thác thác kinh tế của Việt Nam cũng như các quốc gia khác [dưới sự cho phép của Việt Nam] tại đây. 


Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào chồng lấn với Bãi Tư Chính của Việt Nam


Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam, và là thềm lục địa phía nam của Việt Nam.


Đây là vùng biển được hoạch định theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc.


Vùng biển này không tranh chấp với nước nào, và lại càng không tranh chấp với Trung Quốc.


Việc Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò liếm qua 60% vùng biển Việt Nam, biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam thành vùng tranh chấp là hoàn toàn phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận.


Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, một văn bản pháp lý quốc tế hướng dẫn, giải thích Công ước 1982, đã bác bỏ thẳng thừng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc.


Mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận Phán quyết, nhưng văn bản pháp lý này vẫn nguyên giá trị của nó. Và Phán quyết khẳng định rằng, đường lưỡi bò là không có cơ sở pháp lý, nói nôm na là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong đường lưỡi bò. Do đó, Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào tranh chấp với Việt Nam tại khu vực DK1, trong đó có Bãi Tư Chính.


Tòa Trọng tài quốc tế kết luận rằng, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong ‘đường chín đoạn’.

Điểu gì ẩn sau những cẳng thẳng trên biển Đông?

Hoạt động trái phép của các tàu Trung Quốc ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam trước hết là nhằm ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực giàu tiềm năng dầu khí này.


Việc Trung Quốc đe dọa, ngăn cản Việt Nam và các đối tác nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực này là hành động vô lý và ngang ngược.

Hành động này nằm trong chiến lược của Trung Quốc áp đặt đường lưỡi bò bất hợp pháp tại Biển Đông để ngăn cản tất cả các đối tác quốc tế nào muốn hợp tác dầu khí với Việt Nam. 

Các bước đi này nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông, kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong Đường lưỡi bò, chiếm 80% diện tích Biển Đông.


Việt Nam kiên trì, kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế

Ngày 19/7, Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Đây là lần thứ 2 Việt Nam lên tiếng về vấn đề này. Trước đó, ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 và pháp luật Việt Nam.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.


Trên thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình.


Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.


Phát huy tinh thần dũng cảm, khôn khéo và sáng tạo, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam nhất định sẽ bảo vệ thành công chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trên vùng biển phía nam của Tổ quốc.


Nhân dân Việt Nam, dư luận các nước trong khu vực và thế giới phản đối các hành động trái phép của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, ủng hộ các lực lượng chấp pháp Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của mình, góp phần bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới./.

Theo VOV.VN

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, phân tích về cấu trúc địa chất và địa lý của Biển Đông nói chung và bãi Tư Chính nói riêng.

Kho báu của Biển Đông

Theo đó, Biển Đông có hai yếu tố, quan trọng nhất là thềm lục địa. Về góc độ này, Việt Nam là quốc gia có thềm lục địa tự nhiên nhiều nhất.

Tọa đàm với chủ đề “Quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông theo luật pháp quốc tế”

Ngoài thềm lục địa thì có cấu trúc nước sâu. Đây là một đặc trưng, được hình thành từ 240 triệu năm về trước khi tách giãn hình thành nên Biển Đông. Trong tổng số 7 quần đảo lớn liên quan đến san hô ở khu vực Biển Đông thì có 5 quần đảo nằm trong cấu trúc nước sâu.

Tất cả các quần đảo này 100% là ốc đảo san hô và được hình thành, kế thừa trên nền núi lửa cổ của vỏ đại dương cách đây 240 triệu năm. 5 quần đảo trong cấu trúc nước sâu nói trên có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với 100% là san hô.

“Với Biển Đông, có san hô thì có cá, có cá thì có nghề cá, có nghề cá thì có ngư dân. Cho nên 5 quần đảo này quyết định rất lớn đến nghề cá của tất cả các nước trong vùng biển. Đấy là một đặc trưng rất đặc biệt. 5 quần đảo có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, trong đó người ta coi nếu ai kiểm soát được Hoàng Sa, Trường Sa thì sẽ kiểm soát được toàn bộ Biển Đông”, ông nhấn mạnh.

Còn trên bề mặt, 90% hệ thống dòng chảy trong Biển Đông là dòng chảy theo mùa. Mùa hè thì phân kỳ, mùa đông thì hội tụ. Và chính đặc điểm phân kỳ, hội tụ này cho thấy, bất kỳ tác động gì xảy ra ở vị trí nào của Biển Đông, nhất là khu vực giữa vùng biển thuộc vùng nước sâu đều ảnh hưởng đến phần còn lại của Biển Đông.

Chính cấu trúc nước sâu giúp cho Biển Đông ngoài việc rất giàu tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa, thì còn là nơi thu hút và sở hữu tất cả tài nguyên khác kể cả sinh vật, phi sinh vật. Có thể ví rằng, cấu trúc nước sâu là một kho báu của Biển Đông.

