Các giai đoạn phát triển của khoa học

Bởi Phạm, T.T., Đào Thị, L.C., Hoàng, T.L., Ngô, H.C., Hoàng, T.U., Trần Ngọc, M.H., Hoàng, M.H., Nguyễn, V.D.

Giới thiệu về cuốn sách này

CỤC THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA

60 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

        Đồng hành cùng sự phát triển của Bộ Khoa học và Công nghệ [mà tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước], Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã có bề dày 60 năm phát triển. Quá trình phát triển của Cục trải qua các thời kỳ: Thư viện Khoa học Trung ương, Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương, Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương, Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia và nay là Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

I. Giai đoạn 1958-1968: Thư viện Khoa học Trung ương

        Ngày 06/02/1960, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 040-TTg thành lập Thư viện Khoa học Trung ương thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước trên cơ sở tổ chức lại thư viện của Viện Viễn đông Bác cổ [École Française d'Extrême-Orient] ở Hà Nội với nhiệm vụ "Căn cứ vào đường lối của Đảng và Chính phủ, sưu tầm, thu mua, bảo quản, trao đổi, giới thiệu các tài liệu khoa học, phục vụ cho công cuộc nghiên cứu khoa học, nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và cho chủ nghĩa xã hội trên thế giới". Khi được thành lập, Thư viện Khoa học Trung ương đã hình thành kho tư liệu tổng hợp với khoảng 85.000 đầu sách in, 5.700 bản chép tay, 25.000 bản dập bia, 18.000 thần tích, hương phả, 25.000 tấm ảnh, thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. 

II. Giai đoạn 1968-1990: Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương

        Năm 1968, do Ủy ban Khoa học Nhà nước đã được tách thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Ủy ban Khoa học xã hội, Thư viện Khoa học Trung ương cũng được chia tách thành hai thư viện độc lập: Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, và Thư viện Khoa học xã hội trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội. Ngay sau khi chia tách, Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương đã chuyển đổi từ một thư viện tổng hợp thành thư viện đa ngành KH&KT, có một phần tài liệu về kinh tế kỹ thuật, không bao gồm tài liệu về KHXH&NV và được coi là trung tâm tư vấn nghiệp vụ, điều hòa phối hợp các hoạt động nghề nghiệp cho toàn mạng lưới thư viện KH&KT miền Bắc.

        Năm 1990, Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương sáp nhập với Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương để hình thành Trung tâm Thông tin-Tư liệu KH&CN quốc gia.

III. Giai đoạn 1961-1990: Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương

1. Giai đoạn 1961-1972: Phòng Thông tin khoa học

        Ngày 18/8/1961, Phòng Thông tin khoa học được thành lập theo Quyết định số 64-KHH/QĐ của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, đặt nền móng cho phát triển hoạt động thông tin KH&KT, với hai nhiệm vụ chính: [1] sưu tầm, nghiên cứu, chọn lọc và phổ biến những kinh nghiệm, thành tựu và tình hình phát triển KH&KT trong và ngoài nước để phục vụ sản xuất, nghiên cứu khoa học và giảng dạy; [2] Giúp Ủy ban Khoa học Nhà nước chỉ đạo việc xây dựng công tác thông tin khoa học phù hợp với tình hình, yêu cầu trong nước; bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin khoa học cho cán bộ thông tin.

        Năm 1970, Phòng Thông tin khoa học trở thành một bộ phận của Vụ Thông tin khoa học kỹ thuật và Hợp tác quốc tế.

2. Giai đoạn 1972-1990: Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương

        Ngày 04/10/1972, Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được thành lập theo Quyết định số 187-CP của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở Phòng Thông tin khoa học. Việc thành lập Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương, công tác thông tin KH&KT đã thúc đẩy sự phát triển công tác thông tin KH&CN và hình thành mạng lưới thông tin KH&CN quốc gia.

        Ngay sau khi được thành lập, Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương đã triển khai biên soạn và phát hành các sản phẩm thông tin như các bản tin định kỳ về khoa học cơ bản, thông tin thư mục, Tạp chí tóm tắt các bài báo khoa học và kỹ thuật Việt Nam, bản tin tiếng Anh "Vietnamese Scientific and Technical Abstracts" phục vụ trao đổi quốc tế.  

