Bức tường berlin được xây trong bao lâu

Chụp lại video,

Tường Berlin: Cả chế độ canh giữ 28 năm, sập trong một đêm

Tháng 9/1945, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai chấm dứt. Đức đầu hàng quân Đồng minh, gồm các nước Anh, Mỹ, Pháp và Liên bang Xô-Viết.

Phe Đồng minh quyết định phân chia quyền kiểm soát nước Đức. Mỗi nước chịu trách nhiệm đối với một phần lãnh thổ nước này.

Những cảm xúc và hồi ức từ Berlin

Bức tường Berlin: Cựu Tổng bí thư Đông Đức oán Gorbachev

So sánh hai nguyên soái Zhukov và Rokossovsky

Nguyên soái Dmitry Yazov 94 tuổi vẫn bị xử tù

Anh, Mỹ và Pháp nắm phần tây, còn Liên Xô giữ phần đông quốc gia bại trận.

Berlin nằm lọt trong phần do Liên Xô kiểm soát.

Là thủ đô của nước Đức, thành phố cũng được chia tư, mỗi phần trao cho một thành viên Đồng minh.

Phần do Anh, Mỹ và Pháp quản lý trở thành Tây Berlin, còn phần do Liên Xô chiếm trở thành Đông Berlin.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Là thủ đô của nước Đức bại trận, Berlin sau 9/1945 được chia thành bốn phần, chịu sự quản lý của bốn quốc gia Đồng Minh

Bốn năm sau, vào 1949, Đức trở thành hai quốc gia riêng biệt, Tây Đức [Cộng hòa Liên bang Đức] và Đông Đức [Cộng hòa Dân chủ Đức], vẫn do hai khối Anh-Pháp-Mỹ và Liên Xô kiểm soát.

Đông Đức, với những quy định quản lý chặt chẽ theo mô hình xã hội chủ nghĩa, khiến người dân cảm thấy ngột ngạt.

Tuy nhiên, kể từ đó người dân hai bên "vẫn tiếp tục được tự do qua lại, làm ăn sinh sống, di chuyển qua lại lẫn nhau", nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng từ Berlin nói với BBC News Tiếng Việt.

"Sau này, khi hai hệ thống bắt đầu hình thành rõ rệt, mức sống và bộ mặt xã hội thay đổi, khiến cho có xu hướng là người dân bên Đông muốn chạy sang bên Tây," nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.

Mỗi ngày có hàng ngàn người Đông Đức bỏ sang Tây Đức cởi mở, tự do hơn.

Năm 1961, theo chỉ thị của lãnh đạo Liên Xô khi đó, ông Nikita Khrushchev, để ngăn chặn dòng người ngày càng nhiều từ Đông Đức tìm cách bỏ chạy sang Tây Berlin, từ đó sang Tây Đức, Đông Đức quyết định xây tường.

Quân đội đã gấp rút chỉ trong một đêm 13/8/1961 dựng lên bức tường thực sự chia cắt Berlin.

Chụp lại video,

Bức tường Berlin trông thế nào?

Bức tường bất thình lình hiện lên sừng sững khiến người dân ở cả hai bên thành phố nằm giữa châu Âu kinh ngạc, và nó cũng chấm dứt chuyện qua lại của người dân hai bên.

Ban đầu chỉ là một bức tường bê tông với dây kẽm gai, dần dần, nó được xây dựng kiên cố với hai lớp tường, ở giữa là hành lang kiểm soát với các trạm gác, chốt theo dõi, các điểm đặt súng, đặt mìn, và được tuần tra nghiêm ngặt suốt ngày đêm với trên 11 ngàn binh lính và chó nghiệp vụ.

Chạy dọc từ phía bắc xuống phía nam thành phố, Bức tường Berlin có tám trạm kiểm soát chính, gồm bảy trạm kiểm soát đường bộ dành cho người và xe cộ, và một trạm kiểm soát đường hỏa xa.