“Người ta vẽ một đường lưỡi bò phi pháp ôm trọn lấy toàn bộ kho báu ở dưới đáy Biển Đông ở chính khu vực giàu có nhất và đúng trục của cấu trúc nước sâu. Đó là trục Đông Bắc - Tây Nam và khi về đến ngang chỗ Đà Nẵng thì chảy song song với bờ biển nam”, PGS giải thích.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Vị trí bãi Tư Chính

“Bãi Tư Chính cùng các bãi ngầm và đá ngầm ở khu vực này là một phần không thể tách rời của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam, ngăn cách với quần đảo Trường Sa của Việt Nam bằng một rãnh sâu nên theo Công ước UNCLOS 1982, và hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa”, PGS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh. 

Theo ông, về mặt địa chất thì vùng Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam và không phải là một bộ phận của quần đảo Trường Sa. Bãi Tư Chính của Việt Nam được các luật sư công pháp quốc tế khẳng định hoàn toàn không nằm trong khu vực chồng lấn chủ quyền. Cho nên, bãi Tư Chính chưa hề và chưa bao giờ là khu vực tranh chấp chủ quyền. 

Bãi Tư Chính ở trên thềm lục địa Việt Nam, đã được Việt Nam sử dụng và khai thác đặc quyền kinh tế một cách ổn định và từ lâu, chứ không phải bây giờ mới có, mới xuất hiện tuyên bố chủ quyền, càng không phải khu vực đang có tranh chấp trên biển. GS Hồi dẫn giải, bản đồ của hoàng gia Anh vào năm 2001 sử dụng kỹ thuật chụp nổi bằng tia hồng ngoại đáy Biển Đông cho thấy rất rõ những đặc trưng cấu trúc khu vực bãi Tư Chính.

PGS Chu Hồi nhấn mạnh, từ trước đến nay, 5 quần đảo của cấu trúc nước sâu Biển Đông luôn được các tài liệu chính thống của Ủy ban Thủy đạo quốc tế LHQ và các tài liệu địa lý quốc tế công bố về mặt địa lý. Chưa bao giờ và cũng chưa có một học giả nào quan niệm rằng Trường Sa bao gồm cả cụm Tư Chính.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế đã làm nên sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông 

Cấu trúc lợi ích của Biển Đông

Theo ông Chu Hồi, bởi những đặc trưng của Biển Đông nêu trên nên từ lâu Biển Đông trở thành mối quan tâm của các nước, trong đó có các nước lớn. Và cũng trở thành nơi có lợi ích đan xen trên nhiều phương diện.

Chính vì lợi ích đa phương này mà Biển Đông khá phức tạp về mặt tranh chấp, liên quan tới các vấn đề tự do hàng không, hàng hải, vấn đề chủ quyền và yêu sách chủ quyền đơn phương…

“Nếu bất kỳ một yêu sách nào mà không dựa trên quy định của Công ước LHQ về Luật Biển [UNCLOS] 1982 thì đều có thể dễ dàng hướng đến việc không thừa nhận trong Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển [tức vùng 200 hải lý] và không thừa nhận tồn tại vùng ngoài 200 hải lý [nếu vẽ nghiêm túc theo đúng UNCLOS]. Khái niệm này được quốc tế gọi là vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia và theo luật biển Việt Nam năm 2012 thì gọi là vùng biển quốc tế”, ông phân tích.

Khi không công nhận như vậy thì đương nhiên sẽ chạm vào lợi ích của nhiều nước. Và bị cộng đồng quốc tế phản ứng, nhất là những nước trong khu vực Biển Đông và các quốc gia liên quan đến hoạt động thương mại trên Biển Đông.

Hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam của tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống Trung Quốc khiến quốc tế phản đối mạnh mẽ với nhiều hình thức, kể cả thông qua nghị viện hay bộ máy quản lý hành chính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

“Chúng ta thấy cả phản ứng thông qua các diễn đàn quốc tế của LHQ hay ASEAN và cộng đồng châu Âu… Rồi phản ứng từ các học giả khác nhau, tức là bằng đủ mặt trận. Tôi thấy rằng, lần này phản ứng quốc tế nhiều hơn và tập trung hơn. Tất cả đều nêu sự quan ngại và phản đối những hành động phi lý và vi phạm, không tôn trọng UNCLOS trong quá trình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và những sự việc cụ thể đang diễn ra”, PGS Chu Hồi nhận định.

Theo ông, cộng đồng quốc tế rất ủng hộ tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam và thái độ của Việt Nam trong nỗ lực kiên trì theo đuổi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Ngày 14/10, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông theo luật pháp quốc tế”. Tại tọa đàm, các khách mời đã tập trung phân tích, trao đổi, làm rõ các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông; làm rõ nội dung cơ bản của UNCLOS; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…

Tham dự tọa đàm có các khách mời: TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. 

Thái An

Những ngày này, người ta ít nghe đến các hoạt động xây dựng quy mô rầm rộ của Trung Quốc ở Biển Đông - điều mà cách đây không lâu khiến các nước láng giềng và Mỹ lo ngại cũng như lên án.

Video liên quan

Chủ Đề