        Nhằm tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong hoạt động thông tin KH&CN, ngay sau khi được thành lập, Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương đã xuất bản "Tập san Hoạt động Thông tin khoa học và kỹ thuật"- bản tin chuyên ngành đầu tiên trong lĩnh vực thông tin KH&CN, tiền thân của Tạp chí Thông tin và Tư liệu ngày nay. Đến năm 1980, với mục tiêu tăng cường công tác lý luận của một chuyên ngành khoa học là thông tin học, "Tập san Hoạt động Thông tin khoa học và kỹ thuật" được đổi tên thành "Tập san Thông tin học".

        Đến năm 1985, Hệ thống Thông tin KH&KT quốc gia đã cơ bản được hình thành trên cơ sở Quyết định 133/QĐ ngày 2/4/1985 của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước [nay là Bộ KH&CN] quy định thống nhất về tổ chức và hoạt động thông tin KH&KT. Đến cuối năm 1986, hệ thống này đã bao quát hầu hết các ngành kinh tế và lĩnh vực KH&KT ở cả trung ương và địa phương với tổng số hơn 250 đơn vị, bao gồm hơn 40 cơ quan thông tin ngành và chuyên dạng tài liệu, 40 cơ quan thông tin địa phương, 150 tổ chức thông tin cơ sở. Công tác thông tin khoa học và kỹ thuật đã trở thành một hoạt động mang tính xã hội, đạt được nhiều thành tựu và có đóng góp tích cực phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu và sản xuất.

        Năm 1990, Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương đã tiếp nhận và quản lý công tác đăng ký đề tài và báo cáo kết quả nghiên cứu KH&CN  từ Vụ Tổng hợp Kế hoạch [theo Quyết định 478/TCCB ngày 18/9/1990].

IV. Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

1.      Giai đoạn 1990-1995

        Ngày 24/9/1990, Trung tâm Thông tin-Tư liệu KH&CN quốc gia được thành trên cơ sở hợp nhất Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương và Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương [theo Quyết định số 487/TCCB của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước] nhằm mục tiêu tăng cường khai thác, phát huy vốn tư liệu KH&CN phong phú của Thư viện Khoa học và Kỹ thuật Trung ương cũng như năng lực xử lý, phổ biến thông tin, đặc biệt là năng lực ứng dụng CNTT của Viện Thông tin Khoa học và Kỹ thuật Trung ương. Trung tâm có nhiệm vụ giúp Ủy ban KHKT Nhà nước thực hiện chức năng thông tin-tư liệu KH&CN và quản lý thống nhất hoạt động thông tin KH&CN trong phạm vi cả nước.

        Trong giai đoạn 1990-1995, Trung tâm Thông tin-Tư liệu KH&CN quốc gia đã tiến hành đổi mới công tác kế hoạch và phương thức cấp phát kinh phí thông qua ký kết hợp động thực hiện những nhiệm vụ cụ thể, giúp nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư, xây dựng tiềm lực thông tin có định hướng; mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ thông tin; tạo quyền chủ động cho các cơ quan thông tin trong hệ thống. Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động thông tin KH&CN được tăng cường. Năm 1994, Trung tâm đã đầu tư xây dựng và vận hành Mạng thông tin diện rộng IDNET, tích hợp hàng chục CSDL theo khổ mẫu chung, đưa các CSDL quốc tế trên CDROM với hàng chục triệu biểu ghi vào mạng khai thác theo chế độ trực tuyến. Năm 1995, trên cơ sở Mạng thông tin diện rộng IDNET, Trung tâm đã tạo lập và vận hành Mạng thông tin Kinh tế-Khoa học-Công nghệ và Môi trường - VESTENET. Từ năm 1997, sau khi Việt Nam tham gia  mạng toàn cầu Internet, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ mạng Internet và phát triển VESTENET thành Mạng Thông tin KH&CN Việt Nam - VISTA ngày nay.

        Để quản lý và sử dụng có hiệu quả các kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN, Trung tâm đã tiến hành xây dựng các CSDL về đề tài khoa học [CSDL DETAI] với gần 2.500 biểu ghi/8.500 đề tài đã đăng ký và CSDL về báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN [CSDL KQNC] với gần 2.900 biểu ghi/3.000 kết quả nghiên cứu đã đăng ký. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức thu tư liệu từ vệ tinh để xây dựng hàng trăm băng hình khoa học và kỹ thuật phục vụ công tác tuyên truyền và phổ biến các thành tựu KH&CN.

        Năm 1992, theo quy hoạch báo chí của Bộ KH&CN, "Tập san Thông tin học” được nâng cấp thành "Tạp chí Thông tin và Tư liệu" và trở thành cơ quan lý luận của toàn ngành thông tin, thư viện và thống kê KH&CN Việt Nam.

