Bất đồng quan điểm là gì

Trên thực tế, đa số chúng ta dành nhiều thời gian cho đồng nghiệp hơn cả gia đình và bạn bè. Mặt tốt của việc này chính là biến họ trở thành những người bạn hợp cạ, nhưng đôi lúc, bạn sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn và bất đồng quan điểm. Trong trường hợp này, bạn cần biết cách ứng xử khôn ngoan để vừa có thể thống nhất ý kiến, vừa không gây mất lòng đối phương.

1. Đừng ngồi lê đôi mách

Khi có bất đồng quan điểm với đồng nghiệp, đừng bao giờ mang chuyện đó ra làm chủ đề trò chuyện nơi công sở. Nếu có ai đó nghe được, họ sẽ đánh giá sự chuyên nghiệp của bạn khi mang công việc ra làm chủ đề bàn tán, nhất là khi bạn lỡ miệng nói những điều không hay về đồng nghiệp. Hơn nữa, mọi người đều phải làm việc cùng nhau, nếu bạn tỏ vẻ bất mãn với đối phương sẽ rất khó xử cho cả những người khác.

2. Trao đổi trực tiếp với đối phương

Đừng cố gắng chịu đựng những mối bất đồng, hãy hẹn gặp đồng nghiệp và trao đổi thẳng thắn. Đương nhiên, bạn vẫn có thể làm việc qua các phương tiện khác như email, nhưng nếu đã có những khúc mắc, việc giao tiếp qua câu chữ trên email dễ khiến cả hai hiểu lầm hoặc không hiểu ý của nhau và có thể dẫn đến những bất đồng lớn hơn.

3. Thử tìm ra những điểm chung giữa 2 người

Thay vì nhảy ngay vào những bất đồng khi cả hai thảo luận, hãy tạo không khí thân mật hơn bằng cách đề cập đến những vấn đề mà cả hai có cùng ý kiến. Những câu nói như Cả hai chúng ta đều mong dự án này được thực hiện mà hoặc Tôi nghĩ bạn cũng rất hào hứng với nhiệm vụ lần này đúng không? sẽ nhắc nhở cả 2 rằng, kết quả công việc mới là điều quan trọng và phải hợp tác để thực hiện điều đó.

4. Hãy luôn cởi mở và chịu khó lắng nghe

Theo chuyên gia nhân sự, giải quyết vấn đề nơi công sở không chỉ là làm thay đổi quan điểm của ai đó mà là sự thấu hiểu giữa các thành viên. Để hiểu được quan điểm của đồng nghiệp, bạn cần học cách lắng nghe một cách cởi mở. Khi đến lượt người khác phát biểu, hãy nghe và đừng cắt ngang. Tuy nhiên, khi họ đã trình bày xong, bạn đừng ngại hỏi lại những vấn đề hoặc các quan điểm chưa rõ ràng một cách khéo léo.

5. Khi đến lượt bạn nói, hãy bình tĩnh!

Đối với người thân hay bạn bè, bạn có quyền bộc lộ cảm xúc khi tranh cãi về một vấn đề nào đó. Nhưng bạn không thể làm vậy ở nơi công sở. Không chỉ khiến mọi người khó xử, bạn thậm chí sẽ bị gắn mác là kẻ khó chịu khi cùng hợp tác, ảnh hưởng xấu đến tiền đồ sau này của bạn. Chính vì vậy, bạn cần học cách giải thích quan điểm theo từng bước một.

Nếu bạn là kiểu người dễ bị xúc động, hãy ghi chú lại những điểm quan trọng mà bạn định nói, tập phát biểu ý kiến với một người bạn thân trước khi bước vào cuộc họp. Khi tranh luận, hãy luôn thật bình tĩnh và tôn trọng lẫn nhau.

6. Nên biết khi nào cần sự can thiệp từ người thứ 3

Chúng ta đều là người lớn và có đủ khả năng giải quyết các mâu thuẫn một cách khéo léo. Nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ mà bạn cần lưu ý, ví dụ, bạn đang bị quấy rối nơi công sở. Đây không còn là vấn đề về việc bất đồng quan điểm đơn giản nữa. Nếu đồng nghiệp phân biệt đối xử với bạn vì giới tính, chủng tộc hay tôn giáo dưới bất kì hình thức nào: quấy rối tình dục, đe dọa hoặc cư xử ác ý hãy trao đổi trực tiếp với bộ phận nhân sự hoặc cấp quản lý để nhờ can thiệp.

7. Học hỏi từ những bất đồng và giải pháp

Có được tiếng nói chung sau những buổi tranh luận với đồng nghiệp là một điều đáng mừng. Nhưng trong tương lai, tình trạng bất đồng quan điểm vẫn có khả năng xảy ra. Vì vậy, bạn nên nhớ nguyên nhân của việc bất đồng này là gì và cả hai đã dùng cách gì để giải quyết.

Ngoài ra, hãy lưu ý đến quá trình giải quyết bất đồng, cả hai phía đã sử dụng những từ ngữ nào giúp đạt được sự thống nhất [hoặc ngược lại, khiến tình trạng trở nên tệ hơn!]. Những điều này sẽ là bài học kinh nghiệm cho bạn để giải quyết mâu thuẫn nơi công sở trong những lần sau.

Bạn muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của mình hơn nữa? Điền thông tin để được làm kiểm tra trình độ và tư vấn miễn phí giúp nâng cao trình độ tiếng Anh hiệu quả nhất.

Video liên quan

Chủ Đề