Bên cạnh bức tường 'cứng' phân chia thành phố, còn có một bức tường 'mềm' bao quanh phần còn lại của Tây Berlin, dài 112km, tạo thành đường biên giới giữa vùng lãnh thổ này của Tây Đức với Đông Đức.

Tây Berlin trở thành một 'tủ kính' nằm lọt trong lòng Đông Đức.

Các hoạt động kết nối giữa Tây Berlin với phần còn lại của Tây Đức đều phải đi qua phần lãnh thổ của Đông Đức, nơi do Liên Xô kiểm soát.

Có mặt cùng phóng viên BBC News Tiếng Việt tại cây cầu Bösebrücke trên phố Bornholmer, một trong tám điểm kiểm soát quan trọng nhất tại Bức tường Berlin, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng nói việc di chuyển "được quy định rất chặt chẽ".

"[Có những quy định] về đường hàng không thì phải bay như thế nào, hành lang bay được phép bay. Đường bộ, gồm đường bộ cao tốc và đường sắt, một khi đã qua trạm kiểm soát ở Tây Berlin rồi là phải chạy thẳng, không được phép dừng lại."

Bức tường Berlin chia đôi thành phố dài 43km, được cho là bất khả xâm phạm, đã trở thành biểu tượng của sự chia cắt Đông-Tây, và được biết đến với tên gọi "Bức màn Sắt".

Chừng 5.000 người đã tìm cách vượt qua bức tường, nhưng đây quả thực là điều vô cùng khó khăn, nguy hiểm.

Hơn 100 người đã bị giết chết khi tìm cách vượt tường trong thời gian 28 năm tồn tại của 'Bức màn Sắt'.

Tuy nhiên, ở bên phía kia bức tường, Tây Đức không hề kiểm soát.

"Nhu cầu xây tường là nhu cầu của Đông Đức," nhà báo Lê Mạnh Hùng nói. "Họ muốn quản lý, không cho dân chúng chạy khỏi Đông Đức."

"Phía Tây Berlin không có nhu cầu đó. Ở vùng Tây Đức và Tây Berlin, người ta luôn chào đón, tìm cách giúp những người muốn vượt biên giới."

"Tại chính địa điểm này [chốt kiểm soát Bornholmer], đã từng xảy ra việc một nhân viên an ninh của Đông Đức lái chiếc xe tải cố tìm cách vượt qua cầu sang phía bên kia. Khi ông ta đã sang đến địa phận Tây Berlin, gần sát bên kia rồi, được sự giúp đỡ của cảnh sát Tây Berlin, nhưng ông ta vẫn bị đồng đội phía Đông bắn sang, mất mạng."

"Thậm chí có các chính trị gia, các nhà hoạt động xã hội sang đến Tây Berlin rồi vẫn bị an ninh Đông Đức sang tìm, ám sát."

Trong thập niên 1980, các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra tại nhiều nước Đông Âu thuộc phe xã hội chủ nghĩa.

Người dân muốn được tự do di chuyển, được hưởng quyền tự do biểu đạt, và họ lên tiếng đòi hỏi.

Sau khi hàng trăm người Đông Đức đào thoát qua ngả đi sang các nước láng giềng như Hungary và Tiệp Khắc, chính quyền Đông Berlin thấy ngày càng khó chặn đòi hỏi của người dân, những người muốn được quyền đi sang Tây Đức.

Vào ngày 9/11/1989, lãnh đạo Tây Đức trong một phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình nói rằng đường biên giới Đông-Tây sẽ được mở.

"Tối hôm đó, vào khoảng 19 giờ có cuộc họp báo của chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức," nhà báo Lê Mạnh Hùng kể lại.

"Lúc đó, ông [Günter] Schabowski, ủy viên Bộ Chính trị Đông Đức, người mới được bầu làm người phát ngôn của chính phủ, tổ chức họp báo."