2. Giai đoạn 1996-2000

        Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000, Trung tâm đã triển khai biên soạn Chiến lược tăng cường công tác thông tin KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhiệm vụ đến năm 2000. Nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ, Trung tâm đã đẩy mạnh dịch vụ phục vụ thông tin có thu, ký kết hợp đồng thông tin trọn gói với các ngành và địa phương. Thông qua đó, tiềm lực tin học của Trung tâm đã được gia tăng đáng kể. Mạng thông tin khoa học, công nghệ và môi trường quốc gia với giao thức Internet đã được thiết lập, tạo điều kiện cho việc truy cập rộng rãi các CSDL trong và ngoài hệ thống. CSDL toàn văn cũng bắt đầu được triển khai tại Trung tâm. Các phòng đọc tại Thư viện đều có máy tính để tra cứu, phòng đọc đa phương tiện được thành lập.

        Trong giai đoạn 1996-2000, Hệ thống thông tin KH&CN quốc gia đã được củng cố, phát triển từ trung ương đến các địa phương bao gồm: Trung tâm Thông tin-Tư liệu KH&CN quốc gia, cơ quan đầu mối; 38 viện/trung tâm thông tin KH&CN của bộ/ngành; 61 tổ chức thông tin KH&CN địa phương; Hơn 500 tổ chức thông tin KH&CN cấp cơ sở trực thuộc các tổ chức nghiên cứu và phát triển, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, doanh nghiệp,...

3. Giai đoạn 2000-2009     Năm 2000, với việc Luật KH&CN được Quốc hội Khoá X kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 9/06/2000, hoạt động thông tin KH&CN được coi là một trong nội dung cơ bản của quản lý Nhà nước về KH&CN, đầu tư cho thông tin là đầu tư cho phát triển.

       Năm 2002, Trung tâm bắt đầu triển khai nghiên cứu và thực hiện công tác thống kê KH&CN. Trung tâm đã tổ chức được cuộc điều tra nghiên cứu và phát triển đầu tiên theo phương pháp luận quốc tế; tạo lập được số liệu ban đầu thống kê nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam. Số liệu điều tra năm 2002 đã được UNESCO sử dụng và đưa vào CSDL thống kê của UNESCO.

        Năm 2003, Trung tâm được Lãnh đạo Bộ KH&CN giao làm đầu mối, thường trực, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, UBND Tp. Hà Nội và UBND Hồ Chí Minh, tổ chức thành công Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 [Techmart Việt Nam 2003] quy mô quốc gia lần đầu tiên ở nước ta - một sự kiện đánh dấu bước đột phá trong việc tạo lập và phát triển thị trường công nghệ ở Việt Nam. Từ thời điểm đó, Trung tâm đã được giao nhiệm vụ tổ chức và quản lý hoạt động Techmart Việt Nam. Cùng với Techmart Việt Nam 2003, Techmart ảo cũng được triển khai đã hỗ trợ tích cực hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân trong tìm kiếm, giao dịch và chuyển giao công nghệ.

        Năm 2003, Trung tâm Thông tin-Tư liệu KH&CN quốc gia được đổi tên thành Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

        Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin, thống kê KH&CN; đẩy mạnh hoạt động thông tin, thống kê KH&CN, Trung tâm đã hoàn thành việc soạn thảo trình Bộ KH&CN trình Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31/8/2004 về hoạt động thông tin KH&CN; Nghị định số 30/2006/NĐ-CP về thống kê KH&CN; chủ trì soạn thảo trình Bộ KH&CN ban hành Quy chế đăng ký, lưu giữ và sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN [Quyết định số 03/2007/QĐ-BKHCN ngày 16/3/2007].

        Năm 2004, Trung tâm đã chủ trì tổ chức thành lập Liên hợp thư viện Việt Nam [Consortium] các nguồn tin KH&CN để phối hợp bổ sung, chia sẻ, sử dụng chung tài nguyên thông tin KH&CN. Các thành viên của Liên hợp thư viện đã nhất trí đề nghị Trung tâm Thông tin KH&CN quốc gia [nay là Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia] là cơ quan điều phối của Liên hợp.