"Người ta thắc mắc ông rất nhiều vấn đề - trước đó đã có sức ép từ phong trào nổi dậy bên Đông Đức - trong đó có vấn đề người Đông Đức được phép đi du lịch ra nước ngoài, được phép đi thăm thân ở Tây Đức, vốn đã là chủ đề gây sức ép rất lớn cho chính phủ."

"Trong khi dự thảo về vấn đề này vẫn đang còn được xem xét, chưa có ý kiến chính thức cuối cùng, thì trong buổi họp báo đó, một phóng viên bất ngờ đặt câu hỏi, 'quy định đó bắt đầu có hiệu lực từ khi nào?' và ông ấy đã trả lời rằng, 'Theo tôi nghĩ là ngay lập tức."

Nguồn hình ảnh, DPA / Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ủy viên Bộ Chính trị Đông Đức Günter Schabowski trong cuộc họp báo đêm 9/11/1989

Tin tức được phát trên truyền hình. Hàng triệu người dân Đông Đức nghe tin. Hàng ngàn người dân Đông Đức kéo tới bức tường, đòi binh lính mở cổng.

Cửa khẩu biên giới tại đường Bornholmer trở thành nơi "khai hỏa" cho sự sụp đổ của bức tường chia cắt Berlin.

"Lãnh đạo cơ quan biên phòng ở đây [cửa khẩu Bornholmer], Trung tá Harald Jäger, nghe được [câu trả lời của ông Schabowski] trong lúc nghỉ giải lao, vào lúc 20:00 giờ," nhà báo Lê Mạnh Hùng kể.

"Ngay lập tức đã có hàng nghìn, rồi hàng vạn người kéo đến đứng chật con đường này. Họ muốn vượt biên giới sang Tây Berlin."

"Ông trung tá gọi điện cho cấp trên để hỏi ý kiến và được cho biết là chưa có tin gì, cần bắt buộc chờ đến ngày hôm sau."

Nguồn hình ảnh, ullstein bild / Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Trung tá an ninh Harald Jäger là người đã quyết định mở toang biên giới vào đêm 9/11/1989 tại chốt kiểm soát Bornholmer, 'khai hỏa' cho sự sụp đổ nhanh chóng của Bức tường Berlin

Tuy nhiên, sức ép từ dân chúng quá lớn. Lực lượng biên phòng 16 người tại chốt kiểm soát này không thể ngăn cản được dòng người kéo tới càng lúc càng đông.

Không còn cách nào khác, ông trung tá nhượng bộ.

"20:23 phút đêm hôm đó, Trung tá an ninh Harald Jäger quyết định mở toang biên giới. Lúc đó, một làn sóng người dân Đông Đức tràn sang Tây Berlin," nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.

"Điều thú vị là trong dòng người này có cả bà Angela Merkel, khi đó bà ấy đã [đi sang Tây Berlin] ở đúng cửa khẩu này, trong đêm hôm đó."

Tiếp theo sau, các cửa khẩu khác cũng nhanh chóng được mở toang.

Cũng trong đêm, ở phía tây của bức tường, dân chúng kéo tới chờ đợi và chào đón những người đồng hương từ phía đông.

Ngày 9/11/1989 trở thành ngày bức tường bắt đầu bị đập bỏ, mở đầu cho tiến trình thống nhất nước Đức gần một năm sau đó, ngày 3/10/1990.

Nguồn hình ảnh, GERARD MALIE / Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hàng ngàn người dân Đông Đức trèo lên Bức tường Berlin, đoạn gần cổng thành Brandenburg hôm 11/11/1989

Nguồn hình ảnh, GERARD MALIE / Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người dân Tây Berlin hôm 11/11/1989 đã quyết định kéo sập một đoạn tường ở gần Quảng trường Potsdamer để mở lối đi mới cho người từ Đông Berlin sang

Video liên quan

Chủ Đề