        Từ ngày 11/3/2005, Việt Nam chính thức được UNESCO chấp nhận là quốc gia thành viên của mạng lưới mã số chuẩn quốc tế cho ấn bản phẩm nhiều kỳ [ISSN]. Trung tâm được chỉ định là Trung tâm ISSN quốc gia của Việt Nam, trực tiếp tổ chức và thực hiện việc đăng ký, cấp mã số ISSN trên lãnh thổ Việt Nam. Tính đến tháng 6/2009, Trung tâm ISSN Việt Nam đã đăng ký và cấp số ISSN cho 294 xuất bản phẩm.

        Từ năm 2006, Trung tâm được Lãnh đạo Bộ giao làm đầu mối và chủ trì triển khai kết nối Mạng thông tin Á- Âu giai đoạn II [TEIN 2]. Sau một thời gian tích cực triển khai, VinaREN đã được khai trương và chính thức đưa vào vận hành từ tháng 2/2008. Sau một thời gian ngắn, VinaREN đã có 55 mạng thành viên gồm các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu, một số bệnh viện và trung tâm thông tin lớn tại 11 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ đó, cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam có thể giao lưu và liên kết hợp tác với hơn 40 triệu nhà khoa học tại hơn 4.000 trường đại học, phòng thí nghiệm hàng đầu trên thế giới.

        Trung tâm đã soạn thảo và trình Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành Quy chế Chợ Công nghệ và Thiết bị [Quyết định số 15/2007/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2007] và Thông tư số 152/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17/12/2007 về việc hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc tổ chức Chợ Công nghệ và Thiết bị - một trong những hình thức và biện pháp thúc đẩy hình thành thị trường công nghệ, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh.

        Trung tâm đã chủ trì soạn thảo, trình Bộ KH&CN ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê KH&CN, như: Thông tư số 05/2009/TT-BKHCN ngày 30/3/2009 quy định về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành  KH&CN, Quyết định 12/2008/QĐ-BKHCN ngày 04/9/2008 ban hành một số bảng phân loại thống kê KH&CN, Quyết định số 1757/QĐ-BKHCN ngày 27/8/2009 quy định danh mục các cuộc điều tra thống kê KH&CN ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia.

V. Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

        Ngày 17/12/2009, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia chính thức được thành lập tại Quyết định số 2880/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin KH&CN quốc gia.

        Ngày 28/01/2010 Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành Quyết định số 116/QĐ-BKHCN Điều lệ tổ chức và hoạt động đầu tiên của Cục Thông tin KH&CN quốc gia. Đến nay Bộ KH&CN đã ban hành 02 quyết định nữa phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cục vào năm 2013 [QĐ số 1416 /QĐ-BKHCN ngày 06/6/2013] và 2018 [QĐ số 1785/QĐ-BKHCN ngày 26/6/2018].

        Cục Thông tin KH&CN quốc gia có chức năng "tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về thông tin, thư viện, thống kê KH&CN". Việc thành lập Cục Thông tin KH&CN quốc gia được coi là một bước phát triển mới trong hoạt động thông tin-thư viện-thống kê KH&CN của đất nước. Một trong những điểm mới trong trong cơ cấu tổ chức của Cục là ngoài các đơn vị quản lý, đơn vị thông tin truyền thống, đã hình thành Trung tâm CSDL quốc gia về KH&CN, Thư viện KH&CN quốc gia, Trung tâm Thống kê KH&CN, Trung tâm Mạng thông tin KH&CN tiên tiến nhằm triển khai những định hướng hoạt động thông tin KH&CN thời gian này là: xây dựng và phát triển CSDL quốc gia về KH&CN, tăng cường công tác thống kê KH&CN; đẩy mạnh phát triển và chia sẻ nguồn tin KH&CN.

        Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã đóng góp tích cực vào xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thông tin-thư viện-thống kê KH&CN. Cục đã chủ trì soạn thảo, trình Bộ KH&CN trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/02/2014 về hoạt động thông tin KH&CN thay thế Nghị định 159/2005/NĐ-CP; trình Bộ KH&CN ban hành Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11/6/2014 quy định về thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN [thay thế Quy chế đăng ký, lưu giữ và sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN ban hành kèm theo Quyết định 03/2007/QĐ-BKHCN], Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN ngày 28/06/2017 về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, duy trì và phát triển CSDL quốc gia về KH&CN; Thông tư số 03/2018/TT-BKHCN ngày 15/05/2018 ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành KH&CN và phân công thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về KH&CN [thay thế Thông tư 14/2015/TT-BKHCN], Thông tư số 15/2018/TT-BKHCN ngày 15/11/2018 về quy định chế độ báo cáo thống kê ngành KH&CN [thay thế các 25/2015/TT-BKHCN, 26/2015/TT-BKHCN về chế độ báo cáo thống kê KH&CN]; Thông tư 04/2018/TT-BKHCN ngày 15/5/2018 quy định các cuộc điều tra thống kê KH&CN. Đặc biệt là Cục đã xây dựng, trình Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn tin KH&CN nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018].

        Cùng với việc hình thành và phát triển Cục Thông tin KH&CN quốc gia, mạng lưới các tổ chức đầu mối về hoạt động thông tin, thống kê KH&CN ở các bộ ngành, địa phương cũng được kiện toàn theo mô hình mới trên cơ sở Nghị định số 11/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đã có trên 30 bộ, ngành và 63 địa phương đã chỉ định đơn vị thực hiện chức năng thông tin KH&CN. Mô hình tổ chức cơ quan thông tin KH&CN địa phương được thay đổi trên cơ sở thực hiện Thông tư liên tịch 29/2014/TTTL-BKHCN-BNV ngày 15/10/2014, theo đó đã có 30 trên 63 tỉnh/thành phố thành lập Trung tâm Thông tin-Thống kê KH&CN [thay cho Trung tâm Tin học và Thông tin KH&CN thời kỳ trước]. Mạng lưới các tổ chức đầu mối về hoạt động thông tin, thống kê KH&CN đã tăng cường kết nối thông qua Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam [VinaREN] và Cổng thông tin thông tin KH&CN quốc gia [VISTA], qua đó, các tổ chức có quyền truy cập vào các CSDL, nguồn tin KH&CN do Bộ KH&CN xây dựng hoặc mua quyền truy cập của nước ngoài.

        Trong giai đoạn 2010-2018, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã tiếp nhận, xử lý và cấp 8.169 giấy chứng nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN các cấp. Do chủ động hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN, số lượng giấy chứng nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN đã cấp mỗi năm tăng từ khoảng 700 giấy chứng nhận/năm giai đoạn 2010-2015 lên khoảng 1.300 giấy chứng nhận/năm giai đoạn 2016-2018 [3.917 giấy chứng nhận, tăng trưởng 84%]. Từ 2017, Cục đã triển khai công tác đăng ký, xử lý kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN qua dịch vụ công trực tuyến. Cục Thông tin KH&CN quốc gia cũng tiến hành tra cứu, cung cấp thông tin phục vụ công tác xét duyệt giao, đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN cho hàng nghìn nhiệm vụ KH&CN các cấp [riêng năm 2017-2018 đã tra cứu và cung cấp thông tin cho trên 2.400 nhiệm vụ].

        Công tác cấp mã số xuất bản phẩm nhiều kỳ [ISSN] cho các tạp chí được tiếp tục được triển rộng rãi. Trong 5 năm, từ 2014-2018, Cục đã tiếp nhận 255 đơn và đã xử lý, cấp hàng trăm mã số ISSN. 

        Năm 2011, Tạp chí Thông tin và Tư liệu sau gần 40 năm thành lập, thực sự trở thành cơ quan lý luận uy tín trong lĩnh vực thông tin-thư viện-thống kê KH&CN và đã được xếp vào danh mục các tạp chí khoa học chuyên ngành được tính điểm công trình khoa học quy đổi khi xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư.

        Từ 2013, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã khôi phục lại biên soạn và phát hành Sách Khoa học công nghệ Việt Nam hằng năm sau một thời gian dừng xuất bản; biên soạn và phát hành nhiều ấn phẩm chuyên đề phục vụ lãnh đạo các cấp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp [như: Tổng luận Khoa học - Công nghệ - Kinh tế; Bản tin Chiến lược; Bản in Khởi nghiệp-Đổi mới sáng tạo; Sách Khoa học và Công nghệ thế giới]. Đồng thời Cục cũng đã cập nhật thông tin về sự phát triển KH&CN tới xã hội, đăng tải hàng chục nghìn tin, bài nghiên cứu tổng hợp về KH&CN trong và ngoài nước trên Cổng thông tin điện tử của Cục và của Bộ KH&CN.

        Hạ tầng thông tin KH&CN phục vụ cung cấp, chia sẻ nguồn tin KH&CN, với nền tảng là Mạng Nghiên cứu và Đào tạo Việt Nam [VinaREN] và Cổng thông tin thông tin KH&CN quốc gia [VISTA] tiếp tục được phát triển. Cục đã triển khai tích hợp các CSDL vào Hệ thống thông tin KH&CN bao gồm các CSDL Nhiệm vụ KH&CN, CSDL Công bố KH&CN Việt Nam và CSDL Tổ chức KH&CN tại địa chỉ //sti.vista.gov.vn để tạo điều kiện xây dựng và phát triển CSDL quốc gia về KH&CN. Cục đã xây dựng Cổng Thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại địa chỉ //startup.gov.vn để cung cấp các thông tin về hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho cộng đồng, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn quốc. Hiện nay, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ KH&CN xây dựng Hệ thống trao đổi và tích hợp các CSDL dùng chung của Bộ KH&CN phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành của Bộ.

        Nguồn tin KH&CN tiếp tục được tăng cường, bổ sung, phát triển theo hướng tăng cường nguồn tin số. Cục Thông tin KH&CN quốc gia tiếp tục cập nhật và nâng cấp 02 CSDL nội sinh giá trị là CSDL Nhiệm vụ KH&CN và Công bố KH&CN Việt Nam.

        Công tác bổ sung nguồn tin KH&CN quốc tế vẫn được quan tâm đầu tư với việc tiếp tục bổ sung những CSDL có giá trị, cốt lõi như CSDL Web of Science [trước đây hay gọi là CSDL ISI], IEEE, ACS, Proquest Central, Springer Nature,…Năm 2018, để triển khai “Đề án Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cục đã chủ trì vận động thành lập Liên hợp thư viện bổ sung nguồn tin điện tử Science@Direct, gồm Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học bách khoa Hà Nội. Liên hợp thư viện Việt Nam về các nguồn tin điện tử do Cục Thông tin KH&CN quốc gia làm đầu mối, sau 15 năm hoạt động, đã phát triển cả về số lượng và chất lượng [từ 26 thành viên ban đầu đã tăng lên đến gần 100 đơn vị tham gia, trong đó trên 40 đơn vị đã đóng góp kinh phí mua chung CSDL quy mô toàn cầu Proquest Central].

    Hệ thống nguồn tin truy cập mở Tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến - VJOL [//www.vjol.info.vn] tiếp tục được phát triển với 98 tạp chí KH&CN tham gia xuất bản và công bố, trên 45.425 bài viết, trong đó có 44.278 bài viết được cung cấp toàn văn dưới định dạng PDF cho bạn đọc ở Việt Nam và toàn thế giới.

        Hoạt động thống kê KH&CN được triển khai một cách bài bản, thường xuyên và có hiệu quả. Cùng với việc chủ trì soạn thảo và trình Bộ KH&CN các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hành lang pháp lý cho thực hiện và phát triển công tác thống kê KH&CN, từ năm 2010 đến nay, Cục Thông tin KH&CN quốc gia chủ trì tổ chức được các cuộc điều tra thống kê quy mô quốc gia trong đó có các cuộc điều tra nghiên cứu và phát triển [hai năm một lần, vào các năm chẵn], điều tra tiềm lực KH&CN [5 năm một lần, vào các năm có số cuối là 4 và 9], điều tra đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp [3 năm một lần], điều tra nhận thức công chúng về khoa học và công nghệ,... Hoạt động thống kê KH&CN đã cung cấp số liệu thống kê tin cậy, kiểm chứng được về hiện trạng KH&CN của đất nước, làm cơ sở tin cậy cho công tác quản lý và hoạch định chính sách KH&CN.

        Với những thành tích đã đạt được, Cục đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua như: 02 Huân chương Lao động hạng nhất [cho Thư viện KH&KT trung ương [năm 1981] và Trung tâm Thông tin KH&CN quốc gia năm [năm 2005], Huân chương Độc lập hạng Ba [năm 2010]; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua của Chính phủ; nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN.

        Trải qua quá trình 60 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã phát triển từ một thư viện khoa học đơn lẻ và một phòng thông tin khoa học trở thành một cơ quan thông tin thông tin-thư viện-thống kê hiện đại như ngày nay. Để có được những kết quả và thành tựu như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của các thế hệ Lãnh đạo của Ủy ban Khoa học Nhà nước, Ủy ban KH&KT Nhà nước, Bộ KHCN&MT trước đây và Bộ KH&CN hiện nay; sự đóng góp, nỗ lực, lao động đầy tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ thông tin-thư viện và thống kê. Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã khẳng định vai trò quan trọng của mình đối với xã hội, đối với công tác quản lý và phát triển hoạt động KH&CN.

        Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, Cục Thông tin KH&CN quốc gia cần phải tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh và mạnh hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu quản lý hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo./.

Video liên quan

Chủ Đề